Nỗi nhớ dệt trong miền thổ cẩm

Chủ nhật - 03/01/2021 16:10

Bạn phương xa nhắc, lên Nghĩa Đô đi, hoa trẩu đã rụng trắng đầy khe suối… Mùa hoa, chẳng còn thấy lá đâu, hoa cứ trắng mê man, ngần ngật khắp núi rừng. Tôi luôn có cảm giác mình mắc nợ miền đất ấy, bởi mỗi độ chia xa, lòng không thể thôi vấn vít, dùng dằng. Từ lúc nhờ người đàn bà cõng con chỉ đường vào bản Hón, ngắm những thiếu nữ vừa giặt vải vừa ríu rít đùa giỡn cạnh tảng đá ven suối, tôi chợt nhận ra mắt đàn bà con gái xứ này thật đẹp. Bởi thế chăng mà họ có câu ca ví von một đuôi mắt “liếc mòn đá suối”.

Người hát đưa mây trắng qua trời

Từ trung tâm huyện Bảo Yên (Lào Cai) đi chừng ba chục cây số thì vào đến Nghĩa Đô. Dọc hai bên đường, hương trẩu cứ ngai ngái quyện trong gió. Kia sông Chảy, mùa này lững lờ, có lội xuống, nước quá bắp chân là cùng. Mỗi lần lên mạn ngược, hễ nhìn những dòng sông, con suối như thế, thể nào tôi cũng dõi mắt tìm hoa gạo đỏ, loài hoa mà nhiều nơi vẫn gọi bằng cái tên nên thơ: Hoa mộc miên. Anh bạn đồng nghiệp, cũng là “thổ địa” xứ này nhận nhiệm vụ chở tôi bằng xe máy. Dọc đường, tôi nhắc tên những loài hoa trong tác phẩm của bạn văn, nhờ anh chỉ giúp. Nào Rừng mã sa hoa đỏ của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, Đồi lau sau hoa tím của nhà văn Nguyễn Phú… Anh cười trừ: “Mình ở biên giới bao năm, hoa tím hoa đỏ thì ngút ngàn, nhưng mã sa với lau sau thì tịnh chưa được biết. Có lẽ các nhà văn gọi theo tiếng phiên âm từ ngôn ngữ của bà con dân tộc, hoặc biết đâu, họ sáng tạo thêm…”. Nói đoạn, anh dừng xe, chỉ về phía một vạt đồi màu tím nhạt. Hoa lau đấy. Nhưng là loài lau tím. Không phải “chập chờn lau trắng trong tay” như nhạc Trịnh đâu. Ấy có khi là lau sau hoa tím chăng? Chiếc xe lại băng băng, bỏ lại sau lưng vạt đồi tim tím. Trước mắt chúng tôi, cạnh dòng chảy xanh lơ, mảnh mai như sợi chỉ dưới bóng rừng già đang loáng thoáng màu mây hoa trẩu mà lừng lững một gốc gạo già, thân sần sùi, hoa đỏ rắc lên. Bức tranh ấy quá hoàn hảo và kì diệu, đến mức khó tả. Hình như, chỉ giữa đại ngàn, muôn màu hoa mới đạt đến độ vừa sắc nét vừa hư ảo, hệt ai đó cầm cọ vẩy lên tấm toan xanh sâu.111

“Đến nhà rồi thì vào đi chứ!”. Người đàn bà người Tày tay không ngừng dệt cửi nhưng đôi con mắt đã gửi phía bậc nhà sàn, nơi có bước chân lừng khừng của khách lạ. Bà chào như thể quen biết từ bao giờ, dầu đây là lần đầu tiên tôi lên Nghĩa Đô, vào bản Hón. “Cái bậc thang thứ ba cô vừa đứng, hễ năm nào lũ dâng là ngập hết, hãi hùng lắm đấy, vậy mà tôi cũng chỉ biết ngồi mãi ở khung cửi này”. Khung cửi bà vừa dệt mới được chừng vài gang tay thổ cẩm, nhấp nháy hoa văn. Tôi hỏi, nếu muốn có sắc đỏ như bông gạo nở bên bờ suối thì làm cách nào. Bà cười rất thú vị, chỉ dẫn, phải chiết từ loại cỏ thuộc họ dương xỉ, lá nhỏ, mọc ra từ các hốc cây mục ruỗng. Đi rừng cả ngày cả buổi, chưa đủ một gùi, về giã nát, ngâm nước suối rồi cho vôi bột vào tạo mầu. Bằng không, lấy thân lá cây kim lông đun nước thật đậm đặc, pha thêm vài nguyên liệu khác mới ra mầu đúng ý. Nói đoạn, bà ngâm nga câu hát cổ xưa, có nghĩa: “Em gái làm được nhiều chăn hoa/ Anh tìm từ lâu nay mới gặp/ Em gái có nhiều tấm chăn hồng/ Ở tận nơi đâu anh cũng tìm bằng được”.

Tôi đi nhiều nơi, và biết bao mùa hoa trượt trôi vào hoài niệm. Riêng mùa hoa thổ cẩm, như mới vừa nở ra, nguyên sơ tựa mây trời. Người phụ nữ Tày ngồi bên khung cửi, vừa gần gụi, vừa xa xăm. Biết trong đoàn khách có người làm thơ, mắt chủ nhà long lanh chờ đợi. Ai đó cất giọng ấm trầm: “Hẹn người mùa cốm Nghĩa Đô/ Kiếp trước rượu mừng chưa kịp uống/ Hoa trẩu rụng đắng nguồn cọn nước/ Thiếu phụ đưa mây trắng qua trời”. Và rồi, khoảnh khắc ấy, nơi khung cửi, chúng tôi lại chạm vào một ánh mắt buồn mà đẹp đến nao lòng. Một thiếu nữ, hẳn là con cháu trong nhà đã thay bà, thay mẹ ngồi đó tự lúc nào.

Hoa nở sau mùa lũ

Nghĩa Đô từng phải gánh chịu hậu quả nặng nề của lũ ống với cường độ lên đến hơn 6,5m trên suối Nậm Luông, cuốn trôi, làm hư hỏng, ngập úng nhiều nhà cửa, hoa màu, công trình xã hội… Giờ đây, vùng đất ấy đang hồi sinh mạnh mẽ. Người đàn bà đón khách xa bằng tiếng khung cửi khoan nhặt kia tên là Hoàng Thị Quyên. Gia đình bà là một trong số mười hai hộ trong xã được chọn thí điểm mô hình homestay. Bà kể, dấu vết trận lũ lịch sử còn để lại nơi con suối chảy qua bản Hón, tất cả cọn nước bị cuốn trôi, nay chưa dựng lại. Chính người dân cũng không ngờ, qua bao thiên tai biến động, sức sống của làng bản lại mãnh liệt đến thế, hệt câu ca của người Tày: “Mạy tắc cáng phai khô, khảu thâng đín Nghĩa Đô oóc nó” (Cây gẫy cành chết khô, đến đất Nghĩa Đô lại mọc chồi).

Có đoàn khách nghỉ tại bản vào mùa cốm, họ không giấu nổi sự ngạc nhiên, thích thú. Mùa cốm đến trước mùa gặt, là thời điểm đồng bào Tày làm nghi lễ tạ ơn trời đất đã ban mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ngô thóc đầy bồ và gắn kết với nhau bằng sinh hoạt cộng đồng ấm cũng. Người Tày làm cốm, hương bay khắp nếp nhà sàn. Gặt lúa, chọn bông là việc phụ nữ; cánh đàn ông bổ củi, khơi lò, bắc sàn gác sấy cốm. Tiếng chày trai gái bản giã cốm hòa trong tiếng cười nói rộn ràng. Nghệ nhân Ma Thanh Sợi vừa hát, vừa giảng giải cho khách về những câu hát cổ đồng bào mình tả vẻ đẹp người phụ nữ: “Hở nũm tiền nơi khoeo/ Eo thắt đáy con mạ/ Má ửng hồng bồ quân/ Thân dong dỏng duyên dáng/ Tóc uốn dáng đuôi gà/ Mắt liếc mòn đá suối”. Ẩm thực hay nghề dệt thổ cẩm cũng làm nên nét độc đáo ở nơi này. Trong bếp, phụ nữ Tày nấu món ăn theo mùa. Mùa đông cá lam bắp chuối trong ống nứa, thịt trâu vùi tro bếp; mùa đến canh chua cá suối đuôi hồng, lá rau vón vén… Bên khung cửi, họ trổ hết tài hoa qua phong thái nhẹ nhàng, tinh tế với mười hai kiểu hoa văn trên từng tấm mặt chăn thổ cẩm mang bản sắc của miền sơn cước gắn với hình ảnh con người, cây lá, chim muông, cảnh trí núi rừng. Người Tày có câu răn dạy con gái: “Bìm bịp bò bờ ruộng dài dài/ Đàn bà lười dệt vải mốc thân”. Theo lời các bậc cao niên trong vùng, nghề dệt thổ cẩm địa phương manh nha từ giữa thế kỷ thứ mười tám do một người tên là Ma Văn Tiều, hậu duệ thứ năm của bà Ma Kà Rai (Bà tổ gốc dòng họ Ma vùng Nghĩa Đô) truyền dạy. Về sau, phụ nữ trong vùng cải tiến dần khung đan, dệt được nhiều hoa văn phức tạp. Nghề dệt giúp bà con tận dụng hết thời gian nhàn rỗi. Những bé gái từ mười tuổi đã có thể ngồi khung cửi dệt vải và nhiều người già tuổi thất thập còn đủ minh mẫn, dẻo dai để tiếp tục công việc này. Người Tày tinh tế đến mức, cùng một khung cửi, loại mầu và kiểu hoa văn như nhau, nhưng nhìn sản phẩm, có mấy người từng ngồi vào dệt là biết ngay. Theo tập tục truyền thống, con gái Tày trước khi lấy chồng phải có đủ 12 chăn, hai cái màn, hai đôi chiếu, và tư trang đủ dùng ít nhất trong vòng mười năm. Tinh hoa thổ cẩm ăn sâu vào đời sống đồng bào qua vật dụng hằng ngày từ chăn gối, chiếu đệm đến mặt địu con trẻ và cao hơn là những lễ nghi ma chay cưới hỏi, tín ngưỡng thờ phụng.

Lại nói về nghệ nhân Ma Thanh Sợi, ông nguyên là chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, một nghệ nhân văn hóa dân gian, trong câu chuyện cùng chúng tôi, ăm ắp tình yêu và niềm trăn trở. Ông là nghệ nhân duy nhất ở xã, sở hữu nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân tộc Tày mà chưa có cơ hội để ứng dụng. Ông đau đáu, tha thiết và thao thức với niềm ước ao những người trẻ tuổi ở quê mình được học hành đến nơi đến chốn, quay về cống hiến cho làng bản, xóm thôn. Những tài liệu ông tích lũy, chắt lọc đã đến lúc cần truyền dạy lại. Và còn bao nhiêu trầm tích văn hóa, nét đẹp cộng đồng, các lễ hội, thực hành tín ngưỡng... cần được khôi phục. Bên cạnh thổ cẩm, Nghĩa Đô còn có các nghề đan lát, thủ công khác đã bị mai một, các làn điệu dân ca dân vũ như hát cọi, hát then, hát lượn và nhạc cụ dân tộc như: đàn tính, sáo trúc, trống, kèn... cần đến không gian, con người phục dựng. Những danh thắng, di tích lịch sử Thành cổ Nghị Lang, phế tích Đồn Nghĩa Đô, di tích Đền Nghĩa Đô... có phần lặng lẽ, thưa vắng sau thời vàng son gắn với công cuộc giữ đất giữ nước, chiến thắng lẫy lừng.

Nắng ấm trong sương, và gió ngọt

Tôi thích đứng dưới cái gốc mận ấy, trước mặt ruộng đồng, sau lưng nhà sàn, gió cứ thổi qua từng tán cây ràn rạt... Mận đã hết mùa quả, cũng lại chưa tới độ trút lá, bật chồi, đơm hoa. Thế mà tôi vẫn mê say đứng đó, cảm nhận được trong lá cành muôn tiếng râm ran. Miền này, có những mái nhà đặc biệt. Nó mang đến cho tôi cảm giác mơ hồ, rằng một lần nào đó trong đời, ta đã đặt chân tới rồi, cũng đứng dưới gốc cây mận ấy, cũng nghe gió thổi và chim muông ríu rít... Đôi khi, sự yêu thương, gần gụi nảy nở từ trong cõi lòng ta, chứ đâu phụ thuộc vào ngoại cảnh mang lại điều gì cụ thể. Nắng đã làm ấm sương, đất trời vừa mịt mùng đã lại tan loãng và tỏa rạng. Như thể sương gói cả bọc hào quang. Trong vườn của người Tày, luống mía xương gà  ngả vàng, đốt ngắn đơm vào hình dung vị ngọt lựng, mềm rụm giữa hai hàm răng tưởng chỉ còn trong ký ức thuở ấu thơ. Đám trẻ con túm tụm, nhìn khách lạ từ xa, vừa cười, vừa bẽn lẽn, thơ thẩn.

Bếp được nhóm lên, khách khứa đều ngồi trên những chiếc ghế gỗ con con quanh bếp. Cô thiếu nữ má hồng chưa ai kịp biết tên vừa thổi cơm, vừa vùi khoai sắn, tiện tay nhặt từng hạt thóc lẫn vào rơm nếp đang nổ lép bép thành bỏng trắng tựa hoa ngâu. Bếp của người Tày gọn ghẽ, nồng nàn. Mấy túm ngô già phần bắp đỏ au, phần bẹ trắng muốt treo lúc lủi trên đòn ngang, để giống mùa sau có cần đẹp thế? Thoăn thoắt những bàn tay đàn bà con gái trong nhà làm bánh ngải, bánh chuối rừng. Thoáng chốc bày ra cả mâm xanh, đỏ, tím, vàng chộn rộn con mắt. Đàn ông đang rót rượu trong vò, lấy thịt nướng bày ra thơm lựng. Giây phút rạo rực và mê say đó, trong tôi cũng le lói đôi phần nghĩ ngợi xa xôi. Sợ rằng khung cảnh đó sẽ không còn. Sợ mai này Nghĩa Đô đổi khác. Sợ những con người lành hiền, bé nhỏ phải gồng gánh lo toan... Tôi từng gặp những câu chuyện tương tự thế ở những làng bản bé xinh chuyển mình làm du lịch sinh thái. Nên chăng, muốn giữ gìn, phát triển, cộng đồng bên ngoài bản địa phải có đủ trách nhiệm và giàu lòng trắc ẩn sâu xa.

Rời Nghĩa Đô, say rượu, say người, say hương rừng thoang thoảng. Lại thêm lần gặp lại vạt đồi hoa tím, sắc đỏ mộc miên. Mỗi khi ngắm hoa rừng, trong tôi luôn dấy lên cảm giác khá chậm rãi, rõ ràng về sự ấm dần của lòng đất. Xứ non cao, hoa như thể những đám mây, lửng lơ kéo từ khoảnh rừng này qua chân đèo nọ, lắm khi tưởng sà xuống tận vai người. Chẳng biết có phải bởi không khí lạnh ẩm quyện với nồng nàn mà không khí Nghĩa Đô cứ dịu lắng, mơ hồ như khói tỏa. Nơi đó, tôi cứ mải miết nghĩ về nỗi nhớ dệt trong miền thổ cẩm, những hoa văn mang linh giác con người.


Tác giả: Lữ Mai
Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây