Điện ảnh, bứt phá để về đích?

Chủ nhật - 04/10/2020 12:44
Theo số liệu của Cục Điện ảnh Việt Nam, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 phim điện ảnh ra rạp, trong đó chỉ có 3 phim được Nhà nước đầu tư kinh phí. Còn lại là phim nước ngoài hoặc phim được Việt hóa kịch bản mua từ nước ngoài. Thực tế này cho thấy cái khó của Điện ảnh Việt Nam, không chỉ khó từ khâu kịch bản mà còn khó về kinh phí sản xuất. Để gỡ khó, mới đây Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” với đề tài, nội dung hướng đến các giá trị nhân văn, hướng thiện, bản sắc văn hóa Việt. Ban tổ chức kỳ vọng sau cuộc thi, Điện ảnh nước nhà sẽ có được những tác phẩm đỉnh cao. Tuy nhiên, giới chuyên môn và người hâm mộ điện ảnh lại nghi ngờ: Liệu có quá sớm để lạc quan khi cho rằng cuộc thi sẽ tạo ra bứt phá để điện ảnh Việt về đích?
111
Cảnh trong phim “Ròm”, bộ phim được yêu cầu chỉnh sửa trước khi được công chiếu.

MỞ RỘNG BIÊN ĐỘ CUỘC THI

Không né tránh một thực tế khá buồn của điện ảnh Việt Nam là số lượng phim ra rạp ít, doanh thu phim không cao (3 phim Việt Nam/40 phim điện ảnh ra rạp/tháng), Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, ông Vi Kiến Thành cho rằng, nguyên nhân chính là sự thiếu hụt nghiêm trọng kịch bản và sự “lệch pha” (PV) trong tiếp nhận của công chúng đối với những tác phẩm điện ảnh được Việt hóa kịch bản phim nước ngoài... Đây là nguyên nhân và cũng là lời giải cho sự thiếu vắng những tác phẩm điện ảnh đỉnh cao và sự “lép vế” của điện ảnh Việt ngay trên sân nhà.

Công bằng mà nói, sự thiếu vắng kịch bản không phải là câu chuyện của riêng điện ảnh, mà là của tất cả các loại hình sân khấu, nghệ thuật hiện nay. Chỉ có điều, để giải bài toán kịch bản, mỗi loại hình nghệ thuật có sự lựa chọn khác nhau. Nếu như Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói... chọn diễn lại vở cũ, cùng “góp gạo thổi cơm chung” khi kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật cho một tác phẩm, thì điện ảnh chọn Việt hóa tác phẩm điện ảnh nước ngoài, bên cạnh việc “ăn đong” kịch bản và sản xuất theo đơn đặt hàng của Nhà nước... Việc gỡ nút thắt về kịch bản của lĩnh vực sân sấu, nghệ thuật với cách làm nói trên đã phần nào giữ được nhịp cho sân khấu, tạo nên một diện mạo mới và một cách tiếp cận khá mới mẻ với công chúng. Còn với điện ảnh, do xuất phát điểm của điện ảnh Việt Nam và thế giới còn khoảng cách khá xa (ngay cả với điện ảnh trong khu vực chứ chưa nói gì đến thế giới), nên việc xử lý kịch bản (đối với biên kịch và đạo diễn), xử lý và tiếp nhận phim (đối với diễn viên và công chúng) cũng có những độ vênh khá lớn so với phiên bản gốc... khiến cho không ít những bộ phim Việt hóa trở nên nhạt, không có bản sắc, kém sức hút đối với khán giả.

Thực tế này kéo dài khá nhiều năm khiến cho điện ảnh Việt từ một loại hình nghệ thuật “ăn khách” trở thành thứ yếu, nhiều hãng phim Nhà nước rơi vào cảnh chợ chiều như Hãng phim Giải phóng, Hãng phim truyện Việt Nam...

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ IX diễn ra đầu tháng 9/2020 vừa qua, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ đã chỉ ra rằng, thiếu kịch bản là một nguyên nhân, sự trì trệ trong cổ phần hóa các hãng phim theo hướng thị trường cũng là rào cản khiến tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước vẫn có cơ hội tồn tại. Nhiều hãng phim không tự tìm kiếm thị trường, không thể tự chủ về tài chính nên đã co cụm lại. Kết quả, công chúng quay lưng với điện ảnh, nguy cơ điện ảnh bị “nghiệp dư hóa” ngày càng được lộ rõ. Số lượng phim điện ảnh, phim truyền hình về đề tài chính luận thiếu vắng.

Và, với mong muốn góp phần tạo ra nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh cho phim nhà nước đặt hàng, các đơn vị, các dự án sản xuất phim truyện có thêm sự lựa chọn: Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức tổ chức cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” với đề tài, nội dung hướng đến các giá trị nhân văn, hướng thiện, bản sắc văn hóa Việt. Nhiều nhà biên kịch, đạo diễn và ngay cả những tác giả là nhà văn chuyên viết kịch bản phim cho rằng: Biên độ của cuộc thi đã có, nhưng khâu chấm thi, thẩm định tác phẩm có thực sự “mở” để kịch bản bước từ trang giấy lên màn ảnh rộng?

NÂNG “TẦM” CHẤM VÀ KIỂM DUYỆT PHIM?

Phát biểu tại buổi lễ phát động cuộc thi viết kịch bản cho phim, ông Vi Kiến Thành cho biết, đây là cuộc thi có chủ đề nội dung rộng và mở. Ngoài các nội dung truyền thống mà phim Nhà nước chú trọng đặt hàng như đề tài về lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc và thiếu nhi, thì các đề tài về những vấn đề của cuộc sống đương đại, văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới cũng được quan tâm và chào đón các kịch bản gửi đến tham dự cuộc thi. Sau năm nay, Ban tổ chức sẽ định kỳ 2 năm 1 lần tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh. Tuy nhiên, đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang đã bày tỏ lo lắng. Bà quan ngại về thực trạng đội ngũ những người viết kịch bản hiện nay quá mỏng thì ít, mà đề cập nhiều đến một vấn đề thường có nhiều tác động đến nội dung của kịch bản phim như đội ngũ những người chấm giải, thẩm định phim trước khi được công chiếu. Bà hy vọng có được những vị giám khảo cởi mở để đón nhận quan điểm mới, tư tưởng mới, thay vì lúc nào cũng sợ “nhạy cảm”. Đạo diễn Nhuệ Giang cho rằng “Phim có vấn đề mới là phim hay. Chẳng hạn, nên đổi mới tư duy làm phim đặt hàng, phim chiến tranh ngày nay nên bớt ca ngợi đơn thuần đi. Nhiều trường hợp chỉ được đề tài tốt mà câu chuyện thì nhạt, nhân vật thì sơ lược và nghệ thuật kịch bản chưa tới cũng được đưa vào giải”.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, hiện đang làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam, là một trong những đạo diễn trẻ của thế hệ đạo diễn thành danh đầu thế kỉ 21 với cả hai mảng, phim truyện nhựa và phim truyền hình thì cho rằng, không phải cứ làm phim về chiến tranh cách mạng mới đạt nhiệm vụ chính trị, bởi tác phẩm động chạm tới vấn đề nóng của xã hội đã xứng với tiêu chí này rồi. Đạo diễn băn khoăn, nếu kịch bản hay mà làm phim không đạt thì cũng chẳng để làm gì. Trước cảnh chi phí đặt hàng bị cắt xén cho mục tiêu nuôi Hãng phim, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đề xuất việc cần yêu cầu Hãng phim cam kết chất lượng và có cơ chế giám sát. Nếu buông lỏng thì việc thi chọn kịch bản cũng vô nghĩa.... Đây là những lo lắng hoàn toàn có thực của những người làm nghề. Bởi thực tế đã có quá nhiều những bộ phim được hỗ trợ kinh phí sản xuất nhưng lại chỉ xuất hiện theo “xuân thu nhị kỳ”, hoặc những tác phẩm giành giải thưởng tại các kỳ liên hoan phim nước ngoài nhưng lại không giành giải thưởng tại các cuộc thi trong nước, thậm chí không được công chiếu do khâu kiểm duyệt phát hiện những nội dung đi trái với quan điểm của người thẩm định về Chân - Thiện - Mỹ. Đơn cử gần đây có phim RòmVợ Ba... hoặc  xa hơn là những bộ phim được Nhà nước đâu từ như phim Long thành cầm giả ca, phim Người yêu ơi... cũng không được khởi chiếu do vướng nhiều quy định mang tính chất ngành, và câu chuyện liên quan đến công tác cổ phần hóa chưa được giải quyết, cho nên phim buộc phải nằm trên giấy.

Từ thực tế trên cho thấy, để một bộ phim có thể ra rạp, công chiếu trên truyền hình công tác kiểm duyệt, thẩm định đóng vai trò quyết định số phận bộ phim. Do đó, ủng hộ đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc bãi bỏ nhiều loại giấy phép trong lĩnh vực điện ảnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị cần thay đổi cơ chế kiểm duyệt phim. Bởi theo tổ chức này, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh cho rằng, thủ tục hành chính thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim rất phiền phức, mất nhiều thời gian và rủi ro cho doanh nghiệp. Hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim và nhiều yêu cầu bị cho là thái quá, can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim chứ không chỉ phục vụ mục đích kiểm duyệt nội dung để chống nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp nhận kiến nghị trên, đồng thời có đề xuất nhiều giải pháp thay đổi trong khâu kiểm duyệt như: Phim dành cho lứa tuổi có thể phân biệt qua mác 18+, và những phim được công chiếu trên các khung giờ khác nhau. Tuy nhiên những quan điểm trái chiều về việc ấn định phim thế nào là 18+ và diễn viên đóng cảnh nóng (phim giả trang lịch sử) bao nhiêu tuổi vẫn còn là những tranh cãi chưa có hồi kết.

Dù sao, với cuộc thi đã và đang được phát động, chúng ta có thể hy vọng về sự bứt phá cho điện ảnh Việt và rằng điện ảnh nước nhà sẽ không để công chúng phải chờ đợi lâu, cho một sự thành công trong dài hạn.

Tác giả: Lê Hà An
Nguồn Văn nghệ số 40/2020

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây