Vở kịch Hoạn Thư ghen (kịch bản của Phương Văn) do các nghệ sĩ 60-80 tuổi từ đoàn kịch của một câu lạc bộ sân khấu ở địa phương vào vai những nhan sắc và tài trí tuổi đôi mươi là nàng Kiều và Hoạn Thư, Thúc Sinh... nhưng có lẽ đã khiến không ít người ngạc nhiên về diễn xuất tuyệt vời của diễn viên và xử lý sân khấu rất có nghề của đạo diễn.
Kết thúc vở diễn, những cái tên nghệ sĩ được xướng lên như: Hồng Minh (vai Thúy Kiều), Hoài Thu (Hoạn Thư), Đào Hải (Thúc Sinh), Trần Tường (đạo diễn)... khiến nhiều khán giả có tuổi mê kịch nhận ra mình vừa được xem những ngôi sao sân khấu một thời của Hải Phòng - nơi mà sân khấu kịch được đánh giá chất lượng ngang ngửa những nhà hát ở trung ương.
Sân khấu tối giản của một đoàn kịch lưu động, ưu tiên cho diễn xuất của diễn viên, và các diễn viên tự sắp xếp lại sân khấu sau mỗi đoạn chuyển cảnh ngay trước mắt khán giả chứ không có kéo rèm chuyển cảnh để đẩy nhịp kịch liền mạch.
Những "ngón nghề" sân khấu theo lối hiện đại, chuyên nghiệp này của đạo diễn Trần Tường khiến công chúng phải ngạc nhiên về một câu lạc bộ sân khấu ở địa phương của những nghệ sĩ đã nghỉ hưu nhưng còn chung lòng đam mê ánh đèn sàn diễn.
NSƯT Trần Tường từng là cái tên có tiếng trong làng sân khấu và điện ảnh phía Bắc, ông tham gia đóng phim từ thuở đôi mươi, từng làm trưởng đoàn Kịch Hải Phòng nức tiếng trước đây nên hẳn là không ngạc nhiên về một vở kịch tốt hơn mong đợi dù cái tên nghe cái tên hơi "quê": Câu lạc bộ sân khấu Biển hẹn.
Tài năng của đạo diễn và diễn viên còn đặc biệt được thể hiện ở chỗ vở kịch về một tác phẩm quá quen thuộc với mỗi người dân Việt, đã có không biết bao nhiêu vở diễn đủ loại hình, từ truyền thống đến hiện đại, thể nghiệm, từ trong nước đến ngoài nước... nhưng những nghệ sĩ U80 vẫn gây được ấn tượng mạnh với khán giả khi 'bắt' họ một lần nữa "tư duy lại" về nhân vật Hoạn Thư.
NSƯT Hoài Thu (từng là nữ diễn viên tài năng ở Đoàn kịch Hải Phòng) đã "đấu tranh" để có được vai diễn Hoạn Thư đặc sắc đến độ khiến khán giả nhiều phen phải khóc nghẹn cho cơn ghen của nàng như "mục tiêu" mà nữ nghệ sĩ - người không những giỏi nghề diễn mà còn có bề sâu của trải nghiệm và rất mê Truyện Kiều - đặt ra.
Hoài Thu cho biết, bà đã đòi được sáng tạo ở những đoạn Hoạn Thư thương xót nàng Kiều, xin mẹ thôi đánh Kiều, hay nỉ non khóc thương phận bạc mệnh chung của đàn bà khi nghĩ về số kiếp nàng Kiều và nghĩ về mình, rồi ngăn quản gia không cản nàng Kiều bỏ trốn...
Tuy sáng tạo, nhưng cách xây dựng Hoạn Thư trong vở kịch lại chính là trở về với đúng tinh thần của Nguyễn Du về nhân vật thú vị này.
Nghệ sĩ xuất sắc Hồng Minh thì từng bước đi, cái xoay mình thanh thoát, dáng ôm đàn và giọng nói trong vắt đều là của nàng Kiều đôi mươi.
Thêm sự giúp sức NSƯT Thanh Thanh Hiền hát thơ dẫn truyện ở những đoạn quan trọng, găm vào lòng công chúng nhiều xúc cảm từ một giọng hát đẹp, khiến vở kịch tròn đầy để khai mạc tuần sự kiện Kỷ niệm 255 năm sinh và tưởng niệm 200 năm mất đại thi hào Nguyễn Du.
Vở kịch sẽ đến với những người dân quê hương đại thi hào vào tối nay, 24-9 tại nhà văn hóa Nguyễn Du huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Theo Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên