Mỗi nhà văn, nhà thơ vừa sống giữa đời thực, vừa tồn tại trong tác phẩm của mình. Ở không gian nào, thực tại hay nghệ thuật thì họ vẫn phải minh chứng được tình yêu và trách nhiệm với xã hội, với cuộc sống. Nhà văn trước hết là người biết yêu và luôn đứng về cái đẹp, cái tiến bộ. Ánh sáng trong văn chương là ánh sáng của cái đẹp. Cái đẹp được lưu truyền từ quá khứ, chuyển động trong hiện tại và nó cũng thuộc về những dự cảm của tương lai. Cái đẹp văn chương vừa phản ánh tâm hồn, trí tuệ người cầm bút vừa xác lập tài năng của họ. Đương nhiên rồi, nhà văn có nhiệm vụ, khi thì đánh thức được những người đang ngái ngủ, khi thì chắp cánh cho sự tốt đẹp bay cao. Gần gũi với hàng triệu bạn đọc nước ta là những tác phẩm đề cao lòng nhân hoà, ngợi ca tri ân những cống hiến hy sinh vì Tổ quốc trong chiến tranh và thời bình. Trong thời đổi mới đã xuất hiện và chúng ta đánh giá cao những tác phẩm xoáy sâu vào thân phận con người với cái nhìn thông cảm, đa chiều, nhiều sẻ chia như Thời xa vắng của Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh... nhưng không vì thế mà coi thường, hạ thấp hay “xét lại” những tác phẩm văn học đã làm nên diện mạo của văn học kháng chiến. Vẻ đẹp hào hùng của thơ văn kháng chiến chống giặc ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của Đảng ta vẫn còn nguyên giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong các tác phẩm xuất sắc của Tố Hữu, Trần Mai Ninh, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hữu Loan, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Phạm Ngọc Cảnh, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Anh Đức, Lâm Thị Mỹ Dạ, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Xuân Đức, Khuất Quang Thuỵ, Trung Trung Đỉnh, Tô Nhuận Vỹ... Trong công cuộc xây dựng non sông và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, thông qua trang viết của mình, các nhà văn vẫn mang sứ mệnh bồi đắp thêm lòng yêu nước, thương dân. Đây vẫn là vấn đề trung tâm của văn học, không sợ, không ngại nó đã cũ kỹ, quen thuộc. Nhân dân và chiến sĩ vẫn cần lắm những tác phẩm xúc động viết về đất nước thân yêu. Chẳng lỗi thời chút nào, chẳng nhạt nhoà chút nào những vần thơ mang tâm thức đất nước bao la, sâu thẳm: Buồm ơi buồm, ngươi có thực hay chăng/ Để con sóng ngổn ngang lời tâm sự/ Để mỗi sáng, mỗi chiều như nỗi nhớ/ Tự chân trời Tổ quốc lại hiện lên (Thơ Anh Ngọc); những thi khúc ánh xạ hình ảnh, tâm hồn người chiến sĩ thời bình: Ta ngự giữa đỉnh trời/ Canh một vùng biên ải/ Cho làn sương mong manh/ Hoá trường thành vững chãi/ Lán buộc vào hoàng hôn/ Ráng vàng cùng đến ở/ Bao nhiêu là núi non/ Ríu rít ngoài cửa sổ/ Những mùa đi thăm thẳm/ Trong mung lung chiều tà/ Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già (Thơ Trần Đăng Khoa)...
Tôi thường nghĩ, không có điều gì thuộc về con người lại xa lạ với nhà văn cả. Nhà văn có thể viết tất cả những cái thuộc về cuộc sống, từ chuyện xã hội đến chuyện riêng tư, từ cái tốt đến cái xấu, từ sự lương thiện đến độc ác. Dù viết gì thì cái tâm của người cầm bút cũng luôn trong sáng, vẫn phải thể hiện tình yêu hoà bình, yêu con người nồng nàn. Nhà văn, trước hết là người đồng hành cùng đất nước và nhân dân; khi đi đến tận cùng dân tộc mình chắc sẽ gặp nhân loại. Họ là người làm nên một nền văn học được đặt trên mẫu số chung nhân loại nhưng luôn mang bản sắc dân tộc Việt Nam một cách đậm đà sâu sắc. Những tiếp thu các trào lưu văn chương từ bên ngoài là rất cần thiết nhưng sự lai căng, bắt chước, học đòi vô lối là khó chấp nhận được. Chúng ta đã nói đến nội lực trong phát triển kinh tế bền vững. Thế thì, văn học nước nhà có cần nội lực không? Có! Nội lực có từ mỗi nhà văn và nó được cộng hưởng vào tiềm năng, sức mạnh của dân tộc. Nếu như tác phẩm mang dấu ấn sáng tạo cá biệt của người viết thì nền văn học của một dân tộc cũng cần có bản sắc của nó được thể hiện trong cả nội dung và hình thức. Tuy nhiên, bản sắc dân tộc ta nói đến đó vừa là cái đã bắt rễ, cắm sâu nhưng cũng đã, đang và sẽ chuyển động, chuyển tiếp tới cái phổ biến của nhân loại. Tác phẩm lớn mang trong nó tư tưởng tiến bộ, hình thức thể hiện độc đáo và cuối cùng là tạo ra ấn tượng mạnh mẽ sâu sắc cho đông đảo người đọc. Thật cực đoan khi ai đó nghĩ rằng, tôi chỉ viết cho tôi, mà chẳng quan tâm gì đến công chúng. Cái tươi mới trong văn học hiện đại chẳng hề đố kỵ với các giá trị truyền thống, nhân vật của nhà văn cũng chính là nhân vật của thời đại chúng ta đang sống và bạn đọc hôm nay tìm thấy trong đó mọi cảm xúc, suy ngẫm của mình. Hành trình sống cũng là hành trình sáng tạo, hành trình sáng tạo cũng là hành trình sống của nhà văn.
Không thể khác được, nhà văn đồng hành cùng Tổ quốc, đồng hành cùng nhân dân, viết như là sống đẹp vậy!
Tác giả: Nguyễn Hữu Quý
Nguồn Văn nghệ số 48/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên