Những sự kiện tâm hồn

Thứ hai - 23/11/2020 10:21

Tôi thực sự cầm bút viết văn khi 25 tuổi. Như vậy là đã gần 40 năm sáng tạo. Hiện thực bây giờ đã vô cùng khác với gần 40 năm trước. Có những thay đổi trong đời sống xã hội mà cho dù tự do đến đâu lúc đó tôi cũng không thể nào tưởng tượng được như mức độ gây tội ác của con cngười, như sự phát triển của internet, như chuyện tình yêu và hôn nhân đồng tính ở Việt Nam...

Gần 40 năm trước, tôi cầm bút trong một thế giới tinh thần làm nên bởi những run rẩy, những lãng mạn, những dày vò, những tưởng tượng, và một cảm hứng sống tưởng không có gì mạnh hơn. Có người nói: nhà văn bây giờ đã khác, văn chương bây giờ đã khác, không cần run rẩy, không cần lãng mạn, không trí tưởng tượng... mà chỉ cần sự trần trụi của hiện thực đời sống là đủ. Và rằng sự run rẩy, lãng mạn, trí tưởng tượng đã trở nên phù phiếm với văn chương thời hậu hiện đại và một cảm hứng mãnh liệt không còn phù hợp với văn chương của thời đại mới. Họ nói: văn chương chỉ cần một hiện thực trần trụi và một phương pháp.

Nhưng nếu bây giờ tôi mới 25 tuổi và cầm bút viết văn trong một hiện thực qúa nhiều khác biệt so với hiện thực của gần 40 năm trước thì tôi có thay đổi thế giới tinh thần của tôi không? Câu trả lời là không. Bởi không sống và viết trong thế giới tinh thần như vậy, chúng ta đã vô tình rời xa bản chất của nghệ thuật và khó lòng tạo ra cái đẹp nghệ thuật.

Ngày nay, áp lực, tốc độ và cách thức của đời sống quá lớn. Nó giống như một tấm bê tông khô cứng và vô cảm khổng lồ đè bẹp những vẻ đẹp mong manh, những khoảng tĩnh lặng sâu thẳm và những náo nức không cưỡng nổi trong tâm hồn con người. Đó là những thứ không thể nào thiếu được để sinh ra nghệ thuật. Không ít những người viết bây giờ đã đánh mất những điều đó. Họ tóm lấy rất chính xác một đề tài nóng bỏng đầy tính xã hội và xử lý nó bằng một văn bản với một tốc độ rất nhanh. Họ tập trung hầu như tất cả để tìm một giải pháp ngôn ngữ và cấu trúc chứa đựng đề tài đó. Với cách đó, họ có thể dễ dàng làm ra một tiểu sử với một cuộc sống phức tạp cho nhân vật của mình nhưng lại khó làm ra được tâm hồn sâu thẳm và đầy trắc ẩn của nhân vật đó. Tác phẩm của họ là một sản phẩm của trí thông minh, của tính hiếu kỳ, của ẩn ức cá nhân chứ không phải những biến động của một số phận. Những khối gỗ vuông vắn với cùng với bản báo cáo khoa học về loài thảo mộc nào đó không bao giờ có khả năng dựng lên được đời sống với những vẻ đẹp của một cái cây. Một cái cây chỉ hiện lên và có sức quyến rũ người đứng nhìn khi nó hiện ra với những khoảng tối trong vòm lá, tiếng xào xạc của lá, với những cành cây gãy, những mùa lá rụng, những cơn gió bới tung đám lá lên, với những tiếng chim, những mùa hoa, những chùm quả và chìm trong ánh  sáng và bóng tối của dương gian. Một tác phẩm nghệ thuật cũng vậy. Nó là một cái cây trong góc vườn, bên hồ nước, trên đỉnh đồi chứ không phải là một khối gỗ sạch sẽ với sự chính xác của toán học.

Chưa bao giờ các nhà văn Việt Nam lại có được tự do sáng tạo như bây giờ cho dù tự do là không bao giờ đủ với các nhà văn ở mỗi hoàn cảnh khác nhau. Tự do là một phép thiêng giúp con người làm nên những điều kỳ diệu. Họ đã viết ra không ít những vẻ đẹp bất ngờ với lối đi riêng biệt của họ. Nhưng không ít người trong họ đang rời xa tự do và lạc chân vào sự tùy tiện. Họ đã nhầm lẫn giữa tự do và sự tùy tiện cá nhân. Tự do cho nhà văn một bầu trời còn tùy tiện đào cho nhà văn một cái huyệt. Tự do cho nhà văn đi đến tận cùng của sự tưởng tượng và sự biến ảo của ngôn từ. Tùy tiện tiếp tay cho nhà văn dấn sâu vào sự ích kỷ, phi ý thức và phi thẩm mỹ. Sự tùy tiện thường gây ra phản ứng của dư luận dễ hơn, nhanh hơn và rộng hơn nhất là trong thời đại phát triển của mạng xã hội. Và nhà văn lầm tưởng đó là những hiệu ứng tích cực hay là sự ảnh hưởng của giá trị tác phẩm.

Một tác phẩm văn học có giá trị sẽ mang lại điều gì? Nó mang lại những sự kiện tâm hồn cho bạn đọc. Đây chính là sự sống còn của một tác phẩm văn học. Nó thay đổi tâm hồn người đọc chứ không phải thỏa mãn tâm lý thường nhật của người đọc. Nhưng không nhiều lắm các nhà văn hiện nay đặc biệt những người bắt đầu viết nhận ra điều đó. Họ bị cuốn vào công việc làm ra những sự kiện xã hội nhiều hơn. Mục đích này gần giống mục đích của truyền thông đại chúng. Những tác phẩm như thế chỉ thỏa mãn tâm lý xã hội chứ không lay động tâm hồn bạn đọc. Và những cuốn sách như vậy sẽ nhanh chóng bị gấp lại vĩnh viễn khi người ta đọc hết trang cuối cùng giống như một bài báo nhiều chữ.

Và tôi muốn nhắc lại ý mở đầu trong bài viết nhỏ này. Đó là một thế giới tinh thần mà mỗi nhà văn phải có và được sống trong đó khi cầm bút. Nếu cuộc sống cá nhân của mỗi chúng ta không xẩy ra những sự kiện tâm hồn thì chúng ta không thể nào làm ra những sự kiện tâm hồn trong tác phẩm của mình. Và chính thế, hiện thực và những quan miệm sống có thể thay đổi mà chúng ta không lường trước được, nhưng sự run rẩy, lòng trắc ẩn, cảm xúc lãng mạn, trí tưởng tượng kỳ lạ... sẽ mãi mãi là những điều không bao giờ cũ trong việc làm nên cái đẹp nghệ thuật nếu không muốn nói là những yếu tố mang tính quyết định làm nên giá trị của tác phẩm.

Tác giả: Nguyễn Quang Thiều
Nguồn Văn nghệ số 47/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây