Mùi hương từ gốc xà cừ

Thứ sáu - 20/11/2020 10:35

Thoáng một Thời hoa đỏ 

Tháng 7/2015, tôi được dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội nhà văn Việt Nam lần thứ IX. Là hội viên mới được kết nạp, nay lại được đi dự đại hội, được cùng sống, cùng làm việc với các nhà văn có tên tuổi, có thành tựu của cả nước, đây thực sự là vinh dự, một hạnh phúc bất ngờ đối với tôi. Trong số các nhà văn bữa ấy, nhiều người lần đầu tôi được gặp mặt, ví như nhà văn Mạc Can, người vừa được giải thưởng truyện ngắn năm vừa qua của báo Văn nghệ, hay nhà thơ Giang Nam, người mà tôi biết tên từ ngày trên ghế nhà trường, thì đến lần này mới là lần đầu tiên được gặp... Tôi nhớ mãi câu chuyện buổi trưa hôm chia tay, trong tình cảm lưu luyến chung của các nhà văn, nhà thơ sau mấy ngày Đại hội, trước cửa nhà khách, tôi gặp một nhà văn có tuổi đội chiếc mũ nồi. Theo phép lịch sự, tôi gật đầu chào và xin được biết tên, ông trả lời ngắn gọn:111

- Thanh Tùng. 

Tôi sững người: trước mắt mình là nhà thơ tác giả của Thời hoa đỏ, bài thơ bao năm qua tôi yêu thích đó sao? Trong lòng chợt vang lên âm hưởng của câu thơ da diết đến nhói lòng: “Mưa cứ rơi rơi/ Như tháng ngày xưa ta dại khờ/ Ta nhìn sâu vào trong mắt nhau/ Mà thấy lòng xót đau…”.

Nhà thơ nay tuổi đã cao, nhưng câu thơ của ông còn trẻ mãi. Nó cứ vang vọng trong trái tim bao người như một lời nhắc: hãy sống hết mình với niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc của cuộc đời…

Văn chương đích thực là như thế. Nó thấm vào tim ta, nuôi dưỡng tâm hồn ta…

Tôi muốn ghi lại số điện thoại của nhà thơ, nhưng ông không nhớ. Ông đưa cho tôi chiếc điện thoại cầm tay của mình để tôi ghi số. Chiếc điện thoại đã cũ, không nhìn rõ màn hình. Lúc đó ánh nắng chiều gay gắt chiếu thẳng vào cửa hội trường, nên tôi bị lóa. Nhà thơ lại vội đi ra sân bay, nên tôi chỉ kịp gửi tặng ông tâp thơ của mình. Từ biệt ông mà chưa nói được gì nhiều, cũng chưa biết lúc nào gặp lại, lòng cứ áy náy mãi…

Nhà thơ Đinh Nam Khương, mắt nhìn không rõ, cũng đi dự đại hội lần này. Là người đồng hương, tôi đưa ông ra bến xe để ông về quê ở chùa Hương. Khi xe chạy, tôi nhìn theo mãi đến khi xe khuất hẳn…

Cả nhà thơ Thanh Tùng và nhà thơ Đinh Nam Khương, sau lần ấy, đã đi mãi vào cõi vĩnh hằng, để lại trong tôi và trong đời sống văn học những khoảng trống chơi vơi… Thế mới hay, nhà thơ có khi chỉ để lại cho đời một câu thơ hay, một bài thơ ấn tượng, rồi họ vội vã mất hút trong bóng chiều của cuộc đời…

Mùi hương từ gốc xà cừ

Sau Đại hội, các đại biểu lại trở về với cuộc sống thường nhật với gia đình tại các địa phương. Cuộc sống hàng ngày biết bao khó khăn vất vả. Các anh chị lại ngày đêm miệt mài trên trang viết để sáng tạo nên những tác phẩm mang niềm vui, nỗi đau của cuộc đời này. Và thấm thoắt lại đã 5 năm…

Đời người ngắn ngủi. Năm năm qua ai mất ai còn? Nhiệm kỳ khóa IX vừa qua (2010-2015), 87 nhà văn đã ra đi, để lại cho đời sống văn học những khoảng trống, những niềm tiếc thương vô hạn. Và rồi trong hơn 500 nhà văn đại biểu có mặt tại Đại hội lần thứ X của Hội Nhà văn hôm nay, 5 năm nữa, lại vẫn câu hỏi ấy mà làm bùi ngùi bao ánh mắt… 

Tôi đã gặp nhiều nhà văn tuổi cao, sức đã yếu, song vì tình yêu với nghề, với Hội mà đến dự đại hội. Niềm vinh dự đối với nhà văn là sự lan tỏa, bền bỉ của tác phẩm. Họ sống với niềm kiêu hãnh cao quý, không màng chức vụ, quyền lợi. Đó là những hạt vàng lấp lánh của cuộc đời, như nhà văn Nguyễn ĐìnhThi từng nói, cũng trong một kỳ đại hội. 

***

Ở ngã ba Nguyễn Đình Chiểu, Trần Nhân Tông, gần trụ sở hội nhà văn, người ta đang đào một gốc cây xà cừ đã bị chặt từ trước đó. Tôi đi ngang qua, bất chợt gặp mùi hương xà cừ thơm thoang thoảng. Con người cũng như cây cỏ vậy, khi ra đi cũng để lại mùi hương như thế mà ta thường không biết...

Cây xà cừ khi sống che mưa nắng cho người, che chắn cho ngôi nhà qua bão tố. Khi cây mất đi, gốc còn gửi hương ở lại. Cây càng già mùi hương càng bay xa. Hương thơm ấy, có được bởi bao năm tháng cây âm thầm chắt lọc từ đất, nước, khí trời… Bao gian khó, đớn đau, trải qua năm tháng mới tỏa hương…

Và tôi chạnh nghĩ đến cuộc đời của các nhà văn...

Tác giả: Nguyễn Đắc Lập
Nguồn Văn nghệ số 47/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây