Mai Liễu – suối ngàn chảy mãi

Thứ ba - 03/11/2020 09:27

Nhà thơ Mai Liễu tên thật là Ma Văn Liễu, dân tộc Tày, sinh năm 1949 tại xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; thường trú tại quận Hà Đông, Tp Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhiều năm tham gia Ban lãnh đạo Hội Văn nghệ Hà Tuyên trước đây, Hội Văn nghệ Tuyên Quang sau này, nguyên phó Tổng Biên tập thường trực tạp chí Văn hóa các dân tộc thuộc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản: hơn 10 tập thơ, như: Suối làng (1994), Mây vẫn bay về núi (1995), Lời then ai buộc (1996), Tìm tuổi (1998), Giấc mơ của núi (2001), Đầu nguồn mây trắng (2004), Bếp lửa nhà sàn (2005), Núi vẫn còn mưa (2013)…

Ông cũng giành nhiều giải thưởng văn chương của báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Theo thông tin từ gia đình, nhà thơ Mai Liễu đã đột ngột từ trần vào hồi 17 giờ 40 phút ngày 26/10/2020, tức nhằm ngày 10 tháng 9 năm Canh Tý, hưởng thọ 72 tuổi. Tang lễ và an táng được tổ chức tại quê nhà - thôn Đồng Giang, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang bắt đầu từ ngày 27/10/2020; lễ truy điệu và đưa tang ngày 28/10/2020, tức nhằm ngày 12 tháng 9 năm canh Tý.

Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn nghệ xin chia buồn cùng gia đinh, bạn hữu nhà thơ Mai Liễu

VN

Không biết tôi chơi với Mai Liễu từ bao giờ nhưng tính đến nay cũng phải có tới ngót bốn mười năm. Ngót bốn mươi năm bao điều chia sẻ tính sao đầy! Nay về hưu rồi vẫn chén tạc, chén thù… Thế có nghĩa vẫn là tri ân, tri kỷ. Mỗi lần Mai Liễu qua nhà tôi, con cháu cùng reo to: “Chào nhà thơ Mai Liễu”. Vừa reo, các cháu vừa sà vào lòng ông. Vốn là người yêu trẻ, Mai Liễu xoa đầu các cháu giọng bùi ngùi.

- Đừng kêu ông là nhà thơ, cứ kêu ông Mai Liễu là được rồi…

- Nhưng ông là nhà thơ…

- Không, không ở nhà ta không có ai là nhà thơ cả, cái lều còn chả xong các cháu ạ. Mai Liễu cười âu yếm. Mấy đứa cháu tôi lại lăn vào ông, đứa bá vai, đứa vít cổ. Nhìn hình ảnh ấy lòng tôi nghèn nghẹn những vui buồn. Quá khứ lại như thước phim hiện sáng.

Hôm ấy vào nửa buổi sáng, tôi và Trung Trung Đỉnh đi buôn thuốc lào và chè khô ở phía cuối huyện Sơn Dương bị mưa dọc đường, chè thuốc mấy bọc bị ướt ẩm, vội đạp xe về tá túc tại căn hộ tập thể của vợ chồng bác Diệp chỗ câu lạc bộ gần bến phà Nông Tiến. Thấy hàng hóa lút thút, vợ bác Diệp cho bọn tôi mượn cái chảo rổi nhóm bếp, hai thằng hì hục hơ lại chè thuốc. Công việc đang tiến độ thì thấy ngoài bàn nước của bác Diệp rì rầm chuyện to, chuyện nhỏ, mỗi lúc một sôi nổi. Trung Trung Đỉnh bảo tôi:

- Mày ngó ra xem có gì mà các lão ấy rộn thế. Tôi vội đẩy mấy đầu củi sâu vào bếp rồi chạy ra. Bác Diệp vừa cười vừa trịnh trọng: - Phong ơi: Đây là Mai Liễu, đang công tác trên văn phòng tỉnh ủy, anh đến gửi bài, thơ hay lắm. Vừa nói bác Diệp vừa mở bì thơ định đọc nhưng thấy tôi thụt vào bếp, bác lại thôi. Trung Trung Đỉnh ngẩng lên chưa kịp hỏi. Tôi nói cộc lốc: - Ông cán bộ tỉnh ủy đến gửi bài. Trung Trung Đỉnh không nói gì, hai tay lại xoa đều lên chảo chè. Xong việc hai thằng tôi cùng quay ra bàn nước, mấy bố đang râm ran thơ phú. Trung Trung Đỉnh vừa cười vừa nói: Thơ hay thì cứ in phăng lên báo, tụ tập ở đây làm gì, mất việc.…

Bị phá ngang, mấy bố im phắt, chỉ thấy Mai Liễu vẫn giữ nguyên nụ cười tủm. Thấy không khí đổi, bác Diệp thò tay xuống gậm ghế lôi ra cái chai, rót đầy vào các chén rồi hô:

- Chúc mừng… Thế là cả đám cùng nâng chén, chuyện lại như ngô nổ và chúng tôi quen nhau.

*

Thời gian sau thì Đại hội hội văn nghệ tỉnh lần thứ nhất được tổ chức trọng thể (Tháng 1/1988), ông được bầu làm phó chủ tịch hội. Cùng năm ấy tôi được điều trở lại sở văn hóa thông tin phụ trách thư viện. Nhưng rồi sau tôi xin sang hội làm ở văn phòng. Cuộc đời có những cái bất chợt không tính được trước, đang là bạn bè mày tao chi tớ với nhau giờ người là cấp trên, kẻ làm điếu đóm, khó thật nhưng được cái ở cơ quan văn nghệ nó rất chặt chẽ về tổ chức nhưng lại rất phóng túng về sinh hoạt. Nhờ vậy chúng tôi ở được với nhau, ở với nhau, các cụ bảo bát đũa còn xô xệch… Quả chả sai tý nào. Kẻ phục dịch dù có chu đáo mấy thì vẫn có thiếu sót. Tôi chỉ ngậm lòng, phận mình vậy, cốt sao cơ quan vui vẻ, dưới trên hòa thuận là hên. Tâm niệm vậy nhưng cũng không tránh được những xô xệch. Chuyện này có lẽ cả tôi và Mai Liễu mỗi lần nhớ lại đều nực cười. Ấy là cái đận tổ chức đại hội nhiệm kỳ lần thứ hai (1993-1997). Lúc họp bàn đã nói rõ, sau phiên trù bị thì buổi tối có đêm thơ nhạc giao lưu với các hội bạn, văn phòng chỉ chu đáo nước nôi tuyệt không mang bia rượu, dễ gây lộn xộn. Mọi người đều biểu quyết trăm phần trăm. Khi tan họp Mai Liễu còn nhắc lại. Ông Phong nhớ không có bia rượu trong đêm thơ nhạc nhé. Tôi cười. Nhớ rồi ạ. Khỉ gió, đêm thơ nhạc lại rất lộng lẫy, nhiều em xinh đẹp, khoe sắc, khoe thơ, thơ lại hay cứ xao xuyến ngập hội trường. Chắc là thơ làm quên quy chế đại hội. Mai Liễu hằm hằm chạy lại chỗ tôi:

- Giờ ông còn ngồi phỗng đấy à. Rượu đâu?

- Ai cho rượu, tôi cướng lại.

- Ông không làm được thì để người khác…

- Thì ông gọi người khác đi, tôi đỏ mặt và ấn cái cặp tài liệu đại hội vào tay Mai Liễu rồi đi thẳng. Mai Liễu chạy theo lủng bủng gì đó nhưng tôi không quay lại. Về phòng khóa cửa nằm khểnh. Khoảng hơn mười một giờ đêm thì thấy có tiếng đập cửa. Tôi bật điện, Mai Liễu lẻn vào ngồi rén chỗ góc giường rồi tủm tỉm cười. Thấy có chai rượu dưới chân bàn, Mai Liễu lấy rót đầy hai chén rồi bảo tôi cạch. Khi tiếng va của hai cái chén vập vào nhau, Mai Liễu tủm tỉm vừa cười vừa nói. Cạn, mai lên hội trường đúng giờ nhé, quan khách đông đủ đấy. Nói rồi Mai Liễu đẩy cửa cui cúi đi. Tôi vừa tức vừa buồn cười nhưng thôi không tự ái nữa.

Ngày đại hội tiếp theo lại đâu vào đấy, nền nếp, long trọng. Bế mạc đại hội Mai Liễu trúng phiếu cao nhưng vẫn làm phó chủ tịch, tôi được bầu làm ủy viên thường trực, vẫn là chân điếu đóm nhưng từ đây chúng tôi gắn bó hơn, chia sẻ khổ nghèo cùng nhau để xây dựng hội, tình cảm bạn bè dần keo sơn như anh em một nhà.

Năm 1998 chuẩn bị cho đại hội lần thứ ba của hội thì Mai Liễu có quyết định chuyển về Hà Nội làm phó tổng biên tập tạp chí của hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Mấy tháng sau (7/1999) tổ chức đại hội lần thứ ba, Mai Liễu cũng về dự. Khi công bố kết quả thấy tên tôi được đặt vào chỗ cũ ông từng đảm nhiệm. Thấy Mai Liễu chắp tay vái trời và khi bế mạc ông vỗ vai tôi bảo: “ Khổ rồi con ơi…” rồi cùng cười với nhau. Từ đấy ông thường thoắt ẩn, thoắt hiện đến nhà tôi, cảm thông với công việc tôi phải tiếp tục gánh vác lại phải nuôi hai đứa con đang học đại học tại Hà Nội, cũng chả biết làm gì giúp được nhau nhiều thế là ông giục tôi viết, có bài nào ông in rồi lấy tiền cho tôi nuôi con. Mọi việc rồi cũng qua, chúng tôi càng gắn bó, càng sẻ chia nhiều.

Sau năm 2010 cả hai cùng nghỉ hưu, anh em vẫn tri ân, tri kỷ. Cái tình được nối dài đến con cháu rất ân ái, mặm mà. Chuyện riêng chung ngắn dài vốn vậy, xin cất ở đây để nói về thơ ông. Là những câu thơ róc rách giữa suối ngàn chảy mãi mà bấy nay tôi vẫn thích, thích thì thuộc đọc chơi thôi: Nơi ấy muôn loài tìm đến chen nhau/ Xé đất cắm rễ chìm rễ tỏa./ Ôi mạch ngầm mỏng mảnh như sương/ Như tia nắng mặt trời buổi sớm/ Chảy trong lá trong cây trong đất/ Trong mênh mông vũ trụ giao hòa/ Những vú đá vô tri bỗng căng muôn bầu sữa/ Mạch sống trào dâng bền bỉ ngọt ngào.

Thơ Mai Liễu là vậy, vừa ẩn vừa hiện nhưng cả hai miền ẩn hiện đều giản dị, vĩnh hằng, sáng trong, bền bỉ. Cái tình, cái lý lầm lũi theo ông sinh nở rồi tự vỗ cánh bay xa khắp miền đất nước.

Nói điều này tôi lại sực nhớ năm hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang tái lập, cấp ủy tỉnh nhà có kế hoạch điều ông từ hội sang làm giám đốc sở văn hóa thông tin hoặc đi làm bí thư một huyện nào đó. Thủ tục đã giao tổ chức triển khai, song chả hiểu tại sao lại thôi. Mai Liễu vẫn vui vẻ bám hội và làm thơ, rồi trở thành Hội viên hội nhà văn Việt Nam năm 1995, và rồi cứ thế cho ra đời hơn chục tập thơ đóng góp cho văn học nước nhà và cho quê hương.

Chiều nay (26 tháng 10 năm 2020) nhận được tin ông đột ngột đi xa! Tôi ngẩn người nửa ngờ nửa tin nhưng nhìn về phía Tây thì thấy mặt trời đã khuất núi - Dáng ông lầm lũi theo sau! nhìn cái dáng lầm lũi ấy tự nhiên tôi đứng lặng như giời trồng, cái vòi bơm nước tuột khỏi tay. Mai Liễu đi thật rồi, đi xa lắm!... Tôi đứng lặng nhìn trời, nhìn theo cái dáng lầm lũi ấy! và lại thấy những vòm sao từ đỉnh núi nhấp nháy sáng lên, gió cuối thu se se lạnh vẳng theo tiếng suối ngàn rì rầm chảy dài! Vâng Tiếng suối ngàn cũng là tiếng lòng, tiếng thơ ông đấy. Chỉ biết cầu chúc cho linh hồn ông thanh thản chỗ vĩnh hằng.

Hà Nội , 26/10/2020

 

Y PHƯƠNG

Hút điếu thuốc lào này nữa

rồi hãy đi

 

Tôi đang ngồi vui bữa tối

Cùng các cháu con

Bỗng

Một cơn giông ập tới.

*

Mai Liễu mất rồi.

*

Trời!

*

Bạn bè người thưa dần, đời vơi dần thế là sao

Ừ thì đành rằng

sống gửi thác về

Nhưng sao mà tê buốt

Vội vàng thế Liễu ơi

Bữa cuối cùng

Ông ngồi chỗ kia

Ông Mậu và tôi nữa

Ba thằng gật gù

Giá cuộc đời này ai ai cũng bùi như xôi trám

Bây giờ ông đi đường ông tôi đi đường tôi

Đường nào cũng là đường

Sớm muộn sẽ được về bên mẹ

Nhưng mà

Sao lại

Thế

Liễu ơi là Liễu ơi

Hút điếu thuốc lào này nữa rồi hãy đi

Tôi làm đóm nhé, để ông châm lửa hút.

*

Này này

Khói thuốc lào bay

Nhẹ thôi

*

Này này

Tóc trên đầu bay

Nhẹ thôi

*

Này này

Ngôi nhà xập xệ bay...ay...y...

Nhẹ thôi.

Tác giả: Trịnh Thanh Phong
Nguồn Văn nghệ số 44/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây