- Xin chào NSƯT Phùng Tiến Minh! Xin chúc mừng anh với vở diễn “Trương Chi - Mị Nương” vừa ra mắt. Có lẽ mọi thứ đều có nguyên do của nó, công việc sáng tạo cũng vậy, tôi muốn nói về việc phôi thai ý tưởng, điều gì đã khiến anh bắt đầu với dự án này?
+ Thực ra là tôi đã ấp ủ viết và dàn dựng vở diễn “Trương Chi- Mị Nương” từ khi đang học chuyên ngành Đạo diễn Sân khấu. Bởi một phần là kì vọng, một phần là thách thức của cố NSND, Đạo diễn Phạm Anh Tú - là giáo viên chủ nhiệm cũng như phụ trách chuyên môn. Tất nhiên bài trả đó là trên kịch thơ Trương Chi của nhà viết kịch, nhà thơ Hoàng Cầm. Và cũng chính vì được tiếp cận với một số kịch bản của những tác giả khác và nghiên cứu truyện gốc trong kho tàng cổ tích Việt Nam, không hiểu sao trong suy nghĩ của tôi lúc đó luôn bị ám ảnh bởi sự chưa thoả mãn. Bởi hình như chủ đề tư tưởng chỉ đơn thuần là khác biệt giai cấp, giai tầng, như thế là chưa đủ. Và quan trọng hơn cả là hai nhân vật chính Trương Chi và Mị Nương quá ít đất để tiếp cận với nhau. Tôi nghĩ họ phải được chia sẻ, được gần gũi, được bộc bạch thổ lộ tâm can thì bi kịch nó mới thực sự có giá trị. Bởi thế mà tôi quyết định viết lại kịch bản Trương Chi - Mị Nương theo cách riêng của tôi. Đó phải là một vở diễn theo phong cách hiện thực tâm lí, ấn tượng lãng mạn (phong cách tôi sẽ theo đuổi trong sự nghiệp làm nghề của mình)
- Ngày hôm nay, khi mà người ta chìm đắm trong mạng xã hội, trong Youtube với các kênh Vlog, trong những nghe – xem – nhìn – đọc gắn chặt với mạng xã hội, cứu cánh cho nghệ thuật sân khấu là gì thưa anh?
+ Đây là một câu hỏi mà tôi nghĩ sẽ còn tồn tại khá lâu nữa ở thì hiện tại và tương lai (tất nhiên là với nước ta). Tại sao tôi lại nói vậy? Bởi nghệ thuật sân khấu nói chung và nghệ thuật kịch nói nói riêng vẫn là thánh đường, vẫn là vẻ hàn lâm sang trọng vốn dĩ của nó với bề dày lịch sử của thế giới, vẫn phát triển rực rỡ ở những quốc gia khác, vì họ có sẵn nền tảng, luôn đi kịp thậm chí là luôn vượt trên thời đại.
Còn nghệ thuật sân khấu nước ta thì sao? Trước đây ta cũng có thời kì phát triển cực kì thăng hoa của nghệ thuật sân khấu với nhưng nhà viết kịch lừng lẫy như cố nhà văn Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Anh Biên,…; với những đạo diễn tài ba như cố NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Dương Ngọc Đức, NSND Xuân Huyền… cùng rất, rất nhiều những đạo diễn giỏi khác. Và đương nhiên không thể bỏ qua những nghệ sĩ biểu diễn tài hoa như NSND Trần Tiến, NSND Trịnh Thịnh, NSND Trịnh Mai… cả những nghệ sĩ thế hệ nối tiếp như NSND Hoàng Dũng, NSND Hoàng Cúc, NSND Anh Tú, NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương,…
Nhưng đến khi chuyển đổi mọi thứ, kinh tế mở cửa, xã hội phát triển, với nhiều sự tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện, màu sắc, dễ dàng, nhất là bây giờ chỉ cần một cái click là ta có trong tay cả thế giới, với muôn hình muôn vẻ, với cơ man nào là những thứ giải trí từ đỉnh cao đến tầm phào, thì nghệ thuật sân khấu của ta vẫn vậy, thậm chí còn kém đi. Cơ sở đào tạo thì thiếu thốn, các kĩ năng chuyên môn, giáo án, giáo trình cũ kĩ, vẫn theo lối mòn. Nghệ sĩ biểu diễn chưa được trang bị, rèn luyện toàn năng về thanh, sắc, vũ, đạo, kiến thức văn hoá, lịch sử… Những người sáng tạo thì thiếu tính đột phá, không chịu nhìn nhận, bảo thủ, cực đoan, lúc nào cũng tự xưng mình là nhất…
Tất nhiên vẫn còn những người đau đáu, trăn trở nhưng phần vì lẻ loi, phần vì nản bởi một cánh én thì sao làm nên mùa xuân. Bởi thế mà cá nhân tôi nghĩ, phải có một định hướng cụ thể, cấp thiết, có chiều sâu mang tính lâu dài, từ đào tạo đến phát triển. Các nhà hát, đơn vị biểu diễn nghệ thuật sân khấu cần chung lưng với nhau, phát hiện và công nhận những mặt mạnh của nhau, để tạo nên những cú hích, những cú kích cầu; truyền thông và maketing, phải hoạt động năng nổ hơn nữa. Và cái quan trọng hơn cả là cơ chế kiểm duyệt, định hướng đầu tư và phát triển của nhà nước, của các cơ quan quản lí cần có một sự nhìn nhận thông thoáng và dân chủ hơn.
- Với “Trương Chi - Mị Nương”, dù bàn về chuyện tình yêu muôn thuở nhưng không thể không chú ý đến tâm thế của thời đại. Tôi thấy anh đã rất chú ý đến điều này trong xử lí từ kịch bản và khi dàn dựng. Vẫn là những thứ muôn thuở ấy nhưng hôm qua người ta nhìn nó khác, hôm nay người ta nhìn lại khác. Xử lí làm sao để giữ được “tần số chung” của số đông công chúng là điều chẳng dễ dàng. Không hiểu đó là những võ đoán của tôi hay có chút đồng cảm nào từ anh trong quá trình dựng vở hay không?
+ Tôi nghĩ việc đầu tiên khi đề cập tới vở diễn, với bất cứ tác giả hay đạo diễn nào, tâm thế thời đại luôn là điều quan trọng nhất. Bởi chuyện xưa, chuyện nay, hay thậm chí là chuyện tương lai với bối cảnh viễn tưởng thì vẫn phải là tôi muốn nói gì cho thời điểm này. Với “Trương Chi - Mị Nương”, bi kịch trong truyện chỉ là sự phân cấp giai tầng xã hội của chế độ phong kiến, còn với tôi, với góc nhìn của ngày hôm nay thì tôi thấy chưa đủ. Nó còn phải là sự hời hợt, chớp nhoáng trong suy nghĩ về tình yêu của một số người trẻ thời nay, sự thiếu tự tin, hèn nhát không dám là chính mình, sự lệch lạc, tha hoá của giá trị đạo đức, và quan trọng hơn cả đó là giá trị đích thực của tình cảm, của trái tim và chân ái.
- Từ một câu chuyện cổ tích vài trăm từ mà người Việt gần như đã thuộc làu, biến thành một kịch bản lớp lang cho một vở diễn với những ý đổ nghệ thuật là một khoảng cách xa xôi mà sự sơ xẩy đôi khi chỉ là vài ba câu thoại lệch sóng hay xử lí không chắc tay sẽ làm hỏng vở diễn. Ý tôi muốn nói đến sự mạo hiểm. Trong khi một mình anh “ẵm” cả vở từ A đến Z. Nên hiểu điều này thế nào? Anh đa tài, anh muốn một sự trọn vẹn đến từng chân tơ kẽ tóc hay anh muốn một sản phẩm “madein Phùng Tiến Minh” trong vai trò mới là đạo diễn?
+ Như lúc đầu tôi đã nói, với vở diễn “Trương Chi - Mị Nương” là sự thách thức, là khao khát được chinh phục chính bản thân mình. Nên dùng từ “mạo hiểm” là chính xác. Và khi bắt tay vào viết tôi mới thấy nó đầy rẫy những khó khăn. Nếu như viết một ca khúc chỉ với khoảng trên dưới 100 từ thì kịch bản cho vở diễn dài hai tiếng phải ngấp nghé 15.000 từ. Mà nhất là thể loại kịch cổ, dân gian nên vốn liếng về Hán Nôm và Hán Việt phải nắm rất chắc (mà cho đến lúc này tôi cũng không rõ là tôi có được bao nhiêu).
Mạo hiểm thứ hai và cũng quan trọng nhất, đó là phần đạo diễn. Rất nhiều người đã khuyên tôi không nên làm đạo diễn vở này, vì sẽ không có cái nhìn khách quan với kịch bản. Văn mình-vợ người. Lúc đầu tôi cũng có chút hoài nghi, nhưng rồi sau này khi chạy thoại và tập trong 2 tuần đầu thì tôi lại thấy việc mình đang làm là hoàn toàn chính xác. Bởi sự đồng cảm giữa tác giả và đạo diễn là tiên quyết cho việc rõ ràng về tư tưởng chủ đề của vở, cũng như hành động xuyên của các lớp, màn hay nhân vật.
Và tôi khao khát được làm đạo diễn vở này còn bởi suy nghĩ “Không cho ai thay đổi hay sửa gì về phần âm nhạc của tôi”, phần mà tôi tự tin nhất trong vở diễn. Chắc chắn sẽ không có ai viết nhạc hay hơn tôi ở vở diễn này. Nên khi giờ đây “Trương Chi - Mị Nương” đã được công diễn, tôi rất hài lòng với bản thân mình. Dù còn rất nhiều sự bàn ra tính vào của đồng nghiệp, chê nhiều hơn khen, nhưng tôi thích thế. Bởi nhưng câu chê bai, những điều thắc mắc rất “dễ thương” như là: Vở diễn rất mãn nhãn, mãn nhĩ, lôi cuốn, hấp dẫn, diễn viên thể hiện nhân vật rất xuất sắc nhưng chẳng hiểu nói lên điều gì (cười)…
- Vâng! Làm nghệ thuật cần có niềm tin lớn để đi hết con đường mình đã định. Anh nghĩ gì về những đánh giá của hội đồng nghệ thuật của Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần IV dành cho "Trương Chi - Mị Nương"? Và có cho rằng nó thỏa đáng? Anh tiếp nhận những khen chê với tâm thế nào?
+ Chuyện đúng sai, hay dở là lẽ thường tình trong câu chuyện của nghệ thuật. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi người mỗi sở. Tôi chẳng có định kiến gì với hội đồng nghệ thuật của Liên hoan Sân khấu Thủ đô vừa rồi, vì các thành viên đều là những người tài năng và có uy tín trong giới, nên cho dù tất cả thành viên trong hội đồng có không thích vở diễn “Trương Chi - Mị Nương” của tôi, thì đấy cũng là lẽ bình thường. Để qua đó tôi thấy được quan niệm của mình phù hợp với những đối tượng khán giả nào.
Càng trong nghề lại càng khắt khe hơn. Tôi tôn trọng những nghiêm luật hội đồng đưa ra, làm cơ sở để đánh giá, nhưng không vì thế mà tôi gò hay gọt mình để vừa với suy nghĩ của người khác. Bởi theo quan niệm của tôi thì nghệ thuật phải đa chiều, đa diện, xem xong một vở diễn, ngoài sự thỏa mãn về giác quan, còn phải để khán giả về đến nhà rồi mà vẫn phải nghĩ, phải suy diễn "Ô! Thế là thế nào nhỉ?”, “Sao lại thế nhỉ?”, còn vở diễn mà mới xem được một nửa đã biết kết quả hay chủ đề nội dung tư tưởng thì chán chết đi được (tôi là fan cuồng phim hành động kịch tính của Mĩ).
Nên với tôi, những lời khen - đương nhiên là tôi thích - nhưng không phải là tất cả; và những lời chê chưa hẳn đã là sai. Có khi là vì mình… giỏi quá nên họ tạm ghìm mình lại để mình đừng sớm tự mãn... để mình còn phải cố gắng cống hiến nhiều hơn nữa... (cười to). Biết đâu đấy! Thế cũng là tốt cho mình mà.
- Có lẽ tếu danh “Minh cả mâm” mà anh được bạn bè đồng nghiệp gán cho cũng xuất phát từ sự đa tài và đa mang của anh. Từ viết kịch bản, đạo diễn, phụ trách âm nhạc của vở… Tôi vẫn muốn hỏi thêm, có thể những thành công trong lĩnh vực âm nhạc trước đó đã cho anh niềm tin để “đo ni đóng giày” khi sử dụng các bài hát của mình cho vở diễn, nhưng còn khâu kịch bản, và cả vai trò đạo diễn nữa, đều là lĩnh vực mới với anh, và chúng đòi hỏi một vốn liếng khá dày mới có thể khởi sự. Điều gì khiến anh tự tin rằng mình sẽ thành công?
+ Điều khiến tôi tin rằng tôi sẽ thành công đó là tôi có một sự hậu thuẫn vô điều kiện của lãnh đạo Nhà hát kịch Hà Nội. Sự tin tưởng và thống nhất về định hướng phát triển trong tương lai nghệ thuật của nhà hát với một sân khấu có trang thiết bị hiện đại bậc nhất tại Việt Nam, với một dàn nghệ sĩ biểu diễn tên tuổi cũng như tài năng hàng đầu. Nên dù tôi có không tài lắm thì vẫn cứ thành công như bình thường, huống hồ tôi lại có tài… (cười to).
- Xem “Trương Chi - Mị Nương” khán giả thấy có cả nhạc kịch, có cả vũ kịch và những kĩ thuật của sân khấu hiện đại được vận dụng một cách triệt để. Gần như là một sự liên hoàn nhịp nhàng từ đầu đến cuối vở. Điều đó vừa mang lại sức hút cho vở diễn, nhưng ngược lại cũng làm “nhạt” đi yếu tố kịch của thể loại kịch nói. Theo anh, những tiêu chí căn cốt của thể loại kịch nói trong cách làm nghề truyền thống có cần được duy trì và bảo tồn hay nên có những “biến thể” để theo kịp thời đại?
+ Mọi người lại quên mất rằng sân khấu kịch nói là một sự tổng hợp của các loại hình nghệ thuật khác, lấy văn học và những câu thoại theo dạng nói làm hành động chính và xuyên suốt. Hơn nữa Trương Chi được mọi người biết đến là nhờ có một giọng hát và tiếng sáo hay tuyệt vời. Vậy thì chìa khoá của vở diễn phải là âm nhạc mang tính chủ đạo chứ!
Đến bây giờ tôi cũng không rõ vở diễn tôi dàn dựng có bị mới quá không, bị khác truyền thống nhiều không và tại sao mọi người lại nghĩ tôi làm nhạt đi yếu tố kịch của thể loại kịch nói… trong khi xung đột và sự kiện, sự biến, mẫu thuẫn vẫn chan chát từ đầu đến tận cuối cùng của vở diễn.
Và với sự phát triển không ngừng của xã hội, của các loại hình nghệ thuật khác, liệu chúng ta vẫn cứ ra rả nói từ đầu đến cuối, kể những câu chuyện thiếu tính minh hoạ, thiếu màu sắc hấp dẫn và vẫn cố tin rằng khán giả bây giờ vẫn thích thú, vẫn say đắm? Hiện trạng của sân khấu hiện nay có lẽ là câu trả lời chính xác nhất của tôi về vấn đề này.
- Ngay ở sân khấu rạp Công nhân cũng vậy, những vở diễn của hôm qua đến nay vẫn còn vang bóng, làm nên một thế hệ vàng của Nhà hát kịch Hà Nội trước đây, nhưng thế hệ nghệ sĩ hôm nay với thực trạng sân khấu hôm nay đã khác, khán giả sân khấu của thời hôm nay cũng khác. Bước chân sang lĩnh vực đạo diễn, chắc hẳn anh cũng mang theo những tự vấn nghề nghiệp ấy…
+ Đấy luôn luôn là vấn đề đau đáu của thế hệ nghệ sĩ chúng tôi. Làm sao để vẫn giữ được truyền thống của Nhà hát? Làm sao để làm mới, theo kịp với thời đại mà không mất đi bản sắc của riêng mình? Chúng tôi vẫn sẽ cống hiến hết mình, bởi sự đam mê, bởi sự tự hào, bởi sự phát triển của nghệ thuật sân khấu kịch nói nói chung và Nhà hát kịch Hà nội nói riêng.
- Tham gia Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát kịch Hà Nội, anh có thể nói một chút về đường hướng để Nhà hát bắt kịp thời đại, không bị bỏ lại phía sau. Anh có tin thế hệ đạo diễn, diễn viên kế tục của Nhà hát sẽ làm nên “điều gì đó” cho sân khấu kịch của hôm nay?
+ Nhà hát kịch Hà nội xưa nay vẫn nổi tiếng với những vở diễn chính kịch tâm lí xã hội đặc sắc, luôn đi sâu vào những vấn đề gai góc của cuộc sống thường nhật. Nay với xu thế phát triển của thời đại, chúng tôi- với định hướng xây dựng một Nhà hát đa năng lấy kịch nói làm trung tâm chắc chắn sẽ làm nên “điều gì đó” cho nghệ thuật sân khấu Kịch của hôm nay và mai sau.
- Thời gian gần đây, các nhà hát có xu hướng dựng lại hàng loạt các vở kinh điển có độ lùi từ một vài chục năm, những vở kịch đậm chất thế sự của hôm qua mà ít nhiều đến hôm nay vẫn còn là điều trăn trở, trong khi đó, những câu chuyện xã hội nóng bỏng của hôm nay tôi nghĩ rằng còn “khốc liệt” nhiều hơn thế nhưng lại bị bỏ qua. Là người trong nghề, anh có lí giải gì về điều này không? Là do chúng ta thiếu kịch bản sân khấu về lĩnh vực đó, là do đạo diễn muốn “an toàn”, hay có còn những yếu tố khác nữa?
+ Tôi nghĩ đây là một bước lùi của nghệ thuật sân khấu, nhất là về phần của biên kịch, tác giả. Tại sao xã hội phát triển mà chúng ta lại phải dùng lại những kịch bản cũ cách đây vài chục năm? Có thể mang tính thử nghiệm, có thể để tôn vinh lại những giá trị xưa, có thể là những dòng kịch kinh điển... nhưng rõ ràng những kịch bản bây giờ có vấn đề về chất lượng.
Vẫn có những trại sáng tác hàng năm, hàng quý được mở ra, nhưng thử hỏi có được bao nhiêu gương mặt mới? Từ khâu đào tạo, bao nhiêu năm nay rồi mới có được một lớp về biên kịch sân khấu? Nên việc các nhà hát hay đạo diễn chọn lại những kịch bản hay, kinh điển của những tác giả trước đây cũng là điều dễ hiểu. Bởi kịch bản là quan trọng nhất của sự thành công cho vở diễn. Có bột mới gột nên hồ. Nên tác giả kịch bản sân khấu ngoài sự nhiệt tình, có tâm, có tầm còn phải có tài nữa.
- Trong thời gian giãn cách xã hội, sân khấu buộc phải đóng cửa, đã có ý tưởng diễn các vở trực tuyến, thay vì khán giả phải đến rạp họ sẽ xem qua mạng, ý tưởng này đã gặp phải nhiều phản ứng của nghệ sĩ sân khấu vì cho rằng đặc thù của biểu diễn và tiếp nhận nghệ thuật sân khấu là tương tác trực tiếp với khán giả. Ý kiến của anh về điều này thế nào?
+ Tôi nghĩ vấn đề này chẳng sao cả. Chúng ta phải biết tự thích nghi thì mới tồn tại được. Cứ khăng khăng bảo thủ với nhưng tư tưởng cũ rích thì sao có thể phát triển được. Nghệ thuật, cái hay, cái đẹp phải được lan toả, dù bằng hình thức nào, miễn là có hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
- Cám ơn anh đã chia sẻ với VNQĐ!
NGUYỄN XUÂN THỦY thực hiện
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên