Với một thúc giục tự nhiên, tôi viết những dòng này như một đoạn ngoại đề quan trọng của những chương sách về cuộc sống mà mình đang theo đuổi. Bão. Lũ. Lụt. Khúc ruột miền Trung lại oằn mình, lại quặn đau.
Sau một đêm ngủ dậy, tất cả ập đến, ập đến liên tục, bồi, dập, vùi, trôi, nhấn chìm, hàng trăm câu chuyện bi thương cuốn đời sống tình cảm của con người khắp nơi vào một dòng chảy buồn đến tê tái.
Bao nhiêu là nước mắt chan hòa trong mưa.
Bao nhiêu là máu lẫn trong bùn quánh.
Bao nhiêu là người lấp vùi trong cơ man đất đá.
Bao nhiêu là cảnh đời nghèo khổ một nắng hai sương dành dụm, vun vén, chăm chút từng con gà, luống rau, ô ruộng để có được nguồn sống, dù không đủ đầy cũng là miên viễn tồn tại từ thế hệ này đến thế hệ khác, bỗng trong nháy mắt đã trắng tay, đã điêu đứng, đã bàng hoàng trước biển nước mênh mông.
Bao nhiêu là em nhỏ khóc đến sưng mắt vì con vật yêu thương, vì sách vở gắn bó, áo quần chở che đã trôi chìm trong dòng nước dữ…
Trên làn nước đục ngầu dâng lên diện rộng là vô vàn cảnh sống màn trời chiếu đất, là tang tóc đau thương, là những mất mát không gì bù đắp nổi.
Những ồn ào, bấn loạn nhanh chóng lắng xuống như lớp bùn loãng, còn lại là cái đẹp của lòng nhân, của lăn xả, hết mình, kiên trì ngày đêm nơi những hốc núi, nơi những thôn xóm nghèo, nơi những “ốc đảo” heo hút giữa rừng xanh nước thẳm, nơi những hiện trường tan hoang. Còn lại những ai đó đã mở toang cửa tâm hồn mình, đời sống mình để sẻ chia, để an ủi, để mang lại chút ấm áp cho những mảnh đời đang ngoi ngóp thở, đang bị cô lập run lạnh lẩy bẩy trong gió mưa, nước đục ngập lút tứ bề.
Tôi nghiêng mình kính nể trước những người bạn, người em, người anh, người chị mang trong người trái tim nhân ái thật sự. Họ đó, những con người dung dị mà thấu được đạo làm người: Máu chảy ruột mềm, Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, Lá lành đùm lá rách, Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng… Họ đó, những biểu tượng yêu thương, sẻ chia giữa đời thường, họ thật sự sáng lên vượt khỏi những làn sương mờ đục của những toan tính mưu lợi ích kỷ, những lừa bịp giả trá. Những biểu tượng mang tên Tấm lòng vàng luôn được cộng đồng tin tưởng, ghi nhận, luôn được đồng bào trân quý, mến yêu.
Đời sống mạng hiện đại ngày nay không cần chúng ta phải tưởng tượng nhiều, một thế giới phẳng đầy rẫy nỗi đau thương hiện lên ngay trước mắt, sự tiếp cận, nối kết dường như không cần hồ nghi gì cả. Ánh đèn đêm của những người lính bới tìm, lặn tìm xác đồng đội, xác những nhân viên thủy điện, xác những người dân khốn khổ bị vùi dập trong lũ ống làm mất ngủ cả dân tộc. Tiếng khóc của người đàn ông đột ngột mất vợ con, người sản phụ với thai nhi sinh tử trùng ngày trong dòng nước xiết làm nghẹn lòng biết bao người. Một mái tóc bết dính nước mưa, bùn đất, một ống quần xăng cao, một đôi chân trần trắng nõn bì bõm trong làn nước dơ dáy đục ngầu, một tiếng khóc thút thít của cô gái ngồi trên chuyến ca-nô chuyển hàng cứu trợ khi thấy tứ bề mênh mông nước, một giọt mồ hôi chưa kịp ráo khô trên trán của những cá nhân, những nhóm người thiện nguyện tự phát cứ mồn một ra đó, cứ rờ rỡ ra đó làm cho ai kia đang no cơm ấm áo, đang hạnh phúc ấm êm, đang vung tiền vào những cuộc vui vầy cũng phải rùng mình về sự ích kỷ, về nhân cách chẳng ra sao của chính mình.
Trong những ngày này, mưa vẫn tiếp tục xối xả, nước vẫn tiếp tục dâng lên vượt ngưỡng những trận lụt dữ trong lịch sử, bão lại nối bão, áp thấp chồng áp thấp… Và những đoàn xe chở hàng cứu trợ vẫn nối đuôi hướng về miền Trung trực chỉ, những chiếc xuồng chèo, xuồng cao su nhỏ bé vẫn âm thầm vượt sóng nước đến từng điểm dân cư đang bị cô lập, họ quét đèn pin đi theo hướng phát ra những tiếng cầu cứu và cả những mái nhà nhô lên trong sự lặng im đáng sợ. Những người mẹ, người chị, người em vẫn thức thâu đêm gói bánh tét, bánh chưng, kho thêm nồi cá, gác lại công việc riêng mình để đi gom góp từng manh áo cũ, từng chai nước sạch cho kịp chuyển về vùng lũ. Những cơ quan nhà nước tổ chức quyên góp, cử đoàn đi đến tận nơi trao quà cứu trợ cho đồng bào. Quân đội chuyển gạo, lương khô vào các tỉnh bị lũ lụt. Trí thức, nghệ sĩ kêu gọi từ người Việt trong nước đến Việt kiều xa hương bớt đi một phần bữa ăn, chuyển tiền đến kịp thời cho khúc ruột miền Trung đang đau thương, tang tóc. Những anh, những chú công nhân, nông dân đi mua, xin áo phao, ruột xe gói ghém cẩn thận gửi theo những chuyến xe vận chuyển miễn phí về nơi rốn lũ… Bà mẹ già tám mươi còng lưng đứng nép mép đường chờ xe ngang qua gửi thùng mì tôm gọi là tấm lòng của mẹ. Em học trò tiểu học đập heo đất nhờ cha đi gửi giùm con cứu trợ đồng bào…
Những lời kêu cứu vang lên khắp nơi trong đêm. Những màn hình liên tục ánh lên nguồn sáng xanh của những tin nhắn khẩn cấp. Những số điện thoại của người có trách nhiệm được chia sẻ nhanh chóng. Những vang ngân. Những đau nhói. Những rã rượi. Những cửa tử toang hoác đe dọa… Làm sao có thể yên?! Làm sao có thể không làm gì đó để góp phần vơi nhẹ bớt nỗi đau của cộng đồng?!
Kiểu gì thì con người cũng cần có nhau, nhất là những lúc thiên tai ập xuống, đau thương ngút trời. Người ta không thể sống một mình với những toan tính bé mọn riêng tư mãi giữa trần gian này. Vậy nên Mandala trong kinh Phật mới có hai phần là nhân cách và thế giới của nhân cách. Trong “mạng nhện” vũ trụ, một điểm nhỏ rung lên thì cả “mạng nhện” đều rung. Không thể có một số phận trôi nổi một mình!
Xin mở cửa lòng! Mở ra sự tử tế chân thật cho ánh sáng tình thương tràn vào. Thế giới này ấm áp hơn và chính chúng ta cũng được ấm áp hơn. Sự tử tế chân thành là có thật trong mùa bão lũ năm nay.
Tác giả: Nguyễn Hiệp
Nguồn Văn nghệ số 44/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên