Nhà văn Trần Thùy Mai: Đi tận cùng tâm hồn mình sẽ gặp được tâm hồn của người khác

Thứ hai - 05/10/2020 13:12
111
Nhà văn Trần Thuỳ Mai là cây bút văn xuôi đương đại Việt Nam được yêu thích với rất nhiều truyện ngắn hay, thấm đẫm bản sắc xứ Huế, nơi quê hương chị. Nhẹ nhàng, thâm trầm, tinh tế, sâu sắc… những trang văn của Trần Thuỳ Mai cứ thế thấm vào người đọc với những dấu ấn khó quên. Gần đây chị xuất hiện với Từ Dụ Thái Hậu, thêm một thể loại nữa được chị viết và khẳng định dấu ấn của mình, đó là tiểu thuyết lịch sử.

- Xin chào nhà văn Trần Thuỳ Mai, thật vui khi hôm nay được trò chuyện với chị. Hơn hai năm trước tôi đã rất ngạc nhiên khi chị ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay. Vốn được biết đến là cây bút viết truyện ngắn tiêu biểu của văn học đương đại Việt Nam, điều gì khiến chị cầm bút viết tiểu thuyết?

+ Tôi có mười tập truyện ngắn ghi dấu quãng đời tôi ở Huế. Trong đó có những truyện Trăng nơi đáy giếng, Thương nhớ hoàng lan, Gió thiên đường…là kỉ niệm về một thời kì sóng gió trong đời tôi, khi tôi bước ra khỏi cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ.

Năm 2011 vì hoàn cảnh gia đình, tôi rời Huế vào Dĩ An, Bình Dương. Sau khi rời Huế ra đi thì tự nhiên mạch truyện ngắn cũng đứt…. Thời gian tiếp theo đó cuộc sống vô cùng lận đận, đồng thời trên thị trường xảy ra hiện tượng suy thoái của văn hóa đọc, doanh số của các nhà xuất bản, báo chí, tạp chí đều giảm, công chúng trẻ thì phần lớn dành thời gian cho I phone, I Pad. Bản thân tôi cũng có đôi lúc nghĩ mình sẽ không viết nữa…Vì vậy sau bảy năm im ắng tôi mới lại có sách mới, lần này là tiểu thuyết.

Theo quan niệm của tôi, truyện ngắn cần nhất cảm xúc, tiểu thuyết cần nhất sự chiêm nghiệm về cuộc sống. Một thời tôi đã đem hết cảm xúc sôi nổi của mình vào tác phẩm. Nay tôi tự thấy mình đã đến lúc có thể chia sẻ những suy ngẫm dài hơn về cuộc đời.

- Và tại sao lại là tiểu thuyết lịch sử? Điều gì thôi thúc chị viết về Từ Dụ?

+ Tôi vốn thích môn sử từ khi nhỏ, thời gian gần đây nghe nói học sinh không mặn mà học sử, tôi rất ngạc nhiên. Vì lịch sử của mình rất đẹp với những câu chuyện với đủ cung bậc, từ hào hùng bi tráng đến đằm thắm lãng mạn…

Tôi kết hôn lần thứ hai và sang San Francisco (Mĩ - PV) với nhà tôi từ năm 2017. Một vài bạn viết của tôi khi sang Mĩ sống đã không tiếp tục viết nữa, vì cảm thấy như bị “đứt rễ”. Trong hoàn cảnh ấy, những hồi ức về lịch sử là sợi dây gắn chặt tôi với quê hương. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi viết cuốn sách này, vì qua đó tôi được bơi lội trong ngôn ngữ, văn hóa, được thể hiện quan niệm sống và những niềm tin của người Việt.

Thời tôi còn đi học, trên bến đò Thừa Phủ Huế có một ông già hát rong. Ông thường ngồi ở gốc cây đa, tay gõ phách, miệng hát bài vè “Bà Từ Dụ xin thuế cho dân”. Chuyện kể rằng, sau khi kinh đô Huế thất thủ trước sức mạnh của súng ống phương Tây, thực dân Pháp siết chặt ách cai trị trên cả ba miền, áp đặt rất nhiều sưu cao thuế nặng. Đau lòng trước tình cảnh ấy, Thái hoàng thái hậu Từ Dụ, lúc đó trên 80 tuổi, đã đích thân đến Tòa Khâm Sứ Pháp để đề nghị giảm tô thuế cho dân. Sự kiện này còn lưu truyền mãi trong kí ức dân gian, để lại ấn tượng về một người phụ nữ quyền quý nhưng rất bình dị, nhân hậu và dũng cảm.

Với tiểu thuyết này, tôi viết về thời tuổi trẻ của Từ Dụ Thái hậu, qua đó là một câu chuyện về tình yêu, niềm tin, phẩm giá, và bản lĩnh con người - Trên cái nền là một giai đoạn lịch sử đầy bão táp. Từ Dụ Thái hậu sống trải qua mười đời vua, nên bối cảnh cuộc đời bà cũng chính là phần lớn lịch sử vương triều Nguyễn, tức là lịch sử Việt Nam thế kỉ 19 .

Hơn hai năm, dường như cũng có đủ độ lùi để chúng ta nhìn về một cuốn sách. Từ Dụ Thái Hậu vẫn được nhắc đến trong giới chuyên môn cũng như bạn đọc. Còn với nhà văn Trần Thuỳ Mai thì sao ạ?

+ Tôi đã suy nghĩ, tưởng tượng và tích lũy tư liệu trong bảy năm để làm ra cuốn sách. Niềm vui không ngờ đối với tôi là tiểu thuyết ra đời được niềm nở đón nhận như vậy! Trong vòng ba tháng sau khi xuất bản, tiểu thuyết có được hơn hai mươi bài nghiên cứu, phê bình trên các báo và tạp chí. Từ tháng tư tới tháng chín năm 2019, Nhà xuất bản Phụ Nữ tổ chức cho tôi gặp bạn đọc năm lần ở Huế, Hà Nội, Sài Gòn, lần nào cũng rất đông vui và nhiều ý kiến sôi nổi. Cảm động nhất là lần gặp gỡ tại Khoa Văn, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, có các em học sinh giỏi văn từ Nam Định ra, và hai em từ Vinh đi xe giường nằm suốt đêm để kịp đến dự… Đó là những kỉ niệm rất đẹp trong đời cầm bút… Tôi chỉ biết nói rằng, “Các bạn không phải cảm ơn tôi, mà tôi phải cảm ơn các bạn, vì chính các bạn đã cho tôi có thêm niềm tin vào nghề viết sách, vào văn hóa đọc của công chúng, nhất là công chúng trẻ ở Việt Nam”.

Ngòi bút chị đã lách vào những sự kiện lịch sử để mổ xẻ, lách vào mối quan hệ của các nhân vật để dựng lên những tính cách, và còn những điều gì nữa để chị có thể khắc hoạ được không khí, hồn cốt của cả triều đại nhà Nguyễn?

+ Judith Geary, một tác gia tiểu thuyết lịch sử đương đại đã nói: “Sử học mở cho ta cánh cửa sổ để nhìn vào quá khứ. Tiểu thuyết lịch sử cầm tay ta dẫn vào ngay trong thế giới ấy.” Muốn người đọc cùng mình chia sẻ cảm giác về cuộc sống thật trong quá khứ, thì trước hết phải phục dựng được linh hồn của nó qua lời nói, phong tục, nếp nghĩ, cách sống của một thời đại. Đồng thời, phải lẩy ra được những mạch ngầm liên hệ từ dĩ vãng đến cuộc sống hôm nay. Người đọc sẽ không xúc động, suy nghĩ về câu chuyện, nếu đó chỉ là một câu chuyện xưa cũ không dính líu gì đến cuộc sống của mình!

111
Tôi vốn không có hứng thú với những kiểu lạ hóa có tính thời trang trong văn chương. Vì nhiều kiểu lạ hóa trông có vẻ bắt mắt nhưng thực ra vẫn chỉ là mô phỏng văn học Âu Mĩ: Không siêu thực thì cũng huyền ảo, không hiện sinh thì cũng hậu hiện đại. Những kiểu làm mới đó không làm cho ta mới, bởi mình không thể huyền ảo hơn Garcia Marquez, không thể siêu thực hơn Paul Elouard, không thể postmodern hơn Coover, hơn Hawkes…
Tại sao mình phải thuộc về những trào lưu đó, và để làm gì? Tôi lựa chọn cách diễn tả tự nhiên chân thật của con người, và muốn nói thật dung dị những câu chuyện của người Việt… Bởi vì tôi nghĩ, sự giản dị là con đường gần nhất đi đến trái tim.

- Vâng, đúng vậy, lịch sử luôn nói gì đó với hôm nay và nhà văn luôn là người trăn trở đi tìm lời nói ấy. Vậy đi giữa sự thực lịch sử và hư cấu lịch sử, có khi nào chị cảm thấy mình ở thế chênh vênh khi viết?

+ Đối tượng của nhà sử học là sự thực lịch sử, nên phải chân xác đến 100% có thể. Còn đối tượng của nhà văn là hiện thực lịch sử, là bài học về nhân sinh đằng sau những sự thực lịch sử ấy. Bởi vậy nhà văn được phép rộng tay hư cấu thêm chi tiết, tổ chức lại sự kiện để làm nổi bật thông điệp nhân sinh của mình! Đó chính là ý của văn hào Alexandre Dumas khi ông nói: “Lịch sử là những cái đinh để tôi treo những bức tranh của tôi.” Sở dĩ ông phải kêu lên như vậy, là vì các nhà phê bình đương thời đã chỉ trích ông: “Dumas đã hiếp dâm lịch sử và đẻ ra những đứa con hoang còn khỏe hơn cả những đứa con chính thức”.

Người viết Việt Nam thực ra “may mắn” hơn Alexandre Dumas, vì “đinh” của ta thưa hơn nên có nhiều không gian treo tranh hơn. Chính sử của ta thường không nhiều chi tiết, ví dụ như chiến dịch “Phá Tống” của Lý Thường Kiệt, một sự kiện lớn như thế, nhưng sau này khi viết cuốn sách Lý Thường Kiệt, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã phải dựa rất nhiều vào sử của nhà Tống! Sử triều Nguyễn sau này đầy đủ hơn sử các triều trước, nhưng cũng khá cứng nhắc khô khan, không phải ai cũng thích đọc. Đó chính là chỗ khó mà cũng chính là thế mạnh của người viết truyện, bởi người viết có thể bổ sung những khoảng trống trong chính sử bằng những huyền tích, giai thoại, và cả trí tưởng tượng của mình. Bằng cách ấy, tro xương của quá khứ được tái tạo thành da thịt, trở thành sự sống. Và ta không bị gán cho cái tiếng oan ức “cưỡng hiếp lịch sử”…

- Nhìn vào thực trạng tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam, có thể thấy chúng ta còn ảnh hưởng khá nhiều ngôn ngữ của nền văn chương lớn bên cạnh là Trung Quốc. Từ Dụ Thái Hậu như tôi thấy lại là cuốn sách có ngôn ngữ rất thuần Việt. Đây là một sự nỗ lực, một ý thức lựa chọn…?

+ Đúng vậy, do xác định “viết truyện xưa cho người đọc ngày nay” nên tôi dùng ngôn ngữ thuần Việt nhất đến mức có thể. Khi viết đối thoại, tôi chú ý hết sức cho người đọc khỏi có cái cảm giác giống như xem “phim Tàu”. Tất nhiên, lời ăn tiếng nói của người Việt ở thế kỉ 19 chắc chắn phải pha trộn nhiều từ Hán, nhất là ngôn ngữ của sĩ phu và quý tộc. Vì vậy trong câu chuyện của nhân vật, không thể không giữ lại một số từ, với sự cân nhắc, để giữ không khí cổ xưa.

Tôi cũng rất thận trọng khi dùng phương ngữ, vì nhân vật dưới các triều Gia Long, Minh Mạng thường có gốc gác từ nhiều nơi: Hoàng hậu Tống Thị Lan người Thanh Hóa, Nhị phi Trần Thị Đang người Thừa Thiên, nhân vật chính là cung phi Phạm Thị Hằng quê quán trong Nam, Trương Đăng Quế thì lại người Quảng Ngãi… Ngôn ngữ đối thoại từng người phải phù hợp với quê hương của họ, đồng thời phải phản ánh quá trình dời chuyển sinh sống: Cũng cùng là người Thừa Thiên nhưng Thái giám Trần nói giọng “Huế đặc sệt” còn Nhị phi từ mười bốn tuổi đã vào Nam, tiếp xúc với người từ nhiều vùng miền, nên khẩu ngữ của bà phải có sự pha trộn, chỉ giữ lại một số từ tố của phương ngữ Huế thôi…

Cách xưng hô cũng đa dạng như vậy! Nó phải phản ánh tính cách và xu hướng của mỗi nhân vật. Cũng ở trong cùng không gian cung đình, nhưng Thái hậu Trần Thị Đang là người thích danh vọng, quyền lực, nên cách xưng hô của bà cũng thể hiện ý thức về địa vị. Còn Phạm Thị Hằng chú trọng về tình người nên bà vẫn giữ cách xưng hô giản dị “mẹ - con” dù khi con đã là vua, mình đã lên làm Thái hậu…

- Như một nhà phê bình đã viết về Từ Dụ Thái Hậu, “Trần Thùy Mai luôn giữ vẹn cái nhã đạm, ung dung và trung dung trong bút pháp. Hình như bà không bị thúc bách bởi khát vọng cách tân.” Chị nghĩ sao về nhận định này?

+ Đúng vậy, tôi chủ ý viết theo một dạng thức truyền thống nhất, mà tôi cho là thành công nhất trong tất cả các cách viết tiểu thuyết lịch sử từ trước đến nay: kết cấu chương hồi. Tiểu thuyết lịch sử, do đặc tính của thể loại, không chấp nhận sự rườm rà, kiểu cách, bởi vì nó vốn đã ôm trong mình một khối lượng quá lớn nhân vật, sự kiện và ý nghĩa. Cũng xin nói thêm, tôi vốn không có hứng thú với những kiểu lạ hóa có tính thời trang trong văn chương. Vì nhiều kiểu lạ hóa trông có vẻ bắt mắt nhưng thực ra vẫn chỉ là mô phỏng văn học Âu Mĩ: Không siêu thực thì cũng huyền ảo, không hiện sinh thì cũng hậu hiện đại. Những kiểu làm mới đó không làm cho ta mới, bởi mình không thể huyền ảo hơn Garcia Marquez, không thể siêu thực hơn Paul Elouard, không thể postmodern hơn Coover, hơn Hawkes…

Tại sao mình phải thuộc về những trào lưu đó, và để làm gì? Tôi lựa chọn cách diễn tả tự nhiên chân thật của con người, và muốn nói thật dung dị những câu chuyện của người Việt… Bởi vì tôi nghĩ, sự giản dị là con đường gần nhất đi đến trái tim.

Sau cuốn sách dài hơi như vậy, chị đang nghỉ ngơi hay là chuẩn bị cho sự ra đời của một tác phẩm khác?

+ Mỗi ngày tôi dành ít nhất hai tiếng đồng hồ để viết, đấy chính là niềm vui của tôi, nên tôi không cần nghỉ ngơi. Trái lại khi có những việc bận rộn khiến tôi không có được hai tiếng đồng hồ ấy thì tôi buồn lắm. Viết tiểu thuyết lịch sử rất thú vị, bởi nó khiến mình phải đọc. Bây giờ có nhiều sách mới rất hay của các tác giả trong nước và ngoài nước viết về Việt Nam thế kỉ 19, nhờ theo đuổi đề tài này nên tôi có động lực để đọc, phải đi để thấy tận mắt những dấu tích, để nhận ra chỗ khác nhau và giống nhau giữa sử nước người và sử nước mình. Viết, trước hết là để nói về những gì tôi yêu, tôi thương xót, tôi ngưỡng mộ, để tìm cách trả lời những thắc mắc của chính tôi về lịch sử…

- Cảm ơn nhà văn Trần Thuỳ Mai về cuộc trò chuyện chị dành cho VNQĐ. Chúng tôi mong chờ những tác phẩm tiếp sau của chị!

KIM NHUNG (thực hiện)
Tạp chí VNQĐ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây