Sự cô đơn bao giờ cũng lắng đọng trong tâm hồn thi nhân. Và anh “Đã khoác cô đơn siêu thoát lòng mình”. Từ đây những triết lý hình thành. Với hình tượng “Tôi chiếc que diêm sũng ướt” tác giả thể hiện sự rung cảm day dứt làm xao xuyến lòng người. Anh viết: “Que diêm trong tim/ Không vay - mượn được ai/ Không thể nhóm lên bằng sự bồi hồi/ Họng gió” (Que diêm). Khổ kết bài thơ làm bừng lên ánh lửa cháy sáng cho dù đó chỉ là khát khao: “Tôi/ Ngậm ngùi trong hộp ướt/ Khóc them/ Lần cháy dở điên”. Bạn đọc sẽ phát hiện sự khác lạ trong những bản Ballad lần này của Ngô Đức Hành. Những tứ thơ độc đáo làm nên sự bất ngờ cho người đọc như Dấu!, Đời cát, Ngược, Tiếng dế; hay như Đêm mồ côi, Phận cỏ, Đêm không phải là ngày…
Ballad khác đổi mới ở cảm xúc và cách thể hiện với mầu sắc hiện đại. Sự cuốn hút những câu thơ giầu sức cảm hóa ở những thi ảnh tượng trưng, đậm nét huyền ảo trong thơ Ngô Đức Hành. Tôi rất ấn tượng với những nét khác lạ này. Anh viết: “Sáng ra buồn mênh mông/ Chim trời không há mỏ/ Giọt mưa buồn thắt cổ/ Tuẫn tiết mặc dòng sông” (Sáng cảm). Ta có thể giật mình qua những thi ảnh về nỗi buồn như vậy. Đó là sự tuyệt vọng ư?. Không đó là một cảm xúc độc đáo về nỗi cô đơn thi sĩ. Anh không dừng lại đó mà còn dẫn dắt người đọc chìm đắm với nỗi buồn của mình: “Mênh mông nhú đòng đòng/ Viển vông tìm biền biệt/ Lòng bao giờ lặng sóng/ Trẫm mình trận cuồng phong”. Cùng với những nỗi niềm khắc khoải ấy anh còn có những câu thơ thú vị như: “Đi ngược chiều gió/ Để thấy sắc không/ Đi ngược chiều em/ Rộng dài mòn mỏi” (Ngược)
Những triết lý tự thân trong thi tứ hiện ra bằng nghệ thuật sắp đặt hình ảnh. Ở đó những ý tưởng được bật lên. Sự khác biệt đó nổi bật trong Ballad khác. Tập thơ có 74 thi phẩm. Nhà thơ thể hiện tình yêu cuộc sống ở nhiều góc độ khác nhau với cảm xúc sâu sắc. Người đọc sẽ có những bất ngờ khi bắt gặp ở đâu đó trong tập thơ rằng: “Dấu!/ Đóng đinh tôi ở cuối con đường/ Nghêu ngao bài ca gió/ Thành cây nêu treo câu vọng cổ/ Trầm mình giữa mảnh trăng xô” (Dấu!). Những câu thơ gây ấn tượng và dễ găm vào trí nhớ người đọc bởi ý tưởng mới lạ: “Anh nhặt núm sầu/ Hình dung con người sống để yêu và để khổ”. Hay đó còn là: “Những nụ cười màu đen/ Mắc võng chùm xấu hổ” (Nụ cười). Và đặc biệt ở bài Đêm mồ côi tác giả trôi về miền “hoang tưởng” đầy bi kịch với những nỗi niềm bức xúc trong con tim. Một nội lực mạnh mẽ dâng trào khi nhà thơ viết: “Tôi đâm mắt tôi để được mù lòa/ Để không thấy bao điều nhức nhối”.
Hoặc tác giả còn nhấn mạnh: “Tôi chọc tai tôi để không còn nghe nữa/ Sấm trên cao và đất lở dưới chân mình”. Chưa hết. Sự dấn thân còn bừng cháy: “Tôi muốn kết liễu mình/ Hóa vàng/ Cả gụi gần và những điều xa lạ/ Không buồn nôn mỏi mệt con đường”.
Bài thơ gói ghém một câu chuyện được đẩy tới cùng của sự tuyệt vọng. Phải chăng đó là nỗi khủng hoảng ma mị đã ập đến với tác giả. Đồng thời bài thơ thể hiện sự khắc khoải trong hành trình đi tìm mình, khám phá ở nơi mình, những điều cốt lõi nhất trong tâm hồn thi ca. Ballad khác đã có sự dị biệt đó. Đó là cảm xúc dâng đầy cùng với tiết điệu “Rock” trong những bản Ballad thơ.
Những nét khác của nhà thơ Ngô Đức Hành lần này còn được thể hiện sâu lắng trong những ballad về quê hương. Phải nói tập thơ đã nổi trội khi tác giả hướng cảm xúc về “Mạch nguồn”. Nơi đã sinh ra anh. Quê hương luôn gọi về. Nhà thơ là một người sống xa quê nên tình cảm thân thương của anh cũng hướng về con sông, lũy tre, bến quê cùng với những người thân quen trong gia đình. Tôi rất xúc động khi được đọc ở anh những câu thơ ấm áp và nặng lòng với làng quê.
Nhà thơ luôn luôn nghiệm ở mình rằng: “Rễ tôi cắm đất quê/ Vỉa đá ong mạch nước ngầm ngây thơm bùa trinh tiết/ Giếng Chạ giấu đôi mắt tự tình duy nhất/ Phía đa đoan rắc tím bồng bềnh” (Mạch nguồn). Cảm xúc da diết trong thơ Ngô Đức Hành được khắc ghi những ký ức không thể nào quên qua các bài thơ như: Bánh đúc Nghệ, Tiếng dế, Dì ghẻ; Hoặc đó còn là: Con sáo, Cơn bão địa đàng, Nỗi buồn cỏ… Và đặc biệt đó là bài Bà tôi. Đây là một thi phẩm sâu đậm tình quê hương. Đồng thời bên cạnh cảm xúc chân thành nhà thơ có những tìm tòi nghệ thuật thi ca đậm chất huyền ảo.
Bà tôi đã gây ấn tượng ngày từ những câu thơ đầu tiên: “Tôi nhặt mùa đông trên miếng trầu bà têm/ Mầu đỏ quyệt vào tôi/ Cục than hồng ủ ấm/ Giấc ngủ nồng trên nôi âm dương”.
Tứ thơ phát triển với bốn mùa gắn bó với quê hương (được hiện thân qua hình tượng người bà). Đó là những câu thơ tượng trưng và hiện thực đan xen tạo nên bức tranh hoàn chỉnh như: “Tôi đếm mùa hè trên lưng bà tôi” hoặc “Tôi nhặt mùa thu trong manh áo bà. Mùi giáp hạt cồn cào tháng tám”. Hay như: “Tôi chờ mùa xuân trong bao tượng. Bà quấn ngang hông”. Và cuối cùng trong nỗi niềm của người con đi xa được bày tỏ: “Tôi nhìn thấy bóng bà/ Trong khúc đồng dao bà ngâm nga mỗi tối/ Bà dụm dành để lại/ Trời xanh trong đôi mắt no tròn”.
Phải nói đây là một trong những thi phẩm hay trong Ballad khác. Bởi đó chính là những khúc ballad đồng quê dịu dàng và mơ mộng nhất. Thi phẩm đã cất lên giai điệu trữ tình qua những con chữ giầu nhạc cảm tự bên trong.
Với Ballad khác, nhà thơ Ngô Đức Hành có những tìm tòi nhất định trong ngôn ngữ thi ca. Nhiều từ ngữ mới lạ rất khác với những tập thơ trước. Không ít những câu thơ có sự truyền cảm nhờ những con chữ mà anh đã dụng công khám phá. Sức liên tưởng không còn dừng lại những ví von, so sánh, hoán dụ quen thuộc mà đã giầu tính tạo hình nghệ thuật. Rải rác trong tập thơ người đọc sẽ rất thú vị, nếu không nói là ngạc nhiên với những câu như: “Mụn xuân đùa lặng lẽ”, “Bấc ngày lụi” (Mày đay); Hay như “Bình minh mắc võng trong nhà” (Tiếng dế), “Nụ cười cà pháo”, “mồ hôi trở dạ” (Ý nghĩ bất chợt khi đọc thơ em); Hoặc có thể là “Anh nhặt núm sầu” (Đời cát); Hay “Tuylip chìa môi rịm một góc trời” (Bà Nà), “Bão ngủ giữa lòng ngoan ngoãn rụng giấc mơ” (Cơn bão địa đàng); Và còn đó “Giọt mưa buồn thắt cổ” (Sáng cảm); hoặc “Sự thật bốc hơi cong cớn chua phèn” (Trò chuyện với mưa)…
Tập thơ Ballad khác đã tạo dựng một chân dung thơ Ngô Đức Hành rất khác. Nhịp điệu trong Ballad thơ cũng như trong thể loại âm nhạc. Ballad ngày nay đã phát triển. Nó không còn dừng lại ở nhịp điệu nhẹ nhàng, sâu lắng hoặc trầm buồn. Ballad đã nhuốm màu như Pop Ballad, Rock Ballad hoặc Opera Ballad... Nhiều nhà thơ nổi tiếng trên thế giới đã viết ở dạng Ballad. Nhà thơ Ngô Đức Hành đã ghi dấu ấn trong thơ ở thể loại này. Với sự khắc khoải đi tìm mình, đến mức “Tôi muốn kết liễu mình” để hóa thân vào một linh hồn thơ khác. Ballad trong thơ anh cuốn theo nhịp phách mới khi bắt đầu bằng: “Tôi nhặt dấu!/ Phía cuối con đường” để đi tới. Bởi thế thơ Ngô Đức Hành đậm triết lý nhân sinh. Đó là sự thành công của anh trong hành trình thi ca.
Tác giả: Vương Tâm
Nguồn Văn nghệ số 41/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên