Tập thơ thứ 7 của Đoàn Văn Thanh mang tên Mạch nguồn vừa xuất bản. Một người đi lên từ nông dân chất phác, kinh qua đời bộ đội từng chiến đấu, bị thương ở mặt trận Quảng Trị và bây giờ tuổi đã ngoài 70 mà vẫn viết đều như thế, cứ 2 đến 3 năm ông lại có một tập thơ, quả là một cây bút đam mê, cần mẫn làm trách nhiệm của nhà văn với cuộc đời. 54 bài thơ trong tập Mạch nguồn lại một lần nữa nói lên điều đó.
Trước hết, thơ ông vẫn là giọng thơ tâm tình, đôn hậu của người sinh ra lớn lên ở một miền quê nghèo Đồng bằng Bắc bộ. Bao năm đi xa nay trở về, người nông dân trong ông xúc động nhất vẫn là gặp lại cánh đồng quê hương với khói thơm rơm rạ, với cánh diều trên bầu trời quê, với đám trẻ trâu dại khờ như mình một thuở: Bao năm góc biển chân trời/ Thương đồng chìm nổi một thời áo cơm/ Tôi về vui với rạ rơm/ Củ khoai ngày ấy còn thơm đến giờ (Gặp đồng).
Ấy là thơ và nhận thức của người làm thơ. Chỉ một cụm từ “Chìm nổi một thời áo cơm” đã đủ liên tưởng đến một thời kỳ, một thế hệ gian nan cơ cực. Nói thương đồng là thương đất quê hương, thương con người, thương chính bản thân ta một thời… Bản chất nông dân trong nhà thơ là vậy. Nó bền vững và sâu nặng... Sau này dù xa quê ra thành phố, dù lên ở chung cư cao tầng thì ông vẫn mang theo bản chất ấy một cách tự nhiên: Lên cao chạm tiếng sáo diều/ Vẫn nghe chân đất tiếc điều không đâu…/ …Vẩn vơ lại nhớ rạ rơm/ Nghe tiếng lá rụng là nơm nớp buồn… (Chung cư)
Và vẫn thương xót những cảnh đời nghèo khổ thiệt thòi: “Vợ thương binh/ Đi lĩnh trợ cấp thay chồng/ Rồi rảo chân qua chợ/ Chợ thì rộng/ Lòng trời lại hẹp/ chị mua gì ngày mai?”(Giữa chợ).
Đoàn Văn Thanh đã có đủ thời gian để nhìn thấu mọi ngang trái ở cuộc đời. Tuy nhiên, đó chỉ là trải nghiệm. Bày những trải nghiệm trên trang viết thì thơ ở mức độ chia sẻ, cảm thông. Nhưng người từng trải trong cầm bút không dừng ở những trải nghiệm đời mình, mà phải cảm nhận, ngẫm nghĩ để nhận thức rồi giúp người đọc ngộ ra những vấn đề:
Về lẽ sống ở đời: Cái có tên thì ít/ Cái không tên thì nhiều/ Bàn tay nắm sợi dây diều/ Lỏng ra sợ mất, níu nhiều sợ rơi (Chửa đặt tên)
Về giá trị của thời gian với đời người: Thời gian mài sợi tóc/ Cuộc sống dũa tâm hồn/ Sợi tóc thành mây trắng/ Tâm hồn thành ánh trăng (Thời gian)
Về quy luật của tuổi già: Tuổi thơ là đỉnh cao/ Người già không thể tới (Hoang dã 2)
Về quy luật của tình yêu: Nỗi buồn/ Là sự lớn khôn/ Của tình yêu (Hoang dã 3)
Về niềm tin và hy vọng rất cần có trong mỗi kiếp làm người: Đừng tưởng tàn tro là hết lửa/ Hơi còn iu ấp tự bên trong/ Gặp thời gió thuận tro lại đỏ/ Lửa lại bùng lên cháy hết lòng (Thời)
Về những giá trị không thể đánh giá hời hợt bằng hình thức bên ngoài: Tôi nhỏ/ Nhưng trong/ Bởi luôn gạn đục/ Anh lớn, dù là hồ/ Cũng đừng cậy song/ Mà tự khuấy bẩn mình (Hai giọt nước).
Trong tập thơ còn có 6 bài được viết khi nhà thơ đi tham quan nước ngoài. Mỗi bài thơ là một góc nhìn. Mỗi góc nhìn là một vấn đề suy ngẫm. Về chiến tranh, văn hóa, xã hội, con người… Rồi ông bật ra những ý nghĩ sáng lòa về nó. Hình như những chuyến đi như thế, ông không bận tâm cho thưởng ngoạn, du hý. Điều ông cần là tìm tòi, phát hiện cho thơ, cho đời những giá trị đích thực để mỗi câu thơ ngộ ra có sức thuyết phục và động lòng trắc ẩn người đọc. Đấy là phẩm chất nhà thơ, là trách nhiệm tự nguyện khiến ông luôn “nhàn cư chứ không nhàn tâm”.
Viết được những câu thơ chiêm nghiệm, người làm thơ phải nặng lòng suy tư, trăn trở. Trong Mạch nguồn:
Suy tư về đời người: Cuộc người phiên chợ hợp tan/ Vui buồn, sướng khổ, tự ban cho mình (Tâm chữ).
Suy tư về lẽ nhân sinh: Chắc gì ta đã cao hơn cỏ/ dấu chân qua cỏ lấp đầy (Chắc gì)
Suy tư về nhân tình thế thái: Muối biết mặn, gừng biết cay/ Sao người cứ phải quắt quay với người/ Cớ gì trong héo ngoài tươi/ Tiếng khóc thì thẳng tiếng cười lại nghiêng (Thơ mùa đông)
Và ở tập thơ này, Đoàn Văn Thanh cũng bộc lộ rõ quan điểm sáng tạo nghệ thuật: “Văn rộng/ Đường văn hẹp/ Phía trước là ngôi đền/ Thánh thần/ và/ Ma quỷ” (Ngôi đền). Nhìn nhận văn chương như ngôi đền thiêng nên khi đưa bài Rượu thơ mở đầu tập thơ phải chăng là ý tưởng “tuyên ngôn” cho quan điểm sáng tác? Sau nữa còn là các bài Tâm chữ, Ngôi đền, Thơ mùa đông, Kẻ nổi bật… Thế cũng nhiều trong một tập thơ. Đủ đăm đắm và khẳng định quan niệm của ông: Thơ là sự đam mê, tự thân đày ải, lao tâm khổ tứ mà không vì cái gì; thơ là nhu cầu chia sẻ, bộc bạch, là duyên nợ; thơ phải chắt từ tâm can. Điều quan trọng với ông là phải trân trọng thơ và có trách nhiệm với thơ.
Tuy nặng về suy tư, nhiều tính triết luận nhưng tập Mạch nguồn không khô cứng giáo điều bởi già nửa tập thơ là những bài trữ tình với cảm xúc chân thành viết từ đáy lòng. Gửi gắm trong tình cảm với quê hương, non sông đất nước là một tình yêu con người nghĩa tình tha thiết. Thơ tình yêu trong tập là những lời thủ thỉ tâm tình. Có buồn, có đau nhưng thật dịu dàng thương mến: “Em về để lại nỗi đau/ Nuôi ta suốt chặng đường sau không người” (Nắng bình yên). “Em là sóng, anh là bờ/ Bờ vỡ rồi/ Ai đỡ cho em!”. (Hoang dã 2). Nó giống như tính tình người viết: Không bao giờ ồn ào, không đắng cay nghiệt ngã. Rất lịch lãm và khiêm nhường....
Như vậy, chiêm nghiệm và suy tư là đặc điểm nổi bật trong Mạch nguồn. Đặc điểm ấy giúp người đọc ngộ ra nhiều điều để biết an nhiên tự tại, chấp nhận những gì đã thành chân lý.
Dù có một bài viết còn nhẹ như Cõi vô thường, có một bài chưa kỹ về chữ nghĩa như Một lần và một đời nhưng tổng thể Mạch nguồn vẫn là tập thơ hàm chứa nhiều ý tứ sâu sắc, triết luận thấm thía, tình cảm đằm thắm, cho bạn đọc nhận thức được nhiều điều và nhiều cảm xúc trong sáng, tin yêu cuộc đời.
Tác giả: Nguyễn Thị Mai
Nguồn Văn nghệ số 46/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên