Đôi dòng tản mạn về thành phố Đà Lạt

Thứ tư - 09/12/2020 11:06
Vừa mới thức dậy, tôi đã cảm nhận rõ rệt rằng buổi sáng hôm nay trời Đà Lạt khác lạ so với buổi sáng của ngày hôm qua. Sau một đêm, từ lúc nào không rõ, chỉ biết lúc này đây, cả thành phố Đà Lạt đã chìm trong màn sương mờ huyền ảo. Khung cảnh trời quang, mây tạnh, gió thổi nhè nhẹ, cảnh trên những bạt ngàn của rừng thông, vườn hoa đủ sắc màu rực rỡ được ông mặt trời chiếu xuống muôn vàn tia nắng vàng, giống như màu của những bông dã quỳ nở rộ ven đường từ sân bay Liên Khương về thành phố Đà Lạt không còn nữa, thay vào đó toàn là sương mù buổi sớm, những màn sương bảng lảng, mỏng tang bao trùm, giăng mắc khắp không gian.

Sáng nay, Đà Lạt sương xuống thật nhiều. Khói sương chùm lên trên đỉnh núi Langbiang mờ ảo, chùm lên rừng thông, ruộng vườn, làng mạc, phố phường, sương phủ kín mặt hồ Xuân Hương có hình dáng như một củ khoai lang nằm ngang, mặt hồ êm đềm, phẳng lặng. Đứng trên đường Hùng Vương, nhìn về phía nhà ga xe lửa Đà Lạt, thấy làn sương trắng đục đang bồng bềnh, chậm rãi ngoi lên, xa trông như những sợi khói lam chiều len lỏi, chui ra từ mái bếp lợp bằng rạ, gợi cho ta những ký ức về một thời xa ngái. Khói bếp xộc vào mắt, mũi cay xè, đến ngay rơm, rạ cũng không có đủ để nấu trọn vẹn bữa cơm chiều.

Trong một quán cà phê (ông chủ là người Hưng Yên) nằm bên đường Nguyễn Đình Chiểu, cách chợ Đà Lạt không xa, mấy anh em du khách người miền Bắc chúng tôi vừa nhâm nhi, thưởng thức hương vị của ly cà phê còn đang tỏa khói, được trồng tại cao nguyên Lâm Viên, chúng tôi vừa bày tỏ những cảm nhận ban đầu của mình về thành phố Đà Lạt. Anh T  người có trí tưởng tượng khá phong phú đã ví Đà Lạt như một thiếu nữ nhan sắc yêu kiều, thế mà vẫn được mẹ thiên nhiên ưu ái, ban tặng thêm cho một tấm khăn voan khổng lồ, được dệt bởi vô số những sợi mây trắng ngà, đẹp mắt và thướt tha. Với kiểu thời tiết se se, lạnh lạnh như những ngày đầu đông của miền Bắc, khoác lên mình tấm khăn voan khổng lồ ấy, nàng thiếu nữ Đà Lạt không những đủ ấm mà càng lãng mạn, kiêu sa, mĩ miều hơn.

Với anh B, ấn tượng nhất của anh về Đà Lạt lại là cảnh những đồi thông nhấp nhô chạy dọc bình nguyên, là trập trùng những cánh rừng thông nhiều năm tuổi nối tiếp, sinh sôi, màu xanh trải dài ngút tầm mắt. Trên mảnh đất cao nguyên Lâm Viên  này, từ đỉnh núi, xuống đến sườn đồi, hay ở bên đường, ven hồ... nơi nào cũng có màu xanh của thông. Vì vậy, đến Đà Lạt ai cũng cảm nhận được, thành phố này đang ở trong rừng thông và khi ta thong dong dạo phố thì lại thấy, rừng thông xanh tươi trong phố, trong khuôn viên trường học, nhà hàng, công sở. Tiếng thông reo vi vu giữa không gian, tấu lên những bản nhạc trữ tình, du dương, nên Đà Lạt còn có tên là thành phố thông reo. Thông xanh trở thành linh hồn của Đà Lạt. Đứng ở ven đường, ngửa cổ nhìn lên trời thấy vời vợi thông xanh, đưa mắt nhìn xuống phía dưới là thấy thông kề nhau, xếp hàng ngay ngắn như học sinh xếp hàng vào lớp.
111

Nối thành phố Đà Lạt với các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng... là những cung đường rừng thoai thoải dốc, uốn lượn, quanh co chạy qua đồi thông, rừng thông, lúc ẩn, lúc hiện. Dưới vòm trời của những đám mây màu thiên thanh, dưới tán lá của bạt ngàn rừng thông, cùng với sự tĩnh lặng đến sâu lắng, những cung đường ở Đà Lạt hiện lên đẹp mắt, mang đến cho du khách cái cảm giác thích thú, gần gũi với cỏ cây hoa lá giữa đại ngàn của thành phố mộng mơ Đà Lạt.

Cùng ngồi uống cà phê với chúng tôi, có anh Hà Hữu Nết, quê ở tỉnh Hà Nam, hiện anh là Phó chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Vốn là một nhà báo, lại có thời gian sinh sống và công tác ở thành phố Đà Lạt khoảng 40 năm nên anh Nết khá am hiểu về mảnh đất này. Gần 2 giờ đồng hồ ngồi trong quán cà phê, anh Nết nhiệt tình,  hào hứng kể cho chúng tôi nghe về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của thành phố cao nguyên Đà Lạt.

Vào năm 1893 nhà thám hiểm A.Yersin phát hiện ra vùng đất Đà Lạt nằm trên độ cao khoảng 1500m so với mực nước biển, khí hậu nhiệt đới núi cao, không nóng quá, cũng không lạnh quá. Đến gần đầu thế kỷ XX, người Pháp xây dựng nơi đây như một đô thị nghỉ dưỡng, nơi tái hiện khung cảnh núi Alps giữa vùng cao nguyên xứ Đông Dương với khoảng 1300 ngôi biệt thự kiến trúc kiểu châu Âu. Cái đặc biệt của thành phố Đà Lạt là; không có xích lô, không có đèn báo tín hiệu giao thông và không có máy điều hòa nhiệt độ. Trong một ngày, Đà Lạt có tới 4 mùa; đêm về sáng sớm là mùa đông se se lạnh, tiếp đến là mùa xuân ấm áp, buổi trưa là mùa hè nhưng không nắng nóng như ở Hà Nội, Sài Gòn..., chiều đến là mùa thu mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong ngày từ 18-21 độ C. Theo anh Nết, du khách tới thăm Đà Lạt có thể đến các địa chỉ như; Nhà thờ con Gà, Ga xe lửa Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Nhà bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, hầm rượu vang Đà Lạt, núi Langbiang, Dinh Bảo Đại, biệt thự Hằng Nga, chùa Linh Phước, Thiền viện trúc lâm...

Tại nhà bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, qua tìm hiểu cho thấy nghi lễ đặt tên cho con của người C'Ho (cư dân bản địa của tỉnh Lâm Đồng) rất ý nghĩa và khá độc đáo, gần gũi với cuộc sống. Khi sinh ra được 7 ngày, mọi người trong gia đình tổ chức lễ đặt tên cho em bé. Để chuẩn bị cho nghi lễ đặt tên cho em bé mới sinh, trước đó mọi người trong gia đình đều phải chuẩn bị cái xà gạt (dao có cán dài để đi rừng), ná nhỏ (cung), nếu bà mẹ sinh con trai, chuẩn bị gùi hoa, quả bầu khô, khung dệt vải, rổ xúc cá...nếu bà mẹ sinh bé gái. Đó là những vật tượng trưng để cầu mong thần linh ban cho con gái thì xinh đẹp, chăm chỉ, khéo tay, hay làm, con trai thì được dài chân, dài tay như con vượn, khỏe mạnh như con gấu, con hùm để chinh phục rừng núi, săn bắt thú, giỏi việc nương rẫy...

 
                                                                    Công Đản.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây