Viết về người lính Cụ Hồ, thơ ca Việt Nam có nhiều tác phẩm hay. Có thể kể đến Tây Tiến của Quang Dũng, Đồng chí của Chính Hữu, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu, Bao giờ trở lại của Hoàng Trung Thông, Nhớ của Hồng Nguyên… trong kháng chiến chống Pháp; Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây của Phạm Tiến Duật, Năm anh em trên một chiếc xe tăng của Hữu Thỉnh… trong kháng chiến chống Mĩ. Trong số đó, không thể không kể đến Cuộc chia li màu đỏ của Nguyễn Mỹ. Thi phẩm ra đời cách đây hơn nửa thế kỉ. Thời gian đủ để thanh lọc, thẩm định và giữ lại những giá trị bền vững. Tại miền Bắc vào năm 1964, khi bài thơ của Nguyễn Mỹ ra đời và được in trên báo Văn nghệ, nhiều người đã ngạc nhiên thích thú trước vẻ đẹp rất mới của bài thơ. Nguyễn Mỹ có cái tầm của một nhà thơ lớn, cho dù sự nghiệp văn chương còn đang dang dở.
Nguyễn Mỹ quê ở An Nghiệp, Tuy An, Phú Yên. Năm 1952 ông tham gia bộ đội. Năm 1955, Nguyễn Mỹ tập kết ra Bắc. Sau khi tốt nghiệp lớp báo chí do Bộ Văn hóa mở, ông về làm việc tại Nhà xuất bản Phổ thông, Hà Nội. Năm 1968, Nguyễn Mỹ xung phong vào Nam, được phân công tác ở Ban Tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn khu V. Nguyễn Mỹ sáng tác ca dao tuyên truyền chủ yếu ở căn cứ địa Trà My, Quảng Nam. Ngày 16/5/1971, trong một lần địch càn quét, Nguyễn Mỹ đã hi sinh khi mới 35 tuổi.
Nhiều người cho rằng Cuộc chia li màu đỏ được chú ý bởi nó ra đời đúng thời điểm. Vào thời gian này, miền Bắc trở thành hậu phương lớn và đang ra sức chi viện cho miền Nam. Nhiều chàng trai, nhiều người chồng phải xa gia đình, người thân lên đường vào Nam. Nguyễn Mỹ đã bắt nhịp được với không khí của thời cuộc và lên tiếng đúng lúc. Điều đó hẳn nhiên có cơ sở. Nhưng nếu đem so với chiều dài của lịch sử dân tộc với bao cuộc chinh chiến thì chuyện Nguyễn Mỹ nói quá bình thường và quen thuộc. Huống chi chúng ta đã từng có những áng văn chương lớn nói về những cuộc chia li làm não lòng nhiều thế hệ người đọc Việt Nam. Giọt nước mắt của người chinh phụ như còn đầm đìa trên trang sách Chinh phụ ngâm. Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Chế Lan Viên... cũng có làm thơ nói đến chia li, tiễn biệt. Thế nhưng “cuộc chia li” của Nguyễn Mỹ vẫn là biểu tượng đẹp và khó quên nhất gắn liền với hiện thực thời chống Mĩ.
Cũng có người cho rằng bài thơ độc đáo là do màu sắc rực rỡ của nó. Nguyễn Mỹ đã chọn màu đỏ tươi, chói sáng thay cho màu “xanh ngắt” trong Chinh phụ ngâm, thay cho màu tím “biền biệt” của Hữu Loan. Viết về một cuộc chia li bịn rịn, lưu luyến giữa chồng với vợ, mà Nguyễn Mỹ lại chọn màu đỏ - vốn là màu nóng, chói chang, khó diễn tả tình cảm mang tính chất riêng tư nhất. Bài thơ lạ và hay chính ở sự lựa chọn màu sắc này. Toàn bài thơ tràn ngập sắc đỏ. Có cả một không gian lộng lẫy: buổi trưa cuối thu, vườn hoa, hàng cây... đều như được tỏa sáng từ màu đỏ trên chiếc áo của người đưa tiễn. Màu đỏ đã gieo vào lòng người đọc sự tươi sáng lạc quan - điều con người ta cần nhất trong thời điểm ấy. Và cũng qua màu đỏ ấy, Nguyễn Mỹ đã vẽ nên được hình ảnh đẹp, chân thực và ấn tượng về người vợ trẻ. Thơ xưa lấy thiên nhiên miêu tả con người. Nguyễn Mỹ cũng áp dụng công thức ấy nhưng thơ ông lại hiện đại, gợi cảm. Này đây là “bình minh hé giữa làn môi”, “rạng đông với màu hồng ngọc” và “những giọt long lanh, nóng bỏng”... Chân dung cô gái tươi tắn, sinh động biết bao, không chỉ có cảm xúc mà cả cảm giác đều rất thực, rất cụ thể với màu da, khuôn mặt, đôi mắt, đôi môi. Nhà thơ đóng vai người thuật chuyện, miêu tả giản dị mà không sa vào liệt kê, kể lể tầm thường hoặc thật thà đến mức dễ dãi. Ông biết nâng hiện thực lên một bước bằng nghệ thuật. Màu sắc không chỉ tô điểm mà thành biểu tượng trong thơ ông.
Nếu như Nguyễn Mỹ là họa sĩ hẳn ông sẽ thành công trong việc xử lí màu trên các bức tranh của mình. Nhưng người đọc sẽ nhớ ông trong thơ bằng tài năng này. Ngoài Cuộc chia li màu đỏ, Nguyễn Mỹ còn có các bài Giấc mơ xanh, Hoa cúc tím, con đường ấy và nhiều bài thơ hay khác.
Giấc mơ xanh là một bài thơ ngắn gồm 4 khổ viết về quê mẹ Phú Yên, về đầm Ô Loan ở Tuy An - nơi tác giả sinh ra và lớn lên. Bài thơ được viết vào năm 1966, lúc nhà thơ đang ở Hà Nội. Trong tình yêu và nỗi nhớ của người con xa quê, quê hương đồng nghĩa với mẹ, với sự đùm bọc chở che vững bền. Cảm xúc này được thể hiện bằng giai điệu êm ái, nhẹ nhàng, tha thiết: Giấc mơ xanh còn xanh mãi của tôi/ Là Ô Loan đầm nước trong ngời/ Tôi như con sóng nhoài trên biển/ Mẹ gọi về đây nghỉ chút thôi/ Mẹ đặt đầu tôi trên lưỡi cát/ Chắn ngang biển lớn đến tìm tôi/ Ru tôi mẹ hát bài dương liễu/ Rắc ước mơ vào trong sóng khơi...
Với nhà thơ, mẹ không chỉ sinh ra, nuôi con lớn mà mẹ còn là người “rắc ước mơ” và chí tang bồng cho mình. Con như con sóng mải mê xa khơi đến tận biển rộng trời cao nhưng vẫn nhỏ bé, âu yếm trong tình thương bao la của mẹ. Trong thơ Nguyễn Mỹ, tự nhiên vừa là hiện thực vừa được biểu tượng hóa. Cái màu xanh trong veo của nước vừa là màu sắc lung linh của giấc mơ, vừa là màu của hiện thực được phản chiếu trong tiềm thức. Trong cõi mộng tìm về với mẹ có “đầm nước xanh”, “sóng biển xanh”, “dương liễu xanh”, “cụm núi Sầm xanh”, “rêu xanh”, “đời xuân xanh” và cả “đỉnh trời xanh”. Từ thấp lên cao, từ gần đến xa, từ thiên nhiên đến con người, bức tranh màu xanh được mở rộng hầu như không giới hạn về biên độ. Nhưng con người không ngủ quên trong giấc mơ. Kết thúc bài thơ là hình ảnh lãng mạn mà rất thực: Con đi mẹ nhé triều đang gọi/ Nâng giấc mơ lên tới đỉnh trời. Cả bài thơ không có câu thơ nào nói tới chiến đấu, hi sinh, không bày tỏ hiện thực trực tiếp cụ thể nhưng Giấc mơ xanh của Nguyễn Mỹ vẫn là một bài thơ cảm động nói về mẹ và quê nhà, nói tới nỗi nhớ quê hương của những người ra đi để bảo vệ lí tưởng. Ra đi mãi chưa kịp về thăm quê mẹ, giờ lại ngủ yên ở một nơi xa, Giấc mơ xanh giống như mặt nước đầm Ô Loan vẫn còn đó, vẫn thăm thẳm và xanh biếc đau thương trong thơ Nguyễn Mỹ.
Nguyễn Mỹ đã lìa xa cõi thế# gần nửa thế kỉ. Nhiều hơn so với số tuổi ông được sống. Ai biết linh hồn ông đã tìm về quê mẹ Ô Loan, Tuy An chưa hay vẫn còn ở nơi căn cứ địa Trà My của Quảng Nam? Nghệ sĩ đã ngừng cầm bút hay vẫn lang thang kiếm tìm chính mình? Mong là nhà thơ đã an nhiên ở một chân trời mới nhiều hoa thơm và nhiều màu sắc đẹp. Chỉ có người ở lại đọc thơ ông, thấy rưng rưng màu tím thương nhớ vì tình yêu cuộc đời, yêu con người quá đỗi chân thành, tha thiết của ông: ... Anh lang bạt đi tìm Anh từ dạo ấy/ Ở trong đất và trong máu chảy/ Nghe nơi mình còn có chút niềm vui/ Gửi cho Hoa cúc tím ở trong đời/ Từ vườn xoan anh lại sang vườn khế/ Lên đồi sim rồi lại xuống vườn cà/ Đâu cũng tìm một màu thương nhớ/ Biết mấy màu tím ở trong hoa... (Hoa cúc tím).
Nguyễn Thị Thu Trang/VNQĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên