Ra mắt "Tuyển tập luận đề" của Bùi Giáng

Thứ sáu - 04/09/2020 10:45
Bùi Giáng - Tuyển tập luận đề (NXB Văn học phát hành) tập hợp những bài viết nổi tiếng của tác giả Bùi Giáng ấn hành trước 1975, giới thiệu các bài viết của cố thi sĩ về Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Bà Huyện Thanh Quan....

Theo đơn vị xuất bản, Bùi Giáng - Tuyển tập luận đề  góp phần giúp bạn đọc hiểu sâu sắc và có cái nhìn toàn cảnh về những tác phẩm văn học cổ, dưới góc nhìn của tác giả Bùi Giáng như: Thúy Vân, Tam Hợp Đạo Cô - Hai mệnh đề phụ của Nguyễn Du (Quế Sơn - Võ Tánh xuất bản, Sài Gòn, năm 1969); Một vài nhận xét về Truyện Kiều và truyện Phan Trần (Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, năm 1957); Một vài nhận xét về Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm, Quan Âm Thị Kính (Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, năm 1957); Một vài nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan (Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, năm 1957).111

Nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận xét: "Bình về tác giả, tác phẩm nào, Bùi Giáng đều có cái nhìn độc đáo, những phát hiện phát sáng đáng tâm phục". Theo đơn vị phát hành, Bùi Giáng mở ra một cách tiếp nhận văn chương tài hoa, cởi mở, phóng khoáng. Điều này lý giải vì sao các tập luận đề của ông từng là sách gối đầu giường của những học sinh, sinh viên đam mê văn chương và giới giảng dạy văn học ở miền Nam trước 1975.

Cố nhà văn Bùi Giáng sinh năm 1926, là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng... Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa nguồn. Ngoài thơ, ông còn nổi tiếng trong lĩnh vực biên dịch. Các sách dịch nổi tiếng của ông là Hoàng tử bé (1973), Mùa xuân hương sắc (1974)...

Thơ và thơ dịch của ông còn được Trịnh Công Sơn phổ thành nhạc với bài Con mắt còn lại, Phạm Duy với bài Mùa thu chết... Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá thơ ông đậm chất lãng mạn, tinh nghịch, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, luôn là những lời vấn đáp về ý nghĩa cuộc đời, lẽ sinh tồn, về những chuyện phù du, dâu bể... Ông tạo ra một trường phái thơ ca, một phong cách dịch thuật, giảng bình văn học, tiểu luận tư tưởng độc đáo. Ông qua đời năm 1998 tại TP HCM vì tai biến.

Theo Văn nghệ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây