Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Sáng tạo là sự phục hồi kí ức

Chủ nhật - 20/09/2020 10:10
111
Người mà năng lượng cảm hứng lao động sáng tạo giàu có như Nguyễn Quang Thiều kể cũng không nhiều. Mỗi lần nhìn ông, nghe ông, đặc biệt là đọc ông, tôi như được kích hoạt tiếp truyền cái nguồn năng lượng cảm hứng ấy. Tư duy, suy tư, đắm si và/để lao động sáng tạo là cách ông hiện diện giữa cuộc đời, cũng là cách ông tạ ơn cuộc đời. Với ông, đời sống là một kho báu chứa đựng tất cả vẻ đẹp, bí ẩn và phép màu, chỉ đợi nhà văn bước đến mở ra. Ông ước mình một ngày có 48 tiếng để đọc, viết, vẽ…, với tham vọng có thể chạm được vào vẻ đẹp tối thượng của đời sống này. 
- Tôi rất khó hình dung, rằng một ngày của ông mà nếu không tư duy không suy tư không lao động sáng tạo thì sẽ như thế nào…

+ Tôi đã bị cuốn vào niềm đam mê sáng tạo và hình như không có khả năng thoát ra được. Tôi làm việc mọi thời gian mình có. Và khi làm việc nghĩa là tôi tư duy, suy tư. Ai cũng vậy. Tất cả những gì tôi nhìn thấy nơi đời sống này đều khiến trong tôi vang lên câu hỏi, rằng sự việc kia, hình ảnh kia, âm thanh kia… chứa đựng điều gì trong nó và nó đang nói với con người điều gì. Tôi tin, mọi câu chuyện kì vĩ, mọi tư tưởng lớn lao và mọi vẻ đẹp đều đã được sinh ra.

Nhưng những điều kì diệu đó không phải là một cái bánh, một cốc cà phê… đang bày trên bàn trước ta mà nó hòa vào đời sống đang tuôn chảy. Chúng ta phải bước vào và hòa cùng nhịp chảy đó mới cảm nhận được và mới khám phá được. Nếu tôi không tư duy không suy tư thì tôi sẽ trở nên bất động trong cảm xúc và trí tưởng tượng giống như một con sông mà nước không hề chảy, nó sẽ trở thành một con sông chết.

Tư duy tạo nên cảm hứng, tạo nên những biến động, tạo nên sự mới mẻ. Tư duy với tôi cũng chính là sự phản biện chính mình. Và đó là một trong những điều vô cùng cần thiết đối với một nhà văn. Tôi nhận thấy, tư duy là con đường duy nhất chống lại sự cũ mòn. Sự cũ mòn là kẻ thù nguy hiểm nhất của sáng tạo.

Tôi từng ao ước mỗi ngày có 48 tiếng để đọc, để suy tưởng, để viết và vẽ… Sau mỗi một tác phẩm tôi lại lao vào sáng tạo như gấp gáp hơn, như thúc bách hơn. Tôi bị một cảm giác đeo đuổi là cái mình vừa viết đã không chạm được vào cái mình cảm thấy, cái mình dự định. Thế là lại phải tiếp tục lao vào.

Một nhà thơ nước ngoài nói đại ý, thất bại chính là công việc của nhà thơ ở trong những bài thơ. Tôi thấy tôi đúng trong trường hợp này. Tôi đang viết phần cuối cùng tập thơ có tên Nhật kí người xem đồng hồ. Phần này tôi viết về tất cả những đồ vật có trong phòng làm việc của tôi: bàn, ghế, nhạc cụ, bình hoa, gạt tàn, máy chữ, lò sưởi, rượu vang, giá nến, ấm trà, cửa sổ, chìa khóa, ảnh cũ…

Đấy là những vật quá quen thuộc đối với tôi cũng như đối với mọi người. Tôi đặt câu hỏi: Những đồ vật kia ngoài ý nghĩa là đồ vật thì chúng còn mang ý nghĩa gì của mĩ học, của cái đẹp, của số phận không? Có. Tất cả đều chứa đựng một lịch sử và những câu chuyện của nó.

Nhà văn hãy quan sát nó, cảm nhận nó, hòa vào nó, gọi tên nó và biến nó thành một hình ảnh, thành một biểu tượng và đôi lúc thành một lịch sử. Nếu tôi không tư duy về những đồ vật đó, tôi sẽ chẳng bao giờ có khả năng viết về nó để bạn đọc phải đọc. Không ít nhà văn, nhà thơ nghĩ những thứ đó có gì mà viết vì chúng chỉ là những đồ vật. Chính quan niệm đó làm nhà văn trở nên nghèo nàn và hạn chế.

111
Tranh Cây đỏ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

- Vì là thi sĩ, không phải và không thể là chủ thể duy lí, nên quá khứ có vẻ như là một phần tất yếu đời sống hiện tại của ông. Thơ ông, những cái viết khác của ông, cả cái vẽ của ông nữa, cứ đầy lên tâm thức hồi tưởng…

+ Quá khứ theo tôi là một hiện thực được xác lập và được kiểm định hơn mọi hiện thực khác. Quá khứ là một hiện thực đã được thời gian và suy tưởng của nhà văn chọn lựa như một lẽ tự nhiên. Thế gian này hình như chẳng có gì thay đổi về bản chất, nó chỉ mới mẻ khi hiện ra trong mắt của nghệ sĩ. Và những điều mới mẻ ấy ngay lập tức và đương nhiên chứa đựng những thông điệp của chính thời đại mà nhà văn đang sống thông qua những tác phẩm dù anh viết về quá khứ hay tương lai và bằng bất cứ hình thức nào.

Thực tế, quá khứ với nhiều người nghe có vẻ xa xôi như của vài chục, vài trăm năm trước. Nhưng thực ra nó mới mẻ như hiện tại và nó tồn tại ngay bên trong hiện tại. Nhà thơ giải Nobel người Mexico - Octavio Paz nói: “Khi tôi nói tôi đang sống thì ngay sau đó khoảnh khắc ấy đã trở thành quá khứ’’.

Với tôi, sáng tạo không phải là làm ra một thế giới chưa từng có trước đó mà chỉ là sự phục hồi kí ức mà thôi. Những tác phẩm văn học viễn tưởng nói về đại dương, về vũ trụ, về sự kì diệu của con người… trước kia chỉ được coi là sản phẩm trí tưởng tượng đậm chất hoang đường của nhà văn.

Nhưng rồi tất cả đã trở thành sự thật và hơn thế. Khi tôi viết về vẻ đẹp thiên nhiên của mấy chục năm trước thì nó lại trở thành hình ảnh của tương lai mà con người mơ tới vì con người đã đánh mất nó. Sự hồi tưởng luôn chứa đựng trong nó những vẻ đẹp mang tính văn hóa đồng thời chứa đựng những giấc mơ về những gì tốt đẹp.

- Tôi nhiều lúc cứ lơ mơ nghĩ, rằng nếu mình ráo hoảnh cảm xúc cảm giác sống thì không biết khi ngủ có mơ không, nếu có thì mình có bận tâm ám ảnh về những giấc mơ không. Cũng vì thực tại của cá nhân nghèo nàn quá, mà giấc mơ nhiều khi lại thực hơn cả đời thực, nên tôi thường khi kí ức hoá giấc mơ, coi nó là trải nghiệm thực của mình, cho nó dự phần sinh động vào đời sống tinh thần tổng thể của mình…

+ Tôi nghĩ ai cũng có trong giấc ngủ những biến động có hình ảnh. Nhưng có hai biến động. Một cái được gọi là giấc mơ (chỉ sự đẹp đẽ) và cái kia gọi là ác mộng (chỉ những điều tồi tệ). Và chúng ta đang nói về những hình ảnh, câu chuyện đẹp đẽ đã hiện ra trong giấc ngủ. Giấc mơ, theo tôi, là hiện thực hóa những phần sống mà mình chưa được sống và khát vọng về nó. Thậm chí, tôi luôn tin rằng, giấc mơ là một hình thức sống ở một không gian khác hay một cảnh giới khác.

Con người đôi khi vì thói thực dụng và đầy tính sở hữu luôn nghĩ rằng giấc mơ chỉ là một ảo ảnh, là cái không có thực. Bởi thế họ cần hiện thực. Chúng ta từng khóc trong giấc mơ và đau đớn tận cùng khi mơ thấy một người thân yêu rời bỏ đời sống. Cái chết của một người thân yêu trong giấc mơ có thể không thực nhưng nỗi đau đớn là có thực và làm chúng ta khóc rống lên trong giấc ngủ. Nhưng ai dám cam đoan rằng ở một không gian khác người thân yêu ấy của chúng ta không phải đã mất.

Chúng ta quá nhỏ bé và giới hạn vô cùng trước những bí ẩn vô tận của đời sống. Nói tận cùng thì tác phẩm văn học, đặc biệt là thơ, chính là một giấc mơ được văn bản hóa. Bởi hiện thực trong tác phẩm là một hiện thực của cảm xúc, của suy tưởng, của trí tưởng tượng và tính dự báo. Nó không thuộc về quá khứ hay hiện tại, nó chỉ lấy hiện thực của quá khứ và hiện tại để dựng nên một đời sống mà nhà văn mơ đến. Phục hồi kí ức là phục hồi những vẻ đẹp và làm nó sống lại với hơi thở rực nóng như đang sống trong hiện tại mà thôi.

- Phải thế chăng mà thơ ông thường khi phi thường hoá cái bình thường, lễ nghi hoá cái đời thường. Đọc ông, tôi và chắc hẳn nhiều người cũng như tôi ý thức hơn trong việc mài giũa giác quan để cảm nhận đời sống, để thụ hưởng vẻ đẹp khuất lấp tàng ẩn của đời sống…

+ Nhà thơ Mĩ Walt Whitman nói đại ý, thơ ở dưới chân bạn, hãy cúi xuống và nhặt lên. Cách nói của ông là để nói rằng, thơ ca nằm ở mọi nơi chốn trong đời sống. Thơ ca không chọn một không gian riêng biệt nào để trú ngụ và xuất hiện. Nó phụ thuộc vào sự nhận biết của nhà thơ. Thơ trú ngụ ở thiên đường đồng thời cũng trú ngụ nơi địa ngục. Thơ đợi nhà thơ trong sự sống và cũng đợi nhà thơ trong sự chết.

Chỉ sau khi chết, thơ của một phụ nữ trẻ người Mĩ tên Emily Dickinson mới được phát hiện và bà trở nên nổi tiếng toàn thế giới. Bà là một người độc thân, nhiều bệnh tật và hầu như chỉ sống trong căn phòng của mình. Đó là một không gian vô cùng hạn hẹp và cảm giác như chẳng có gì mới mẻ hay lớn lao ngoài nghĩa là một phòng ngủ của một người độc thân. Nhưng từ căn phòng đó bà đã nhìn thấu thế giới.

Vấn đề đối với nhà thơ là cái nhìn và sự trân trọng đời sống này đến tận cùng. Trong trường ca Lò mổ sắp xuất bản, tôi viết một đoạn thơ dài về những con nhặng bay trong không gian giữa ban mai ở làng quê trước kia. Khi đọc đoạn này (qua bản dịch tiếng Anh), một giáo sư văn học đồng thời là một nhà thơ danh tiếng ở Mĩ đã viết thư cho tôi nói rằng ông bị những con nhặng xanh thôi miên vì chúng đẹp lạ lùng và ông thay đổi quan niệm của mình về lũ ruồi.

Bạn đọc đừng nghĩ rằng tôi đang đánh tráo bản chất của loài ruồi. Tôi chỉ mang đến cái nhìn bằng đôi mắt và tâm hồn của một đứa trẻ thôn quê về những con nhặng xanh bay trong ban mai. Những nhà làm phim nước ngoài đã từng làm phim về chuột hay đến mức cả trẻ con và người lớn đều bị quyến rũ. Mọi thứ trên thế gian này đều bình đẳng và có giá trị riêng của nó, chỉ có sự ích kỉ và vô cảm của con người đã dẫn đến sự phân loại ngốc nghếch và ngạo mạn mà thôi.

Nhà thơ Charles Simic, giải Pulitzer Mĩ, viết: “Nhà thơ là người quan sát cuộc sống và bị cuộc sống làm cho kinh ngạc. Nhà thơ chỉ có nhiệm vụ giữ lại những khoảnh khắc đó của cuộc sống”. Bạn đọc ở mọi quốc gia đều biết đến cái làng Macondo trong Trăm năm cô đơn của nhà văn Gabriel Garcia Marquez.

Tôi thấy rằng, hầu hết các làng ở Việt Nam đều có những câu chuyện như của cái làng Macondo, chỉ có điều là ở cái làng đó có một ông Marquez hay không thôi. Đời sống là một kho báu chứa đựng tất cả vẻ đẹp, bí ẩn và phép màu, chỉ đợi nhà văn bước đến mở ra.

Trong mọi không gian đều chứa đựng thiên đường, trong mọi ngôn từ đều chứa đựng thi ca và trong mọi chuyển động đều chứa đựng nghi lễ. Danh họa Pablo Picasso nói: “Nếu ngày ngày thức dậy, bạn không nhìn đời sống này bằng đôi mắt trẻ thơ, bạn không thể vẽ được’’.

Văn học cũng vậy. Cái gì hiện ra trong mắt một đứa trẻ? Tất cả những gì hiện ra trong mắt một đứa trẻ đều hiện ra trong mắt một người lớn. Chỉ có một điều khác biệt là trong mắt một đứa trẻ mọi điều đều trở nên lạ lùng, bí ẩn, rực rỡ và kì vĩ. Hồi 5 tuổi, khi được mẹ đưa qua sông sang quê ngoại của mẹ, tôi kinh ngạc trước sự kì vĩ và quyền lực của con sông Đáy chảy qua làng tôi.

Nhưng khi tôi 50 tuổi, sự kì vĩ và quyền lực của dòng sông biến mất. Không phải dòng sông đánh mất những điều đó của nó mà tôi đã đánh mất cảm xúc và trí tưởng tượng của tôi. Chúng ta lao vào những sự kiện này nọ của xã hội và đôi khi choáng ngợp trước kích thước của nó nhưng lại quên đi sự mở cánh của một bông hoa.

Tôi đã từng quan sát một cái tổ kén xấu xí và đen đúa nằm bất động như chết trên một nhánh cây nhỏ. Nhưng rồi một ngày, từ sự bất động và đen đúa như một cái chết nở ra một cánh bướm lộng lẫy và kì vĩ. Và có buổi chiều, tôi ngồi rất lâu trong khu vườn ở thôn quê hình dung sự chuyển động của cánh bướm trong cái tổ kén đó. Đó là sự huyền diệu của sự sống.

Sự huyền diệu đó chỉ cho chúng ta một nguyên lí tối cao của đời sống và dạy chúng ta một bài học tuyệt đỉnh về triết học. Nếu cái tổ kén ấy to bằng tòa nhà trăm tầng thì sự chuyển động của cánh bướm bên trong nó sẽ dội vang những âm thanh và cánh bướm mở ra như một đám mây ngũ sắc khổng lồ che trên bầu trời thành phố. Lúc đó, bạn sẽ thấy nó kì vĩ đến nhường nào.

Nhà thơ giải Nobel người Ba Lan, Wisawa Szymborska, viết một bài thơ về những người rơi từ tòa tháp đôi xuống đất trong ngày 11/9/2001. Toàn bộ hiện thực của sự kiện ấy là cái chết. Nhưng bà chỉ viết về khoảng thời gian họ đang rơi trên bầu trời New York xanh thẳm và rực nắng. Họ rơi xuống nhưng lại như những con người đang bay trên bầu trời. Bà đã biến một cái chết thành một sự sống kì lạ.

- Trách nhiệm xã hội (nếu có) của nhà thơ, như ông vừa nói, là dùng ngôn từ nghệ thuật để cử hành nghi lễ thơ ca, mở ra kho báu thiên đường đời sống. Nhưng, nhiều người cứ la toáng lên, rằng nhà thơ đang ở đâu đang làm gì, trước hiện tình sôi bỏng của thời cuộc. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, như tôi thấy, vẫn đang ở giữa đời sống và vẫn trực chiến với đời sống đó thôi, có điều bằng những tư cách khác, như nhà báo, nhà bình luận xã hội, facebooker… chẳng hạn. Cần phải minh định sòng phẳng như thế nào, để giảm thiểu sự nhầm lẫn đánh đồng nơi nhiều người giữa một bên là thi ca nghệ thuật với một bên là thông tấn báo chí, thưa ông?

+ Những người đó nên hiểu một điều, rằng để tiêu diệt cái ác đến tận gốc rễ là phải làm hiển lộ cái tốt một cách kì diệu, để xóa đi những cái xấu xa là phải làm hiển lộ cái đẹp một cách quyền lực nhất. Sứ mệnh lớn nhất của nhà thơ hay bất cứ nghệ sĩ nào là làm thức dậy trong sâu thẳm tâm hồn con người cái đẹp và chủ nghĩa nhân văn. Cách đây khoảng 20 năm, trong một lần nói chuyện về văn chương và trẻ em, một phụ huynh đề nghị tôi và các nhà văn hãy viết một cuốn cẩm nang về những cạm bẫy mà những đứa trẻ khi bước vào đời sẽ gặp phải để chúng có thể tránh được.

Nếu các nhà văn viết một cuốn cẩm nang ví dụ có tên 1000 cạm bẫy và cách phòng tránh thì khi bước vào đời mà gặp cái cạm bẫy thứ 1001 những đứa trẻ sẽ gục ngã. Nhưng nếu chúng ta gieo vào tâm hồn trẻ nhỏ những hạt giống của mĩ học và chủ nghĩa nhân văn thì chúng sẽ đi qua mọi cạm bẫy khi cái đẹp và lòng nhân ái trú ngụ trong tâm hồn chúng. Khi cái đẹp và chủ nghĩa nhân văn là nền tảng của tri thức và lương tâm, chúng sẽ nhận biết được thiện ác, chúng sẽ luôn hướng tới cái đẹp và lòng nhân ái. Và từ đó chúng sẽ tránh được mọi cạm bẫy của những gì xấu xa.

Đúng như anh nói, tôi cũng như rất nhiều nhà thơ khác vẫn dùng báo, facebook và các phương tiện truyền thông khác để bày tỏ thái độ về những vấn đề cụ thể diễn ra ngày ngày trong xã hội. Tất nhiên, các nhà thơ vẫn có thể viết thơ về những vấn đề đó nhưng thực sự một bài báo sâu sắc và mạnh mẽ sẽ có tác dụng hơn một bài thơ về nạn phá rừng hay một lối sống sa đọa của thanh niên.

Thơ ca nói riêng và văn học nói chung là tạo nên sự biến động mĩ học và tư tưởng cho con người chứ không phải kêu gọi chấp hành luật giao thông. Chỉ như thế con người mới cần thi ca, âm nhạc, hội họa. Thực tế, có một số bài thơ viết về những vấn nạn của đời sống hiện nay và gây được hiệu ứng xã hội nhất định trong một thời gian nhất định. Nhưng sau khi vấn nạn đó hay sự kiện đó qua đi thì bài thơ cũng kết thúc đời sống của nó.

Để chống tham nhũng, chống nạn phá rừng, chống bạo lực gia đình, kêu gọi phòng chống Covid-19… thì các nhà thơ luôn thất bại trước các nhà báo. Trong một lần được mời trợ duyên cho người đứng đầu dòng Kim Cương Thừa từ Nepal sang thuyết giáo ở Văn Miếu, tôi đã nói: “Khi trong lòng ta gieo một hạt hoa thì bên ngoài thế gian sẽ nở những cánh đồng hoa, khi trong lòng ta đạp lên một mầm cây thì ngoài thế gian những cánh rừng sẽ bị tàn phá’’. Để gieo một hạt hoa trong tâm hồn, để nâng một mầm cây trong tâm hồn, nhân loại cần và đã dùng các tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là báo chí.

- Phải chăng vì quá đa mang đa nghĩ mà thơ ông luôn rậm lời, và thơ vẫn chưa đủ để tải chở ngồn ngộn suy tư cảm xúc cảm giác sống của ông, nên ông phải huy động thêm các “đội quân” hỗ trợ như truyện ngắn, tản văn, bình luận xã hội và đặc biệt là tranh nữa? Thơ ông càng chứng tỏ, rằng thơ hay có ba bảy kiểu cách, không nhất thiết phải hàm súc cô nén…

+ Có một số người cũng nhận xét thơ tôi như vậy. Nhưng chúng ta cần tường minh một điều: Sự khúc chiết không phụ thuộc vào độ dài ngắn của câu văn. Thuộc tính của thơ không phụ thuộc vào hình thức của nó. Đường thi, haiku hay Iliad của Homer, Faust của Johann Wolfgang Goethe hay Truyện Kiều của Nguyễn Du đều là di sản lớn của thi ca nhân loại. Đừng ấu trĩ mang hình thức thơ này để phê phán can gián hình thức thơ khác.

Người làm giò tồi không thể trở thành nghệ nhân, nhưng người làm tương giỏi sẽ trở thành nghệ nhân. Sự mở cánh của bông hoa mang tới cho ta một vẻ đẹp và sự tinh kết của một hạt cây cũng mang đến cho ta một vẻ đẹp. Một bonsai mang vẻ đẹp đặc trưng của nó trong không gian một căn phòng hay một khu vườn, nhưng một cái cây mọc trên đỉnh đồi trong nắng, gió, mưa bão cũng mang một vẻ đẹp kì lạ trong không gian của nó.

Tôi viết rất nhiều thể loại là bởi đắm mê cái sự viết của tôi. Không thể loại nào có thể thay thế cho thể loại nào. Người nấu phở dở không thể lấy các món khác bù vào cái nghệ thuật nấu phở dở của mình được. Vì như thế có lẽ món phở càng dở thêm. Nếu một nhà thơ viết các thể loại khác, anh ta sẽ nhận ra rằng, khi viết xong một tập truyện ngắn, một tập phóng sự hoặc vẽ xong một loạt tranh, nếu anh ta quay lại với thơ thì lúc đó những thói quen như một lối mòn khi sáng tác thơ trước đó sẽ có những thay đổi nhất định.

Với tôi, khi vẽ xong một bức tranh, tôi ngắm bức tranh và ở đó có những bài thơ hiện ra mà trước đó tôi đã không tìm thấy và ngược lại. Cũng có lí do là tôi muốn trình bày một hiện thực trên nhiều hình thức, nhiều thể loại. Cũng như chỉ riêng thể loại thơ thì hàng thế kỉ nay hàng triệu nhà thơ trên toàn thế giới vẫn nối nhau viết về cuộc sống thậm chí viết về một đề tài nhưng không ai có thể tuyên bố là họ đã giải quyết xong đề tài đó.

Và có một sự thật là, tôi chẳng bao giờ thấy mình đã chạm được vào vẻ đẹp tối thượng của đời sống này. Và thế, cứ xong một bài thơ thì bài thơ khác lại hiện ra trước mắt đẹp đẽ hơn, quyến rũ hơn và kì vĩ hơn vẫy gọi mình. Đôi khi những văn bản mà một nhà thơ, nhà văn mong ước luôn chập chờn trước mắt họ như cái bóng của họ.

Nhưng điều rất quan trọng là họ được sống và phải sống trong toàn bộ thời gian sáng tạo với tinh thần vươn tới cái đẹp tối thượng cho dù sau đó cái văn bản còn lại không phải là một văn bản nghệ thuật hoàn hảo hoặc chưa phải là một văn bản nghệ thuật. Hãy viết, viết và chỉ có viết mà thôi. Dừng lại nghĩa là chấm hết. Mọi hình thức mãi mãi chỉ là hình thức.

- Văn chương vốn đa sự, luôn khiêu khích công phá mọi mặc định, ổn định. Bản chất của văn chương là truy vấn, là đối thoại. Tôi nhớ ở đâu đó ông từng phát biểu, rằng cuộc đối thoại lớn nhất, khó khăn nhất là cuộc độc thoại, là trò chuyện của ta với chính ta; và ở đầu cuộc trò chuyện này ông có chia sẻ, rằng tư duy với ông cũng chính là sự phản biện chính mình…

+ Tôi có viết hai câu thơ trong bài thơ Độc thoại: Bởi thế tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với chính tôi để chống lại sự can thiệp/ Của những gì không phải là tôi mà lại giống tôi. Cho dù nhà văn viết bất cứ thể loại gì từ một hiện thực nào thì toàn bộ tinh thần, tư tưởng và cảm xúc là của nhà văn. Hiện thực của một nhà văn vĩ đại cũng là hiện thực của tất cả các nhà văn sống cùng thời. Nhưng tác phẩm của họ viết ra lại khác nhau. Có những tác phẩm sáng tạo từ hiện thực đó trở nên vĩ đại và có những tác phẩm sáng tạo từ hiện thực đó chỉ là những trang viết tầm thường.

Trong thân xác bé nhỏ của chúng ta có tất cả ánh sáng - bóng tối, thiên thần - ma quỷ. Và khi viết là lúc các thế lực trong chính con người ta bắt đầu đối mặt và thách đấu. Kẻ chiến thắng là ta và kẻ thất bại cũng chính là ta. Một tác phẩm văn học đúng nghĩa thì điều quan trọng đầu tiên là nhà văn phải trung thực tận cùng với tất cả những gì đang diễn ra trong con người anh ta. Và đó thực sự là cuộc đối thoại khó khăn nhất.

- Một giảng viên đại học chia sẻ trên facebook cá nhân, về nỗi “xúc động” của anh ta khi đọc bài viết của một sinh viên suy tư về văn học, về cả “chút âu lo” của anh ta đối với tác giả của bài viết ấy. Rồi anh ta cảm thán: “Học văn, đôi khi dở tệ chính là ở chỗ này đây: Nhờ nó, mình thấy mình không ổn. Mình cứ day đi dứt lại, mà cuộc đời thì cứ đơn giản trôi đi”. Ông bình luận gì về câu chuyện này?

+ Nhà thơ Phạm Tiến Duật khi còn sống nói với tôi rằng, mỗi bài thơ có khả năng đào một khoảng trống trong tâm hồn người đọc. Khoảng trống ấy là cái gì? Là sự giày vò, là sự thao thức, là suy ngẫm… Ít nhất là thế. Nghĩa là nó đã thực hiện một cuộc cách mạng mang tính mĩ học trong tâm hồn. Những tác phẩm văn học đích thực luôn tạo ra một cuộc cách mạng mĩ học trong tâm hồn người đọc. Và chỉ như thế nó mới làm con người tốt lên, thấu hiểu hơn, ý thức sống hơn và hưởng thụ cái đẹp nhiều hơn.

Những bài báo cho con người biết chuyện gì đang diễn ra trong ngày và dài hơn là trong tuần, trong tháng ở ngoài xã hội. Còn những cuốn sách văn chương cho chúng ta biết những gì đang diễn ra trong tâm hồn chúng ta trong cả cuộc đời. Nhà thơ Ko Un người Hàn Quốc, ứng cử viên giải Nobel văn học, viết đại ý, con người đang mất đi những điều kì diệu của đời sống và sự sáng tạo, chỉ còn biết “biến bò thành thịt bò’’.

- Sở dĩ tôi dẫn câu chuyện của hai thầy trò nói trên một phần vì chúng ta đang nói đến cái sự khiêu khích truy vấn đối thoại của văn chương, phần nữa là vì đôi khi tôi cứ lẩn thẩn hoài nghi, cứ thảng thốt tự hỏi, rằng giữa người bất an bất ổn vì/nhờ văn chương sách vở và người sống đời đơn giản vì/nhờ xa lạ cách biệt với văn chương sách vở thì ai đáng thương hơn ai…

+ Xa lánh văn chương nghĩa là xa lánh cái đẹp thì con người sẽ đi vào một con đường mà nó dẫn con người đi vô định. Họ là những người “đáng thương”, và nói chính xác hơn là những người “đáng lo ngại”. Sự bất an, bất ổn vì văn chương chính là sự tự vấn lương tâm, sự thao thức về những điều xấu-đẹp. Còn sự “đơn giản” của những người xa lạ với văn chương chính là sự vô cảm và không có khả năng hưởng thụ cái đẹp. Di sản lớn nhất của nhân loại là sách, trong đó có văn học. Và nếu một người không được sống trong di sản đó thì chắc chắn người ấy là một kẻ bất hạnh.

- Hiện tại ông đang viết những gì, đang và sắp in những gì?

+ Tôi là một lão già đã 63 tuổi nhưng niềm đam mê sáng tạo và tính tò mò về đời sống này vẫn là của một chàng trai 18 tuổi. Tôi thấy mình may mắn khi có được điều này. Công việc của tôi lúc nào cũng chỉ là viết và thi thoảng là vẽ. Có người nghĩ khi họ viết được mươi cuốn sách, nhận được một số giải thưởng văn chương là sự nghiệp sáng tạo của họ đã xong và họ yên tâm về việc đó. Khi ai đó nghĩ như vậy thì nghĩa là họ đã coi sự sáng tạo văn chương là một sự nghiệp.

Nhưng sáng tạo văn chương đích thực phải là một sự sống. Có những nhà văn khi không thể sáng tạo được nữa họ đã tự sát. Nghĩa là họ không còn khả năng khám phá ra những điều kì diệu của đời sống này. Điều đó thật kinh khủng với họ. Hơn nữa, tôi vẫn muốn nhắc lại, thất bại là một sự thật không công khai trong tinh thần sáng tạo của nhà văn.

Bởi cho đến tận bây giờ, chưa một nghệ sĩ nào có thể tuyên bố rằng anh ta đã khám phá được toàn bộ đời sống này. Sau mỗi một tác phẩm tôi lại thấy mình đã thất bại. Bởi cái tôi cảm thấy, cái tôi muốn chạm tới trọn vẹn đã lại rời xa tôi thêm một chút. Và thế, nó lại “kích động’’ tôi bước tới và bước tới cho tới khi mình nằm xuống hóa thành cát bụi.

Tôi vừa xuất bản tập thơ dài và trường ca Dưới trăng và một bậc cửa, đang in một cuốn sách nhỏ thiếu nhi, đã dịch xong trường ca Lò mổ với một nhà thơ Mĩ để xuất bản vào cuối năm 2020, đang vẽ để làm triển lãm cá nhân vào cuối năm có tên Người thổi sáo, đang làm bản thảo cuốn ghi chép Thế gian và những mặt người, đang sửa chữa lại tập thơ ngắn Nhật kí người xem đồng hồ, đang viết một cuốn sách có tên Tôi đã nhìn thấy gì bên ngoài ô cửa…

Và tôi đang suy nghĩ về thể loại kịch sân khấu. Như đã nói, tôi muốn mỗi ngày có 48 tiếng. Tất nhiên, người viết trăm cuốn sách có thể chẳng tác dụng bằng người viết một cuốn. Nhưng trước hết hãy lao vào đại dương của cảm xúc và những ý tưởng đang tung sóng trong tâm hồn mình. Có thể mình sẽ chết đuối và có thể mình sẽ vượt qua biển. Điều đó đâu phải là quan trọng nhất…

HOÀNG ĐĂNG KHOA thực hiện
Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây