Cái đời cầm súng, cầm bút của tôi, từ cái thuở ở chiến trường Cánh đồng Chum - Lào 1970, cho đến hôm nay là cựu chiến binh, cũng may mắn được đi dự nhiều trại viết trong và ngoài quân đội, và cũng đã gặp nhiều người từ những trại viết đó. Nhưng người để lại ấn tượng nhiều hơn cả, là một Trưởng trại còn trẻ măng (so với hầu hết những trại viên như chúng tôi). Đó là đại úy, Biên tập viên Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân Nguyễn Xuân Hùng. Ấn tượng, và cũng hết sức bất ngờ…
Lần thứ Nhất là vào năm 2018, chúng tôi được tham gia Trại sáng tác văn học - nghệ thuật về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân và Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Nha trang. Được gặp ở đây nhiều đàn anh “cao thủ”: Chi Phan, Nguyễn Trọng Tân, Lê Huy Quang, Đỗ Ngọc Yên, Mai Nam Thắng, Nguyễn Minh Ngọc, Trầm Hương, Trần Việt Nga… Trại viên toàn loại “dữ dằn” thế, trong khi trại trưởng lại là một anh lính có gương mặt trẻ măng mang quân hàm Đại úy. Đó là Nguyễn Xuân Hùng, người Tĩnh Gia - Thanh Hóa, nhiều năm là lính Quân đoàn 3 Tây Nguyên, từng tốt nghiệp khóa viết văn đầu tiên Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, và hiện là biên tập viên phòng văn nghệ Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân.
Nói thật buổi đầu, thấy trại viết, về phía Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân là những Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện, Đại tá Giám đốc Kiều Bách Tuấn, Đại tá Trưởng phòng Văn nghệ Nguyễn Văn Sáu… cũng thấy “yên tâm” về phía nhà tổ chức. Nhưng những ngày sau khi khai mạc, các anh về Hà Nội hết, trại chỉ còn lại Nguyễn Xuân Hùng, khuôn mặt, tuổi đời trẻ như thế, thú thực tôi cũng có phần ái ngại... Thôi thì chẳng nói những việc ngoại giao lớn với địa phương, với những đơn vị xung quanh để lo cho trại hoạt động tốt, chỉ nội việc chăm sóc, nói trắng ra là “hầu hạ” các chú các bác có tuổi, nhất lại là trong giới văn chương, thật cũng là chuyện không đơn giản, nếu không nói là nhiều rắc rối, phiền toái… Ấy vậy mà rồi với trại trưởng Hùng, người lúc nào như cũng có thừa sự nhã nhặn, nhiệt tình, chiều chuộng và chăm sóc được hết mọi người. Nguyễn Trọng Tân bảo “Thằng này được quá”. Lê Huy Quang bảo: “Chú Hùng nhiệt tình, tốt tính”… Cơm tiểu táo ngày ba bữa, thuốc trà nước non đầy đủ, chiều lại “kính mời các bác ra dỡn sóng biển” (nhưng chớ ra xa)... Và kết thúc trại viết năm đó, đã có17 bản thảo tiểu thuyết, trường ca, tập truyện ngắn… được các nhà văn chẳng biết lia bút lúc nào, đóng tập dày cộm nộp cho trại, và ngay tắp lự được Nhà xuất bản đưa vào in ấn… Thành công ấy, từ góc độ một người viết, tôi biết có phần đóng góp âm thầm của những người “làm dâu trăm họ” như Hùng
Đến năm 2019, cũng lại Trại sáng tác văn học - nghệ thuật về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng”, nhưng lần này được tổ chức tại Vũng Tàu. Thành phần tham gia xem ra có phần “dữ dội” hơn lần trước cả về tuổi đời, tuổi nghề, với nhiều “Trưởng Thượng”: Hà Đình Cẩn, Nguyễn Ngọc Mộc, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Trường, nữ nhà văn Hải Hà… Và điều thú vị là trưởng trại lần này, chẳng là ai khác, vẫn là Đại úy Nguyễn Xuân Hùng. Xem ra công việc trưởng trại của anh cũng đã có “thâm niên” với kinh nghiệm nhiều hơn, phong phú hơn. Không chỉ là việc chăm lo giấc ngủ, bữa ăn, điều kiện sáng tác cho các bác “không thể chê vào đâu được”, mà Hùng còn năng động tổ chức các buổi tham quan, hội thảo, giao lưu, sinh hoạt văn nghệ… sôi nổi náo nức lắm. Cho nên mùa gặt năm ấy xem ra cũng bội thu hơn: Kết thúc trại, 20 tiểu thuyết, trường ca được hoàn thành, trong đó có những tác phẩm xuất sắc được đưa vào xuất bản ngay, như: Người từ chối vinh quang (Tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Mộc), Rừng hẹn (Tiểu thuyết của Hà Đình Cẩn), Dòng sông thơm hương cỏ xương Bồ (Trường ca của Châu La Việt), Cơm Bắc giặc Nam (Tiểu thuyết của Phùng Phương Quý), Vẫn là binh nhất (Tiểu thuyết của Trần Văn Tuấn), Trăng cuối tháng (Tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hương)…
Năm 2020 này, trại viết về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” của Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân được tổ chức tại thành phố hoa Đà Lạt. Bên cạnh những gương mặt nhà văn gạo cội vẫn luôn đau đáu và thiết tha với đề tài người người lính, còn có thêm những lý luận phê bình, và cả những gương mặt trẻ lần đầu tham gia trại. Và lần thứ ba này, với tôi, niều vui riêng là được gặp lại là gương mặt thân quen, giàu uy tín Nguyễn Xuân Hùng ở vị trí “Nguyễn Y Vân”: Trại trưởng. Và lần này, với sự chăm lo, đầu tư của Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân mà đại diện là Nguyễn Xuân Hùng, “vụ mùa” của trại cũng có thể gọi là bội thu, với 16 bản thảo hoàn chỉnh, trong đó có 10 tiểu thuyết, một trường ca, 2 tập bút ký và truyện ký, 3 tập nghiên cứu phê bình văn học và 2 đề cương tiểu thuyết; trong đó một số đề cương, bản thảo tiểu thuyết và trường ca có tính khả thi cao, được Nhà Xuất bản tiếp tục đầu tư cho các tác giả tham gia tiếp một trại viết chuyên sâu, thời gian từ 2 đến 3 tháng để hoàn chỉnh tác phẩm…
Tác phẩm là sản phẩm trí tuệ của tài năng và lao động mà mỗi tác giả đã làm nên. Song để có một tác phẩm có giá trị ra đời, không thể không nói đến những người đã âm thầm chăm chút với vai trò dung dưỡng, và sau đó là bà đỡ cho nó. Đó chính là những người đã tổ chức những trại viết để tạo điều kiện cho các nhà văn hình thành và hoàn thiện tác phẩm, là các Nhà xuất bản đã đón nhận, chăm chút để tác phẩm được ra đời với đúng vóc dáng và diện mạo của nó. Ngày kết thúc trại, tôi được nghe rất nhiều cảm xúc chân thành của những nhà văn tham gia. Từ những người đã 75,77 tuổi đời như Nguyễn Ngọc Mộc, Hà Đình Cẩn, nhập ngũ từ những năm 60 thế kỷ trước; những tác giả từng tham gia trại viết do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân tổ chức cách đây cả nửa thế kỷ (1970) đến nay vẫn bền bỉ với một đề tài… cho đến những tác giả trẻ lần đầu tham gia trại viết. Tất cả đều nói lên tiếng nói chân thành, cảm ơn cơ quan tổ chức, là Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị; là Lãnh đạo Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, cùng Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rất quan tâm đến đề tài mà họ tâm huyết, để tổ chức các trại viết, thu hút và chăm lo các nhà văn, nhà thơ thuộc nhiều thế hệ để có những tác phẩm tốt. Họ chân thành cảm ơn Đại úy trưởng trại Nguyễn Xuân Hùng, người đã âm thầm làm tốt những công việc tưởng như đơn giản, nhỏ nhặt mà hiệu quả lại vô cùng lớn, ấy là kết nối, khơi dậy niềm vui và cảm hứng cho mỗi người…
Còn với riêng tôi, xin được kể thêm một kỷ niệm nhỏ với Đại úy Nguyễn Xuân Hùng. Dịp ở Nha Trang, có một chiều, một người đàn ông khá lớn tuổi, ôm một chai rượu đến trại tìm Hùng. Anh mời tôi cùng tham gia tiếp bác. Thì ra đấy là một người yêu văn học, 85 tuổi vẫn cầm bút thâu đêm suốt sáng để viết nên cuốn tiểu thuyết đầu tiên đời mình. Tập bản thảo có tên Mắt biếc Hồ Tây được gửi đến Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, và được Nguyễn Xuân Hùng biên tập, xuất bản… Cả bữa rượu hôm ấy, nhìn hai người, một già một trẻ, một tác giả và một người biên tập, tôi hết sức cảm động, yêu mến và cảm phục về tình yêu, về sự trân trọng đối với văn chương của họ…
Đã quen với Hùng trong vai trò trại trưởng một trại sáng tác, cứ tưởng “phát hiện” về Hùng bữa đó đã là bất ngờ. Thế nhưng cách đây ít tháng, Nguyễn Xuân Hùng vừa gửi tặng tôi một tập bút ký của anh mới in xong ở Nhà xuất bản Văn học mang tên Sóng quê. Hóa ra ông trại trưởng “thường trực”, ông biên tập viên phòng văn nghệ, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, ông em đáng yêu của tôi và của nhiều nhà văn từng gắn bó với Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân này vẫn còn là những ẩn số bất ngờ…
Tác giả: Triệu Phong
Nguồn Văn nghệ số 45/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên