Tôi đã đọc những tập thơ của anh, gần đây nhất là Thả vào đêm sóng. Cảm giác đầu tiên là tấm lòng tác giả với quê hương, ăm ắp nỗi niềm thương nhớ của một người con xa:
Con về nương bóng sông Chanh/ hôn vào dòng sữa ngọt lành... mẹ thương/ Bước chân lầm lũi vô thường/ bao mùa trôi dạt tha phương xứ người (Con về nương bóng sông Chanh).
Với Vĩnh Bảo, quê hương là tất cả. Vĩnh Bảo có một tuổi thơ êm đềm trên quê hương mình. Dung dị mà diệu vợi. Mơ hồ mà chất phác, mộc mạc. Xa xôi quá mà vô cùng gần gũi. Nó là máu thịt, hơi thở, hồn cốt... không thể tách khỏi bản thể TA. Kí ức tuổi thơ với cánh cò bay lả, với vạt cỏ triền đê, nghe rì rào tiếng hát của dòng sông, ruộng lúa, bờ ao, nơi tuổi thơ bỗng lớn dâng tràn hạnh phúc: Đêm nằm mơ tắm ao nhà/ thấy hương bồ kết ngọc ngà ngát thơm/ Từ cầu ao phía bên em/ tiếng khua mặt nước vọng sang đây đều (Mơ tắm ao nhà).
Ở đó là miền thương nhớ, là ngày xưa yêu dấu: Tôi còn mắc nợ những ngày.../ con sông xưa sóng sánh đầy phù sa/ tôi còn mắc nợ cỏ hoa/ với đồng lúa chín thiết tha đường chiều (Tôi còn mắc nợ).
Nhớ quê là nhớ cô học trò thời áo trắng: Gió heo may rưng rức vuốt cánh đồng/ lúa tháng mười hạt mẩy vàng óng mượt/ có một người con gái đứng bên sông (Ngày tôi đi).
Quê hương có những con người nhân hậu, thủy chung, đợi chờ, son sắt: Hơn bốn mươi năm hạ đã đi rồi/ những cánh đồng, hàng phi lao ngày đó.../ .../ hình như anh vẫn còn... mắc nợ/ với hạ em và với thu em (Gửi lời hẹn ước).
Câu thơ đọc nghe nhẹ nhàng như không. Nhưng đọc lại làm ta bận lòng. Vì người con gái trong thơ quá nặng lòng: đợi chờ hết tuổi thanh xuân, hết thời con gái, mà người đi cứ đi biền biệt. Một tấm lòng trung trinh đáng trân trọng. Ở đây, thơ mắc nợ rồi. Nợ người con gái ấy, cũng là nợ quê hương! Món nợ không thể trả, chỉ có thể vùi sâu, chôn chặt trong lòng, để rồi âm ỉ mãi, âm ỉ mãi…
Vì vậy, Nguyễn Vĩnh Bảo luôn day dứt, muốn làm điều gì đó, để bù đắp, chuộc lỗi: Ngày về tôi với nhớ vây/ ước gì gặp được em ngày xưa em (Ngày về...).
Mơ hồ quá… Nước chảy qua cầu rồi. Một lần khác nhà thơ lại bối rối, muốn làm một việc gần như không thể: Ngập ngừng nhặt những hạt chưa.../ rắc đêm tròn nhớ ngàn xưa... dội vào/ giọt tình quên giấc trăng sao?/ ghen say đan kín ngọt ngào... chớm xanh (Rắc đêm tròn nhớ).
Câu thơ đẹp, nhưng tình đã tan. Chỉ còn phảng phất một nỗi buồn,“Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn đâu đây!” (Trịnh Công Sơn). Đây là định mệnh, mấy ai bước qua được. Thực ra, nhà thơ cũng mỏi mòn mong đợi: không biết có tìm được người thuở trước/ giấc mơ hoang vẫn tít tắp chân trời/ Con đường chiều vẫn lá lặng rơi/ ngàn lần gọi... tên em... nhung nhớ (Gửi lời hẹn ước).
Ta gặp Nguyễn Vĩnh Bảo trong một câu thơ khác, đầy tâm trạng: Tôi mang quên nhớ ra hong/ chuyến đò xưa ấy đã tròng trành xa... (Hong lại nhớ quên).
Tác giả vẫn tiếc nuối, níu kéo ngày xưa. Mặc dù ngày xưa đã tan vỡ, đã đắng cay. Ấy vậy mà vẫn nâng niu, vẫn chăm chút, trân trọng. Một cách ứng xử văn hóa. Thơ ơi, thật nhân hậu, khoan dung!
Không chỉ có tình yêu lứa đôi, Vĩnh Bảo đã trăn trở, day dứt, khổ sở bởi sự say đắm Nàng thơ vốn dĩ đỏng đảnh: Ai đem dẫm nát giấc mơ/ hồn trinh vùi dập khép hờ hững trôi/ mắt thơ quầng tím đời tôi/ mùa trăng lạc lối rối bời mùa nhau (Sóng đêm).
Vĩnh Bảo có những câu thơ tình thật hay: Tay trong tay, đã ưng lòng/ Ríu ran yêu giữa đất hồng trời hoang.
Tôi thích câu 8, khi đọc phải ngắt nhịp 3/5 cho rõ mạch thơ. Ta nghe được âm thanh của tình yêu. “Ríu ran yêu” là cụm từ mới. Yêu vui như chim hót buổi bình minh, thật trong trẻo. Cũng trong câu này, tác giả dùng nghệ thuật chẻ đôi cặp từ: Trời đất và hồng hoang, để ghép thành cặp Đất hồng - Trời hoang. Tạo ra một không gian thơ - Một không gian yêu, mênh mang, rộng lớn. Đất hồng trời hoang, cho ta khái niệm về vũ trụ, không biên giới. Hạnh phúc vô biên, hạnh phúc ngập tràn… và anh còn “Nhận ra có kẻ đứng ngoài trần gian”. Một phát hiện thú vị…
Nhưng dù có bay bổng đến đâu, cũng phải quay về với thực tại. Quay về với quê hương, quay về với mẹ ta thôi! Anh nhớ mẹ, thương mẹ, người mẹ quê vất vả, lam lũ: Đôi vai nặng gánh chốn quê/ đông sang áo đụp, nón mê, chân trần/ Cõi đời thất lạc mùa xuân/ con thương mẹ lắm ngàn lần... mẹ ơi! (Mẹ tôi).
Trong dòng cảm xúc miên man về mẹ, Nguyễn Vĩnh Bảo có những câu thơ thật da diết, níu kéo người đọc: Mẹ ngồi giặt những xưa sau/ mồ hôi mặn chát từ đầu cuối sông/ Sông Chanh còn nhớ hay không/ mỗi lần mẹ giặt bóng lồng bóng đê (Trước sông quê).
Ai đọc đến đây mà không thương nhớ mẹ mình!
Để nối mạch dòng cảm xúc về mẹ, Vĩnh Bảo có bài thơ Mẹ tôi. Đây là bài thơ xót xa thương cảm về nỗi nhọc nhằn, vất vả của mẹ. Đầu tắt mặt tối, đi sớm về khuya “nhặt nhạnh bóng trăng” tảo tần nuôi con: Mái nhà, đồng lúa, luống khoai/ Mẹ tôi bươn bả lo hoài quanh năm/ Thức đêm nhặt nhạnh bóng trăng/ xếp từng chuỗi những xa xăm dội về.
Trong thẳm sâu kí ức, nhớ mẹ quá mẹ ơi! Những câu thơ làm người đọc rưng rưng: Bàn tay gầy guộc... Mẹ tôi/ cõi trần thấm đẫm một thời thương đau/ Nghe trong lời nhắn nhủ nhau.../ miền xa gối giấc mơ sau... vẫn còn.
Vì con, mẹ đã hy sinh tất cả. Dáng mẹ gầy. Tóc mẹ bạc. Lưng mẹ còng. Mắt mẹ mờ. Chân mẹ chậm. Mẹ là tất cả! Quê hương là mẹ. Mẹ là quê hương!!!
Không chỉ có mẹ, cảm xúc thơ Vĩnh Bảo luôn đong đầy tình yêu Tổ quốc non sông: Tổ quốc Việt Nam đã trải qua những thăng trầm/ Những cột mốc thiêng liêng, những linh hồn bất tử/ Đang từng ngày đêm xua đuổi con ác quỷ/ mộng bá quyền còn lởn vởn trên vùng biển đảo quê hương (Ngẫu hứng Lý Sơn).
Tập thơ Thả vào đêm sóng là một bước tiến rất dài so với các tập thơ trước đây, gồm Ngẫu hứng sông quê, Gửi người trong mơ, Ngược miền ký ức và Giấc mơ gió. Điều đó thể hiện sự nỗ lực lao động nghiêm túc nghề nghiệp và cũng là sự nghiêm khắc với chính mình của Nguyễn Vĩnh Bảo. Hy vọng anh sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên con đường đã chọn bởi sự dấn thân trong nghiệp thơ gian khó, nhọc nhằn.
Tác giả: Đặng Nguyệt Anh
Nguồn Văn nghệ số 38/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên