Sáng tác là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của Hội. Trong suốt nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều biện pháp động viên các nhà văn bám sát đời sống, mạnh mẽ đi vào những vấn đề trung tâm của đất nước, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa, xây dựng con người.
Mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2020-2025: Nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động Văn học lên một tầm cao mới theo hướng chuyên nghiệp hóa, phấn đấu để có nhiều tác phẩm kết tinh rực rỡ tài năng và tâm huyết của nhà văn, xây dựng được những hình tượng nghệ thuật có sức khái quát cao, có sức cảm hóa, chinh phục lòng người sâu sắc. Xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam thành một tổ chức Chính trị - Xã hội - Nghề nghiệp vững mạnh về tư tưởng và nghiệp vụ, đoàn kết, tập hợp mọi tài năng văn học, góp phần xứng đáng xây dựng Văn hóa, xây dựng con người, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.
Tiếp tục thành tựu và xu hướng 35 năm Đổi mới, dòng chủ lưu của văn học ta hiện nay là chủ nghĩa yêu nước, dân tộc, dân chủ nhân văn và hội nhập tích cực. Tư duy văn học, đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác tiếp tục được đổi mới, đem đến một diện mạo văn học đa dạng phong phú, chấp nhận và khuyến khích nhiều cá tính sáng tạo, nhiều tìm tòi thể hiện cái mới. Đời sống văn học trở nên năng động, thích ứng... Tự do sáng tác được tôn trọng, xu hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp trong mọi hoạt động đang thu hút nghị lực và tâm huyết của đông đảo nhà văn hiện nay. Đây chính là nơi thể hiện rõ nhất bản lĩnh, nhân cách và trách nhiệm của nhà văn với đất nước… Lực lượng hùng hậu nhất của văn học ta trong những năm qua được huy động vào nhiệm vụ trung tâm là đấu tranh xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, trong đó vấn đề đạo đức xã hội là vấn đề nóng bỏng nhất. Trên mặt trận này, văn học thêm một lần nữa xứng đáng là lương tâm của xã hội, đi đầu trong sứ mệnh phục hưng các giá trị văn hóa dân tộc...
Với tính chất là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, 5 năm qua Ban Chấp hành, với nhiều hình thức sinh động, phù hợp với sinh hoạt đặc thù của Hội đã tổ chức, xây dựng Hội nhất trí về chính trị, tư tưởng, gắn kết chặt chẽ, thân ái trong tình đồng nghiệp. Phương châm hành động “Tất cả vì hội viên” đã được quán triệt đầy đủ trong mọi khâu công tác của Hội. Vài trò của các Hội đồng văn học chuyên môn được đề cao và có sự thay đổi; nhiệm kỳ từ 5 năm rút ngắn thành hai năm rưỡi, nhằm tăng cường tính chất năng động, đại diện nhiều chiều của các cơ quan này. Trong các cơ quan chuyên môn, số lượng các hội viên trẻ tham gia ngày càng nhiều, không khí sinh hoạt, bàn bạc dân chủ được đề cao…
Công tác phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ cũng được đặc biệt quan tâm. Ngay sau Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ IX, Ban Chấp hành đã tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ IX tại Hà Nội. Hội nghị tập hợp những cây bút trẻ có triển vọng nhất được giới thiệu từ các địa phương trong cả nước, vừa mang tính định hướng sáng tác, vừa bồi dưỡng nghiệp vụ. Trên cơ sở đó Ban Chấp hành tiến hành quy hoạch lực lượng viết trẻ để kết nạp vào Hội. Các cơ quan báo chí, xuất bản của Hội đã mở các cuộc thi văn học nhằm phát hiện tài năng trẻ. Ban Nhà văn Trẻ phối hợp với tạp chí Văn nghệ quân đội và các địa phương tổ chức nhiều trại sáng tác cho những cây bút mới. Với những hoạt động đó, chúng ta phát hiện, bồi dưỡng, hình thành một đội ngũ những cây bút trẻ đông đảo từ nhiều vùng đất, nhiều dân tộc, nguồn bổ sung giàu tiềm năng cho Hội. Cho đến nay (Trước kỳ kết nạp năm 2020 - PV), tổng số hội viên trong toàn Hội có 1092 hội viên, gồm năm thế hệ cầm bút. Mỗi thế hệ có ưu thế riêng, cùng bổ sung cho nhau tạo thành một đội ngũ văn học hùng hậu, một tài sản quý báu của đất nước.
Ở phương diện Hội nhập quốc tế, 5 năm qua chúng ta có rất nhiều thành tựu, nâng cao vị thế của Hội Nhà văn Việt Nam đến với khu vực và thế giới. Chúng ta đang tiến hành khôi phục và củng cố mối quan hệ với các nước truyền thống và mở rộng với các đối tác phí truyền thống. Trong một thời gian không dài, chúng ta đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều Hội Nhà văn thuộc châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Chúng ta đã cử nhiều đoàn đến các châu lục đó để tham gia các cuộc Hội thảo, các trại sáng tác, các sự kiện văn học. Thông tin về một nền văn học đang đổi mới sau chiến tranh, về tổ chức Hội không ngừng lớn mạnh và mở cửa rộng rãi với bạn bè quốc tế đã thu hút sự quan tâm của các đồng nghiệp quốc tế. Số lượng sách dịch của các nhà văn Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài tăng lên rõ rệt, đặc biệt có một số tác giả được nhận giải thưởng văn học của một số tổ chức văn học Thụy Điển, Hàn Quốc, Ý... Chúng ta cũng tiếp tục tham gia các hoạt động của Hội Nhà văn Á - Phi - Mỹ La tinh và chiếm được cảm tình của đông đảo bạn bè quốc tế… Đỉnh cao của các hoạt động giao lưu hội nhập là việc chúng ta tổ chức rất thành công Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ Tư và Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ Ba... Thông qua các sự kiện này, lần đầu tiên nhiều nhà văn thuộc các quốc gia châu Phi và châu Mỹ La tinh tham gia sự kiện… Trong nhiệm kỳ này cũng là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc, tập hợp các nhà văn Việt Nam đang sống ở nước ngoài, những người sáng tác trước 1975 ở miền Nam. Quá trình chuẩn bị Hội nghị cũng là một quá trình thay đổi về nhận thức theo định hướng công tác dân vận của Đảng. Các nhà văn rất hoan nghênh sáng kiến và tầm nhìn của Hội. Hội nghị đã giải tỏa nhiều mặc cảm ban đầu, tạo được tiếng nói đồng thuận, gắn kết các nhà văn hướng về Tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước…
Thành tựu là to lớn, song một nhiệm kỳ 5 năm với biết bao biến động của xã hội, của đất nước, của khu vực và thế giới, kết quả hoạt động của Hội không khỏi bộc lộ nhiều thiếu sót, bất cập. Điều này đã được Ban Chấp hành nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá.
Mặc dầu đã có rất nhiều đổi mới về tư duy văn học, về đề tài, chủ đề và phương pháp sáng tác, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được những hình tượng nghệ thuật thật tiêu biểu, có sức khái quát cao về hai cuộc chiến tranh vĩ đại và công cuộc đổi mới. Tình trạng trung bình, tản mạn còn khá phố biến, tính chuyên nghiệp chưa cao. Việc tiếp thu các trào lưu nghệ thuật của nước ngoài được mở rộng nhưng chưa có sự chọn lọc, nghiền ngẫm sâu sắc. Một số quan điểm xa lạ, sai trái đã được đấu tranh, nhưng còn có nhiều biến tướng tinh vi.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là trách nhiệm chính trị, là khát vọng vươn tới của dân tộc ta. Đó cũng là khát vọng và cảm hứng sáng tạo của các nhà văn chúng ta. Phát huy vai trò đồng hành cùng dân tộc, các nhà văn Việt Nam đem hết tài năng và tâm huyết đưa nền văn học của chúng ta lên một tầm cao mới, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm mới có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có sức chinh phục và rung động lòng người, xứng đáng với tổ quốc và nhân dân.
Trong hoạt động nghiệp vụ, một số cơ quan báo chí, xuất bản của Hội công tác biên tập chưa theo kịp với yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của sản phẩm; Công tác Xã hội hóa trong hoạt động của Hội còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu còn dựa vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; Tầm với và sự bao quát của Ban Chấp hành, của các Hội đồng và Ban chuyên môn còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với các vùng xa vùng sâu… Những hạn chế này có nguyên nhân chủ quan từ việc tài năng, sự tích lũy vốn sống, tầm tư tưởng chưa tương xứng với tình hình; Bên cạnh đó vẫn còn tư tưởng chạy theo số lượng, thiếu sự tích lũy vốn sống, vốn văn hóa cho những tác phẩm trọng điểm. Về phía khách quan, Ban Chấp hành cho rằng do việc bầu không đủ số lượng, việc cấu tạo các Hội đồng và các Ban chuyên môn còn nghiêng về đổi mới mà coi nhẹ tính kế thừa… là những yếu tố tác động đến hiệu quả làm việc…
***
Trong thời gian những năm tiếp theo, nhiệm vụ quan trọng nhất của cách mạng nước ta là tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới đất nước đi vào chiều sâu, tiến hành xây dụng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp, một quốc gia phát triển. Càng tiến sâu vào thị trường và hội nhập vấn đề giữ gìn, phá huy truyền thống, bản sắc dân tộc càng trở nên cấp thiết, có ý nghĩa sống còn về văn hóa. Nhiệm vụ xây dựng văn hóa, xây dựng con người đặt ra cấp bách hơn và đòi hỏi cao hơn. Cuộc đấu tranh làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, chống diễn biến và tự diễn biến còn diễn ra phức tạp. Cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường môi sinh không chỉ dừng lại ở vấn đề tồn tại, mà thực sự trở thành vấn đề đạo đức.Từ những đánh giá, kiểm điểm sau một nhiệm kỳ hoạt động; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn học cho nhiệm kỳ kế tiếp (2020-2025) được xác định dựa trên cơ sở phân tích những đặc điểm tình hình trong những năm tới
Đất nước phát triển, đời sống vật chất của con người ngày càng được cải thiện thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa cũng ngày càng cao hơn. Câu hỏi, thế nào là một cuộc sống hạnh phúc lại được đặt ra như nó đã từng được đặt ra trong các thời đại của lịch sử. Một khi dân chủ được đề cao, quyền con người được phát huy, lợi ích chính đáng được bảo vệ, thì trách nhiệm xã hội, sự cố kết cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái, lòng trắc ẩn, thái độ khoan dung văn hóa càng phải được đề cao.
Tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến khó lường, tình hình biển Đông còn có nhiều khó khăn phức tạp, và căng thẳng lâu dài. Văn hóa đọc, thị trường sách văn học còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc quảng bá tác phẩm. Đời sống của nhà văn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế đến việc đầu tư, tích lũy vốn sống cho những tác phẩm lớn… Đó là những khó khăn, thách thức mà Hội Nhà văn Việt Nam sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ tới. Từ nhận thức đó, Phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn học được Ban Chấp hành khóa IX xác định, là: “Tiếp tục Đổi mới tư duy văn học, mở rộng đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác… nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả văn học, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”...
Xây dựng văn hóa là xây dựng hệ giá trị, các chuẩn mực giá trị và môi trường văn hóa lành mạnh. Xây dựng con người phát triển toàn diện, có nhân cách, có lối sống tốt đẹp với các đặc trưng cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo… Từ phương hướng chung đó, cần có nhiều biện pháp cụ thể để nâng cao nhận thức, tư tưởng của hội viên theo kịp với những nhiệm vụ, yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho văn học thực sự trở thành một động lực tình thần của toàn xã hội, đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thiện đất nước, hoàn thiện con người, hướng tới một quốc gia thịnh vượng, phát triển…
_________
* Tóm tắt Dự thảo Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ IX (2015-2020) và Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025.
Nguồn Văn nghệ số 47/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên