- Cảm xúc của ông khi đắc cử chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2025?
- Tôi từng nghĩ mình nên là một nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ. Thế nhưng, khi được hội viên tín nhiệm bầu làm tân chủ tịch, tôi rất vui mừng. Tôi cảm nhận được trọng trách, thách thức rất lớn. Chúng tôi đang ở thời kỳ văn học bị rất nhiều loại hình giải trí, truyền thông khác lấn át. Hội phải làm gì để tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị với xã hội, độc giả. Đó là một đề bài rất khó.
- Ông Hữu Thỉnh đã làm chủ tịch 20 năm, ông gặp áp lực gì khi kế nhiệm?
- Nhà thơ Hữu Thỉnh đã tạo ra một vùng đất riêng. Hơn 65% hội viên trên 70 tuổi, quen với cách làm việc cũ. Số hội viên dưới 40 tuổi chỉ chiếm vài phần trăm. Ngay trong gia đình, tôi vẫn luôn bất đồng với con, cháu vì tư tưởng khác biệt. Công tác của hội cũng vậy thôi. Tương lai, tôi và các thành viên ban chấp hành phải tìm cách thay đổi thông qua việc chia sẻ với họ. Nếu không tìm được tiếng nói chung, chúng tôi sẽ không thể hiểu nhau, đưa hội thay đổi, đi lên. Hội mời nhà thơ Hữu Thỉnh làm cố vấn, hy vọng ông có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề nhạy cảm trên tinh thần tiếp thu cái mới.
- Ông có kế hoạch cụ thể gì trong nhiệm kỳ?
- Trước hết, tôi sẽ phải buông bỏ một trong các công việc đang làm - vai trò Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, để một nhân vật có tiếng nói trong giới văn chương, am hiểu ngành xuất bản đảm nhiệm. Người này có thể nằm trong ban chấp hành Hội Nhà văn hoặc không.
Để tạo diện mạo trẻ trung hơn cho nền văn học nước nhà, tôi muốn đẩy mạnh hoạt động của ban văn học thiếu nhi, xin phép cơ quan quản lý thành lập quỹ văn học thiếu nhi, tránh để tác phẩm nước ngoài lấn át tác phẩm trong nước. Giải thưởng cho sách thiếu nhi, sách văn học trẻ cần đứng riêng. Đó là sự đánh cược của tôi vào thế hệ tương lai của văn học và đất nước. Với những công việc đã đi vào quy củ như xuất bản ấn phẩm, tổ chức các giải thưởng, tôi sẽ chú ý từng khâu để mọi thứ nề nếp, chuyên nghiệp hơn.
- Ông dự tính ra sao về vấn đề về kinh phí phát triển hội?
- Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ hết sức Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện những mục tiêu mới như mở rộng hoạt động sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật, truyền bá văn học trẻ, văn học thiếu nhi, chúng tôi cần nhiều hơn. Tôi có quan hệ tốt với nhiều doanh nghiệp, họ yêu nghệ thuật, sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động của hội. Nhưng điều quan trọng là liệu hội có thể làm được những điều có ích để xứng đáng với sự đầu tư đó hay không.
- Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói ban chấp hành mới phải sâu sát đời sống, tránh những trường hợp như bán 189 tác phẩm của các nhà văn cho trang Waka với giá 50 triệu đồng một năm. Ông nghĩ sao?
- Công tác bản quyền cũng là một thách thức. Trung tâm tác quyền thuộc hội không có kinh phí hoạt động, chuyên môn không cao. Tôi nghĩ hội nên liên kết với các trung tâm tác quyền khác trên cả nước. Họ có đủ kỹ thuật, kiến thức để bảo vệ các nhà văn, tránh các sai lầm đáng tiếc xảy ra.
Nhà thơ Hữu Thỉnh (hàng trên, bên trái) chụp cùng tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Nguyễn Quang Thiều. Các thành viên ban chấp hành cũng ra mắt, trong đó có hai Phó Chủ tịch: nhà thơ Trần Đăng Khoa (thứ năm từ phải sang), nhà văn Nguyễn Bình Phương (thứ tư từ trái sang). Ảnh: Thanh Huế.
- Từng là phó chủ tịch Hội nhà văn khóa trước, ông nghĩ gì trước ý kiến đơn vị mình kết nạp hội viên dễ dàng nhưng không chất lượng?
- Tôi thừa nhận việc kết nạp thành viên dễ dãi hơn trong vài năm gần đây, khiến nhiều người cảm thấy chuyện này ngày một lỏng lẻo, bị chi phối bởi tình cảm. Tôi nghĩ một số trường hợp dù chưa thỏa đáng, bị công chúng hoài nghi, nhưng không phương hại nhiều. Suy cho cùng, đó là những khiếm khuyết đáng yêu, thể hiện tinh thần khuyến khích, động viên người viết trẻ.
- Ông muốn làm gì để góp phần nâng cao chất lượng sáng tác của hội viên?
- Nhiệm vụ quan trọng nhất của ban chấp hành là đánh thức tiềm năng, cảm hứng của các hội viên. Chúng tôi không thể thò tay vào bàn làm việc của mỗi nhà văn, can thiệp vào công việc sáng tác của họ. Hội sẽ truyền cảm hứng thông qua việc tổ chức sự kiện giao lưu với các nhà văn lớn trên thế giới, thúc đẩy hoạt động dịch thuật, quảng bá văn học Việt ra nước ngoài... Qua đó, tôi hy vọng các nhà văn ý thức hơn vai trò, nhiệm vụ của mình.
- Ông đánh giá thế nào về những thành tựu, hạn chế trong nhiệm kỳ trước?
- Hội đã thành công khi kết nạp thêm nhiều nhà văn trẻ, tuổi đời khoảng 30 với một thái độ trân trọng dù bị lớp nhà văn lớn tuổi hoài nghi. Ban chấp hành khóa chín tin rằng những cây bút này là chủ nhân của nền văn học tương lai.
Ngoài ra, chúng tôi tổ chức thành công cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm, tìm kiếm, tôn vinh nhiều tác phẩm có giá trị Từ Dụ Thái hậu (Trần Thùy Mai), Gió bụi đầy trời (Thiên Sơn). Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm nay cũng tìm ra một hồi ký xuất sắc là Gánh gánh gồng gồng của Xuân Phượng. Chúng tôi có hạn chế khi việc kết nạp thành viên mới còn gây tranh cãi, các giải thưởng chưa gây tiếng vang. Tôi cảm ơn những người bỏ phiếu đã tin tưởng tôi và những người không bỏ phiếu, giúp tôi nhìn nhận ra sai lầm. Tôi sẽ cố gắng khắc phục.
- Ban chấp hành khóa 10 bổ sung nhiều gương mặt mới, tuổi đời khoảng 50. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
- Thành quả của đại hội lần này rất ngoạn mục. Lần đầu tiên, chúng tôi bầu đủ 11 nhà văn vào ban chấp hành. Họ là sự chuyển giao thế hệ cần thiết, thành công, phù hợp với thời đại mới khi đều có tuổi nghề trẻ hơn so với tiền lệ.
Với số lượng thành viên ban chấp hành lớn, chúng tôi có nhiều người cùng san sẻ công việc. Khó khăn là làm sao để gắn kết, đồng sức, đồng lòng. Nhưng tôi tin tưởng các thành viên còn lại, tin vào sự lựa chọn của gần 600 đại biểu. Tôi khao khát đổi mới, các thành viên khác như Bình Phương, Ngọc An, Bích Ngân... cũng vậy. Khi những nhân tố mới cùng hợp tác, tôi tin ban chấp hành sẽ cải thiện những thiếu sót, khắc phục hạn chế, đưa hội đi lên.
- Là nhà thơ, ông có thuận lợi, khó khăn gì khi làm công tác quản lý?
- Tôi có thuận lợi ở chỗ đồng cảm đặc thù nghề nghiệp với các nhà văn, nhà thơ. Thực ra, các tác giả không đơn thuần là những kẻ lơ mơ đâu. Họ không giỏi tính toán chi tiết nhưng lại có sự nhạy cảm. Để làm tốt nhiệm vụ, chúng tôi có đội ngũ văn phòng, hành chính hỗ trợ.
Nhà văn, nhà thơ làm công tác quản lý luôn đối mặt với áp lực bị thui chột óc sáng tạo, không có thời gian viết lách. Khi làm Phó Chủ tịch hội, tôi biết cách "phân thân" để làm nhiều công việc cùng một lúc. Tôi chuẩn bị ra mắt triển lãm tranh vào tháng một, viết cuốn Chuyện của anh em nhà Mem và Kya tập hai, viết kịch bản phim điện ảnh Thành Cổ Loa. Tôi biết nhiệm vụ lần này khó khăn hơn nhưng tôi tin sẽ sắp xếp được.
Theo Hà Thu/Nguồn VnExpress
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên