Cái đẹp khởi lên tử cái thật

Chủ nhật - 20/12/2020 09:58
Chẳng riết róng lạ hóa hình tượng nghệ thuật, chẳng vân vi câu chữ cho nó mang vẻ văn, cũng chẳng kiểu cách triết lý chồng lấp như diễn ngôn trong các truyện ngắn đương đại, vẻ đẹp của văn Chu Bá Nam nằm ở khả năng thấu cảm, gợi mở cho người đọc thấy có một cái gì còn cao hơn, rộng hơn, sâu hơn ẩn đằng sau những câu chuyện đời thường.

Thực ra, chưa cần đến những truyện ngắn mà ông là tác giả, tính cách và tấm lòng của Chu Bá Nam trước cuộc đời, với con người đã đủ sắc thái, hình ảnh, đối thoại và sự lạ đẫm thấm chất văn. Trong cuộc sống và trong văn chương, ông hiếm khi tranh luận đúng sai, không thích phán xét và áp chế người khác, kể cả những lúc ngồi bù khú cùng các bạn văn, giữa những câu chuyện văn chương nắc nỏm, thường tự khuất mình thảnh thơi lắng nghe, cố gắng thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ. Thái độ sống khoan hòa, cách nhìn đời độ lượng giúp Chu Bá Nam có thêm thời gian, khoảng lặng để chiêm ngắm, ngẫm ngợi, trăn trở về những điều mình thấy, mình thể nhập, mình sống rồi dụng công kết nối tất cả các dữ liệu nhân vật lại, từ đó đủng đỉnh phả vào những trang văn. Ngôn ngữ văn ông vì thế mà mập mẩy, đầy trải nghiệm, lắm xót xa nhưng đằm thắm, cái đằm thắm đến từ người biết lọc lắng quan sát, gạn đi những thứ cầu kỳ phô diễn không cần thiết.

Cũng là chiến tranh khốc liệt dồn đẩy sự sống dạt về một phía, nhưng qua truyện ngắn Bức phù điêu tạc vội của Chu Bá Nam, người đọc nhận ra trên cái nền chiến tranh chết chóc, mầm sống và tình yêu vẫn bật dậy, thắp rạng những niềm tin: “Rừng xanh như bị muối dưa, nhất loạt ngả vàng, rũ dột, đổ lá trơ ra bộ xương khô chỉ vài ngày sau cơn mưa bụi chất độc da cam từ máy bay trút xuống. B52 trải thảm. Rừng cháy, những gốc cây đen thui trên nền đất đỏ bị nung nóng cả ngàn độ. Sự sống bị hủy diệt hoàn toàn. Vậy mà mùa mưa đến, màu xanh sinh sôi lại xuất hiện, lan tràn. Sống như là định mệnh của mảnh đất này. Cùng với màu xanh ấy, tình yêu vẫn cứ nảy nở giữa trận chiến ác liệt mà sự sống còn nổi lên hàng đầu…”. Những câu văn như lời bình ngoại đề được ông sử dụng để mở đầu thiên truyện Bức phù điêu tạc vội vừa bi tráng vừa đẹp rờn rợn. Đẹp bởi ngôn ngữ ở đây ngoài khả năng tạo nên một không gian thực, còn có cái gì rờn rợn, mơ hồ, liêu trai. “Trận địa im tiếng súng. Trăng nhô cao, rắc bạc trên tán lá xác xơ bom, đang bốc lên một mùi tanh khét quen thuộc. Chiếc cáng cuối cùng đã được chuyển đi”. Trong khung cảnh đó, nữ cứu thương tên Hạnh, nhân vật chính của truyện xuất hiện. Nhặt nhạnh bông băng, y cụ, thuốc men lên cái thồ lớn trên lưng trâu, cô lộn lại nghe ngóng thì phát hiện một người lính gục đầu vào gốc cây đổ, lưng áo ướt đầm. Hạnh lại gần, người lính đứng lên, hai tay dang rộng, bước tới ôm chầm lấy cô, gọi “Mẹ!”. Tiếng mẹ cất lên từ sâu thẳm trái tim người lính đã làm Hạnh yên tâm. Tiếng ấy không thể là của người xấu. Thì ra, người lính đó bị chấn thương sọ não đang mê sảng, tưởng Hạnh là mẹ mình, nên ôm chầm lấy cô như một phản xạ. Băng xong chỗ sọ vỡ cho người lính, Hạnh và người thương binh leo lên lưng trâu, trở về lán trại. Mùi mồ hôi con gái thức tỉnh khứu giác người lính trong cơn mê, anh bất giác gọi cô là Lan, người yêu của mình. Hai người đang trên đường trở về lán trại, bỗng khựng lại vì gặp phải hổ. Một con hổ khoang trắng, đuôi cong vút, ngồi chầu hẫu trên đống nước bọt khổng lồ, chực chờ vồ mồi. Giữa lúc lung nhất thì giọng đồng dao của người lính trẻ cất lên. Nó như lời bùa chú màu nhiệm, đưa hai người vượt qua hiểm nguy. Đi tiếp một quãng, người lính đột nhiên im bặt, ôm bụng, nôn thốc ra và tắt thở trên tay Hạnh.

Chu Bá Nam kết thúc thiên truyện bằng một cảnh tượng bi tráng, thảng thốt đến gai người. “Trong sấm rền và ánh chớp liên hồi, bóng cô gái ôm đồng đội trên lưng trâu. Con trâu đen trũi, trán nồi đồng, mõm ngắn, bạnh to, gương cặp sừng cánh ná, nghếch lên in trên nền trời một tượng đài sống của cuộc chiến tranh nhân dân vệ quốc vĩ đại”. Vua Rắn, một truyện ngắn công phu, rất nhiều màu sắc, nhịp điệu truyện uyển chuyển, giàu nhạc tính. Tuyến truyện phát triển tự nhiên, những cảm xúc ồ ạt, những tình tiết sinh động và hợp lý làm ngợp hồn người đọc. Một yếu tố quan trọng nữa tạo ra nét đặc sắc của Vua Rắn chính là ngôn ngữ truyện. Ở truyện ngắn này, dù là kể hay tả, thậm chí là đối thoại, luôn có những đoạn văn, câu văn làm người đọc sững sờ bởi vẻ đẹp miên man của lớp ngôn từ mà Chu Bá Nam sử dụng. Nó chẳng những biểu đạt chính xác những cảnh huống, mà còn khiến tâm hồn người đọc day dứt bởi con người và loài vật đang đẩy nhau vào chỗ một mất một còn. Một cuộc chiến sinh tồn thật khủng khiếp. Phép màu lại là câu chuyện theo kiểu luận đề, nghĩa là truyện mang rõ thông điệp của tác giả. Thông điệp trong truyện ngắn Phép màu là tình yêu thương. Yêu thương là một phép màu. Tuy nhiên, nếu chỉ có thông điệp, văn sẽ không có giá trị. Cái khiến cho truyện ngắn này trở nên đáng nhớ là tác giả đã khéo léo tạo dựng sự gay cấn trong tình tiết, trong lời dẫn, lời kể, lời tả, lời thoại và diễn biến tâm lý. Quan trọng nhất, tác giả đã ẩn kỹ ý tưởng, để cho câu chuyện tự bật ra thông điệp. Trong Độc thoại của đất, tác giả như ngậm từng chữ, nhả từng câu, đắng đau như chính mình là người trải nghiệm. Độc thoại của đất, một thiên truyện mà tác giả tỏ ra lọc lõi, đầy tự tin và hào hứng. “Chọn nghề trồng cây là chọn tự do, ít dính líu đến người khác. Có hạt giống, có đất có trời, có sức người nhất định có thu hoạch. Giàu thì khó chứ chắc chắn không đói”. Ý nghĩ tốt đẹp đó làm cho người nông dân trở nên kiên cương, bền bỉ khai sơn phá thạch. Nhưng thời cuộc xoay trở, con người tiên phong mở đất, người trồng ra những bông hoa đầu tiên của mảnh đất ấy bỗng chốc lạc hậu, trở thành chứng nhân lịch sử, hiện vật sống của bảo tàng hoa. “Tiếc thay, trong thế giới phẳng của thiên niên kỷ thứ ba này không có chỗ cho vợ chồng An Tiêm hoặc Robinson một mình trên hoang đảo. Bà - nhân vật chính trong truyện ngắn Độc thoại của đất - không thể tiếp tục solo trên mảnh đất sân khấu choen hoẻn lòng bàn tay, biệt lập từ A đến Z, thức ngủ theo mặt trời”. Tiếp nối dòng cảm thức ấy, ở truyện ngắn Mùa người, trước nhân tính con người bị chìm lấp, xói mòn bởi những va đập ma sát với vụn vặt đời thường, tác giả chỉ ưu tư mà rằng: “Tất cả đã thay đổi. Có thời người ta sống thế này, có những năm tháng người ta sống thế kia. Người mỗi lứa mỗi khác, như cỏ cây có mùa, năm bội thu hoa tươi hạt mẩy, năm sâu bệnh lép hạt héo hoa. Người cũng có mùa, lẽ dĩ nhiên, có mùa được mùa mất, âu cũng là chuyện thường tình”. Mỗi truyện ngắn tác giả có cách dẫn dắt và cách kết thúc riêng. Tác giả khi thì dùng một lời thoại, lúc thì sử dụng lời kể, cũng có khi thả một lời bình ngoại đề, để kết thúc một cao trào hoặc mở ra một cao trào mới như trong truyện ngắn Khi hoa cúc nở: “Thế đấy, dáng vẻ lịch lãm ư? Quần áo chỉnh tề ư? Nước hoa loại sang ư? Ngay cả cái văn chương của thầy nữa cũng không làm cô xúc động bằng lúc này. Hoa mỹ như lông cánh con gà trống, chỉ làm người ta thích. Tâm hồn đồng điệu và sự hi sinh cho nhau mới là yêu. Tình yêu thật sự đến cũng bất ngờ như ta ngộ ra một điều gì, nó không có hình thức, ngoài những kịch bản tưởng tượng”.

Chu Bá Nam quan niệm, phong cách nghệ thuật cao nhất là chẳng có phong cách nào cả, nó phụ thuộc hoàn toàn vào những gì người viết muốn tạo lập. Truyện hài hước thì văn phong hài hước, truyện trữ tình thì văn phong trữ tình, truyện hành động thì văn phong hành động. Bởi vậy, người viết chỉ nên quan tâm một điều: những gì mình viết ra có làm người đọc thấy thú vị không, có mang đến những xung động mạnh trong tình cảm của người đọc hay không. Quả nhiên, đọc truyện ngắn của ông, người đọc hiểu thêm về quan niệm của tác giả và nhận ra phía sau những con chữ hiện lên gương mặt người viết nhiều thao thức. Nghệ thuật truyện ngắn Chu Bá Nam là cái đẹp khởi lên từ cái thật, từ nỗi ưu tư của một tâm hồn nặng lòng trắc ẩn.

Tác giả Chu Bá Nam sinh năm 1944, tại Kinh Bắc, là dược sĩ, chuyên gia về hương liệu. Ông từng giảng dạy ở Trường Đại học Dược Hà Nội. Sau tu nghiệp tại Bulgaria, ông Chu Bá Nam về nước, rồi chuyển vào Đà Lạt - Lâm Đồng công tác trong ngành dược liệu. Ngoài công việc nghiên cứu dược liệu, ông còn sáng tác các tác phẩm văn học, kịch bản phim. Tính đến nay, ông Chu Bá Nam đã có 6 cuốn sách văn học được xuất bản, bao gồm Ngoài phòng thí nghiệm (tiểu thuyết), Chốn sương mù (tập truyện ngắn và ký), Khúc nhạc chiều (tập truyện ngắn), Phép mầu (tập truyện ngắn), Khi hoa cúc nở (tập truyện ngắn) và Duyên phận (kịch bản phim). Hiện, ông đang sống và viết tại Đà Lạt.
 

Tác giả: Trịnh Chu
Nguồn Văn nghệ số 51/2020

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây