Tôi đọc tác phẩm Con chó xấu xí của nhà văn Kim Lân đã lâu nhưng chỉ đến khi ban trù bị thành lập hội Văn nghệ Hà Bắc ra đời mới được gặp ông (1980). Được biết ông là người được nhà văn Nguyên Hồng đưa đi hoạt động văn hóa cứu quốc trước 1945, quê ông ở Phù Lưu - Tân Hồng - Bắc Ninh trù phú có đủ ngành nghề, buôn bán, không chỉ thuần nông và có chế độ khuyến học đặc biệt nên trí thức ở đây thành đạt khá nhiều.
Nhà văn - dịch giả Thúy Toàn, người cùng làng với nhà văn Kim Lân cho biết: Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài thì nhiều người biết. Nhưng cái tên Tài “rom” (rôm) thì chỉ người làng Phù Lưu mới biết. Thuở trước, cậu bé Tài người nhỏ thó, đen đúa, hiếu động, linh hoạt chạy nhảy suốt ngày; thường đóng cái quần cộc, đánh trần, đầu phơi chẳng mũ nón, hò hét đùa chơi khắp xóm trên làng dưới, mồ hôi mồ kê túa khắp người. Bạn bè cùng lứa gọi ông là Tài “rom”, Tài “rôm” là vậy. Trong làng, ông và nhà quay phim - nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đăng Bảy (Bảy Hổ) - cũng là anh trai vợ nhà văn Kim Lân - rất say tuồng. Không có buổi diễn tuồng nào là ông không có mặt dự, nhất là các tấn tuồng có nhân vật Đổng Kim Lân trong tích Sơn Hậu, ông rất thích tính cách vai diễn này. Cũng có lúc, ông nhập vai khoái thú đến mức múa may, hò hét say sưa. Mê đến mức, khi vào nghề văn, nghiệp văn ông mới lấy bút danh là Kim Lân.
Sinh thời, nhà văn Kim Lân từng tâm sự: “Tôi không được học đến nơi đến chốn. Đang học dở lớp Nhất trường huyện thì bố tôi mất, tôi bỏ nhà xuống Hải Phòng tìm việc làm, không được lại phải quay về làng. Tôi học nghề sơn guốc. Trong sự rẻ rúng của gia đình, nhiều bạn bè đồng học vẫn đi về, đèn sách nhởn nhơ, tôi buồn khổ vô cùng. Đúng ra, là tự ái: “Ta cũng chẳng kém gì các ngươi”. Cái ý nghĩ kiên quyết, ngây thơ đó dã khiến tôi cầm bút. Trong làng tôi, lúc đó có một đám bạn cũng ham thích văn chương. Chúng tôi thường tụ tập trao đổi về văn chương sôi nổi lắm...” (Chặng đường đi tới tạp chí Văn nghệ số 1).
Ông có em ruột là bà Uyên, phụ trách thư viện, nơi chúng tôi thường ra đọc sách báo. Cảm giác gặp nhà văn Kim Lân thấy ông nói chậm rãi, thấu nghĩa thấu tình. Có lần ban trù bị thành lập Hội văn nghệ Hà Bắc tổ chức cuộc gặp mặt thân mật với các nhà văn quê Kinh Bắc sống và công tác tại Hà Nội, tôi đọc bài thơ Về Hải Phòng nhớ nhà văn Nguyên Hồng viết khi một lần về chơi nhà anh bạn ở thành phố Cảng. Sau cuộc tiếp xúc, ông chủ động bắt tay tôi thật chặt và nói: “Tính Nguyên Hồng là vậy quyết liệt và có thái độ lắm: đã ghét ghét cay đắng - đã yêu yêu hết lòng - trái tim ông run rẩy – nước mắt ông lưng tròng...”. Khi đọc tác phẩm của nhà văn Kim Lân ngẫm lại tôi thấy ông cũng có phẩm chất như Nguyên Hồng nghĩa là ông rất dị ứng với cái nhạt cái giả trong văn chương. Ông viết ít đi có lẽ do ông nhận thức rất sâu sắc về nghiệp văn đầy rủi ro và bất trắc “cái tài đến với nhà văn rất tự nhiên, mất đi cũng rất tự nhiên”.
Cũng do sự viết ít đi ấy của nhà văn Kim Lân mà dư luận trong báo giới, văn giới tốn không ít giấy mực luận đàm về việc này. Có người bảo bút lực ông đã cạn, có người nói ông né tránh thực tại, có người bảo nhà văn Kim Lân cái gì cũng biết nhưng ông không viết để giữ gìn nhân cách cho mình!... Âu đó cũng là việc thiên hạ cứ luận bàn, mà ai cấm được họ nhưng bàn về một tài năng như nhà văn Kim Lân thì cũng là một sự lạ. Cũng sau một buổi hội thảo về văn xuôi do Hội văn nghệ Hà Bắc tổ chức trước đây, tôi có đưa nhận định này ra để hỏi nhà văn. Cũng là để giải đáp thắc mắc không những của nhiều người mà cũng là của riêng tôi. Nhà văn Kim Lân cười mủm mỉm, nét vui ánh lên sau cặp kính lão: “Tôi vẫn viết đấy chứ. Chỉ có điều không công bố trên báo chí thôi. Sáng tác thì có ít đi nhưng mình vẫn viết hồi ký Những đêm mất ngủ. Cứ nhớ đến đâu, viết đến đó để ghi lại cái thời mình sống. Theo mình chắc cũng có ích đấy”. Và tôi cứ đợi hoài đợi mãi không thấy nhà văn Kim Lân công bố hồi ký này kể cả khi đưa in tuyển tập của ông… Bấy giờ, nhà xuất bản Văn học có nhã ý mời ông làm tuyển tập. Ngặt mỗi nỗi khi biên tập nhà xuất bản đến gặp thì Kim Lân thú nhận ông chẳng giữ được những tác phẩm đã in hoặc để thất lạc đâu đó không tìm lại được. Nhà thơ Lữ Huy Nguyên - giám dốc nhà xuất bản Văn học lại phải “vào cuộc”; anh vào thư viện Quốc gia, thư viện Khoa học Xã hội lục tìm tác phẩm của nhà văn Kim Lân trong các báo Trung Bắc chủ nhật, Tiểu thuyết thứ bảy, Tạp chí Văn nghệ, Tuấn báo Văn nghệ... Và Tuyển tập Kim Lân đã ra mắt bạn đọc năm 1996 với độ dày không ngờ: 660 trang. Ngoài cái ý nghĩa là người cùng quê Bắc Ninh đầy tình nghĩa, cũng phải nhận thấy sự nỗ lực hết lòng của nhà thơ Lữ Huy Nguyên trong sự trân trọng các nhà văn lớp trước.
***
Vốn quê vùng Kinh Bắc văn hiến, nhà văn Kim Lân là người rất mê quan họ. Không hiểu chất quan họ đã “ngấm” vào ông tự khi nào mà bất cứ canh hát quan họ nào mà ông được mời hoặc chủ động đề xuất ông đều rất sốt sắng. Hội Nhà văn Việt Nam có cuộc hội thảo hoặc các nhà văn nước ngoài đến thăm muốn thưởng thức sinh hoạt văn hóa quan họ nhờ đến ông thì ông sẵn lòng “phone” cho Đoàn quan họ Bắc Ninh ra Hà Nội phục vụ ngay không một chút nề hà. Nhà văn Kim Lân thuộc khá nhiều các làn điệu quan họ, tôi đã được nghe ông hát cùng một “liền chị”. Giọng ông khàn đục nhưng ấm áp như vọng về từ một thưở nào đó xa xăm:
“Nay nhớ thương tôi phải đi tìm
Mai người nhớ người lại sang chơi”
(Buôn bấc buôn dầu)
Ông có thể giải thích cho các bạn bè văn nghệ xa gần khi có dịp tiếp xúc với những lề lối quan họ, cách ăn mặc, ứng xử giao tiếp của người quan họ cặn kẽ tỉ mỉ như một người sành quan họ. Có lúc nhân cuộc vui, ông nói với tôi: “Đất quê mình sản sinh ra loại hình dân ca quan họ “độc nhất vô nhị” này, dây vào cũng thỏa một đời”. Có dịp nào sang Bắc Ninh chơi, nhà văn Kim Lân cũng đến thăm vợ chồng Khánh Hạ, một “liền chị” ông nhận làm con nuôi. Và tất nhiên không thể thiếu một canh hát quan họ với lối hát giao duyên cất lên hồn vía của dân ca đồng bằng Bắc bộ.
Khi chuyển về Hà Nội, thỉnh thoảng tôi có đến thăm nhà văn Kim Lân ở ngõ Hạ Hồi. Nhà ông nép vào một ngõ nhỏ trong cái “bành trướng” của nhà cao ốc xô bồ và nhộn nhạo. Khuôn viên ông ở dù chật mấy cũng đủ bồn hoa, chậu cảnh, bể cá... làm sáng lên cái ánh nắng yếu ớt cuối ngày. Chậm rãi sau một hơi thuốc lào thật đã, nhà văn Kim Lân kể tôi nghe những ngày ở ấp Sậu (Bắc Giang) với các nhà văn tài danh một thuở: Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Anh Thơ... với biết bao ân nghĩa. Ông bảo những năm tháng ấy thấm vào trang viết như có “thần nhập”, không phải muốn mà có được đâu. Ông nói: “Tôi, bác Tố (Ngô Tất Tố), anh Hồng (Nguyên Hồng) chúng tôi ở cùng một ấp, làm cùng một cơ quan, cùng chung một cảnh, đi về có nhau, thân thiết như người trong một nhà trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Mỗi lần ở cơ quan về vui lắm. Đang trò chuyện cười cợt, vậy mà khi sắp về tới nhà, thì tất cả lại lặng ắng. Đăm đăm nhìn về ngọn đồi trọc, chơ vơ vài nóc nhà lợp rạ. Chưa nghe thấy tiếng nhưng đã trông thấy những hình dáng quen thuộc đang tất bật với công việc ngoài sân, ngoài vườn. Những đứa trẻ chạy đi chạy lại lăng quăng... chúng tôi lặng đi vì thương vợ thương con. Từ đấy về nhà, hầu như không ai nói gì nữa. Bác Tố xì mũi, ho thúng thắng. Trong chúng tôi, bác Tố nhiều tuổi nhất. Dọc đường, tuy không bảo nhau chúng tôi đều có ý thức phải phục vụ bác thật chu đáo. Mỗi bận đi về, chiều đến thế nào cũng phải ngủ lại ở một quán trọ nào đấy, uống vài chén rượu lấy sức mai lại lên đường. Tôi vốn tinh nhanh, thông thuộc nhiều ngõ ngách hầm hố tránh bom dọc đường nên hay xăng xái đi trước. Khi đến Đèo Khế, tôi bứt lên lướt qua trước xem quán nào có thể nghỉ lại được, rồi báo cho ông Nguyên Hồng. Ông Hồng vốn thạo, sành các món ăn, và điều quan trọng là ông ấy biết cách “gọi” vừa ngon lại vừa với túi tiền. Bao giờ cũng vậy, trước khi uống ông Hồng đã loay hoay treo màn sẵn chiếm chỗ nằm trước rồi. Rượu vào, Ngô Tất Tố bắt đầu nói, thoạt đầu còn rì rầm, say sưa về văn thơ cổ. Chuyện cứ to dần lên, ông kể về Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng... về những người làm báo, về cái vui buồn của người làm báo. Tôi rất mê những lúc như thế này, những câu chuyện vừa quen lại vừa thật lạ, hấp dẫn vô cùng. Ngô Tất Tố đúng là một nhà Nho uyên bác, lão thực. Ông có vốn hiểu biết sâu rộng đến ngạc nhiên. Những hiểu biết của ông về nông thôn khiến chúng tôi hết sức thèm muốn. Ông hiểu từ tổ chức xã hội nông thôn, từ trưởng lý kỳ hào... đến các hội đồng, nó làm gì, mánh lới nó ra sao. Ông am tường vấn đề đạo lý, lễ giáo của nông thôn từ bao đời. Ông có thể giảng cho chúng tôi nghe về từng chi tiết trong nếp nhà tranh cổ truyền, thế nào là cái chái, cái mè, cách buộc nút lạt, cách đặt cái đón tay. Ông say sưa cho chúng tôi nghe về những công việc không đầu không cuối của nhà nông trong một năm, sớm hôm vất vả như thế nào... Nghe Ngô Tất Tố tôi thật sự nhận ra cái vốn hiểu biết của mình về nông thôn, những trang viết của mình về người nông dân chỉ như chuồn chuồn đạp nước. Bạn bè khuất núi cả, nghĩ cũng buồn. Mà không khí chung quanh cứ ào ào thế, nó không hợp với tạng của mình. Thích nghĩ ngợi, ngại nơi ồn ã...”.
Bây giờ ông đã thanh thản về nơi vĩnh hằng. Không hiểu nhà văn Kim Lân đã thanh thản chưa khi nợ trần gian đối với người cầm bút cũng khó nguôi ngoai lắm. Tôi lại nhớ đến khuôn mặt nửa mờ nửa tỏ trong chiều muộn của ông. Không hiểu những nhân vật ông Cả Ngũ, Nhược Nhự, bà mẹ Cẩn... mà ông dựng lên đã từng thấm đẫm tính cách người xứ Bắc in dấu trong lòng bao thế hệ bạn đọc có phần nào an ủi ông trong nghiệp văn của mình. Riêng tôi nghiệm rằng trong đời nhà văn Kim Lân cũng từng đã có lúc “tận hưởng cái giờ phút yên bình nhất” khi hóa thân vào nhân vật do mình tạo ra: “Từ phút ấy, ông mới thấy mình thật sống, mình thật là mình, yên ổn thoải mái. Một nỗi vui phấn chấn tràn vào đầy ngập trong người. Cứ thế ông đứng lặng trong bóng chiều, chìm đắm trong những tiếng xao động từ mặt đất bay lên quấn quýt, bao quanh lấy ông, tận hưởng cái giờ phút yên bình nhất của một ngày gác máy bay căng thẳng trên ngọn núi Côi Kê này...” (Bố con ông gác máy bay trên núi Côi Kê).
Tác giả: Nguyễn Thanh Kim
Nguồn Văn nghệ số 37/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên