Thơ và những biến cố

Thứ tư - 09/12/2020 14:19

Người Biên Tập rất vui được trở lại với bạn đọc của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong thời gian qua, Người Biên Tập tiếp tục nhận được nhiều thư, bài cộng tác của các tác giả từ mọi miền Tổ quốc. Qua các tác phẩm gửi đến, có thể thấy, thơ ca vẫn luôn đồng hành cùng đất nước, đồng hành cùng dân tộc, đồng cảm với những gì cần được sẻ chia và thấu hiểu của con người.

Đại dịch Covid-19 xảy đến trong thời gian qua và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, là một biến cố lớn với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Rất nhiều tác giả đã gửi đến Văn nghệ Quân đội những tác phẩm được sáng tác trong bối cảnh đó. Người Biên Tập xin được chia sẻ và có những trao đổi với các tác giả viết về đề tài này.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, tác giả Thanh An viết: “Là một người lính từng trải qua chiến tranh tôi rất thương dân tộc mình. Dịch bệnh Covid-19 tôi đã cùng các con, cháu mua khẩu trang ủng hộ những người nghèo, những người lao động chân tay vất vả. Mong rằng họ đảm bảo được sức khoẻ còn làm ăn. Bên cạnh những việc làm thực tế, tôi cho rằng thơ ca sẽ làm cho tâm hồn ta khoẻ mạnh hơn. Có lẽ do tôi yêu thơ nên luôn thấy mình khoẻ khoắn, tươi trẻ để làm những điều có nghĩa”.

Cùng với câu chuyện của mình, tác giả Thanh An viết:
Những con đường vắng vẻ
bao kiếp người biết trú ẩn vào đâu
dịch giã làm tan bao giấc mộng
giới sang giàu muốn bay nhảy muôn nơi
người khó nghèo chỉ mong được làm việc
nhưng Covid không phân biệt sang nghèo
ta đành phải ở trong nhà nghe ngóng.

Người Biên Tập rất trân trọng tấm lòng mà bác Thanh An đã dành tặng những người kém may mắn hơn mình, khi sẻ chia, giúp đỡ họ trong đại dịch; cũng rất vui khi khi bác cảm thấy thơ giúp cho sức khoẻ và tinh thần tốt hơn. Vâng, đúng là dịch giã đã làm tan đi bao giấc mộng của con người; đẩy không ít người vào tình cảnh éo le của bệnh tật, của công việc và đời sống. Nhưng hơn lúc nào hết, tinh thần chung tay chống dịch, sẻ chia khó khăn, cùng giúp nhau vượt qua đại dịch đã và đang tiếp nối vào tinh thần nhân văn cao đẹp của người Việt ngàn đời. Người Biên Tập cho rằng những việc làm của tác giả góp phần cùng cả nước chống đại dịch Covid-19 là rất đáng quý. Cũng mong vẻ đẹp ấy, tinh thần ấy sẽ được bác thể hiện vào thơ sâu sắc và tinh tế hơn nữa.

Từ Hà Giang, tác giả Hồng Hà gửi đến những câu thơ khắc hoạ hình ảnh người lính biên cương chống dịch:
Phủ xanh dải đất biên cương
Các anh chống dịch kiên cường vì dân
Đồng bào như thể người thân
Khẩu trang, nước rửa ân cần trao tay
Nghi ngờ bệnh, cách li ngay
Giúp cho yên ổn chốn này vùng biên.
Cùng đề tài này, tác giả Nguyễn Xuân Khánh ở Hà Nội viết:
Nơi biên giới xa xôi cách trở
Những người lính bền bỉ như núi rừng
Chịu mưa và chịu nắng
Chống dịch giúp bà con

Ở mỗi bài thơ, Người Biên Tập đều thấy được những yêu thương, trân quý mà người viết dành cho những người lính đang đêm ngày chống dịch nơi biên cương Tổ quốc. Có thể nói, với những bài thơ trên, các tác giả đã góp phần tô thắm thêm vẻ đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Trong gian lao vất vả, hình ảnh người lính hiện lên gần gũi, ân cần và tin cậy. Nếu như các tác giả bớt đi những kể/tả thông thường và mở rộng thêm những chiều kích nhìn về người lính thì chúng ta sẽ có được những câu thơ tinh tế, giàu thi ảnh hơn.

Trong thư gửi về tòa soạn tác giả Yên Nguyên bày tỏ: “Chúng ta cần đăng những bài thơ ca ngợi tinh thần chống dịch để ủng hộ tinh thần cho những người đang ở tuyến đầu”. Người Biên Tập rất hiểu thành ý của tác giả. Trong thời gian qua, Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng đã in khá nhiều chùm bài ấn tượng về đề tài này, tác giả có thể tìm đọc để biết và hiểu thêm.

Chùm thơ của tác giả Kim Thành (Hà Nội) mới gửi về, Người Biên Tập đã đọc và muốn chia sẻ với tác giả qua bài thơ Chuyện người bán hàng rong:
Chị không còn ra phố
Gánh hàng cũng hiểu cách li
Những ấm nóng hôm qua không còn
Đứa trẻ còn ngây thơ lục lọi

Mẹ còn được thấy con
Chị nói
Bao bà mẹ đang phải cách chia
Cả tháng dòng nhớ con tức ngực
Số bệnh nhân vẫn tăng dần lên

Mẹ còn được thấy con ngon giấc
Dẫu đói no cũng vẫn an lành
Bao người mẹ ngắm con qua ảnh
Rồi vội bước vào phòng cách li.

Tác giả Kim Thành đã thể hiện được những nỗi niềm sâu kín của người mẹ nghèo bán hàng rong, nhìn con phải chịu thiếu thốn trong những ngày cách li vì dịch bệnh, chị đã nói với con về những người mẹ là y, bác sĩ đang chống dịch cứu người, phải cách xa con nhỏ. Đây là cái nhìn chứa đựng sự đồng cảm, nhân văn cần được chia sẻ. Tác giả đã nhìn vào số phận của con người cụ thể, tránh được sự đại khái mà nhiều người viết vấp phải trong đề tài này. Nếu như tác giả Kim Thành đào sâu hơn nữa vào câu chuyện để có được những rung cảm tận cùng cũng như có những câu thơ mang tính hình tượng hơn thì chắc hẳn bài thơ sẽ thành công hơn. Về ý thơ, tác giả đã có sự mở đầu khá gợi, tuy nhiên, trong diễn đạt thì vẫn chưa được ổn. Một khổ thơ với bốn câu thơ ngắn mà tác giả lặp lại đến ba lần chữ còn, điều đó làm cho ý thơ không vượt thoát lên được.
Từ Nghệ An, tác giả Minh Thành gửi đến bài thơ Nỗi đau loài người, có đoạn viết:
Hôm qua chín tư, rồi một trăm lẻ một
Hôm nay đã một trăm mười lăm
Chỉ có thể dõi theo con số
Còn nỗi đau ai đếm được không

Chúng ta vẫn theo dõi thông tin từng ngày với những số liệu đáng ngại được đưa ra về dịch bệnh, tuy nhiên, day dứt, ám ảnh hơn là nỗi đau hiện diện thực trên chính thân thể/số phận con người. Tác giả Minh Thành đã có một cái nhìn riêng khác và đồng cảm với nỗi đau của con người trong bệnh dịch, nhưng trong một bài thơ ngắn mà đưa ra quá nhiều con số thống kê sẽ làm mất đi chất thơ của tác phẩm. Thơ là những ý nghĩ thăm thẳm, còn thông tin về những con số thiên về công việc của báo chí. Mong rằng tác giả Minh Thành sẽ lưu ý hơn điều này.

Cuối cùng, Người Biên Tập xin trò chuyện cùng bạn Lê Anh Minh, một chiến sĩ trẻ đang đóng quân tại Sơn Tây. Trong thư bạn viết: “Là một chiến sĩ trẻ, đứng trong hàng ngũ của Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi rất hiểu trách nhiệm của mình trước cơn đại dịch mà đất nước đang trải qua. Tôi cùng đồng đội đã có những công việc cụ thể để nỗ lực cùng cả nước vượt qua khó khăn, thử thách này. Chưa bao giờ tôi thấy giữa người với người lại có mối liên hệ sống còn với nhau như vậy. Nếu vô tình ta có thể gây nguy hại cho người bên cạnh, hoặc ngược lại. Chưa bao giờ ý thức con người lại được nói đến nhiều như thế…”. Cùng với những lời tâm sự, bạn Minh viết:
Những điều chưa từng có
Đều có thể xảy ra
Dịch bệnh như giặc cỏ
Đang tàn phá nước ta

Sự sống thật quý giá
Chớ vô tình tước đi
Bằng sự vô ý thức
Xin hãy chọn cách li.

Bạn Lê Anh Minh thân mến! Cảm ơn những lời tâm sự, sẻ chia ý nghĩa của bạn. Điều đó là cần thiết và cần được lan toả đến mọi người. Với thơ, bạn cũng muốn thể hiện những điều mà mỗi chúng ta trong thời điểm này cần phải lưu ý, gìn giữ cho mình cũng là gìn giữ cho mọi người và gìn giữ cho đất nước. Đó là một thông điệp đáng quý. Chỉ mong bạn chắt lọc và trau chuốt hơn khi truyền tải những suy tư, cảm nhận của mình để những câu thơ mềm mại hơn, truyền cảm hơn. Có những câu/từ mà chúng ta có thể sử dụng khi nói hoặc diễn đạt trong văn viết, nhưng khi sử dụng cho thơ thì lại không phù hợp. Ngôn ngữ của thơ phải là thứ ngôn ngữ mà khi đọc lên sẽ khơi gợi được nhiều cảm xúc và liên tưởng. Mong bạn Minh sẽ có thêm những tìm tòi mới cho thơ của mình.

Những biến cố của thời đại luôn khiến người làm thơ trăn trở, suy tư. Biến cố nói với chúng ta điều gì? Phía sau câu hỏi lớn ấy dường như mỗi người viết sẽ có câu trả lời riêng trong tác phẩm của mình. Người Biên Tập hi vọng chúng ta sẽ sớm ngăn chặn được dịch bệnh. Chúc các bạn thân quý của Văn nghệ Quân đội luôn mạnh khoẻ, bình an.


Theo Tạp chí VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây