Vĩnh biệt nhà thơ Mai Phương
Nhà thơ Mai Phương là một cộng tác viên thân thiết của báo Văn nghệ. Nhiều năm qua ông luôn là người đồng hành tích cực với tờ báo trong nhiều công việc, nhiều hoạt động của báo. Đã ngoài 80 tuổi nhưng Mai Phương luôn là một người có trái tim trẻ trung, đôn hậu xông xáo, nhiệt tình và vui vẻ. Ông luôn được anh em trong tòa soạn xem như “người nhà”. Tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây sức khỏe ông có phần giảm sút, đi lại chậm chạp, nói hơi run, ấy vậy mà có công việc gì ông vẫn cùng lái xe riêng dậy từ 4 giờ sáng để đi từ thành phố Hạ Long lên Hà Nội xử lý công việc, có khi 8 giờ đã xong và quay trở về Quảng Ninh. Lần đó là vào cuối năm 2019, lên gặp anh em ở báo Văn nghệ, ông vẫn nói chuyện hài hước và thều thào bảo - “sắp đi rồi các ông ơi, mới 18, 28 tuổi đó mà bây giờ đã 78 rồi…”. Mọi người nghe đều cười vui vẻ bởi sự hài hước cố hữu của ông. Nói 18, 28, 78 là ông nói ngược lại số tuổi của mình, chứ năm ấy ông đã 87 tuổi rồi, cũng là quá thọ rồi, chẳng có gì phải tiếc nuối. Mấy người ở tuổi đó mà có được sự trẻ trung, vui tươi, đi lại xông xáo như ông…
Bữa đó ông gửi lại cho anh em tòa soạn một bài thơ dài viết tặng vợ, kèm theo một lời nhắn nói vừa bị một cơn bệnh nặng phải nằm viện. Bài thơ như một lời tri ân của người gần đất xa trời dành cho người đã đầu gối tay ấp, chăm lo cho ông suốt mấy mươi năm sống cuộc đời vợ chồng. Báo Văn nghệ quyết định in bài thơ này của Mai Phương như một lời chia sẻ với ông trước tình cảm chân thành ông dành cho người vợ thân yêu, vừa như lời cảm ơn nhà thơ đã luôn luôn nhiệt tình với tờ báo trong rất nhiều hoạt động suốt bao năm qua.
Và đó cũng là bài viết cuối cùng mà ông cộng tác với báo Văn nghệ. Những năm sau đó sức khỏe của ông không được tốt, thời gian đi viện và tĩnh dưỡng ở nhà là chính, ít thấy ông xuất hiện trên văn đàn hay trong những cuộc gặp gỡ của giới văn nghệ ở Quảng Ninh, nơi mà ông giữ cương vị Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Việt Nam tại đây. Cho đến ngày 20/12/2020 vừa rồi thì nhận được tin ông qua đời
Không sinh ra trên mảnh đất Quảng Ninh nhưng chính tại đấy nhà thơ Mai Phương đã tìm thấy thổ âm của mình. Cả một đời đi tìm các nhân vật để đưa vào tác phẩm, đến một ngày ông cũng trở thành một nhân vật của vùng đất đó, đã góp một phần nhỏ bé của mình để viết nên lịch sử vùng đất mỏ bằng văn chương. Ông đã chọn cho mình được vùng đất để sống và để viết, và giờ đây nơi ông nằm xuống cũng chính là nơi đó.
Vĩnh biệt nhà thơ Mai Phương, Văn nghệ xin giới thiệu lại một bài viết của nhà văn Võ Khắc Nghiêm, một người bạn đã từng có thời gian gắn bó với ông nơi đất mỏ. Xin được xem như một nén tâm hương tiễn ông về cõi vĩnh hằng
Nhà thơ Mai Phương tên thật là Lê Viết Thuận, ông sinh năm 1933, quê gốc Tuy An, tỉnh Phú Yên một miền đất đầy nắng gió, từ năm 15 tuổi đã tập kết ra Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của dân tộc…
Ông đã đến và ở lại, gắn bó với vùng mỏ Hòn Gia và Cẩm Phả, Quảng Ninh, gắn bó với nghề làm báo truyền hình, báo in (ông từng là phóng viên Đài Phát thanh và truyền hình Quảng Ninh, từng là Trưởng đại diện Báo Công thương tại Quảng Ninh) và mảnh đất than bụi Quảng Ninh đã như một hậu thuẫn tuyệt vời cho tâm hồn thi sĩ của ông, để ông trở thành nhà thơ, nhà văn ở vùng mỏ. Ông được biết đến là một nhà báo xông xáo, am hiểu về vùng đất con người Quảng Ninh, ông được biết đến là một nhà thơ có tâm hồn đôn hậu và vô cùng lãng mạn. Ông được biết đến như một người làm báo đĩnh đạc và một người thơ sang trọng. Hình ảnh của ông đã cho chúng tôi, nhiều lớp nhà văn, nhà báo ở Quảng Ninh có những sự trân quý đặc biệt. Nhà thơ Mai Phương đã thực sự là con người có tư chất tận tân, tận lực và tận hiến với tất cả những lĩnh vực, ngọn ngành cuộc sống để dành cho trang viết, dành cho bè bạn, dù có khi ông bị thua thiệt về sự ân tình chân thật đó…
Tôi nhớ một kỷ niệm nhỏ với ông, khi tôi mới về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh làm công việc biên tập Báo, trong số bản thảo ông gửi đến, có một bút ký ông viết với một sự trân trọng, và chi tiết đến từng con chữ, ông viết với tâm thế của người thơ luôn đau đáu với con chữ, với nhân vật mà ông đã đến, đã gặp họ, đã nhìn thấy thành quả của họ... Và vì thế, cái mạch viết cứ trôi đi, trôi như dòng thác chữ cuồn cuộn đổ về mà không muốn dùng. Nhưng với trách nhiệm biên tập, vớii khuôn khổ của tờ báo, tôi phải biên tập gọn ghẽ chỉ để dùng quãng hơn hai ngàn chữ của ông để bài bút ký vẫn trọn vẹn như tác giả đã gửi gắm. Nhưng khi tờ báo ra, ông đọc được, thấy bài bị cắt, ông cáu lắm, ông mắng lây cả cánh chị em ở văn phòng vì hôm đó tôi không có mặt. Vài hôm sau tôi đi công tác về, các chị văn phòng thì thầm bảo tôi “cô liệu liệu đấy, ông Mai Phương sẽ cho cô ăn đòn đấy, sao dám cắt bài của ông ấy, ở đây không ai dám cắt bài của ông ấy đâu…” tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe các chị ấy nói với sự sợ hãi như thế. Song tôi cũng quên vì còn công việc khác. Nhưng khi ông đến cơ quan, tôi chào ông và mời ông uống nước, tôi thưa trước, nhà thơ ơi, sao nhà thơ định mắng em cắt bài. Nhưng thưa với nhà thơ, em đã biên tập chứ không cắt bài, và bài bút ký vẫn đảm bảo được tính nguyên vẹn của nó với tinh thần tác giả gửi gắm rồi, nhà thơ đọc lại xem em nói đúng không ạ. Ông cười hiền bảo tôi, là anh nói thế, anh có mắng, chỉ hỏi em có nhà không để nói với em, sao cắt bài như thế, nhưng mà đúng là em đã cắt phù hợp, tuy nhiên anh vẫn tiếc cái đoạn em cắt là đoạn anh muốn nó “bay bổng” ý mà. Thế rồi hai anh em cười xòa. Đó, hóa ra ông không “ghê gớm” đến mức đáng sợ như mọi người vẫn tưởng thế, hoặc giả ông có cao giọng chắc là có lý của ông, còn đúng lý thì chắc ông cũng dễ chấp nhận và chia sẻ, và đồng cảm mà thôi.
Có khi ngồi với ông rất lâu ở đâu đó, trong một diễn đàn văn chương, chúng tôi vẫn thẳng thắn nói về các sáng tác của ông, những bài hay, những bài cứ lan man dông dài đâu đó, sẵn sàng chê thơ ông viết dài, kể lể, sẵn sàng nói văn ông cứ tâng bốc giám đốc này, doanh nghiệp nọ…Ông chỉ cười, nụ cười thật hiền và nhỏ nhẹ, và cái chất giọng Nam Trung bộ rất nhiều xúc cảm trầm bổng, chỉ thốt lên bảo, ôi, bạn ơi, cái tạng mình nó thế. Khi nghe ông nói thế thì cả chúng tôi chỉ có cười. Ông hào sảng, bao dung, độ lượng và ân tình với mọi hoàn cảnh của đồng đội, đồng nghiệp cũng như các tác giả viết văn trẻ. Ông không thích xưng bác. Xưng chú, không thích xưng tụng này nọ, đến đâu cũng là mang đến một niềm vui lan tỏa là gọi tất là các em và xưng anh, dù họ chỉ tầm vai con cháu mình. Đó là cái sự hiền của một người hiền không màng những sự hữu danh đẩu đâu. Đó là nét đẹp mà ai cũng nhớ đến Mai Phương khi biết ông, khi có dịp giao lưu cùng ông. Ông sống giản dị, không có thú ăn nhậu lan man, chỉ lam làm, làm đến cùng với tất cả mọi việc, ông làm lụng để có cái xe ô tô riêng và thuê lái xe riêng, mỗi dịp anh em nhà văn đi hội họp trong hay ngoài tỉnh, ông đều sẵn sàng đến tận nhà đưa rước cẩn thận. Ông rất hiền là như thế. Nhưng ông vẫn có những lúc này, lúc kia cho ai đó không dễ vừa lòng.
Nhưng dù ở góc độc nào, đối với nhà văn, tác phẩm vẫn là điều quyết định ông có được gọi tên hay không, thì ông đã làm được điều đó. Ông làm thơ, viết bút ký, viết truyện ngắn… Mỗi thể tài ông đều có những dấu ấn riêng. Cuộc thi thơ ở Báo Văn nghệ, ông đã có bài Thế gian này chỉ có Bác mà thôi, một bài thơ dài viết về Bác Hồ kính yêu, bài thơ ông trực tiếp đọc ở quảng trường Hồ Chí Minh ở Nghệ An nhân dịp sự kiện của tỉnh tổ chức ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt nam. Ông đọc và dốc hết những tâm can đầy xúc động của mình đối với bậc lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, bài thơ để lại nhiều cảm xúc của tác giả với Bác Hồ, bài thơ để lại nhiều cảm xúc của người nghe với Bác. Về bút ký ông rất giỏi đặt tên các tác phẩm của mình. Những cái tên nhiều gợi mở cho người sáng tạo văn học như Cao sơn người cao hơn núi. Mông Dương chiều sâu lòng người, Cao Sơn người, Cọc Sáu, khúc tráng ca của người thợ mỏ….Ông cứ lặng lẽ viết, rồi lặng lẽ in sách và cuốn sách nào ông cũng in đẹp bìa cứng, khổ lớn và đều có số ba bốn trăm trang in trở lên. Ông viết đã lâu, nhưng ông gia nhập Hội nhà văn Việt Nam rất muộn, vì thế, chúng tôi vẫn đùa ông là… nhà thơ trẻ. Ông cũng cười hiền đón nhận.
Và giờ thì ông đã từ giã Đi trong cõi người để đi về phía chân trời xa xôi kia, (tập thơ có tên Đi trong cõi người ông xuất bản năm 2002 của Nhà xuất bản Văn học). Giờ thì ông thanh thản về cõi như muôn ngàn kiếp nhân sinh trong cõi thế tục này. Cầu mong ông an lạc. Tôi chỉ xin tiễn ông được vài lời như sinh thời ông vẫn đùa với cánh văn nghệ chúng tôi, cứ chuẩn bị viết điếu văn trước cho nhà thơ đi, khi nào nhà thơ đi thì có bài đăng báo luôn! Ôi, một tâm hồn đa mang, đa cảm, một nhân cách sống luôn lạc quan và ân tình, một nhà thơ luôn chan chứa những xúc cảm cho mỗi dòng thơ, mỗi trang viết của mình là ông, là nhà thơ mà chúng tôi kính trọng có tên Mai Phương (Lê Viết Thuận) đã gắn bó cả đời với vùng than biển Quảng Ninh miền Đông Bắc của Tổ quốc. Xin cúi đầu tiễn biệt ông!
Tác giả: Vũ Thảo Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên