KỶ NIỆM 150 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ TRẦN TẾ XƯƠNG (5-9-1870 - 5-9-2020) Nhà thơ Trần Tế Xương - Một nhân cách văn hóa

Chủ nhật - 13/09/2020 12:56
Nhà thơ Trần Tế Xương (tức Tú Xương) tên khai sinh là Trần Duy Uyên tự Tử Thịnh, Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, sau khi thi đậu Tú tài có bút danh Tú Xương, sinh ngày mùng 10 tháng 8 năm Canh Ngọ (ngày 5 tháng 9 năm 1870), ở làng Vỵ Xuyên, huyện Mỹ Lộc, sau là phố Hàng Nâu,  nay là phố Minh Khai, phường Vỵ Xuyên, thành phố Nam Định. Xuất thân trong gia đình nhà nho nghèo, cha là cụ Trần Duy Nhuận làm chức Tự thừa ở dinh Đốc học Nam Định, nhà thơ Trần Tế Xương cưới vợ sớm. Vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn cũng là con nhà nền nếp, người gốc xứ Đông (Hải Dương), được xem là người tiêu biểu cho những đức tính tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam xưa, hay lam hay làm, tần tảo, thương chồng, thương con, nhẫn nại, “Một duyên hai nợ âu đành phận/ Năm nắng mười mưa dám quản công”. Bà là người “tiếp sức” cho chồng thỏa chí của một đấng nam nhi trong học hành thi cử, làm thơ và giao du: “Cho hay công nợ âu là thế/ Mà vẫn phong lưu suốt cả đời”, “Kìa thơ tri kỷ đàn anh nhất/ Nọ khách phong lưu bậc thứ nhì”...

Thời nhà thơ Trần Tế Xương sống là giai đoạn bi phẫn nhất của dân tộc, phong trào yêu nước Cần Vương dần bị thoái trào; năm 1873 Pháp đánh Hà Nội lần thứ nhất rồi tấn công Nam Định; năm 1884 triều đình nhà Nguyễn chính thức ký hàng ước dâng đất nước ta cho giặc Pháp. Là người học hành có chí, lại có tài làm thơ, cũng như bao nho sĩ trẻ, nhà thơ mang khát vọng học hành thành đạt để có cuộc sống tử tế. Năm 1886 lúc 16 tuổi ông đã đi thi hương, rồi kiên trì đeo đuổi đến tám khoa thi (vào các năm 1886, 1888, 1891, 1894, 1897, 1900, 1903, 1906). Có lẽ phong cách phóng khoáng, không tuân thủ theo lối văn khuôn sáo cử nghiệp, cộng với cách thức thi cử “chọn nhân tài” của chế độ thực dân phong kiến đương thời, nên ông lận đận mãi. Phải đến khoa thi thứ tư, niên hiệu Thành Thái thứ 6 năm Giáp Ngọ 1894, khi đã 24 tuổi, ông mới đỗ Tú tài thiên thủ, lấy thêm cuối bảng. Những mong chăm chỉ đèn sách để có tấm bằng cử nhân cho đỡ tủi phận nghiên bút, thoát cảnh “thua mãi anh em cánh Bắc Kỳ”, lần thi cuối cùng, niên hiệu Thành Thái thứ 18 năm Bính Ngọ 1906 ông còn đổi tên Trần Tế Xương bằng Trần Cao Xương nhưng vẫn không thành. Ông cay đắng nhận ra “cửa Khổng sân Trình” của cái buổi nhiễu nhương này, không có ngôi vị nào dành cho những người như ông. Ông đành chấp nhận số phận cuộc đời, phải sống trong môi trường thị dân đang bị chi phối sâu sắc bởi chế độ thực dân nửa phong kiến, nhiều giá trị đạo đức và nhân văn bị pha tạp hoặc đảo lộn.
Tuy vậy, ông không buông thả theo kiểu sống hèn hạ, nhu nhược, tầm thường. Ông chọn cho mình cách “nhập thế” của một “nhà nho - quân tử” mang dòng máu cương phương của kẻ sĩ Bắc Hà: “Nhập thế cục bất khả vô văn tự” (Bước vào cuộc đời thì không thể không có văn chương chữ nghĩa). Những bài thơ ngông nghênh, cợt nhả, bất cần, thật ra chỉ là cái mã nghĩa bên ngoài, còn ẩn chứa bên trong chính là bầu tâm sự sâu nặng của một văn nhân ưu thời mẫn thế: “Trời không chớp bể với mưa nguồn/ Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”, “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”, “Tình này ai tỏ cho ta nhỉ/ Tâm sự năm canh một ngọn đèn”, “Thiên hạ dễ thường ai ngủ cả/ Việc gì mà thức một mình ta”, “Non non, nước nước, tình tình/ Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ”… Ông tự nguyện sống với nghiệp thi ca, rồi thỏa sức vùng vẫy trong địa hạt Thơ mà trời phú cho ông tài thơ, dư sức sáng tạo. Đó là hành vi văn hóa đích thực, là cách ứng xử của một nhân cách văn hóa mang tên Trần Tế Xương.
111
Người dân đến tham quan Di tích lưu niệm nhà thơ Tú Xương tại số 280, phố Minh Khai (thành phố Nam Định). Ảnh: Viết Dư
Ông luôn tự thấy hổ thẹn - sự hổ thẹn liêm sỉ của lòng tự trọng. Thơ nói về học hành thi cử xưa nay cũng đã nhiều, nhưng viết hay, nói thấm thía đến tận cùng gan ruột của “người trong cuộc” đích thực, phải là thơ của nhà thơ Tú Xương: “Học đã sôi cơm nhưng chửa chín/ Thi không ăn ớt thế mà cay”, “Đau quá đòn hằn/ Rát hơn lửa bỏng/ Hổ bút, tủi nghiên/ Tủi lều, tủi chõng”… Nhiều tâm sự của nhà thơ đến nay đọc lại vẫn cay nơi sống mũi, thương lắm cái khát vọng thi cử mong đỗ đạt để: “Mở mặt quyết cho vua chúa biết/ Đua danh kẻo nữa mẹ cha già”, “Anh lăm le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ”…
Đề tài trong sáng tác thơ Trần Tế Xương không trừu tượng, mà lấy ngay từ những con người thực, cảnh sống thực ở Thành Nam lúc bấy giờ. Nhà thơ luôn cảm nhận nỗi nhục của thân phận nô lệ, khi chế độ thực dân phong kiến bắt đầu “trổ sừng mọc gạc” mọi ngõ ngách của cuộc sống. Đồng tiền chi phối mọi quan hệ xã hội, phá hoại mọi thuần phong mỹ tục. Nhân tài đất Bắc “rặt một phường hay chữ” thực chất chỉ là những kẻ “văn dốt võ dát” vô liêm sỉ, mua danh, vênh váo, xu nịnh bợ đỡ quan Tây để kiếm bơ thừa sữa cặn; những công chức thuộc địa làm thuê, sống tẻ nhạt “sáng vác ô đi, tối cắp ô về”; hình ảnh bọn me tây, gái điếm, bọn con buôn giảo hoạt, những ông Tây bà đầm … Dưới ngòi bút nhà thơ, chúng hiện lên với tất cả vẻ hợm hĩnh, lố lăng, kệch cỡm. Thơ ông luôn đem lại cái bất ngờ thú vị, tiếng cười trong thơ ông sắc bén, xé toang cái hình thức bề ngoài của đối tượng, khiến chúng bị phơi bày nguyên hình. Có thể nói, nhà thơ đã đem đến cho văn học những bức ký họa thơ đầy ấn tượng về một cuộc sống phức hợp vừa đa dạng vừa cụ thể, chi tiết. Qua đó, ông khái quát được tính chất của xã hội phong kiến suy tàn bị thực dân hóa áp đảo, đang chà đạp lên những phạm trù đạo đức thiêng liêng của một thời quá vãng. Nhà thơ cảm nhận sự băng hoại đạo đức đang ngấm vào từng gia đình ngay ở mảnh đất Vỵ Hoàng: “Nhà kia lỗi phép con khinh bố/ Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng/ Keo cú người đâu như cứt sắt/ Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng”… Nếu đặt trong dòng chảy văn học Việt Nam, ít có nhà thơ trào phúng nào có giọng điệu sắc sảo, sâu cay, quyết liệt như Tú Xương. Đã có ý kiến cho rằng: Nhà thơ Trần Tế Xương không hoa đao truyền hịch như các bậc đàn anh Phạm Văn Nghị, Vũ Hữu Lợi…, nhưng ông có vũ khí đánh địch riêng, những bài thơ sắc như gươm, có sức mạnh đâm trước chém sau vào thằng địch, kẻ cướp nước và quân bán nước.
Trong thơ Trần Tế Xương còn có một mảng quan trọng là chân dung tự họa. Hình tượng nhân vật trữ tình Tú Xương trong thơ vừa là hình ảnh thân phận riêng của nhà thơ, vừa có tính chất một điển hình văn học về một kiểu nhà nho tài tử. Bên cạnh những bài thơ tự chế giễu một con người ăn chơi đãng tử, cường diệu những mặt nhược điểm, là những vần thơ chan chứa yêu thương đối với vợ con, gia đình, những người lao động nghèo, đồng thời tha thiết với vận mệnh đất nước nhưng bất lực. Nhà thơ cảm thấy vô cùng cô đơn giữa một xã hội bát nháo, hỗn loạn chạy theo ăn chơi, đồng tiền và danh lợi: “Sực tỉnh trông ra ngỡ sáng lòa/ Đêm sao đêm mãi thế ru mà”, “Nước biếc non xanh coi vắng vẻ/ Kẻ đi người lại dáng bơ vơ”, “Hỏi người chỉ thấy non xanh ngắt/ Đợi nước càng thêm tóc bạc phơ”, “Một mình đứng giữa quãng bơ vơ/ Có gặp ai không để đợi chờ”… Những bài thơ ông viết trực tiếp hoặc gián tiếp nói về vợ - bà Tú, như: Thương vợ, Đau mắt, Mùa nực mặc áo bông, Than nghèo, Than thân chưa đạt, Quan tại gia…, đều có hình thức trào lộng, nhưng bộc bạch tình thương yêu giản dị chân thật, sâu nặng, đậm chất nhân văn. 
Ông sáng tác khá nhiều thơ, tuyệt đại bộ phận là thơ Nôm viết bằng các thể thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, lục bát và song thất lục bát. Ngoài ra ông có viết một ít văn phú, đặc biệt ông còn là một dịch giả tài hoa và uyên bác góp phần làm sáng tỏ vẻ đẹp nhiều bài thơ Đường Trung Quốc. Do đặc điểm hoàn cảnh ông mất đột ngột, chưa kịp tập hợp lại, cũng không có di cảo, nên thơ ông còn thất lạc và có thể có sự nhầm lẫn như giới nghiên cứu phê bình đã đề cập.
Về nghệ thuật, sáng tác thơ Trần Tế Xương đã góp phần thúc đẩy sự phát triển thơ ca dân tộc, từ bỏ những hình thức ước lệ trừu tượng, công thức quy phạm của nghệ thuật văn học trung đại. Nhà thơ đã nâng ngôn ngữ đời thường thành ngôn ngữ nghệ thuật với tất cả sức diễn tả, tính hàm ngôn và vẻ đẹp thẩm mỹ của nó. Thể thơ luật Đường được ông thỏa sức sáng tạo qua từ ngữ thông dụng nôm na, nhưng thâm thúy và vẫn giữ nghiêm niêm luật của thể loại. Nghiên cứu thành tựu thơ Trần Tế Xương mấy chục năm qua, tuy có một vài chi tiết cần tiếp tục khảo sát để sáng tỏ như số lượng bài thơ, có hay không việc một số bài thơ chưa rõ lai lịch sáng tác, nhưng gần như “chúng khẩu đồng từ” đều khẳng định: Thơ Trần Tế Xương thành công cả nghệ thuật trào phúng và trữ tình. Trữ tình là cái gốc trong thơ Trần Tế Xương. Trào phúng không bao giờ khô khan nhạt nhẽo vì được viết trên nền tảng của cảm xúc thực. Trào phúng không chỉ gây cười mà bao giờ cũng thâm thúy sâu cay bằng chiều sâu nhận thức. Ông kế thừa chất trào lộng trong dân gian, tiếu lâm, truyện cười, truyện Trạng Quỳnh, thơ Hồ Xuân Hương… và nâng lên ở chiều sâu trào phúng mới.
Nhà thơ Trần Tế Xương đột ngột ra đi vào rằm tháng Chạp năm Bính Ngọ (ngày 28 tháng 1 năm 1907) sau cơn bạo bệnh, khi ông vừa trải qua khoa thi thứ tám. Nhà thơ mới 37 tuổi, cái tuổi đủ độ dày, độ chín của cuộc đời và sự nghiệp sáng tác. Ông đã hóa vào cõi linh của đất thiêng Thành Nam, nơi ông đã sống, đã tận tâm tận hiến sức sống tâm hồn, tài hoa và nghị lực của mình. Chắc hẳn nhà thơ “ngậm cười chín suối”, khi người dân Thành Nam không những không quên ông, mà còn thấy giá trị tinh thần thơ ông, được thưởng thức trong cái thơm thảo - hữu tình - thi vị đặc trưng cùng sản vật quê hương:“Ăn chuối ngự, đọc thơ Xương”. Ngôi mộ ông đã được trang trọng đặt ngay bên Hồ Vỵ Xuyên, một con đường đẹp cạnh hồ và một trường tiểu học đã mang tên ông… Các học giả, các nhà văn, nhà thơ lớn đã vinh danh ông: “Tú Xương xứng đáng đứng vào hàng những nhà thơ trào phúng lớn của thế giới” (Giáo sư Albert Smit - Anh); “Trong bầu trời thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay, nếu chọn lấy năm ngôi sao sáng nhất, thì Tú Xương là một trong năm ngôi sao ấy” (Jean Courier - Pháp); Tú Xương là bậc “Thần thơ thánh chữ” (Nguyễn Công Hoan); “Ông nghè ông thám vô mây khói/ Đứng lại văn chương một Tú Tài” (Xuân Diệu); “Một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam” (Nguyễn Tuân); “Học Tú Xương còn nhiều. Trên hết là học lòng yêu nước, yêu dân và căm thù những bọn hại nước hại dân” (Chế Lan Viên); “Tôi được ảnh hưởng nhiều nhất của Tú Xương, nên tôi truy tôn cụ Tú làm thầy học và lấy biệt hiệu là Tú Mỡ, mặc dầu tôi không đỗ Tú tài và người chẳng có tí mỡ nào.”(Tú Mỡ).
“Nhân vô thập toàn” (!). Nhà thơ Trần Tế Xương trước hết là một con người thực sống giữa cuộc đời thực nghèo túng, lận đận với khoa cử và mất sớm, khi mọi việc vẫn còn dang dở. Vậy nên việc đòi hỏi nhà thơ phải toàn bích, ngay cả những điều nhà thơ không thể có, hoặc chưa thể có, sẽ không thấy hết những cống hiến to lớn của nhà thơ về phương diện thi ca và văn hóa. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ Xuân Diệu xếp nhà thơ Tú Xương đứng thứ năm, sau bốn nhà thơ lớn của dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm. Cũng không phải ngẫu nhiên Bảo tàng Văn học Việt Nam đã lựa chọn nhà thơ Tú Xương trong hai mươi tác giả lớn được đúc tượng đồng toàn thân để đặt trong vườn tượng thi nhân tại Bảo tàng Văn học Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội. Chúng ta tự hào mảnh đất Nam Định đã hình thành truyền thống văn hóa Nam Định mang tâm hồn cốt cách tinh thần Nam Định bao nhiêu, lại càng tự hào có nhà thơ Trần Tế Xương một trong những nhân cách văn hóa kết tinh từ truyền thống văn hóa Nam Định, một trong những tác giả lớn của nền văn học Việt Nam bấy nhiêu. Tên tuổi nhà thơ từ lâu đã trở thành một định ngữ đặc trưng thành phố Nam Định: Ông Tú Vỵ Xuyên, Ông Tú Thành Nam.
Xin được tri ân với anh linh nhà thơ Trần Tế Xương:
“Thật giả Thành Nam, buổi nhiễu nhương
Đèn xanh một ngọn, rạng văn chương.
Trường thi lận đận lòng chua chát
Cảnh sống long đong dạ vấn vương.
Sắc sảo, tâm hồn ưa đả kích,
Thiết tha, nghệ thuật nặng yêu thương.
Tài cao, phận mỏng thơ không mỏng,
Ngạo nghễ thi đàn một Tú Xương”.
Nguyễn Công Thành
(Chủ tịch Hội VHNT tỉnh)

Theo Báo Nam Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây