Chế Lan Viên làm cho thơ hay một cách đa tuyến
Trong buổi lễ trang trọng kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; đại diện Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam; Ông nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương; bà Nguyễn Thị Phương Lan, Cục phó Cục Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Quảng Trị, cùng đại diện gia đình, bạn bè đương thời yêu thơ Chế Lan Viên đã cùng nhìn lại những đóng góp của nhà thơ Chế Lan Viên, trong hơn 10 bản tham luận được trình bày trực tiếp và gửi đến ban tổ chức .
Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, đóng góp của chế Lan Viên cho thơ Việt Nam vô cùng to lớn, đến mức ông muốn coi Chế Lan Viên như một thế giới - thế giới của Chế Lan Viên. Đặc điểm lớn nhất của sự cống hiến này là sự hài hòa của lý luận, lý học, Chế Lan Viên đem đến sự hài hòa cho thơ mới và sự hài hòa thơ Việt cách mạng từ 1945 đến nay. Một người phải tài giỏi đến mức nào mới có thể làm nên vế đối cho cả một nền thơ mới. .. Không có Điêu tàn không có chế Lan Viên, thơ Mới vẫn hay. Nhưng đó là cái hay đơn tuyến. Có chế Lan Viên, có Điêu tàn, thơ Mới hay một cách đa tuyến.
Khẳng định, Chế Lan Viên là kiện tướng của phong trào thơ Mới, GS Hà Minh Đức đã đưa ra những luận cứ sắc bén xung quanh hai tập thơ Điêu tàn và Vàng sao, giáo sư cho rằng đây là hai tập thơ đã xác lập cho Chế Lan Viên một chỗ đứng vững chắc, một tầm cao lay động cách cảm nghĩ của nhiều người. Giáo sư cũng không quên nhắc lại những đánh giá sắc bén của Nhà phê bình Hoài Thanh trong Thi Nhân Việt Nam khi đã giành cho Chế Lan Viên sự cảm phục, trân trọng “ Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở thế kỷ XX nó đứng sừng sững như một cái tháp chàm chắc chắn và lẻ loi bí mật”...
Cùng chung dòng chảy cảm xúc về thơ Chế Lan Viên, nhưng tiếp cận dưới góc độ của lý luận, nhà nghiên cứu lý luận phê bình Trần Đăng Suyền khẳng định, tư duy thơ Chế Lan Viên là kiểu tư duy không chỉ dừng lại ở cảm xúc, ở bề ngoài của sự vật mà còn luôn có ý thức khám phá cái bên trong, bản chất của đối tưởng, hướng tới nắm bắt cái ý nghĩa hàm ẩn, sâu xa trong mỗi sự vật, hiện tượng, và bằng những hình tượng, biểu tượng nhiều tầng, đa nghĩa, qua tưởng tượng. Liên tưởng đặc sắc, phong phú đầy bất ngờ... Để làm nên chất trí tuệ, thiên về trí tuệ trong chọn đề tài có tính chất khái quát, tổng hợp của thơ Chế Lan Viên.
Sự trường sức và trường lực trong thơ Chế Lan Viên còn được nhiều nhà lý luận phê bình, nhà văn, nhà thơ bàn luận qua các tham luận được đọc tại lễ kỷ niệm
Người làm nên tượng đài thơ Mới
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chế Lan Viên đã làm phong phú, hài hòa cho cả một nền thơ đất nước trong suốt một thế kỷ qua. Nếu tất cả các nhà thơ còn lại thơ là sự thăng hoa của tâm hồn thì Chế Lan Viên là sự thăng hoa của trí tuệ. Nếu tất cả các nhà thơ còn lại là sự rung động của trữ tình thì Chế Lan Viên là sự đanh thép của chính luận, nếu các nhà thơ còn lại là sự du ca là tình ca, thì Chế Lan Viên trường ca, hùng ca. Chế Lan Viên không chỉ bô sung cho Thơ ta những bài hay, tập thơ hay theo nghĩa chiến thuật, mà ông bổ sung cho thơ ca một từ trường, một cấu trúc của một hồn thơ đất nước...
Nếu như trước Cách mạng tháng Tám, thơ của Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa "Trường thơ Loạn". Thì sang đến thời kì 1960-1975, thơ Chế Lan Viên có khuynh hướng sử thi hào hùng, chất chính luận, đậm tính thời sự như: “Người đi tìm hình của nước”, “Tiếng hát con tàu”, “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”… Nhà thơ Vũ Quần Phương, đã khẳng định, thơ Chế Lan Viên giàu triết lý, không phải là thứ triết lý sách vở, nói cho sang, mà là thứ triết lý ông vịn vào để sống, để giải quyết việc đời, để ứng xử với đồng loại, nó là kinh nghiệm sống của đời, nó ấm như hơi thở của ông... Thơ Chế Lan Viên phong phú về giọng điệu: Lúc thì ông thầm thì trò chuyện, gói tiếng thở dài vào trong câu thơ ngắn, lúc thì ông sang sảng hùng biện, thơ âm vang như cáo, như hịch, lúc mát mẻ lạnh lùng kiểu ngụ ngôn, lúc bừng bừng giận dữ trong hơi đả kích, khi lại thâm trầm ung dung như người thoát tục nhìn hoa đại, hoa sen... Ông là người tích cực vào bậc nhất trong việc tìm tòi đổi mới dáng vẻ câu thơ, bài thơ Việt Nam ở thế kỷ 20 này...
Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII và Ủy viên Ủy ban Văn hóa-giáo dục của Quốc hội, tham gia hoạt động đối ngoại trên nhiều diễn đàn văn học quốc tế ở Liên Xô, Pháp, Nam Tư, Ấn Độ, Tây Âu... Ghi nhận, tôn vinh những đóng góp nổi bật của nhà thơ Chế Lan Viên với đất nước và văn học nghệ thuật, Nhà nước đã tặng ông Huân chương Độc lập hạng Hai vào năm 1988, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt một năm 1996. Tỉnh Quảng Trị đã dùng bút danh Chế Lan Viên của người con ưu tú Phan Ngọc Hoan đặt tên một con đường ở thành phố Đông Hà và trường học ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị).
Trước đó, trong khuôn khổ năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chế Lan Viên, nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên đã được khánh thành tại thôn An Xuân, xã Cam An (nay là xã Thanh An), huyện Cam Lộ. Công trình được xây dựng trong khuôn viên có diện tích gần 1.800m2, với thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc nhà rường truyền thống, mái lợp ngói, 3 gian gồm gian thờ và nghi thức; gian trưng bày các tác phẩm, hiện vật của nhà thơ Chế Lan Viên và gian trưng bày các tác phẩm nghiên cứu, phê bình viết về Chế Lan Viên .
Theo Văn nghệ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên