Mùa chim Lạc bay về là tập thơ mới nhất của Trần Đăng Thao, dày khoảng 300 trang, với hơn trăm bài. Nội dung mới, nhưng hình thức chủ yếu là thơ cổ thể, biến thể. Có khoảng non chục bài tứ tuyệt, còn thì là thơ ngũ ngôn, thất ngôn, xen lẫn thơ tự do và thơ lục bát truyền thống dân tộc. Đề tài rộng rãi và phong phú, trải dài, trải rộng gần xa, khắp Đông Tây kim cổ... Song hầu như các bài đều hướng tới một đối tượng trữ tình cụ thể. Người đọc không phải tìm kiếm nhân vật trữ tình mà thi nhân trải lòng tâm sự. Đối tượng ấy, chẳng những là một địa danh lịch sử, ở trong nước Việt ta rộng dài Nam Bắc, mà còn được mở rộng ra ở khắp trời Âu, Á, nơi tác giả có dịp đi đến, đi qua… Điều ấy cho thấy sự từng trải của một nhà thơ mang trong mình những hiểu biết sâu rộng, những cảm thức sâu sắc về lịch sử, về văn hóa, chẳng những ở nước ta, mà còn là bao la nhân loại: Ngày giỗ Tổ, con cháu về đông đúc/ Ngựa xe đi chật chội quảng trường/ Trong nắng sớm, mặt người đơm ngọc/ Sáng hừng lên thời đại Hùng Vương. (Tháng ba lên đền Hùng)
Sau khi đã tái hiện cảnh con cháu các vua Hùng ngày nay hội tụ quanh đền Hùng, làm lễ dâng hương lên Tổ tiên người Việt những sản vật bản địa truyền thống thôn quê dân dã đã mấy ngàn năm, thi nhân chợt cảnh báo: Con thú hai chân vẫn rình rập nhà ta/ Phải giữ lấy non sông gấm vóc/ Biển máu xương mới có được sơn hà.
Và: Hãy nổi trống lên!/ Nghìn mường vạn bản/ Từ Trường Sa/ Tới đỉnh Trường Sơn/ Biển Đông cuộn sóng ngày dâng Tổ/ Nước non này/ Gấm vóc đẹp tươi hơn! (Tháng ba lên đền Hùng)
Trần Đăng Thao là một nhà thơ từng nhiều năm sống, dạy học bên Trung Quốc. Anh đã tự trang bị cho mình cái vốn chữ Hán khá chắc chắn, theo đó là cái vốn văn hóa và lịch sử phong phú. Bài thơ Đường Lâm (Tặng Hà Nguyên Huyến), tác giả thể hiện cảm xúc về nhân vật lịch sử Ngô Quyền, người anh hùng dân tộc đã khởi binh chống lại ách đô hộ của nhà Đông Hán, giành lại quyền tự chủ, sau hàng ngàn năm chúng đô hộ nước ta: Đâu bãi ngày xưa đỗ ngựa vàng?/ Đâu đàn voi chiến thét âm vang?/ Còn đây rặng duối ngàn năm tuổi/ Rừng Cấm vào Thu nắng ngút ngàn.
Rồi thì: “Từ đất thiêng này vua dựng nước/ Đại La một trận dựng cơ đồ/ Bạch Đằng trỏ kiếm tan Hoằng Thao/ Xác giặc chìm sâu bãi cọc xưa”…
Đường Lâm, trong cảm thức của thi nhân, như thể đang trào ra cái mạch nguồn lịch sử vô cùng vô tận. Từ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đến Ngô Quyền, tiếp nối là biết bao anh hùng xưa không sao kể hết: Mảnh đất Đường Lâm chính địa linh/ Hai vua dựng nghiệp-bậc anh minh/ Thà chết còn hơn nhìn quốc nhục/ Thám Hoa tử tiết, chúa Tàu kinh!
“Thám hoa tử tiết” trong thơ này, chẳng phải là Thám hoa Giang Văn Minh, vị sứ thần bất khuất, bị tên vua độc ác nhà Minh sai mổ bụng moi gan đấy sao? Lấy cái chết, để báo đền ơn nước, để khẳng định ý chí bất diệt của người Việt trước kẻ thù truyền kiếp, mấy ai được như thế?
Thi nhân cảm thán: Con ngước nhìn lên trời non Tản/ Ngàn năm mây trắng, nắng lầu son/ Tản Viên Sơn Thánh ngồi điện ngọc/ Trăng tỏa Đường Lâm/ Một chấm tròn.
Trần Đăng Thao viết thơ dâng Mẹ, dâng Cha. Anh viết về người bạn đời tao khang quý mến của mình, với giọng điệu đùa vui tếu táo mà sâu nặng nghĩa tình. Anh viết về anh trai, em gái, về học trò của anh từng nhiều năm ở Quế Lâm bên Tàu, sau mấy chục năm xa cách. Anh còn viết về những nhà thơ mà anh quý trọng, ở nhiều thế hệ, với một tình cảm vừa chân thành, pha chút trào lộng nhẹ nhàng mà vẫn tao nhã thân thiện.
Trần Đăng Thao viết thơ tứ tuyệt vào loại có hạng. Anh đã từng đoạt giải nhất trong một cuộc thi thơ tứ tuyệt, cách nay vài chục năm. Ở Mùa chim Lạc bay về, tác giả chỉ đưa vào đây mấy bài thôi: Xao xác canh dài lắng tiếng ve/ Hút sâu ngõ nhỏ lối em về/ Trăng đêm Phủ Lý chừng viên mãn/ Vời vợi vàng gieo theo miệt đê. (Trăng đêm Phủ Lý)
Hoặc như: Xứ Mường kỳ ngộ kết thiên duyên/ Cây bút tài hoa trấn đất thiêng/ Nét cọ dệt nên hồn Tây Bắc/ Sông Đà trôi giữa ráng chiều nghiêng. (Tài hoa - Tặng họa sĩ Nguyễn Hải)
Hy vọng nay mai Trần Đăng Thao sẽ xuất bản một số tập thơ bốn câu, vốn là sở trường của anh.
Có thể nói, với tập thơ Mùa chim Lạc bay về, Trần Đăng Thao đã thể hiện được phong cốt của một nhà thơ đầy bản lĩnh và cũng đầy cá tính. Nhưng điều gây được ấn tượng với người đọc, lại chính là ở những suy nghiệm sâu sắc của anh về lẽ đời, về phận người, về nhân tình thế thái. Đằng sau cái xuề xòa, tếu táo, trào lộng nhẹ nhàng, hóm hỉnh, lại chính là một tình yêu mến bao la mà sâu sắc. Đó cũng chính là chỗ thành công nhất của một thi nhân từng sống nhiều, trải nghiệm nhiều.
Như trên đã nói, thơ Trần Đăng Thao không mới về hình thức. Anh cũng không quan tâm nhiều đến việc đổi mới hình thức thơ, gây sự chú nhất thời. Điều này thì khác với phần đông các nhà thơ trẻ, hoặc không còn trẻ, nhưng ham sự cách tân. Cách tân, đổi mới thơ là cần thiết, nhưng hiệu quả như thế nào, đó mới là điều nên nghĩ ngợi. Trần Đăng Thao kiên trì sử dụng kiểu thơ chuẩn mực, truyền thống về hình thức, nhưng là để chuyển tải tâm tư, tình cảm của con người hiện đại. Khuôn thước mà vẫn mới mẻ. Thơ Trần Đăng Thao không có chữ thừa. Điều này, chứng tỏ anh là một nhà thơ rất chắc chắn và điêu luyện trong sử dụng ngôn ngữ.
Bạn đọc đang vui lòng chờ đợi những tập thơ liên tiếp sắp ra đời của nhà thơ Trần Đăng Thao, như một dòng thơ đầy tiềm năng và nhiệt huyết yêu đời…
Tác giả: Vũ Bình Lục
Nguồn Văn nghệ số 41/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên