Chuyển thể truyện ngắn - điện ảnh: Cứu cánh của nghệ thuật là thẩm mĩ, là cái đẹp

Thứ năm - 05/11/2020 11:36

Khách mời: TS. Nguyễn Văn Hùng
Người thực hiện: TS. Nguyễn Thanh Tâm

111
Chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh không còn là vấn đề xa lạ với công chúng nghệ thuật. Tuy nhiên, khi đứng trước một tác phẩm được chuyển thể, đặc trưng của hai loại hình nghệ thuật vẫn tạo cho khán giả những liên tưởng, so sánh nhất định, từ đó nảy sinh nhiều câu chuyện xoay quanh việc thưởng thức hay thẩm định tác phẩm từ văn học đến điện ảnh. Lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu vào quá trình chuyển thể truyện ngắn sang điện ảnh, TS. Nguyễn Văn Hùng (Đại học Khoa học Huế) đã gợi ý cho công chúng những góc nhìn thú vị về thế giới nghệ thuật qua ngòi bút nhà văn và ống kính nhà làm phim. VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với anh xung quanh Những thế giới song hành: từ truyện ngắn đến điện ảnh.

- Chúc mừng anh vì công trình Những thế giới song hành: từ truyện ngắn đến điện ảnh vừa ra mắt công chúng. Từ ý thức tác giả, công trình này đóng góp gì vào bức tranh sinh hoạt học thuật, sáng tác và thưởng thức nghệ thuật văn chương - điện ảnh ở Việt Nam?

+ Tôi thường ví văn học như một nàng công chúa. Bấy lâu nàng sống trong tháp ngà và được người đời ngưỡng vọng, tụng ca. Nhưng tôi cũng nghĩ, nàng phải được trải nghiệm, được sống với thế giới đa màu đa sắc đa đoan ngoài kia. Có như vậy, nàng mới có thể khám phá được những giá trị khác trong mình, để sống tiếp trong một đời sống mới, một khí quyển mới.

Thật ra ý tưởng này đã được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình đương đại nghĩ đến và đúc kết. Quan sát đời sống văn học đương đại, anh cũng thấy xu hướng nghiên cứu đa hệ thống, liên ngành, đa lĩnh vực, gắn văn học với các loại hình ý thức xã hội, các loại hình nghệ thuật, chính trị, lịch sử, văn hóa đương đại trở thành mối quan tâm không chỉ của giới sáng tác, mà còn của người nghiên cứu, phê bình. Cuốn sách của tôi cũng nằm trong mạch nguồn ấy.

Những truyện ngắn được khảo sát trong công trình vốn đã khá quen thuộc với độc giả. Lịch sử tiếp nhận về chúng có một độ dày nhất định. Việc đọc lại, diễn giải thêm là một thách thức không hề nhỏ với những người đến sau như tôi. Không có cách nào khác, tôi phải tìm lối đi khác bằng một bộ công cụ mới được tích hợp từ hàng loạt lí thuyết: lí thuyết cải biên học, liên văn bản, kí hiệu học, phê bình nữ quyền, tự sự văn học và điện ảnh, giải cấu trúc, phiên dịch học, văn hóa học, diễn ngôn…

Cùng với các công trình đã có, cuốn sách của tôi bước đầu giới thiệu hướng nghiên cứu mới ở Việt Nam. Theo tìm hiểu của tôi, đây là hướng nghiên cứu giàu tiềm năng bởi hầu hết các tác phẩm văn học ưu tú trên thế giới và ở Việt Nam đã được chuyển thể thành phim. Khi đặt chúng trong mạng lưới liên văn bản sẽ là một cách đọc, lối diễn giải khác về văn học lẫn điện ảnh. Không những vậy, hàng loạt vấn đề nội tại và ngoại tại liên đới đến nghệ thuật sẽ được mở ra như ngữ cảnh văn hóa - xã hội, truyền thống, thiết chế kiểm duyệt, quyền lực của độc giả, truyền thông đại chúng…

Tất cả hiện tồn như những thế giới song hành, không ngừng va đập, đối thoại, loại trừ, thích nghi. Với độc giả và khán giả, họ sẽ được trải nghiệm một lối thưởng thức, phù hợp với đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật của từng loại hình, từ đó “giải hoặc” nhiều vấn đề như truyện hay hơn phim, phim khác truyện, hay những bí mật đằng sau mỗi lựa chọn, biểu hiện của khuôn hình điện ảnh. Với người sáng tác, họ sẽ hiểu hơn thao tác, sáng tạo của nhau, từ đó gợi mở ý tưởng, kĩ thuật, góp phần đa dạng hóa lối tư duy, hình thức biểu đạt mới.

- Văn học vẫn được xem là mỏ quặng quý của điện ảnh, anh đánh giá tình hình chuyển thể văn học sang điện ảnh ở Việt Nam hiện nay ra sao?

+ Đúng như anh nói, văn học luôn là mỏ quặng quý của điện ảnh. Từ lâu, các nhà làm phim đã biết tận dụng, khai thác từ văn học những chất liệu cho ý tưởng điện ảnh của mình. Nhiều tác phẩm văn học đã được công chúng biết đến nhiều hơn nhờ hiệu ứng đại chúng của điện ảnh, cũng như nhiều bộ phim được nâng tầm tư tưởng, nhân bản nhờ ý tưởng, độ sâu của văn học.

Riêng ở Việt Nam, từ cuối 1890, môn nghệ thuật thứ 7 đã bắt đầu du nhập vào đời sống văn hóa tinh thần. Điện ảnh nước nhà đã trải qua chặng đường dài phát triển. Trong lịch sử vận động và phát triển ấy, không thể không kể đến dấu ấn và đóng góp quan trọng của những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học. So với điện ảnh thế giới, điện ảnh Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa. Chúng ta mới bắt đầu hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa thị trường điện ảnh khoảng mươi năm trở lại đây.

Điện ảnh Việt Nam cũng mới được thế giới để mắt tới (không kể những bộ phim được trình chiếu ở các nước cùng thể chế chính trị theo kiểu ngoại giao trước đây). Song chừng ấy là chưa đủ để chứng tỏ sự lớn mạnh của một nền điện ảnh hiện đại. Thế nhưng, cũng phải khẳng định, các nhà làm phim đã bắt đầu có ý thức “hướng ngoại”, hội nhập bên ngoài lãnh thổ. Họ vừa học tập những kĩ thuật tiên tiến, lối tư duy làm phim hiện đại, vừa mang khát vọng vượt thoát ám ảnh “địa phương” để hướng ra toàn cầu.

Ngày càng nhiều đạo diễn lựa chọn văn học làm chất liệu sáng tạo, không ít bộ phim đã được vinh danh tại các liên hoan phim uy tín trên thế giới. Có thể nói, phim chuyển thể là một điểm sáng trong bức tranh điện ảnh Việt Nam đang vận động, phát triển từng ngày.

111
Sách Những thế giới song hành: từ truyện ngắn đến điện ảnh của tác giả Nguyễn Văn Hùng

- Theo anh, mối liên hệ nào là căn bản nhất để có thể chuyển vị những truyện ngắn (mà rộng hơn là văn bản văn học) - một hệ thống kí hiệu này, sang điện ảnh - một hệ thống kí hiệu khác?

+ Văn học và điện ảnh là hai loại hình được quan tâm nhiều nhất trong gia đình nghệ thuật. Văn học đã khẳng định được vị thế, giá trị của nó trong đời sống tinh thần nhân loại. Điện ảnh mặc dù sinh sau, song phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của công chúng, không ngừng triển nở, xâm lấn, trở thành lĩnh vực văn hóa đại chúng được chú ý hàng đầu hiện nay. Hai lĩnh vực này chia sẻ với nhau nhiều điểm chung thuộc về bản thể nghệ thuật, đồng thời có những giá trị tự thân, khác biệt do ngôn ngữ thể hiện, tư duy biểu đạt.

Mỗi nhà làm phim khi quyết định lựa chọn tác phẩm chuyển thể đều có quan niệm, dụng ý riêng của mình. Thế giới ngôn từ tạo tác nên văn bản văn học vô cùng kì diệu, luôn vẫy gọi, quyến rũ họ. Một ý tưởng, một hình ảnh, một mẫu hình nhân vật, một chi tiết, hay bất kì điều gì có thể gợi hứng đều được nhà làm phim lựa chọn, đưa lên màn ảnh. Tiềm năng từ văn học là vô tận, mỗi nhà làm phim từ quan niệm và cái nhìn chủ quan của mình sẽ có những cách thế lựa chọn, khai thác riêng.

Sẽ không bất ngờ khi có những tác phẩm văn học là khó chuyển thể đối với biên kịch, đạo diễn này, nhưng lại hợp “gu”, dễ dàng với người khác. Ví dụ trường hợp truyện ngắn Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp, một tác phẩm ít sự kiện, nhân vật, ít cao trào, biến cố. Với nhiều người là một thách thức, song với Đặng Nhật Minh, ông lại cho rằng đây là truyện ngắn giàu tính điện ảnh nhất của Nguyễn Huy Thiệp.

Đạo diễn thấy được ở đó chất thẩm mĩ, một yếu tính quan trọng để ông có thể chuyển thể. Hay những trường hợp khác như đạo diễn Lý An chuyển thể tiểu thuyết Cuộc đời của Pi (Yann Martel), đạo diễn Trần Anh Hùng chuyển thể tiểu thuyết Rừng Nauy (Haruki Murakami)… Đây là những tiểu thuyết mang đậm ý vị triết học, dày đặc những mã nghĩa, ít chứa đựng “điểm bùng nổ”, “nút thắt” - mẫu hình kinh điển của điện ảnh. Song các đạo diễn lại thấy được ở đó những ý tưởng hợp với quan niệm, sáng tạo của mình.

Sự gặp gỡ về tư tưởng, chiều sâu nhân bản và giá trị thẩm mĩ, theo tôi chính là những yếu tố nền tảng để nhà làm phim lựa chọn tác phẩm văn học để chuyển thể. Lẽ cố nhiên, còn nhiều yếu tố khác như ngữ cảnh đương đại, mục đích thương mại, nguồn lực tài chính, hay đơn thuần là một thử nghiệm nghệ thuật sẽ tác động đến quyết định của nhà làm phim.

- Cái “được đọc”, “đọc được” từ văn học có nhất thiết hoặc có thể chuyển vị thành “được xem” và “xem được” trong điện ảnh không? Chúng ta sẽ nói gì về “cải biên cái không thể cải biên”, thưa anh?

+ Tôi phải khẳng định rằng, bất kì thể loại, tác phẩm nào cũng có tiềm năng để chuyển thể lên màn ảnh. Chỉ có khác là tác phẩm nào mang yếu tố điện ảnh rõ nét hơn mà thôi. Và đặc biệt, tác phẩm nào phù hợp với quan niệm và ý đồ của nhà làm phim. Hàng loạt các thao tác được nhà làm phim “xử lí” từ chất liệu gốc: lựa chọn, cải biên, kế thừa, lược bỏ, làm mới, bổ sung, sáng tạo, làm khác… Vì vậy, những chi tiết đắt giá, những đoạn văn hay, chưa chắc sẽ được tận dụng nếu như không nằm trong “kế hoạch” của nhà làm phim.

Mặt khác, có những chi tiết rất nhỏ, bị người đọc bỏ qua, nhưng lại trở thành điểm phát sáng để nhà làm phim neo vào và phát triển. Bộ phim được xem như là kết quả đọc, sự diễn giải của nhà làm phim. Khác với độc giả, kí ức đọc thường lưu lại trong cảm xúc, ý nghĩ, thì nhà làm phim lại trình hiện lên màn ảnh. Không những vậy, kết quả đọc ấy được cộng hưởng với trải nghiệm cá nhân cùng những vang động của thời đại chi phối đến cách hiểu và lối diễn giải của nhà làm phim.

Nói đến trải nghiệm và kết quả đọc thì quả thật không ai giống ai. Đòi hỏi một cách hiểu thống nhất về một văn bản là điều bất khả. Hãy xem bộ phim như một trải nghiệm đọc của cá nhân nhà làm phim. Có như vậy, sẽ tránh được những vấn đề gây nhiều tranh cãi như trung thành hay không trung thành, sự “quá tay” của nhà làm phim phá hỏng tác phẩm văn học, hay khán giả cảm thấy “thất vọng” vì phim khác truyện…

Tuy nhiên, do đặc trưng ngôn ngữ khác nhau, không phải ý muốn nào của nhà làm phim cũng đều được hiện thực hóa lên màn ảnh. Tác phẩm càng giàu ý vị triết học hoặc được kết cấu bởi dòng ý thức miên man, đứt nối sẽ là một trở lực không nhỏ với nhà làm phim. Nhưng, như tôi đã nói, đạo diễn sẽ biết làm thế nào để “cải biên cái không thể cải biên” bằng ngôn ngữ riêng của mình.

- Tôi vẫn muốn xoáy vào yếu tố không thể cải biên ấy! Điều gì điện ảnh bất lực trước văn học? Có thể xem sự bất lực đó của điện ảnh với văn học như là khía cạnh - yếu tố độc quyền của văn chương không?

+ Điện ảnh có những thế mạnh riêng mà văn học không có, đó là khả năng đánh mạnh vào thị giác và thính giác người thưởng thức bằng ngôn ngữ của hình ảnh, âm thanh, dàn dựng, cảnh quay… Song, không phải điều gì cũng có thể hình ảnh hóa. Như tôi đã nói, một tác phẩm văn học giàu yếu tố điện ảnh sẽ là lí tưởng để nhà làm phim chuyển thể. Song, cái kì diệu của ngôn từ văn học nhiều khi lại không nằm ở khả năng khêu gợi hình ảnh, mà ở chính ý vị triết học, trầm tư của nó.

Không ít tác phẩm giàu tính triết luận hoặc đơn thuần chỉ là trạng thái cảm xúc của nhân vật là một thách thức đối với nhà làm phim. Tính triết luận hay những trạng huống tâm lí phức tạp của nhân vật có thể dễ dàng diễn đạt qua sức mạnh ngôn từ. Song một bộ phim, dù anh muốn chuyển tải ý vị triết học, thì đó là cái người xem có thể đúc rút, suy ngẫm ra, chứ khó có thể hiển hiện bằng ngôn ngữ hình ảnh trên phim.

Những dòng độc thoại nội tâm diễn tả góc khuất bí ẩn trong ý thức và vô thức nhân vật cũng không thể đưa nhiều lên phim, bởi như thế sẽ khiến khán giả chán, có cảm giác nặng nề. Không ai xem phim chỉ để ngồi nghe nhân vật độc thoại nội tâm, cũng không ai vừa xem phim vừa đắm chìm suy ngẫm tư tưởng cao siêu triết học. Thời gian trình chiếu, không gian rạp phim không phải là bối cảnh lí tưởng để họ làm việc đó.

Trước hết, phim phải kể một câu chuyện, phải có diễn biến, nhân vật có cá tính và quá trình. Người xem phải hiểu, phải thích thú, phim phải níu giữ họ trước màn ảnh, trước khi đòi hỏi họ suy ngẫm điều này kia. Theo tôi, đó là những trở lực (hơn là sự bất lực) của đạo diễn. Bởi nhiều khi chính điều này sẽ thôi thúc nhà làm phim có động lực để sáng tạo, chuyển hóa những điều tưởng chừng như không thể, thành những hình ảnh mà khi kết nối, tưởng tượng, suy ngẫm sẽ có giá trị tương đương với những điều ngôn từ thể hiện.

Đọc, diễn giải và đưa lên màn ảnh không khác gì quá trình phiên dịch từ hệ thống kí hiệu này sang hệ thống kí hiệu khác, mà đã là phiên dịch, như anh thấy, chỉ có sự khác biệt và giá trị tương đương. Đó là chưa nói hàng loạt những yếu tố về ngữ cảnh văn hóa, mục đích chủ thể, hay sự đỏng đảnh của kí hiệu có thể tác động đến quá trình ấy. Mỗi loại hình nghệ thuật, mỗi tác phẩm, tôi phải khẳng định lại, đều có thế mạnh riêng, có giá trị tự thân, có tiếng nói riêng, khó có thể thay thế.

- Chuyển thể từ hệ thống kí hiệu này sang hệ thống kí hiệu khác, dĩ nhiên, hai hệ thống ấy có đối thoại với nhau. Tôi sực nghĩ, có khi nào, dưới hình thức chuyển thể, tác phẩm điện ảnh lại là một chất vấn hay phê phán, phủ định chính vấn đề trong tác phẩm văn học không nhỉ?

+ Điều này anh nhận định hoàn toàn chính xác. Trước hết, một bộ phim chuyển thể từ chất liệu văn học chính là sự đọc lại và diễn giải của cá nhân nhà làm phim. Theo “quy trình” là tác giả kịch bản đọc tác phẩm văn học, sau đó phá dỡ cấu trúc, lựa chọn những gì cần thiết, viết nên kịch bản, đây được xem là một bộ phim trên giấy. Tiếp đó, đạo diễn với vai trò người chỉ đạo và quyết định xuyên suốt quá trình sản xuất sẽ đọc trên sự đọc ấy, anh ta lại tiếp tục diễn giải theo ý đồ chủ quan của mình, bởi dù sao kịch bản của biên kịch vẫn còn mang tư duy của văn học khi sử dụng chất liệu ngôn từ để chuyển tải.

Đạo diễn biến tất cả thành hình ảnh, hiện thực hóa thành khuôn hình trên phim. Đó còn chưa kể vai trò của các nhân tố khác tham gia vào sản xuất như quay phim, diễn viên, giám đốc âm thanh… mỗi người lại tiếp tục diễn giải ý đồ của đạo diễn bằng chính ngôn ngữ của mình (hình ảnh, diễn xuất, âm nhạc, tiếng động…). Đó có khác gì là sự diễn giải, đối thoại với phiên bản văn học.

Không phải khi nào giữa nhà làm phim và nhà văn cũng có sự đồng thuận, gặp gỡ nhau, mà luôn có sự chất vấn, thương thỏa, đối thoại ngầm nhằm hướng tới giá trị khác biệt trong nghệ thuật, thẩm mĩ, hình thức biểu đạt. Cá tính, phong cách, khác biệt, hiệu quả luôn là cái đích mà mỗi nhà sáng tạo, không riêng gì nhà làm phim, dù họ làm việc trên một chất liệu có sẵn.

- Chất liệu có sẵn ấy là truyện ngắn - nàng Lọ Lem của văn học. Nhưng có khi nào, trong lễ hội tại lâu đài điện ảnh, đã chẳng có hoàng tử nào cả, thậm chí nàng lại gặp phải “con quái vật” - hiểu như là một tình huống xấu, một tai nạn. Lọ Lem bỗng bị biến thành một kẻ vô duyên, xấu xí, độc ác nào đó. Nói thẳng ra là có khi nào điện ảnh đã làm hỏng tác phẩm văn học?

+ Sự ví von của anh rất thú vị. Nàng công chúa hay nàng Lọ Lem truyện ngắn có khi gặp được hoàng tử, nhưng thời nay hoàng tử thì ít mà “quái vật” thì nhiều. Đó là một trong những lí do giải thích cho câu chuyện “cơm không lành canh không ngọt” giữa nhà làm phim và nhà văn. Nhiều nhà văn “hiểu chuyện” thì dễ dàng chấp nhận bởi họ cho rằng nếu tác phẩm của họ hay thì phim hay hay dở cũng không làm giảm giá trị tác phẩm của mình. Cả nhà làm phim lẫn nhà văn rất kị những thị phi kiểu “ăn theo”, “núp bóng” nhau để nổi tiếng. Nghệ sĩ, cái tôi lớn lắm, lại cực đoan kiểu “văn mình - vợ người” mà.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nhà văn “bỗng dưng” nổi tiếng, được độc giả săn tìm sau khi xem xong bộ phim chuyển thể như trường hợp Vikas Swarup (tiểu thuyết Q & A được đạo diễn Danny Boyle chuyển thể thành phim Triệu phú khu ổ chuột), hay R.J. Waller (tiểu thuyết Những cây cầu ở quận Madison được đạo diễn Clint Eastwood chuyển thể thành phim cùng tên). Cũng cần phải nói thêm, một tác phẩm văn học hay chỉ là điều kiện cần để có một bộ phim hay.

Điều kiện đủ (có thể là quyết định) đó là sự sáng tạo của nhà làm phim bằng chính ngôn ngữ riêng của điện ảnh. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp nhà văn lên tiếng về sản phẩm sáng tạo từ tác phẩm văn học của mình. Nguyễn Huy Thiệp chất vấn Vương Đức làm “hỏng” tác phẩm Những người thợ xẻ khi đưa thêm chủ đề về nạn chặt phá rừng, hay thay đổi tính cách nhân vật Bường và Ngọc. Thế nhưng, nhiều khán giả lại cho rằng, đạo diễn đã chuyển thể thành công, nhất là khi gắn tác phẩm với những vấn đề đương đại. Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản. Có những yếu tố bên ngoài nghệ thuật khiến cho tác phẩm không phải lúc nào cũng hiện ra như tác giả mong muốn.

- Tôi cũng có xem một số phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, tại đó, tôi mường tượng ra sự khổ tâm của nhà làm phim khi đối mặt “mụ dì ghẻ độc ác” có tên là kiểm duyệt, thế là xảy ra tình trạng “đẽo chân cho vừa giày”. Từ kinh nghiệm nghiên cứu văn học, điện ảnh của mình, anh có chia sẻ cảm nhận ấy không?

+ Tôi đã dành một phần quan trọng của công trình để nói về điều này. Điện ảnh là sản phẩm văn hóa. Lẽ cố nhiên nó cũng sẽ chịu sự kiểm duyệt của chính nhà làm phim và các thiết chế quản lí văn hóa trước, trong và sau quá trình sản xuất. Sự kiểm duyệt này như một con dao hai lưỡi, có khi trở thành động lực để nhà làm phim kiếm tìm một hình thức thể hiện mới lạ, nhưng hệ lụy từ nó cũng vô cùng khôn lường.

Nhà làm phim như người làm dâu trăm họ, hướng về phía nào cũng bắt gặp những con mắt dò xét, soi mói. Trong đó, kiểm duyệt trở thành nỗi ám ảnh của họ. Song ở một phương diện khác, nếu kiểm duyệt có tâm và có tầm thì có ích cho bộ phim. Áp lực, lương tâm, trách nhiệm với cộng đồng sẽ khiến nhà làm phim cẩn trọng, nghiêm túc, chăm chút hơn trong sản phẩm của mình.

Trong quá trình sáng tạo, họ luôn phải trăn trở làm sao để hài hòa được giữa một bên là kiểm duyệt (đằng sau đó là quyền lực) và một bên là cá tính, bản sắc cá nhân. Nhưng rõ ràng, không phải khi nào sự kiểm duyệt cũng khách quan và chính xác. Chính độ vênh trong quan niệm và cái nhìn giữa bộ phận kiểm duyệt và nhà làm phim khiến nhiều bộ phim rơi vào tình trạng “bị cắt nát”, thậm chí cấm phát hành. Kiểm duyệt nhiều khi buộc nhà làm phim phải chùng tay khi quyết định dấn thân tới cùng với những ý tưởng của mình.

Trên thực tế, nhiều bộ phim có phẩm tính nghệ thuật, mỗi chi tiết, hình ảnh luôn giữ một vai trò nhất định trong chỉnh thể. Sau khi sản xuất và công chiếu, một sự cắt bỏ cơ giới nào cũng có thể phá vỡ chỉnh thể, nhiều khi khiến khán giả hiểu lệch đi về ý nghĩa. Trong khi nếu điềm tĩnh, thận trọng suy xét kĩ xem hình ảnh phim có đảm bảo mĩ cảm không, có chứa đựng ý đồ để người xem hiểu hơn về con người không, thì có lẽ câu chuyện này sẽ bớt nóng hơn. Như anh đã thấy, không phải cứ sex là đồi trụy, dung tục, cứ có cảnh làm tình là “câu khách”, mà nhiều khi sex cũng là phương diện nhân bản, nếu nó trở thành một kí hiệu văn hóa và chuyển tải được tinh thần nhân bản về con người.

- Cổ tích thì kết thúc có hậu, nên chúng ta không nói thêm về con quái vật, dì ghẻ hay mụ phù thủy nữa. Nàng Lọ Lem ấy đã trở thành hoàng hậu như thế nào nếu nhìn từ tình hình chuyển thể truyện ngắn (hoặc rộng hơn) thành điện ảnh ở Việt Nam? Văn học được hưởng lợi gì từ điện ảnh?

+ Văn học dĩ nhiên được hưởng lợi nhiều từ điện ảnh, nếu đó là một bộ phim nổi tiếng. Điện ảnh có nhiều cơ hội trong việc tiếp cận công chúng, một tác phẩm xuất sắc sẽ khiến khán giả quan tâm nhiều hơn đến phiên bản gốc, có khi họ sẽ tìm đọc hoặc đọc lại. Không những vậy, từ khi điện ảnh ra đời, văn học cũng đã tiếp thu từ người anh em sinh sau đẻ muộn của nó những kĩ thuật, thủ pháp điện ảnh. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, điện ảnh cũng “chịu ơn” văn học rất nhiều.

Văn học từ bao đời trở thành suối nguồn tư tưởng, nơi nhân loại gửi gắm, kết tinh nghiệm suy về thế giới và con người. Điện ảnh được thừa hưởng cái đó và tiếp tục tìm tòi, khám phá. Tuy nhiên, như đã nói, nàng Lọ Lem muốn trở thành hoàng hậu phải trải qua biết bao thử thách chông gai. Nàng phải tự thân biến hóa, tự thay đổi mình để thích nghi. Người giữ chiếc đũa thần để biến hóa nàng, không ai khác chính là nhà làm phim.

Bằng sự sáng tạo, cùng những lợi thế riêng của mình, họ cấp cho nàng một đời sống, một hình hài, một hành trình mới. Dĩ nhiên, không thể không nhắc tới vai trò của công chúng, một trong những yếu tố quyết định đến số phận của nàng. Như vậy, bộ phim ra đời luôn được đặt định trong những mối tương tác đa chiều với phiên bản gốc, với nhà làm phim, với công chúng, với các thiết chế, với ngữ cảnh văn hóa…

- Đôi khi, những đánh giá về sự vênh lệch của tác phẩm điện ảnh so với tác phẩm văn học lại đến từ chính khán giả. Khán giả thiếu chuyên môn, trình độ, thiếu kinh nghiệm thẩm mĩ thuộc về điện ảnh, lại bị chi phối bởi ấn tượng từ tác phẩm văn học, đã không nhận ra giá trị của tác phẩm điện ảnh. Có tình trạng đó không thưa anh?

+ Anh lại đụng trúng vào vấn đề không chỉ riêng tôi trăn trở mà còn nhiều nhà làm phim (nói rộng ra là nghệ sĩ) phiền lòng, đó là thị hiếu thẩm mĩ, chất lượng xem của khán giả Việt. Nếu thử quan sát những bộ phim “hiện tượng phòng vé”, “kỉ lục doanh thu”… những năm gần đây, anh sẽ có thể hình dung phần nào về thị hiếu, tâm lí người xem. Họ thích sự dễ dãi, thưởng thức nghệ thuật đơn thuần chỉ là sự giải trí (nhiều lúc cũng chẳng cần gắn với giải trí - thẩm mĩ). Chỉ cần cười xòa, dễ hiểu, diễn viên nổi tiếng, bài hát hay, pha một chút phiêu lưu, éo le… là đủ kéo họ đến rạp phim.

Nhiều khi, chỉ là theo “trend”, người khác coi mình cũng coi, bất kể phim gì. Thêm nữa, các nhà sản xuất cũng đủ chiêu trò để kích thích tâm lí khán giả, đa phần là người trẻ, những người dễ thay đổi, yêu đấy rồi quên đấy. Nhưng hệ lụy của nó lại cực lớn. Chúng ta đừng nhìn vào bề nổi như số lượng khán giả, doanh thu phòng vé… mà đo được sức khỏe của nền điện ảnh. Nó cần đấy, nhưng không phải là yếu tố quyết định cho một nền nghệ thuật phát triển khỏe mạnh, chứ chưa mơ tới vươn tầm thế giới.

Trong cơ chế thị trường, nhiều khi đồng tiền có sức mạnh ghê gớm, nhất là với điện ảnh, một loại hình cần tiền để sản xuất. Áp lực này khiến nhà làm phim phải chiều theo thị hiếu dễ dãi của công chúng, sản xuất ra những bộ phim nhạt nhẽo, không giúp làm tăng năng lực người xem, mà lại làm lộ ra sự đơn giản đến khó tin của họ. Nhưng cũng cần phải nhìn ở khía cạnh khác, những bộ phim nghệ thuật, được những người có chuyên môn đánh giá cao, được vinh danh ở nhiều liên hoan phim trong nước và quốc tế, lại không đủ sức hút với khán giả. Họ quay lưng, thờ ơ, thậm chí có chiếu miễn phí, người ta cũng không đến rạp xem.

Phải chăng những tác phẩm này chưa đủ hấp dẫn, phải chăng nó chưa bắt kịp hơi thở đương đại, phải chăng nhà làm phim chỉ chăm chăm theo đuổi ý đồ nghệ thuật của mình rồi lãng quên công chúng? Làm sao nghệ thuật phải kết hợp được với giải trí vốn là thuộc tính của điện ảnh? Theo tôi, trước khi đòi hỏi nâng cao thị hiếu thẩm mĩ của khán giả, phim nghệ thuật cần phải có ngôn ngữ và cách biểu đạt mới, phù hợp với tâm lí, nhu cầu, xu thế đương thời. Và quan trọng hơn nữa là phải chạm được vào cảm xúc người xem, kéo họ đến rạp bằng các tác phẩm vừa giàu tính nghệ thuật vừa mang hơi thở đời sống hôm nay.

- Chuyển thể từ văn học sang điện ảnh có thể trung thành hoặc tự do. Trong công trình của mình anh cũng bàn đến việc duy trì hoặc mở rộng đường dây cốt truyện, cải tác chi tiết, cải biên nhân vật, dịch chuyển không gian, thay đổi phương thức trần thuật, vẫy gọi các liên tưởng - vang động ngoài cốt truyện... Toàn các vấn đề trọng yếu của thế giới song hành văn học - điện ảnh. Vậy, từ góc độ cá nhân, anh thích “giai nhân chung thủy” hay “những hư hỏng đẹp”?

+ Có vẻ như là một cái bẫy ấy nhỉ? (cười) Cứu cánh của nghệ thuật là thẩm mĩ, tức là cái đẹp. Tuy nhiên, có cái đẹp an toàn, cái đẹp rủi ro; cái đẹp thầm kín, cái đẹp lồ lộ; cái đẹp nhất thời, cái đẹp vĩnh cửu; cái đẹp tự nhiên, cái đẹp giả tạo. Nhưng chung quy lại, nghệ thuật cần yếu tính thẩm mĩ. Còn với người nghiên cứu, phê bình, về phương diện đạo đức xã hội, không chỉ tôi, anh và nhiều người khác luôn đề cao sự thủy chung, an toàn; nhưng ở phương diện nghệ thuật, sáng tạo, tôi lại luôn thích “sự hư hỏng có nghệ thuật và có đầu tư”. Sự hư hỏng này phải được hiểu là sự lệch chuẩn, sự phá cách, nhiều khi là sự mạo hiểm, phiêu lưu. Song, đó mới là cái nghệ thuật cần để có những sáng tạo đủ sức vẫy gọi công chúng.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Theo VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây