NGƯỜI LẮM ĐAM MÊ
Bộ phim truyện nhựa Hà Nội - Hà Nội được trao giải Cánh diều vàng tại Liên hoan phim 2007 do Hội Điện ảnh tổ chức, tôi là người được thơm lây. Cả tuần lễ tiếp sau đêm công bố giải thưởng, đến đâu tôi cũng nhận được những lời chúc mừng của bạn bè trong và ngoài giới văn chương, Điện ảnh và Báo chí. Cứ như thể tôi là người quan trọng làm nên thành công của bộ phim. Cũng cần nói thêm rằng, Hà Nội - Hà Nội là kết quả của sự hợp tác giữa Hãng phim Hội Nhà văn và Xưởng phim Dân tộc Vân Nam - Trung Quốc. Trong kết quả tốt đẹp của sự hợp tác ấy, tôi, một nhân viên của Hãng phim Hội Nhà văn, chẳng có được chút xíu công lao đóng góp nào hết. Vì thế mà, mỗi khi nhận lời chúc mừng, tôi cứ nong nóng mặt nói lời cảm ơn và liền sau đấy là mấy câu thanh minh.
Cuối năm 2005, bàn giao xong công việc Phó Tổng biên tập thường trực Tạp chí Văn nghệ công nhân, cơ quan ngôn lụân về văn học – nghệ thuật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tôi sang làm cán bộ biên tập của Hãng phim Hội Nhà văn. Sự chuyển việc chóng vánh này là do thịnh tình của lãnh đạo Hãng phim. Giám đốc Hà Phạm Phú và Phó giám đốc Đào Quang Thép là những người nhiệt thành đưa tôi gia nhập làng điện ảnh. Bài học nhập môn đến với tôi ngay trong ngày đầu tiên tôi “ra mắt” Hãng, khi tôi chứng kiến cái vòng quay hối hả mà tập thể cán bộ nhân viên của hãng đang bị cuốn vào để thực hiện những cảnh quay cuối cùng của phim Hà Nội - Hà Nội trên đất Việt Nam. Cả núi công việc phải lo liệu cùng lúc. Việc đầu tiên là nơi ăn chốn ở cho đoàn bạn từ Vân Nam sang sao cho tươm tất. Rồi, lo liên hệ chuẩn bị các địa điểm cần quay. Lo tìm thuê máy quay phim nhựa cùng các trang thiết bị đi kèm theo máy. Lo giữ vững liên lạc với các diễn viên Việt Nam đã được Hãng chọn ký hợp đồng thủ vai trong phim… Nhưng cái lo lớn nhất là lo... tiền! Không có tiền, mọi cái lo kia thành vô nghĩa. Mà tiền cần dùng để sản xuất một phim truyện nhụa thì phải tính tiền tỉ. Nỗi lo kiếm tiền này cùng toàn bộ những lo tính cho guồng quay của đoàn làm phim hoạt động trơn tru quả là một gánh nặng quá sức. Là lính mới tò te, Giám đốc thương tình không giao việc gì, tôi tò mò dõi theo cách thức tổ chức làm phim, nhất là phim truyện nhựa, qua sự điều hành của Giám đốc. Cánh cửa vào phòng làm việc của Ban Giám đốc được dán ngày một thông báo ngắn gọn: “Văn phòng Đoàn làm phim”. Trong phòng, ngày ngày có hai người thường trực: Giám đốc và chuyên viên tổ chức sản xuất. Các cán bộ của Hãng đã được Giám đốc giao việc rõ ràng, người nào việc ấy, đi thực hiện, có khó khăn trục trặc gì thì điện về báo cáo, Giám đốc nghe và cho ý kiến giải quyết kịp thời. Cung cách điều hành ấy, Giám đốc sẽ bấn bíu lắm. Vậy mà lạ, tôi thấy ông Phú vẫn thong dong, áo phông cộc tay, khoác thêm cái gilê caki lắm túi, thứ trang phục đặc trưng của các nhà báo, kính trắng không rời mắt, ngày ngày ông có mặt ở cơ quan trước giờ quy định, ngồi bên máy tính làm việc, lúc lúc áp cái di động vào tai a lô cho đâu đó. A lô tiếng ta, a lô cả tiếng Tàu. Nghe ông “ủa” “nỉ” trơn tru, cặp kính nghiêng nghiêng, miệng cười trông ông như một vị chuyên gia Trung Quốc những năm 60 thế kỷ trước sang giúp ta mở đường và xây dựng nhà máy gang thép Thái Nguyên. Xen trong những đối đáp liên quan tới Hà Nội - Hà Nội, thỉnh thoảng có những “a lô” hò hẹn và ông rời bàn, ra xe ô tô lái đi.
- Lão ấy thế đấy, chơi và làm, chơi đấy mà làm đấy, và rất được việc. Ông xem, phim Hà Nội - Hà Nội vẫn tiến hành đều đều, đúng không?
Nhà văn Hà Đình Cẩn nheo mắt sau cặp kính, văng cái từ bà con thôn quê vẫn nói thường ngày. Là bạn học với ông thời khóa 2 trường viết văn Nguyễn Du, biết tính ông hay cao hứng, giờ tuy một lúc đảm trách cả giám đốc nhà xuất bản lẫn Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu vẫn nguyên cái nết đùa vui, tôi tìm cách kiểm định nhận xét của ông qua người khác. Nghe tôi hỏi, nhà văn Đào Quang Thép gật gật.
- Ông Cẩn nói đúng đấy. Đây, ông coi cái danh mục phim Hãng đã làm trong những năm qua. Từ phim truyện Viđeo đầu tiên dài 10 tập Ông cố vấn rồi Mùa phượng tím, đến Mật mã 1789, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, và Hà Nội - Hà Nội vừa làm xong, thêm cái Cạm bẫy tình làm sau Ông cố vấn nữa, cộng thêm mấy phim tài liệu có giá Bác Hồ ở Vân Nam và Tiền Cụ Hồ, phim nào cũng có sự góp mặt của ông ấy. Lúc ông ấy làm biên tập, lúc ông ấy làm chủ nhiệm phim. Nhiều nhất là ông ấy làm Giám đốc sản xuất. Khi cần, ông ấy làm cả diễn viên. Có hai thứ công việc không hiện chữ trên màn ảnh nhưng là hai việc cực kỳ quan trọng quyết định có hay không có phim, ấy là lo kinh phí làm phim và lo bắt tay hợp tác làm phim với các bạn Trung Quốc.
- Như anh kể thì hầu hết các công đoạn làm phim ông Phú đều đã làm, chắc ông ấy đã theo học chuyên ngành điện ảnh?
- Ông ấy vốn là dân làm báo, từng là trưởng phòng của báo Quân đội Nhân dân. Theo chỗ tôi biết thì ông ấy chưa từng học cả Điện ảnh lẫn truyền hình, không sợ nói ngoa khi nói rằng, với Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam, ông ấy là một trong những tên tuổi đã góp phần quan trọng làm nên thương hiệu của Hãng.
***
Hà Phạm Phú sinh tháng 9 năm Quý Mùi, 1943. Tính ra cũng có đến hai nghề và ba nghiệp.
Nghề đầu tiên ông được đào tạo là nghề lái máy bay trực thăng vận tải.
Tháng 6 năm 1961, vào học hết lớp 9 hệ phổ thông 10 năm, qua một cuộc tuyển chọn đặc biệt kỹ lưỡng, Hà Phạm Phú chính thức rời nhà, mặc áo lính về sân bay Cát Bi, Hải Phòng để theo học trường Hàng không Việt Nam. Ở đây sau khi kiểm tra lại sức khỏe, không đạt tiêu chuẩn một phi công lái máy bay phản lực, ông được vào học lái máy bay trực thăng vận tải. Năm 61 mà được chọn học lái máy bay là đời tươi rồi! Nhưng không chỉ có thế, sao chiếu mệnh ông sáng lắm. Việc học bay đang tiến triển thuận lợi thì kế hoạch đào tạo thay đổi: Cấp trên chuyển ông về truờng Văn hóa quân đội ở Lạng Sơn để ông học cho hết cấp 3 phổ thông và học tiếng Nga, chuẩn bị đưa ông sang Liên Xô đào tạo chính quy dài hạn. Cầm xong tấm bằng tốt nghiệp lớp 10, trong khi chờ du học, ông tạm quay về làm lính sư đoàn 308. Năm 1964, ông lên đường sang Liên Xô, qua thủ đô Bắc Kinh vào đúng mùng 1 tết, và tập kết tại Ki-ép để theo học khóa tiếng Nga chuẩn bị học chuyên khoa kỹ thuật quân sự. Đùng cái, có lệnh về nước học nghị quyết 9 “Chống chủ nghĩa xét lại”, việc du học trên nước Nga lỡ dở. Trục trặc này với người khác, đường học hành có khi tắc hẳn, nhưng ông thì không. Lỡ học Tây thì ngay đầu năm sau, năm 1965, ông được du học bên Tàu. Học một lèo 4 năm về môn Kỹ thuật thiết kế pháo, tốt nghiệp về nước ông được điều về dạy bộ môn này tại trường Đại học quân sự. Oách đấy chứ, cuối những năm 60 đã là giáo viên dạy Đại học! Và ông đã gắn bó 9 năm với giảng đường đại học này.
Nhưng rồi ông cũng lại bỏ cái nghề thứ hai khá cao sang ấy.
Tuổi Quý Mùi là cầm tinh con dê. Hẳn ông là con dê núi chứ không phải dê nhà nên ông mới đi khỏe đi nhiều, không chịu chôn chân một chỗ.
Bỏ giảng đường Đại học Quân sự, ông đi đâu? Hóa ra ông muốn dấn thân vào cái Nghiệp Chữ. Ông đã bị nàng Thơ ám ảnh, bỏ bùa… Chuyện là, năm 1962, khi đang làm lính sư đoàn 308, con tim ông bỗng rung động thốt ra bản Tình ca rừng xanh. Bài thơ được đăng ở báo Thủ đô Hà Nội, với bút danh Hà Văn Phú. Đây cũng chính là họ tên của ông trong quân ngũ, cái tên ông tự đặt từ khi cắp sách đến trường, bỏ hẳn cái tên Hà Khoát Hải cha mẹ đặt cho. Phải 10 năm đeo đuổi, đến năm 1972, ông mới lại được in bài thơ thứ hai Viên gạch của Bác Hồ. Năm sau nữa, ông mới chòi được thơ mình vào báo Văn nghệ của Hội Nhà văn, với bài Đôi dép Bác Hồ, khi đã có Viên gạch của Bác Hồ in báo Nhân Dân. Rồi bài thơ thứ tư, thứ năm kế tiếp nhau được in, và cái nghiệp chữ nó quấn lấy ông khiến ông bỏ giảng đường Đại học đi làm anh nhà báo mặc áo lính. Đầu năm 1978, Hà Phạm Phú thành phóng viên báo Quân đội nhân dân. Chẳng hề qua trường lớp đào tạo, bằng năng khiếu bẩm sinh và lòng say mê, Hà Phạm Phú ham đọc ham viết và gặt hái kết quả trong Nghiệp Báo. Ông đã được tặng Giải nhất báo chí cùng hai bạn nghề là Nguyễn Phúc ấm và Nguyễn Đức Toại, trở thành một trong những trưởng phòng của báo Quân đội nhân dân một thời.
Nhắc lại 12 năm làm báo, ông thường nhớ hai kỷ niệm. Ấy là chuyến lang thang khắp vùng Tây Bắc cả tháng trời đầu xuân 1981, và sự ra đời truyện ngắn Phía trước ông viết sau chuyến đi với pháo binh.
Chuyện thứ nhất thế này: Sắp tết nguyên đán 1981, ông được thủ trưởng cơ quan gọi lên, lệnh: Hãy xuống một đơn vị ăn tết và viết bài phản ánh không khí đơn vị đón xuân. Nhà báo mặc áo lính, có lệnh phải chấp hành. Nhưng mà ấm ức. Làm cả năm, có ba ngày tết được sum họp vui xuân với người thân lại ra lệnh phải đi. Cùng lúc, cái máu lãng tử của con dê núi nổi lên. Thế là Hà Phạm Phú đeo ba lô về quê với bố mẹ sớm hơn mọi tết và đúng 30 tết ông chào hai cụ, khóac ba lô ra đường tàu (nhà ông gần đường xe lửa ngược Yên Bái), gặp đoàn tàu chở quặng, ông nhảy đại lên, bắt đầu chuyến chu du ngang dọc Tây Bắc suốt cả tháng xuân.
Chuyến đi ấy ông viết được cái truyện Phía trước, được giải nhì cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội, một cuộc thi gây xôn xao văn đàn với truyện ngắn giái nhất Có một đêm như thế của Phạm Thị Minh Thư, còn cái Phía truớc của ông Phú thì thành sự kiện trong sáng tác văn học về đề tài huấn luyện của lực lượng vũ trang…
Tôi cũng đã đọc cả loạt truyện viết sau Phía trước của ông Phú. Truyện Những sợi chỉ vàng viết về Campuchia được Văn nghệ Quân đội trao tặng Những truyện ngăn hay năm 1983. Chuyện chép trên đài quan sát được Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tặng giải Ba năm 1985-1986. Rồi Ông Khóa Mạn được giải Nhì cuộc thi của tạp chí Tác phẩm mới năm 1995, truyện vừa Biển cả cũng được Tạp chí này tặng thưởng năm 1998. Và truyện Con cáo cuối cùng, ông được báo Tiền phong trao giải thưởng năm 2000. Với một cây bút được tặng từng ấy giải, là “hơi bị nhiều”. Nó chứng tỏ bút lực Hà Phạm Phú dồi dào, mạnh mẽ lắm. Chả thế, đến nay, tính sơ sơ, ông đã in hai tập thơ (Cỏ yêu và Trăng khuyết), năm tập truyện ngắn (Sĩ quan trung đoàn, Dốc yên ngựa, Bông hồng đen, Chuyện người làng Hạ Đan, Chiếc chìa khóa), một tập ký chọn lọc (Vòng đời), hai tiểu thuyết (Em phải sống, Lữ quán). Chưa hết, ông còn là dịch giả của cuốn sách: Truyện ngắn Trung Quốc hiện đại, Chuyện người vợ góa, Đóng vai người tình. Ấy là không tính các tuyển tập danh tiếng ông có truyện góp trang.
Đọc các sáng tác văn học của Hà Phạm Phú, tôi thấy ngòi bút ông có hai đặc điểm nổi bật. Một là truyện của ông đậm chất điện ảnh. Các truyện ngắn phần lớn ẩn chứa vấn đề của truyện vừa, vì thể có thể (và dễ) chuyển thể kịch bản phim (Phải chăng đây là mối giăng mắc tiền định nên ông đã chuyển sang chuyên tâm cái Nghiệp - Điện - ảnh từ năm 1990 đến nay và gặt hái thành công?). Hai là, đọc kỹ, thấy ông viết Ký và Truyện vừa hay hơn truyện ngắn và tiểu thuyết, cho dù ông được trao tặng khá nhiều giải thưởng Truyện ngắn, còn tiểu thuyết thì ông có cái Lữ quán đọc cực kỳ hấp dẫn. Ông còn có một thế mạnh nữa, ấy là khả năng dịch văn học Trung Quốc rất đáng nể. Như vậy, ngẫm lại, con người lắm đam mê Hà Phạm Phú mấy chục năm dấn thân theo đòi ba Nghiệp lớn: Nghiệp Báo, Nghiệp Văn, Nghiệp Điện ảnh, và nghiệp nào ông cũng đã tạo được cho mình thương hiệu. Nhưng xem ra những năm gần đây có vẻ như ông dồn tâm sức nhiều cho cái anh Nghệ thuật thứ bảy mà có phần sao nhãng Nghiệp Văn, phải vậy chăng? Nếu đúng thế thì thật tiếc lắm thay!
Tôi có nói ý này với Hà Phạm Phú, và ông chỉ cười.
BƯỚC LÃNG DU CỦA MỘT NHÀ VĂN HÀO HOA
Năm nay đã bẩy mươi lăm tuổi (ta) mà gương mặt Hà Phạm Phú vẫn toát ra vẻ hào hoa tươi trẻ thế nhỉ? Thần thái quí hiếm ấy từ gương mặt? từ đôi mắt? từ nụ cười? hay cả từ mái tóc? Không, tất cả từng thứ ấy trời cho cộng lại, làm nên. Và, có phải cái khí chất hào hoa tươi trẻ đó thúc giục ngòi bút viết truyện của ông không muốn mãi viết theo một cách thức đã thành nếp quen mà ông và mọi người bấy lâu nay vẫn tuân theo khi cầm bút? Ông muốn tìm cho mình cách viết khác. Cách vào truyện nhanh và thiết thực, không rườm rà. Kể phải ung dung, thanh thản, giữ sự chủ động, điềm tĩnh. Thoại sao cho chắt lọc, tự nhiên như người đời vẫn nói với nhau, không cần ngoặc kép, chẳng phải gạch đầu dòng. Giọng văn, câu văn phải đúng thời, thời nào văn nấy. Viết truyện lịch sử mà lấy ngôn ngữ thời nay để viết thì hỏng. “Lại nhớ sư tổ Trúc Lâm khi truyền y bát cho Pháp Loa có dạy, các sự việc tương tác Nhân - Quả trùng trùng duyên khởi. Nhân cũng còn gọi là Duyên hay Nghiệp, và một khi đã gieo Duyên hay Nghiệp thì ắt sẽ có Quả. Nhưng Duyên có thuận và có nghịch, ứng với thuận Duyên là Thiện Nghiệp, nghịch duyên là Ác Nghiệp. Từ Duyên đến Quả là một lí trình dài…”. Đấy là một đoạn Luận, và phải viết thế (Truyện Chùa Kim Liên). Còn Tả? “Trăng trong. Gió biển lồng lộng. Chân sóng lấp lánh ánh lân tinh, tạo ra một thế giới kì ảo. Y hét to, tung nhị - thạch - xích lên cao. Nhị - thạch - xích biến thành con giao long quẫy lượn trên không trung. Bầu trời trong sáng như có ánh chớp rạch ngang. Những bắp cơ trên ngực, trên tay y cuộn lên như đàn giao long con…” (Truyện Tiên An nhất kiếm). Viết vậy được chưa? Tôi ngắm nụ cười rạng rỡ trong tấm ảnh khi vừa đọc xong thiên truyện, và cứ hình dung ra một nhà văn Hà Phạm Phú đang ngồi trước máy tính, lúc chau mày tự hỏi và có lúc gật đầu hài lòng khi viết những truyện ngắn đậm chất kiếm hiệp và dã sử tôi vừa đọc xong. Bỗng nhớ ra, không phải bây giờ, mà từ đầu những năm 90 thế kỉ trước ông đã phóng bút viết tiểu thuyết Lữ quán theo cách thức này và thành công, tạo được sức hấp dẫn người đọc khiến báo chí phải lên tiếng. Năm 2011, ông trở lại cách viết Lữ quán để viết tiểu thuyết dã sử Trưng Trắc, không giống cách viết dã sử của các bạn nghề. Có thể coi đó là hai cuộc lãng du về bút pháp mang tính thử nghiệm của nhà văn họ Hà khi ông viết tiểu thuyết, để ông vững tin viết loạt truyện ngắn theo cách thức này...
NHỮNG TRANG THƠ CHIÊM NGHIỆM CUỘC ĐỜI
Trong 26 tác phẩm đã hoàn thiện và lần lượt công bố qua hai phương thức in sách và dựng phim, tác phẩm mới nhất mang số hiệu thứ 26 là thi phẩm mang tên Nghe mưa, văn nhân làng Hạ Đan mới in xong trong tháng 8 năm 2020. Đây là lần thứ năm Hà Phạm Phú hiện diện trước bạn viết và bạn đọc trong tư cách Nhà thơ, với 119 bài thơ in trang 216 trang in đẹp và sang trọng. Nhưng giá trị của một thi phẩm không phụ thuộc vào số lượng bài thơ và số trang in cũng như kĩ thuật và mĩ thuật in ấn. Giá trị ấy trước hết là ở ý tưởng của tác giả gửi vào các câu thơ, bài thơ và đọng lại trong tâm tưởng người đọc khi họ đọc xong cả bài tập thơ. Một người đã già nửa thế kỉ sống với Nghiệp cầm bút, giàu ý tưởng, coi trọng ý tưởng, nhất là ý tưởng triết học của tác phẩm như Hà Phạm Phú, đâu có chuyện ông làm tập thơ với số bài, số trang như thế một cách ngẫu nhiên tùy hứng, chẳng gửi gắm điều gì tới bạn đọc? Lại nữa - yếu tố này cũng rất quan trọng: vì là thơ nên giá trị tác phẩm còn thể hiện ở thi pháp - tức là tài năng sáng tạo ngôn từ, hình ảnh, vần điệu, nhạc điệu và cả năng lực sử dụng các thể thơ.
Vậy trong thi phẩm thứ 5 này, văn nhân làng Hạ Đan gửi gắm bạn đọc những ý tưởng gì của ông?
Hãy bắt đầu khám phá và thưởng thức từ bài thơ Nghe mưa rơi.
Là một người cầm bút, bằng kinh nghiệm làm sách của mình, tôi cho rằng chẳng phải tình cờ hay ngẫu hứng khi Hà Phạm Phú chọn tên bài thơ này (lược đi một từ) làm tên thi tập thứ 5 của mình.
Tôi nằm thăm thẳm đêm dài
Bão mưa ồn ã đổ ngoài mái hiên
Trời kia sao khéo khổ phiền
Kéo về đổ cả xuống miền ưu tư
Sắp bước vào tuổi 80, trường đời đã trải, tác giả Nghe mưa rơi không bộc bạch nỗi buồn đơn côi như các bậc đàn anh trước đó. Ông nghe gió mưa và ngẫm sự đời. Ông nhớ về mẹ, mường tượng cảnh làng xóm trong bão tố phong ba, thấy hiện lên cảnh phố phường xây dựng vô tội vạ, thấy một cái gì thật đáng lo ngại đang hiện lên, và cuối cùng thấy cần lên tiếng báo động về một nguy cơ. Bài thơ đặt in ở giữa tập thơ, nhưng đã gói ghém tất cả những gì cần nói của cả tập thơ. Tôi không phỏng đoán đâu, bởi tôi may mắn được đọc tập thơ ngay từ khi nó còn ở dạng bản thảo.
Đọc hết 119 bài thơ, cảm nhận của tôi về tập thơ mới này của Hà Phạm Phú là ông đã chuyển từ viết về cái nhìn thấy sang viết sự nghĩ ngợi về những gì nhìn thấy. Và như vậy có nghĩa rằng, Nhà thơ đang chuyển đổi từ bút pháp miêu tả, và dừng ở miêu tả cái bên ngoài sang bút pháp diễn tả những suy ngẫm, chiêm nghiệm đằng sau cái bên ngoài ấy. Ví dụ rõ nhất cho nhận định về tập thơ này là là bài thơ Tam Đảo. Bài thơ có 4 khổ, 16 câu tác giả chỉ dung 4 câu khổ mở đầu để phác họa Tam Đảo và cả lí do đến với Tam Đảo, còn 3 khổ 12 câu thơ nói những thực trạng, những lo âu của người viết. Đó là nỗi lo về một nghịch lí: giá điện giá xăng thi nhau tăng, trong khi giá một mạng người ngày một rẻ rung, con trẻ thiếu cơm ăn, và nỗi lo lớn nhất là linh cảm không lành của Đất nước. Xin dẫn ra nguyên văn những nỗi lo ấy của Nhà thơ:
Tam Đảo
Ta lên chót núi, gió lồng lộng
Khóm mua tím chát lá hoa gày
Xa nơi nhộn nhạo nhiều xác sống
Yên Lặng như là cũng về đây
Nhưng gió lồng lên, gió đuổi gió
Ta nghe giá điện giá xăng tăng
Giá của mạng người đang xuống giá
Sông lấp cạn khơi đất lấp bằng
Ta lên chót núi ta nhìn thấy
Một bức dư đồ rớm rách bươm
Gió giật vẫn mê không thể dậy
Trẻ khóc ngạt trời thiếu hơi cơm
Ta chợt thấy ta đứng giữa biển
Trời xanh thăm thẳm đến nghi ngờ
Ta thấy chân mây đang hiển hiện
Động núi, xoáy cồn không giấc thơ.
Có thể trích ra nhiều câu thơ khác ở nhiều bài thơ khác bổ sung cho sự nhận xét về sự chuyển đổi trên đây của Nhà thơ. Xin với mẹ, Phản lực, Cây tre bẩy lăm đốt, Vỗ cánh, Đọc sách… là những ví dụ. Cả bài thơ Thời gian, bài Ta nặn nữa. Và, tất nhiên, vẫn phải nhắc lại bài điển hình nhất đã giới thiệu từ đầu bài viết, bài Nghe mưa rơi.
Nhưng, cũng có điều muốn nói nhỏ cùng văn nhân đa tài làng Hạ Đan. Qua Nghe mưa thấy rõ ông muốn làm mới thơ mình. Tuổi ông và ý muốn đó là rất đáng yêu, đáng phục. Ông bảo (và ông đã thực hiện), mỗi bài thơ cần có ý tưởng, nhất là ý tưởng triết học. Quá đúng. Ông cũng nói, thơ cần ít lời, không nên vòng vo. Xin vâng. Chỉ có điều, thơ có ý tưởng, thơ kiệm lời, nhưng trước nhất và cần nhất, câu chữ ấy vẫn phải là thơ, chứ không là câu chữ - văn xuôi. Và nữa cũng đừng biến thành những tuyên ngôn khô cứng và không có gì mới. Mà trong Nghe mưa của tiên sinh, đây đó đã có dấu vết ấy. Như Đường - một tuyên ngôn không mới. Như Ghi chép ở Mèo Vạc - Những phát hiện vừa khô, vừa không mới. Vân vân.
Nhặt ra và nói nhỏ vài ý vậy, là muốn thơ Hà Phạm Phú hay hơn, toàn bích hơn, chứ với Nghe mưa này của ông cũng là thi phẩm đáng đọc, và riêng tôi, thêm một sáng tạo văn chương để tôi nể phục người bạn đồng niên lắm lắm.
Tác giả: Phạm Ngọc Chiểu
Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên