Nhân kỷ niệm 32 năm ngày mất nhà thơ Lưu Quang Vũ: Đi tìm dấu tích

Thứ hai - 31/08/2020 16:00
Không như mọi năm, “mùa kịch Lưu Quang Vũ” năm nay nhiều vở diễn phải rời lịch do dịch Covid-19… Không thể đến nhà hát, tôi đi tìm những dấu tích, những hoài niệm Lưu Quang Vũ vào đúng ngày mà 32 năm trước, ông đã nắm tay người bạn đời của mình - nhà thơ Xuân Quỳnh, theo mây trắng về trời.

Dù đã xem rất nhiều ảnh, nhiều thước phim tư liệu về căn phòng chỉ 6m2 mà Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh từng sống và lần nào đi qua phố Huế tôi cũng ngước lên 96A để mong muốn nhìn thấy một dấu tích gì đó của hai tác giả, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được bước vào nhà 96A. Tôi may mắn, hẹn gặp chú Lưu Minh Vũ, con trai của cố tác gia - chú Vũ giản dị, mộc mạc khác hẳn cái hào hoa, lịch lãm mà tôi vẫn thấy trên VTV. Chú dẫn tôi vào khu tập thể 96A, cái lối đi chật hẹp giữa hai bức tường rêu phong cảm tưởng như chỉ cần chạm nhẹ là cũng có thể bong từng lớp sơn, lớp bụi: những sợi dây điện, đường ống nước ngoằn ngoèo, chằng chịt cuộn tròn thành từng cục…
111
Từ phía ngoài căn phòng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
Căn phòng 6m2, nằm nép khuất ở cuối dãy hành lang tầng ba. Không gian có phần u tối, vì chả có ai sống nên đã cắt nước cắt điện, phải thắp nến để xua bớt bóng tối, u ám. Chú Vũ kể, nhà quay hướng Tây, nên vô cùng nóng, ngày bé chú thường trèo lên sân thượng để ngủ:

Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình

                                     (Nhà chật - thơ Lưu Quang Vũ)
111
Căn phòng vẫn còn được lưu giữ những kỷ vật xưa cũ của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Đó là những bình gốm con con, bức họa và đặc biệt xung quanh dày đặc sách - những cuốn sách đã ố vàng phai mực. Trên những kệ sách còn có vài tấm hình nhỏ của các thành viên trong gia đình. Cái thang ọp ẹp hướng lên gác xép, tôi chả dám leo lên vì không thấy một tia ánh sáng nào trên đó. Nhà chỉ có một cái bàn chỉ đủ kê một cuốn sách, thường thì Lưu Quang Vũ sẽ ngồi ở đó làm việc, còn Xuân Quỳnh sẽ kê giấy lên đùi để sáng tác thơ. Chú Vũ cho biết: bộ bàn ghế đó đang được trưng bày ở viện bảo tàng văn học… 
 

Tôi vẫn chưa thể mường tượng ra được, ba bốn có khi là năm sáu con người cùng chung sống trong một căn phòng như thế. Vậy mà Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đã sống và làm việc cùng nhau đến phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay. Căn phòng bé đến nỗi, mà người ta tối giảm mọi thứ cho hành lý của mình. Căn phòng bé đến nỗi, mà người ta không thể che giấu nhau bất cứ điều gì, dù đó là suy nghĩ hay cảm xúc. Nơi in hằn cái đủ đầy mà Lưu Quang Vũ vẫn quan niệm sự đủ đầy của một kiếp người là tìm thấy tình yêu, Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi. Nơi mà người ta cứ nương vào nhau để sống, để làm việc, để cống hiến cho đời…
111
111
Bằng khen của Bộ Quốc Phòng, vở Điều không thể mất. Đây cũng là vở kịch cuối cùng của tác giả
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Cho đến nay, Lưu Quang Vũ vẫn là tác giả trẻ nhất đạt được giải thường này
(ảnh này mình chụp 29-8-2019 tại nhà riêng chú Lưu Minh Vũ)
Nơi mà cố giả đã sống những ngày tháng khó khăn, thiếu thốn. Và cũng chính nơi này, hàng trăm bài thơ, 53 vở kịch của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đã chào đời.
111
Nhìn từ ban công của căn phòng, có lẽ Lưu Quang Vũ đã đứng đây chiêm nghiệm hàng vạn lần
"Trên mái nhà, cao vút rừng cây
Trên rừng cây, những đám mây xô giạt
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi"
                            (Mây trắng đời tôi - thơ Lưu Quang Vũ)
111
Ban thờ gia đình cố tác giả
Căn phòng 6m2 không phải là nơi Lưu Quang Vũ cất tiếng khóc chào đời hay theo mây trắng về cuối trời. Nhưng nơi đây, ta có thể thấy được phần hồn cốt còn lưu lại, những gì còn vang bóng của một đời của cặp vợ chồng nghệ sĩ tài hoa.Ta càng thêm yêu, thêm trân trọng những giá trị nghệ thuật mà Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh để lại, như một điều căn cốt - Điều không thể mất.
30-9-2020
Nguyễn Đức Cầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây