Người văn còn lại chút này…

Thứ hai - 07/12/2020 08:27

Nhà thơ Thi Sảnh tên thật là Nguyễn Thanh Sỹ, sinh năm 1941, quê huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tốt nghiệp khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được phâm công về Quảng Ninh công tác và gắn bó với vùng đất văn hóa than và biển Quảng Ninh từ đó. Từ một cán bộ Bảo tàng, ông chuyển sang công tác tại Sở Văn hóa Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Quảng Ninh hơn 10 năm, làn đến cương vị Giám đốc Sở, Ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Quảng Ninh 3 khóa, Chủ tịch Hội Sử học Quảng Ninh.
111

Từ năm 1964, Thi Sảnh đã có thơ in báo Quảng Ninh và Văn nghệ Vùng Mỏ… tiếp đến là trên các báo văn nghệ trung ương và địa phương, và cũng đã có mặt trong 15 tuyển tập Thơ từ đó đến nay. 10 năm trở lại đây Thi Sảnh chuyển sang viết tiểu thuyết. Sau cuốn tiểu thuyết đầu tay Chân trời ám ảnh, ông tiếp tiếp tục cho ra mắt cuốn Âm vang dòng sông, và gần nhất là cuốn Cứu cánh. Tiểu thuyết của Thi Sảnh đi sâu khai thác những đề tài lịch sử. Hai cuốn đầu ông viết về mảnh đất quê hương Quảng Trị oai hùng và không kém phần khốc liệt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ; Và cuốn Cứu cánh viết về vùng mỏ thân yêu trong giai đoạn vượt qua mưa bom bão đạn để giữ vững sản xuất cũng trong cuộc kháng chiến này…

Các tác phẩm đã xuất bản: Thơ: Điều ước (1983); Đợi và tìm (1985); Bài thơ bên vách núi (1996); Cõi thiêng (2000); Thức với dòng sông (2004); Hình bóng xưa (2005); Khi ta hát (2010); Cứ tự nhiên phát sáng (2013)… Ký: Đất nước ngàn năm (in chung, 1976-1980); Quảng Ninh, miền đất những kỳ tích (2004); Vịnh Hạ Long (1978); Vịnh Hạ Long – Hành trình một kỳ quan (2012). Tiểu thuyết: Chân trời ám ảnh (2009); Âm vang dòng sông (2014); Cứu cánh (2016).

Nhà thơ Thi Sảnh từng được nhận các giải thưởng văn học: Giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học do Hội Nhà văn Việt Nam và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam tổ chức; Giải Ba cuộc thi sáng tác văn học do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ GTVT tổ chức; cùng nhiều Giải thưởng tại các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác văn học do tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng nhận xét: “Thi Sảnh là người chép sử hồn mình bằng thơ. Và từ cuốn sử tâm hồn riêng lẻ ấy, ta nhận ra cả một thời anh đang sống...”. Đây là một nhận xét thật xác đáng! Và vì Vùng mỏ vốn gắn bó máu thịt, như là quê hương thứ hai, cũng lại là mối quan tâm sâu sắc của ông dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử, nên không có gì khó hiểu khi “người chép sử hồn mình bằng thơ” đã dành nhiều cảm xúc khi viết về Vùng mỏ và người thợ mỏ... Còn ông, viết về cá nhân mình, nhà thơ đã tự bộc bạch: “Đời tôi/ là sự nối tiếp những chuyến đi”. Nhưng có một chuyến dừng chân neo đậu mãi của ông đó là Vùng mỏ. Nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai mà ông đã gắn bó cả cuộc đời. Nhà thơ Thi Sảnh có khá nhiều bài thơ viết về biển, về than là những gì riêng có của vùng đất Quảng Ninh. Dù viết về biển hay về than cũng đều thể hiện tình yêu mãnh liệt, sự thấu hiểu của tác giả dành cho vùng đất hiền hòa mà dữ dội, thơ mộng trữ tình mà dạt dào mãnh liệt.

Nhà thơ Thi Sảnh đã giã từ cõi tạm một ngày chớm đông tháng 11 năm 2020 sau nhiều năm vật vã với cơn tai biến làm cho sức khỏe của ông sa sút rất nhiều.

Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, gia quyến, bạn bè cùng độc giả yêu mến nhà thơ Thi Sảnh.

Văn nghệ

 

Âm vang dòng sông là tiểu thuyết gần như là cuối cùng của nhà văn Thi Sảnh được xuất bản năm 2014, đến năm 2016 ông lại trình làng tiểu thuyết có tên Cứu cánh, là bạn viết tôi thật sự nể phục sức lao động bền bỉ của ông… 

Quê huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, ông gắn bó với vùng đất văn hóa than và biển Quảng Ninh từ thời thanh xuân. Ông từng là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Quảng Ninh hơn 10 năm. Cho đến nay ngoài sáng tác văn học, ông đã cho xuất bản gần 2 cuốn sách các thể loại nghiên cứu văn hóa, lịch sử, thơ, tiểu thuyết…

Xin có vài lời về người đồng nghiệp văn chương với tôi, cùng sinh hoạt ở Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh. Tôi không có cơ hội làm việc với ông, chỉ biết nhau qua kênh văn chương. Ông là người đam mê và tham gia nhiều lĩnh vực, là làm nghiên cứu văn hóa, làm thơ, viết tiểu thuyết, truyện ngắn. Dù đổ bệnh đã lâu, nhưng niềm đam mê văn chương không vơi trong ông, tôi nhớ khi còn làm công tác ở Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, ông đã gửi đến dự thi nhân dịp ngành than 80 năm hình thành và phát triển, chùm thơ của ông được Ban giám khảo đồng thuận cao và trao Giải Nhất, những câu thơ chất chứa ngọn lửa than, ngọn lửa khát khao cống hiến cho vùng đất con người vùng mỏ Quảng Ninh những câu thơ gan ruột và vạm vỡ.

Thời gian cứ đi qua, cứ trôi như lẽ thường bất biến, ít ai biết thời gian sau khi nghỉ hưu vì bệnh mà chân ông đã yếu không thể di chuyển đi xa được, tay ông đã khó khăn trong việc cầm bút và gõ phím máy chữ, nhưng bằng mọi nỗ lực để vượt qua bạo bệnh, cứ một thời gian ngắn tôi lại thấy ông cho xuất bản tập sách mới. Và dù khó khăn trong việc đi lại, nhưng khi có sách mới ông vẫn đều đặn gửi về cho tôi, những khi nhận được sách của ông, tôi thường gọi điện thoại và bảo ông, lần sau có sách ông không phải gửi nhé, đỡ vất vả phải đi xe ôm ra bưu điện, cứ để đó, em sẽ qua nhà nhà nhận là được. Nhưng ông vẫn gửi đều đặn và có duy nhất một hôm tôi ghé được nhà ông, chuyện trò một hồi ông bảo cô còn đi làm, cứ để tôi gửi bưu điện cho tiện, cô không phải qua nhà tôi đâu… Và đều đặn những cuốn sách dày, tiểu thuyết, truyện, thơ... của ông vẫn xuất bản, nối tiếp những cuốn sách ra đời dường như gấp gáp.  Hôm tôi tới nhà, và bà vợ của ông phải hỗ trợ ông di chuyển ra phòng khách để ông và tôi hàn huyên chuyện sách báo, chuyện viết, chuyện nghề…

Tôi chợt rưng rưng nhớ về lần đến nhà ông duy nhất đó, tôi và ông ngồi trong căn nhà giữa phố mỏ có tên chợ Núi Xẻ sầm uất người qua, kẻ lại, cuộc sống bộn bề những tất bật, sôi động, nhìn dòng người ngược xuôi, nhìn dòng thời gian cứ vô thường trôi, tôi nghĩ ông bất lực lắm vì sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, khi mà bao khát vọng ấp ủ chữ nghĩa vẫn còn ngổn ngang. Tôi không hình dung nổi, sao ông vẫn sáng tác và cho ra mắt liên tục các tập sách dầy dặn. Thơ vẫn đăng đàn đều trên báo Văn nghệ, báo Hạ Long...

Có một chuyện thú vị, tôi và ông cùng đợt kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nghe đâu, trong cuộc họp, anh Hữu Thỉnh đã vỗ trán “ơreka” Thi Sảnh à, Thanh Sỹ Quảng Ninh à, trời ơi, đơn đã nộp gần 20 năm rồi, sao giờ còn ở đây... là nghe thế, tôi chưa kiểm chứng lại, nhưng vì thế mà ông đã vinh dự được mang danh Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào tháng 1 năm 2011 và không bị ai đó nhắc, sao tên ông… cứ bị quên!!!...

Vậy đó, thương nhất hôm 15/10/2020 Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh tổ chức Đại hội, anh xe ôm do gia đình nhờ chở ông đến, và tôi biết từ khi bị bệnh, chân tay đều đã rất khó khăn trong sinh hoạt, vì thế mỗi khi đi họp đều phải có người hỗ trợ, ông đi họp cho có dịp gặp gỡ anh em, chứ đến giờ ăn thì lại gọi ông xe ôm đón về...

Và hôm nay cũng thế, ông cố gắng ra để ngó Đại hội Chi hội, để có thể gặp gỡ anh em, ai có ngờ đó là lần gặp cuối của tôi với ông. Vì trụ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh không có thang máy, ông chỉ đến tầng 2 thì dừng. Anh xe ôm nhờ người gọi tôi rỉ tai nói chị nói thế nào cho bác về, chứ bác không ổn đâu, cứ đòi ra nên gia đình chiều cho bác ra thôi, và vì bác không thể leo lên tầng 4  để gặp gỡ mọi người trong Chi hội được đâu. Nghe thế, tôi chạy xuống chào ông, và chưa kịp nói thêm gì, ông đã cất lời giọng nhẹ như gió thoảng, tha thiết rằng cho tôi gặp anh Lê Toán nói vài lời rồi về. Tôi lại ngược lên tầng 4 để mời nhà văn Lê Toán là Chi hội phó Chi hội nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh xuống gặp nhà văn Thanh Sỹ đang đợi ở bậc thềm tầng 2, không rõ nhà văn Thanh Sỹ nói gì với nhà văn Lê Toán, tôi chỉ biết là anh xe ôm đã lại cõng ông xuống và đưa ông về nhà...

Và từ khi vào Hội đã chạm 2 nhiệm kỳ, ông không tham dự Đại hội nào vì sức khỏe. Giờ thì ông đã về miền mây trắng quá nhanh mà tôi không hình dung sức khỏe ông suy sụp nhanh thế sau bữa gặp 15/10 ấy đến nay cũng như chỉ một chốc lát thôi, vậy mà Chi hội chúng tôi lại phải tiễn một người đi xa....

Một nhà văn, một nghiên cứu văn hóa, lịch sử, đã gắn bó và cống hiến trọn đời cho mảnh đất than biển miền Đông Bắc mến yêu này. Nhớ ông, một người con Quảng Trị đầy gắn bó với Quảng Ninh từ thời thanh xuân nhưng giọng Quảng Trị vẫn như còn giữ nguyên. Nhưng những gì ông đã cống hiến cho vùng đất văn hóa than biển này đều nặng tình, nặng nghĩa, là tư cách của người công dân đứng mũi chịu sào ở nơi đây. Như công sức của ông bỏ ra để đồng hành cùng cộng sự và các cơ quan hữu quan từ địa phương đến trung ương hòan thành sứ mạng lịch sử của mình trong việc thực hiện việc tổ chức làm hồ sơ trình lên Ủy ban khoa học và giáo dục thế giới UNSSCO để Vịnh Hạ Long được vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới khi đương nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Quảng Ninh đến 11 năm liên tục.

Xin tiễn ông một lời thôi, mong ông an lạc, mong  có một chân trời thôi ám ảnh để chỉ còn âm vâng dòng sông như ông đã ký thác gửi gắm cuộc đời mình vào hai cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời văn ấy.

Tiễn ông, một con người đầy đam mê trong vóc dáng nhỏ thó, trong giọng nói, ngữ điệu còn nguyên chất giọng Quảng Trị ấm và thân tình, đầy nội lực với khát vọng chữ nghĩa. Xin tiễn ông, một lời thôi, ông đi về nơi xa xôi, nhưng chữ nghĩa của ông còn để lại như dòng sông âm vang…
 

Tác giả: Vũ Thảo Ngọc
Nguồn Văn nghệ số 49/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây