Niềm đam mê văn chương của cô giáo vùng sâu

Thứ hai - 02/11/2020 14:57

Về Cà Mau, hỏi đến cô Nguyễn Thị Việt Hà là các thầy cô giáo và học sinh đều tỏ lòng ái mộ, bởi cô vừa là giáo viên dạy giỏi văn vừa là người viết văn, viết báo tuy không chuyên nhưng có nhiều tác phẩm để lại ấn tượng khó phai trong lòng người đọc. Nơi cô dạy là một trường ở vùng sâu thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau - trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong. Từ ngày cầm bút đến nay cô là người có duyên với nhiều giải thưởng, đã đoạt trên 20 giải từ cấp địa phương đến quốc gia. Là một giáo viên giàu nghị lực có hoài bão lớn, vượt lên bao nghịch cảnh cuộc đời, cô đã gặt hái nhiều thành công trong nghề dạy học, viết văn, biên tập viên và kinh doanh… 

111

Tuổi thơ cực nhọc:

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được ba năm, Nguyễn Thị Việt Hà chào đời (1978) trong một gia đình nông nghèo ở Cà Mau. Quê nội của cô ở Nam Định, quê ngoại ở Bắc Giang. Người cha đi theo tiếng gọi của một tình yêu mới, bỏ lại mẹ và ba đứa con thơ. Lúc đó Hà mới 8 tuổi, là chị cả của hai em Việt Hằng và Bảo Trung. Mỗi chị em chỉ cách nhau hai, ba tuổi. Mẹ lại yếu đau luôn, ruộng đất chẳng có nên mẹ tảo tần buôn thúng bán bưng để nuôi ba con ăn học. Ba chị em cô làm bất cứ việc gì để giúp mẹ vơi bớt gánh nặng và nỗi đau. Ở vùng sâu ngập mặn của Cà Mau khó sống quá nên cuối năm 1993 mẹ dắt ba chị em lên vùng kinh tế mới ở Madaguil, Lâm Đồng vì có bà dì ở đó để mong kiếm kế sinh nhai mới. Bốn mẹ con ở trong căn nhà vẹo vọ tận xó rừng Madaguil luôn ầm ào thác lũ. Nhiều hôm Hà theo mẹ vào rừng đi kiếm củi hay làm cỏ thuê để có tiền mua gạo sống qua ngày.    

Ở Madaguil cực quá, mẹ Liêm lại đưa ba con về Bắc Giang, rồi lại từ Bắc Giang trở vào Cà Mau. Và, tới năm 2004, người mẹ tội nghiệp ấy bị bệnh nan y- ung thư thận giai đoạn cuối, qua đời, yên nghỉ ở Đồng Mối, Bắc Giang khi mái đầu chưa kịp điểm bạc, để lại ba người con ở Cà Mau. Lúc này hai chị đã ra trường, còn Bảo Trung đang theo học Cao đẳng Sư phạm.

Ba chị em sống dựa vào nhau và nhớ mãi chuyện  “ba hạt đậu xanh” mà mẹ đã dạy về cách sống, làm người. Trong bài thơ “Người đàn bà cõng nỗi đau trên lưng”, cô đã viết về mẹ với những câu nhói tim người đọc:

                    Mẹ cõng nắng trên lưng, cõng mưa trên vai, trên mắt

                    Cõng con trong lòng

                    Cõng mình trên những nỗi  đau.

                    Mẹ dạy những đứa con vắt  đêm thành bình minh

                   Vắt cơn đói thành khát vọng

                    Mẹ nhận về mình bãi hoang trên cánh đồng nứt nẻ

                    để vỡ đất gieo hạt mùa gió ngược.

Nén nỗi đau mất mẹ, không bố, cô thay mẹ dìu dắt các em trưởng thành. 

Vượt lên gian khó:

Năm 1996 Hà thi đậu vào ba trường Đại học nhưng vì nhà nghèo, không thể theo học được. Cô xuống Cà Mau lột tôm ba tháng ở Công ty xuất nhập khẩu hải sản Cadovimex. Với lòng ham học đau đáu trong lòng, cô mạnh dạn xin thầy Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Bạc Liêu lúc bấy giờ là thầy Phan Anh Dzinh may ra được thầy chiếu cố cho học. Thầy Dinh thương hoàn cảnh của cô và đã đặc cách cho học lớp 17C2 khoa Văn, hệ chính quy. Với quyết tâm cao, cô nghĩ: Phải học thật giỏi mới có được học bổng để tiếp tục học lên. Vừa học sư phạm vừa làm “sư gia”, dạy kèm cho con em một số gia đình, rãnh lúc nào lại tranh thủ rửa chén cho một nhà hàng gần trường khi đông khách. Tối thì viết báo, viết văn để có thêm thu nhập, nuôi hai em. Với học bổng và những phần thưởng, làm thêm, cô trang trải học tập và giúp hai em học hành đến nơi đến chốn. Phải có sự cố gắng vượt khó rất cao, cô mới cùng một  vừa học ngành Văn hệ chính quy Cao đẳng lại vừa học tiếp văn bằng hai là Đại học ngành Ngữ văn và văn bằng ba Đại học ngành Quản lý giáo dục.

Năm 1999, ra trường dạy học được một năm thì năm 2000, Hà nhận tiếp bằng tốt nghiệp Đại học hai ngành học thêm đó. Với sự phấn đấu tu dưỡng cao, năm 2001 Hà đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trường Cao đẳng sư phạm Cà Mau, ngành giáo dục Cà Mau thật tự hào vì có một cô giáo văn giỏi việc trường, đảm việc nhà như thế. Rồi năm 2001 Hà lấy chồng, sinh con, Việt Hằng cũng đã ra dạy, Bảo Trung đã tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm. Khó khăn vơi dần.

Năm 2004 cô được bổ nhiệm là Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Tân Hải cho đến năm 2008 mới xin chuyển công tác về Trung học cơ sở Lê Hồng Phong cho gần nhà tiện việc chăm sóc con cái. Nhiều đêm thức bên ngọn đèn khuya, gõ bàn phím sáng tác, cô cảm thấy hạnh phúc gấp ngàn lần khi ở Madaguil. Nhưng nỗi đau khi người cha phụ bạc mẹ, nỗi đau khi ba chị em đã trưởng thành có đồng ra đồng vào, có miếng ngon miếng ngọt mà người mẹ cực nhọc, tội nghiệp ấy lại không còn nữa cứ ẩn hiện trong trái tim cô. Nhiều đêm nước mắt cô rỏ ròng trên bàn phím vi tính.

Vịn vào văn chương mà đứng dậy:

Người ta thường bảo: Viết văn, làm thơ là “thiên phú”. Hà có năng khiếu về thơ văn từ bé. Năm 10 tuổi đã là phóng viên nhí, khá giỏi của báo Thiếu niên tiền phong, có bài đăng liên tục. Từ đó tới nay cô không ngừng sáng tác đủ thể loại: thơ, truyện ngắn, bút ký, tản văn, bình thơ…Hiện nay cô là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo và tạp chí từ trung ương đến địa phương, như: báo Thời Nay, Thế giới mới, Thế giới Phụ Nữ, Tài Hoa Trẻ, Văn nghệ bán đảo Cà Mau…Nhìn vào bảng giải thưởng về văn học của cô từ năm 1995 đến nay ta càng khâm phục:

Năm 1995: Giải Nhất cuộc thi Văn học Thanh thiếu niên do báo Lâm Đồng và Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức, với bài  thơ “Bâng khuâng tháng 9”, và đoạt luôn giải Nhì truyện ngắn với tác phẩm “Những đứa con của biển” (trong tuyển tập sửa lại là “Tiếng vọng của biển”).

Năm 1996: Giải Nhất hùng biện toàn quốc, chủ đề “Khát vọng trẻ”. 
Năm 1997: Giải Nhất truyện ngắn “Chuyện chiếc ri đô” do các trường Đại học và Cao đẳng ở Bạc Liêu tổ chức.

Năm 2007: Giải Khuyến khích truyện ngắn “Câu chuyện tặng chồng tôi” do Tạp chí VTV và Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.

Năm 2007: Giải Đặc biệt về thi hùng biện của tỉnh Cà Mau.

Năm 2007: Giải Nhất hùng biện toàn quốc, chủ đề “Nguyễn Thị Thập – Người phụ nữ huyền thoại”.

2009: Giải Nhì thi “Nét bút tri ân” với tác phẩm “Hai cuốn sách của cô Lê Hương”. 
2010: Giải Nhất thi “Nét bút tri ân” với tác phẩm “Ba hạt đậu xanh của mẹ”

2011: Giải Nhì thi truyện ngắn ĐBSCL lần 4 với tác phẩm “Ở lại cùng sông”

2011: Giải Nhì cuộc thi “Trường Sa trong lòng Tổ quốc” với bài thơ “Tổ quốc rõ hình từ phía đảo Trường Sa”…

Và từ đó đến nay cô đã có trên 20 giải thưởng về văn học, báo chí.

Hà có thể ngồi viết trên vi tính 4-5 giờ liền. Những lúc cảm xúc dâng trào, cô quên cả ăn ngủ, viết cho kỳ xong truyện ngắn hay một bài thơ mới dừng. Khi được hỏi: “Cô thường viết văn vào thời điểm nào trong ngày? Khi nào thì viết hứng thú nhất?”. Hà cười, đáp: “Em đi dạy ngày hai buổi, thời gian dành cho văn chương là lúc công việc, cuộc sống thường nhật của một người giáo viên, người vợ, người mẹ đã tạm lắng xuống. Khi đêm về, thị trấn vắng lặng, em đối diện với màn hình vi tính cùng những con chữ. Em dấn thân vào một cuộc dịch chuyển mới, mà điểm đến thì vô cùng… Đêm càng khuya, khi trang viết dắt em vào điểm vô chừng, là lúc em viết say mê, hứng thú nhất”.

Người ta thường bảo: Con gái mà dấn thân vào con đường văn chương thì gặp nhiều đa đoan lắm. Nhưng với cô, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc. Những lúc đau khổ cô vịn vào văn chương mà đứng dậy. Hà cho biết về quan niệm văn chương của mình:  “Với em, văn chương còn là ơn nghĩa. Là “nghĩa” vì nó bồi đắp cho em lòng yêu thương, có duyên gặp được những người ân tình. Em còn được gặp bao phận người tận khổ, khổ gấp em nghìn lần, họ vẫn sống tốt đẹp. Em không còn cô đơn khi bên cạnh mình có nhiều người tốt, và có văn chương là người bạn thủy chung. Là “ơn” vì văn chương đã góp phần nuôi sống ba chị em và cả sự nghiệp chúng em đang có được. Văn xuất phát từ tâm hồn và cuộc sống đa sắc màu. Em đến với văn chương đơn giản và phúc tạp như thế đó! Và viết gì cũng được, miễn điều đó xuất phát từ trái tim mình. Viết như là để thở”. 

Chính tình yêu con người, yêu nghề và cuộc sống cùng với niềm tin và nghị lực, Hà đã vượt lên những bao nghiệt ngã cuộc đời, sẵn sàng lên án sự phản bội, đớn hèn, những xấu xa, sân si của con người còn lẫn khuất trong bóng đêm.

Viết văn chỉ là nghề “tay trái” của cô, vậy nó có ảnh hưởng gì đến nghề “tay phải” là dạy học? Hà tâm sự: “Em đến với văn chương như cái cách của bao nhiêu người đến với thứ ánh sáng nghệ thuật mê đắm này, nghĩa là đam mê, khát vọng và có một chút duyên may. Em bắt đầu tập viết những bài thơ, những bài văn ngắn khi còn nhỏ, hồi học lớp 3 và  được báo Thiếu niên tiền phong đăng. Những khoản nhuận bút đầu tiên đủ cho em mua các bộ sách văn học kinh điển, như: Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Những người khốn khổ, Ruồi trâu, Cuốn theo chiều gió, Ngôi nhà có bẩy đầu hồi, Con tàu trắng, Nhà thờ Đức bà Paris, Anna Karenina, Tội ác và hình phạt… Những cuốn sách ấy làm em say mê, bồn chồn. Tình yêu văn chương cứ ngấm dần, đến một lúc nhận ra mình không thể từ bỏ văn chương được. Em trở thành cô giáo dạy văn là vì thế. Như là  một cái duyên, văn chương và nghề giáo có sự tương đồng nên nhiều nhà văn, đồng thời lại là nhà giáo. Nghề giáo là một nghề rất khó vì nó luôn phải tuân theo những khuôn mẫu, mô phạm. Trong khi đó, viết văn, làm thơ là sự sáng tạo và bung phá không ngừng. Viết văn giúp em dạy văn linh hoạt và hay hơn, bớt khô cứng trong giờ giảng, nhất là trong thời điểm hiện nay khi chương trình đang quá tải, khiến học sinh luôn thấy mệt mỏi, còn nghề giáo cho em sự trầm tĩnh, chín chắn. Khi đặt bút viết điều gì, em thường nghĩ:  Đồng nghiệp khi đọc sẽ nghĩ gì? Học trò đọc sẽ nghĩ gì? Chính điều ấy khiến em có trách nhiệm với từng con chữ mà mình viết ra…

Từ năm 2015 đến nay Hà được Hội Văn học Nghệ thuật Cà Mau mời về làm biên tập cho Tạp chí Văn Nghệ Đất Mũi (Cà Mau). Cô đành chia tay với nghề dạy học. Song, cô vẫn dành thời giờ bồi dưỡng cho những học sinh giỏi văn để dự thi cấp tỉnh và quốc gia. Đặc biệt cô rất chú ý dạy thêm miễn phí cho những học sinh nghèo hiếu học. Ngoài ra, cô còn kinh doanh thêm tôm cá khô bán hàng oline rất thành công. Cô đã có hẳn một nhà kho rộng mấy chục mét vuông chứa hàng tôm cá đông lạnh. Nhìn ngôi nhà 1 trệt 2 lầu của cô ở hiện nay ai cũng khâm phục. Từ hai bàn tay trắng đến nay cô đã có bạc tỷ để kinh doanh…

Vĩ thanh:     

Hà cho biết dự kiến trong tương lai: “Em vẫn viết như hít thở khí trời. Nghĩa là vẫn mong tác phẩm của mình được in báo, in sách, và ước được đọc giả cầm quyển sách hay bài báo của mình mà suy nghĩ, nghiền ngẫm về nó. Em biết cuộc đời của bất kì ai cũng có nhiều thử thách nhưng đồng thời cũng có rất nhiều cơ hội để mình lựa chọn”.

Gần ha mươi năm dạy học, làm báo, viết văn, kinh doanh, cô hiểu thế nào là con đường văn chương gập ghềnh nhưng cô không thể bỏ, dù con đường ấy đi không bao giờ tới đích, càng đi càng thấy xa ngái. Bởi khi đi trên con đường chông gai, vất vả ấy mình sẽ nhận ra chân giá trị cuộc sống. Và, vì thế Hà càng quý trọng niềm vui, hạnh phúc, không thể bỏ văn chương. Cô vẫn cần mẫn như người nông dân gieo hạt chờ nẩy mầm, chăm sóc và gặt hái trong niềm vui sướng. 

Tác giả: Lê Xuân/Văn nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây