Gặp tác giả Cái hom giỏ ở Viên Tĩnh Viên

Thứ hai - 23/11/2020 10:24

Nhớ lại 45 năm về trước (1975), khi chúng tôi học lớp cuối cấp, trong phần Văn xuôi – Truyện và ký từ sau cách mạng tháng Tám đến nay của Sách giáo khoa Trích giảng văn học lớp mười phổ thông, hàng loạt tác phẩm tiêu biểu nổi lên cho phương pháp sáng tác “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, với nhiệm vụ “phản ánh cái mới và đấu tranh cho cái mới thắng lợi” như Tầm nhìn xa  (1960) của Nguyễn Khải, Cái sân gạch (1959) và Vụ lúa chiêm (1961) của Đào Vũ.

Đặc biệt là tác phẩm đoạt giải A cuộc thi truyện ngắn báo Văn học năm 1958 thuộc về tác giả nữ với cái tên Cái hom giỏ của Vũ Thị Thường. Còn nhiều tác giả xuất sắc khác trong việc phản ánh đề tài và chủ đề đó, nhưng chỉ bằng “bộ ba” Nguyễn Khải – Đào Vũ – Vũ Thị Thường cũng đã gây một tiếng vang, tạo dấu ấn lớn trong việc khai thác, phản ánh kịp thời phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và đi lên chủ nghĩa xã hội sau hòa bình lặp lại (giai đoạn 1957–1961) như đường lối văn nghệ của Đảng ta vạch ra lúc bấy giờ.

111
Nhà văn Vũ Thị Thường tại nhà riêng – Viên Tĩnh Viên

Sau này về học tập, sống và làm việc ở Hà Nội, quá trình làm báo viết văn, tôi từng gặp các “thần tượng” Nguyễn Khải, Đào Vũ. Nhưng với tác giả Cái hom giỏ nổi tiếng một thời thì chưa. Vì sau ngày thống nhất đất nước, gia đình nhà thơ Chế Lan Viên – Vũ Thị Thường chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống.

Cái cơ duyên để tôi được gặp tác giả Cái hom giỏ vào một ngày mùa thu Sài Gòn, có thể nói là sự ngẫu nhiên, cả may mắn nữa. Chẳng là sau Đại hội lần thứ IX Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015, khi vào miền Nam công tác tôi có dịp gặp một nhạc sĩ với những ca khúc cũng từng “găm” vào công chúng âm nhạc như Về lại Phong Châu (phỏng thơ Trần Ninh Hồ), Hà Nội một thời (phỏng thơ Trương Nam Hương), song khu vực phía Bắc ít người biết đến. Đó là Nhạc sĩ Phan Lai Triều, con trưởng nhà thơ Chế Lan Viên. Qua nhạc sĩ sinh năm Đinh Hợi (1947) này, tôi được biết nhà văn Vũ Thị Thường vẫn mạnh khỏe và minh mẫn. Vẫn lặng lẽ, chắt chiu, “sàng sảy”, kiên trì làm Di cảo cho chồng… Thế rồi sau đôi ba lần gặp gỡ, khi đã thân tình, cởi mở, tôi mới mạnh dạn ngỏ ý với nhạc sĩ Phan Lai Triều, dịp nào đó được đến thăm nhà văn Vũ Thị Thường. Nhạc sĩ gật gù, “nghiên cứu”, nói để dịp nào thích hợp.

Và dịp thích hợp ấy là đúng năm 2020 này, tròn 100 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên. Khi nhạc sĩ tiết lộ bà cho phép gặp, tôi mừng rơn... Thế rồi trong nắng thu thênh thang của Thành phố Hồ Chí Minh vào một ngày trung tuần tháng 9, luồn lách giữa biển người náo nhiệt luôn bị tắc đường của các phương tiện tham gia giao thông, vượt qua gần 12 cây số theo hướng Bà Quẹo, chúng tôi cũng đến được cái nơi cần đến: Đó là Viên Tĩnh Viên, tư gia của nhà thơ Chế Lan Viên, ở số 105/14 đường Lê Sát, phường 16 quận Tân Phú.

Trong khi chờ đợi người ra mở cổng, trên đường Lê Sát nhìn vào, đó là ngôi nhà cấp bốn, hai gian lợp tôn tọa trên khu đất và vườn gần 1000m2. Kể từ năm 1981 gia đình chuyển từ Quận 10, về đây đến nay đã 39 năm. Khu vườn rợp mát cây cối với những mít, xoài, dừa, khế, chuối mật, cau vua… xanh um, mùa nào thứ ấy quanh năm kết trái. Rồi vô số các loài hoa, trong đó có một giàn hoa giấy sặc sỡ trước sân, tràn trên mái cổng, liền kề là giàn mướp hương với hoa vàng, thi nhau khoe sắc. Phải chăng giáo sư Hà Minh Đức mệnh danh cho Chế Lan Viên là “Người làm thơ – làm vườn vĩnh cửu”, “người trồng hoa trên đá” là hoàn toàn đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng?

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh mở cổng cho chúng tôi. Theo thời gian, chị thay đổi nhiều so với hồi gặp chị ở Đại hội 7 và 8 Hội Nhà văn Việt Nam. Chị đang hướng dẫn cho hai nhân công đến cắt tỉa những cành cây quá rậm, bớt những dây leo trên giàn hoa giấy do tươi tốt quá làm giàn võng xuống. Phút giây hồi hộp, khấp khởi của tôi rồi cũng được giải tỏa: Ấy là một cụ bà tóc trắng như cước, nước da trắng, khuôn mặt tròn, ánh mắt vẫn sáng rực, tinh anh quanh những vết rạn chân chim nơi đuôi mắt; giọng nói với âm vực sang sảng và còn rành rọt. Tác giả - chủ nhân giải A cuộc thi truyện ngắn báo Văn học với tác phẩm Cái hom giỏ là đây, vẫn sừng sững nơi Viên Tĩnh Viên nhẫn nại làm Di cảo cho chồng. Biết tôi ở Hội Nhà văn từ Hà Nội vào miền Nam công tác ghé qua thăm, nhà văn Vũ Thị Thường vui như gặp được “người nhà”. Bà hỏi tôi bao chuyện, bao thông tin buồn vui có cả. Nhấp một ngụm nước, bà nói “tôi có nghe tin anh Ngô Ngọc Bội mất, càng nhớ, thương anh ấy vì anh em cùng báo Văn nghệ...”. Sau đó khi nhắc đến chuyện mới đây nhà văn Vũ Tú Nam cũng vừa mất, bà chợt thở dài rồi dặn tôi về Hà Nội “nhớ xin số điện thoại của chị Thanh Hương vợ anh Nam để chị em tôi đôi điều bày giãi…”

Tôi xin phép bà được thắp hương cho nhà thơ Chế Lan Viên. Nhà có hai gian thì phòng khách với ban thờ liền nhau. Khi chúng tôi thắp hương, vẫn còn nhang thơm đang cháy dở. Gian trong vốn là nơi làm việc đồng thời là chỗ nghỉ ngơi của nhà thơ. Mọi đồ đạc, kỉ vật, bài trí vẫn còn đó – như Chế Lan Viên vẫn còn sống, quanh quất, đang ở đâu đây. Nhưng, đặc biệt nơi phòng khách được nhà văn Vũ Thị Thường trưng bày, một bên là hoành phi Tổ Quốc và Thơ cùng câu đối Nôm do nhà thơ Bảo Định Giang viết tặng, dịch nghĩa nhân 100 ngày mất của nhà thơ (28/9/1989) được nhà thư pháp Trương Lộ kính viết.

Câu đối như sau

Vế trái:

 Đại thụ ngã rồi, vườn cũ qua chơi trời thấy trống

Vế phải:

Người xưa đi vắng, hùng văn để lại mực còn thơm

Đối xứng với phía trình bày hoành phi và câu đối là chùm thơ hai bài Hôn anh  Nhớ Chế Lan Viên của Tố Hữu viết vào mùa hè 1990, sau một năm Chế Lan Viên mất. Bài thơ có câu:

… Thương Anh biết mấy là thương

Một đời thơ những vấn vương lẽ đời

Mất còn, thôi thế, Chế ơi!

Tĩnh Viên mà động lòng người ngàn năm…

Tôi trở lại phòng khách ngồi xuống bên một chiếc bàn nhỏ, mặt bàn là những thanh tre ghép lại – nơi nhà thơ vẫn từng tiếp khách. Vào những ngày cuối tháng 7 âm lịch, giống như Hà Nội và các nơi khác, Sài Gòn đã tràn ngập, rực rỡ bánh trung thu. Nhà văn Vũ Thị Thường cắt bánh mời tôi cùng Phan Lai Triều, chuyện trò, nhấm nháp như sống lại tuổi thơ khi đã đi gần trọn kiếp con người. Câu chuyện của bà với tôi chỉ vắn tắt xoay quanh việc bà làm Di cảo và phối hợp với tỉnh Quảng Trị xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên, chứ không bàn gì đến thân thế sự nghiệp của nhà thơ cũng như văn xuôi của bà. Ở tuổi 90 (bà sinh năm 1930) nhưng giọng của bà còn khỏe, khúc triết. Bà kể lại “… Khi ông nhà tôi yếu, phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy 1, từ khám tổng quát đến phát hiện bị ung thư phổi, rồi đến khi không qua khỏi, ông cũng không dặn dò, trăn trối gì về làm Di cảo. Ông chỉ đưa tôi một mục lục 30 bài thơ đều đã in trên báo, bảo sau này đưa đến các nhà xuất bản in tập. Khi ông mất, tôi lấy thêm 36 bài nữa cũng đã in báo, tập hợp in Hoa trên đá II mà ông đã đặt tên sẵn…”

- Vậy, ở những nguồn bản thảo, ghi chép nào để sau này bà tập hợp in 3 tập Di cảo thơ Chế Lan Viên ạ? Tôi hỏi.

- Một kho khổng lồ. Gần 1.000 bài. Trong đó có hàng trăm bài thơ không đánh số trong hàng chục cuốn sổ tay cũ, rồi ở những tờ lang vải; chưa kể các bài viết về văn xuôi nghệ thuật, đã in báo và chưa công bố. Và khi đã chạm vào kho Di cảo khổng lồ đó, bắt buộc tôi phải tuyển chọn, phải công bố. Cũng qua những công việc thầm lặng vất vả này, tôi muốn nhìn lại cả quá trình sáng tác của Chế Lan Viên. Tôi cũng chịu trách nhiệm về việc làm, về lời nói của mình trước khi công bố làm Di cảo và công bố tác phẩm. Vì khi tác phẩm ra đời, nó là tài sản văn hóa của Quốc gia, dân tộc chứ không phải của riêng tôi nữa”…

Thế mới biết trách nhiệm và bản lĩnh của bà thế nào. Tôi nghĩ phải là người có nghề - từ nghề báo đến nghề văn, từ phóng viên báo Kiến An (Thái Bình) đến báo Văn học, Văn nghệ, rồi Tạp chí Tác phẩm mới. Và cũng phải là nhà văn không chỉ tên tuổi qua Cái hom giỏ mà còn hàng loạt các truyện ngắn khác như: Gánh vác (1963), Hai chị em (1965) Bông hoa súng (1967), Vợ chồng ông lão chăn vịt (1973), Câu chuyện bắt đầu từ những đứa trẻ (1977) và các tập truyện, kịch viết cho thiếu nhi và lịch sử, đã định danh định vị Vũ Thị Thường – một người “sành nghề”, mới sàng lọc, tuyển chọn được 3 tập Di cảo, lần lượt in từ 1992 – 1996. Và hiện nay Di cảo tập 4 tập hợp hơn 200 bài của Chế Lan Viên cũng sắp sửa công bố!

Trong gió thu xào xạc vườn Viên Tĩnh Viên và nắng cũng gần đứng con sào, bà tặng tôi Di cảo thơ Chế Lan Viên (tập 3) và cuốn Chế Lan Viên toàn tập (Văn xuôi nghệ thuật) vừa in xong quý 3 năm 2020. Khi đề tặng, bà rất cẩn thận, ghi “Thay mặt người đã đi xa”. Thật thiêng liêng, trân trọng biết bao. Bà cho biết, từ Di cảo thơ đến tập Văn xuôi nghệ thuật in ra đến đâu hết veo đến đó, do Nhà nước và các nơi đặt hàng. Có lúc cần tặng khách quý, nhà văn Phan Thị Vàng Anh phải “nói khó” với nhà sách mua lại. Tôi chạnh nghĩ tới ở một Đại hội Chi hội nhà văn cơ sở, có hội viên phải lên tiếng “… Nhà xuất bản của Hội Nhà văn chỉ nên cấp phép cho các tác phẩm có chất lượng”. Rồi nữa, “Tình trạng hội viên ít đọc sáng tác của nhau vẫn còn phổ biến…”. So sánh và liên hệ với việc phát hành, thưởng thức văn học ở trên, thấy thật xót xa cho cái “sự đọc”, “sự viết” thời nay!

Như nhớ ra điều gì hệ trọng, bà quay sang hỏi con trai trưởng Phan Lai Triều đã liên hệ được chưa với gia đình họa sĩ Tô Sanh xin bức tượng bán thân Chế Lan Viên để trưng bày tại Nhà lưu niệm nhà thơ ở Quảng Trị chưa. Câu chuyện của chúng tôi chuyển hướng sang đề tài này. Bà cho biết, trước khi xây nhà lưu niệm, tỉnh Quảng Trị có mời gia đình ra để bàn bạc, thống nhất. Bà nói “Tôi cũng bày tỏ quan điểm với các anh ở tỉnh và huyện Cam Lộ, có đến đâu làm đến đó. Không cứ phải làm to quá cầu kì quá cho tốn kém”. Tuy nhiên, với niềm tự hào của quê hương sản sinh ra nhà thơ tài hoa và trí tuệ; nhằm tôn vinh xứng đáng cống hiến của nhà thơ với đất nước, Công trình xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên đã được khởi công từ tháng 3/2019 do Hội VHNT Quảng Trị làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư 3,6 tỷ đồng, trong đó 30% ngân sách tỉnh; 20% của huyện Cam Lộ còn lại 50% từ nguồn vận động xã hội hóa, được xây dựng tại chính quê hương nhà thơ: Làng An Xuân – xã Thanh An (Cam Lộ - Quảng Trị). Đến tháng 5/2019 công trình cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 và đã bàn giao cho UBND huyện Cam Lộ; phần trưng bày giao cho Hội VHNT Quảng Trị.

Câu chuyện của bà đang say sưa, bỗng chuông điện thoại báo thức của bà vang lên. Bà cầm điện thoại lên, ấn nút tắt và giải thích: Đó là giờ thắp nhang cho ông. Thắp cả ngày lẫn đêm. Liên tục. Nhang tàn lúc nào thì bà hoặc Phan Thị Vàng Anh thắp tiếp. Phải chăng vì thế mà ông rất thiêng? Đúng như lời bà tâm sự “có cảm giác như ông vẫn còn sống, vẫn ẩn hiện đâu đây trong căn nhà cấp 4 giữa mảnh vườn nhỏ bé”. Đó là Viên Tĩnh Viên, nơi mà Tố Hữu đến thăm đã phải thốt lên: Một đời thơ những vấn vương lẽ đời…
 

Tác giả: Đức Dũng
Nguồn Văn nghệ số 47/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây