Trên báo Văn nghệ số 31 (Ngày 1/8/2020) có bài Quang Dũng và những bài thơ bị đốt của Đinh Đức Cần. Trong bài báo ấy có nêu lên hai bài thơ của Quang Dũng, chúng tôi nhận thấy chưa đầy đủ, xin góp ý và chép lại hai bài thơ đó.
Bài thứ nhất mà tác giả Đinh Đức Cần cho là bác sĩ Phan Đăng Hoài lấy ra từ lò đốt, nhan đề Cô gái tản cư thật ra là bài Quán bên đường có in trong sách Quang Dũng thi sĩ lãng mạn và cách mạng của Hoàng Thu Đông (Nxb Nguyệt san Nhân văn, 1972), nguyên văn bài thơ như sau:
Quán bên đường
Tôi khách qua đường, trưa nắng gắt
Nghỉ nhờ đây quán lệch tường xiêu
Giàn mướp nghèo không hứa hẹn bao nhiêu
Mùa gạo đắt, đường xa thưa khách vắng
Em đắp chăn dầy tóc em trĩu nặng
Tôi mồ hôi ra ngực áo chan chan
Hồn lính mơ qua vài sợi tóc
Đường tản cư bao suối lạ sương ngàn
Em mê sảng sốt hồng lên đôi má
Em có một mình nhà hoang vắng quá
Mảnh chăn đào em đắp có hoa thêu
Hàng của em chai lọ xác xơ nghèo
Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá
Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa
Em tản cư, tôi là lính tiền phương
Xa Hà Nội, cùng nhau từ một thuở
Lòng rưng rưng thương nhau qua dọc đường
Tiền nước trả em rồi nắng gắt
Đường xa xa mờ mờ núi và mây
Hồn lính vương qua vài sợi tóc
Tôi thương em mà em đâu có hay…
Đây là một trong những bài thơ ra đời trên bước đường hành quân kháng chiến của Quang Dũng như các bài: Tây tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Lính râu ria, Đôi bờ, Những cô hàng xén…v.v…
Còn bài thứ hai là bài Chabbi Chabbi Quang Dũng làm sau khi kết thúc chiến tranh 1954, chúng tôi chép lại theo sách Đến với thơ Quang Dũng do Ngô Viết Dinh tuyển chọn (Nxb Thanh Niên, 2003), nguyên văn bài thơ như sau:
Chabbi Chabbi
Ngày đầu tiên hoà bình trở lại
Trên đường về quê hương
Tôi đã dừng chân
Bên một nghĩa địa dài
Nơi yên nghỉ
Cả một tiểu đoàn lính giặc
Mồ cao mả thấp ngổn ngang
Trắng loáng những cây chữ thập
Có cái đã xây
Thành nhà mồ vững chắc
Vẽ quốc kỳ nước Pháp
Và đôi dòng chữ tiếc thương
Những nghĩa địa này
Tôi đã gặp trên đường
Rải rác bên những boongke nham nhở
Những bốt đồn hình thù quái gở
Nhưng cả quan và lính
Đã không ở trong để mà cố thủ
Dắt nhau nằm hết ra đây
Trên bãi cỏ tìm bình yên bảo đảm
Mỗi người đều để lại tên mình
Như những câu sấm truyền định mệnh
Khắc vào mộ chí đôi dòng
Có cả ngày đi - chức tước - quê hương
Trời mưa thu, mới hôm qua
Ai đã thấy cái buồn nghĩa địa
Khi cỏ nằm trong nước ngập mồ hoang
Cái tiếng ễnh ương
Làm khúc nhạc lữ hành
Nhoi nhói kêu trên bãi mộ
Lại thêm đầu cỏ may
Phất phơ rung trước gió
Có một nhành cúc dại
Cánh vàng gió lung lay
Trước tấm bia đen
Ghi mấy dòng chữ trắng
“Chabbi Chabbi
Trong tiểu đoàn Âu Phi
Đã hy sinh cho nước Pháp”
Chabbi Chabbi
Tên như một bài thơ rất đẹp
Bằng thứ tiếng nước nào
Chabbi đã nằm dưới mộ
Còn bao giờ về tới quê hương...
Chabbi Chabbi
Tuổi còn xanh, mắt còn tha thiết
Có phải quê ở bờ sông Nin
Hay là nơi trăng sáng
Trên bãi cát dài bóng cây “bao báp”
Trai gái nhảy bamboula
Theo nhịp trống gợi hồn sa mạc
Chabbi Chabbi
Có bao giờ qua biển
Để về với đất trời bên ấy
Hai mươi tuổi trẻ nằm đây
Lòng đất Việt Nam hiền hậu
Thôi những ai bên kia chân trời
Đừng dành góc nhà nhỏ thân yêu
Đừng mong bóng trang phục quân nhân
Hiện về quê cũ
Mang những tấm hình
Những thành phố viễn chinh
Về làm quà cho em nhỏ, họ hàng
Hỡi mẹ nghèo ơi!
Thôi cũng đừng mong
Món tiền lương của Chabbi dành dụm
Đổi bằng xương máu nằm đây
Cho đến bây giờ
Mỗi khi qua một vùng nghĩa địa
Quân thù gửi đất chúng ta
Tôi vẫn hình dung
Bóng dáng Chabbi
Lúc buông súng trả mình về cho đất
Mà không là đất quê anh
Chabbi có bao giờ hiểu nữa
Những người bạn thương anh
Dầu chỉ gặp tên người
Khắc trên mộ chí
Nằm trên đất nước của mình…
Yến Vĩ, 1954
Đó là hai bài thơ trong số hàng chục bài thơ của Quang Dũng làm trong giai đoạn kháng chiến 1945-1954. Chàng trai Hà Nội ấy, trước đêm khói lửa bùng cháy kinh thành đã rời bỏ thủ đô, xông pha ngoài chiến địa, coi thường hiểm nguy chết chóc, đôi lúc mơ màng ngồi nhớ lại những tháng ngày tươi đẹp, những hình bóng thân thương như trong một bài thơ Nhớ chuyện Hà nội
Nhớ chuyện Hà Nội
“Ngày xưa ở Hà Nội
“Có ba chàng phất phơ
“Mỗi chàng một xe đạp
“Mỗi chàng một dinh cơ
“Chàng Kính lầu Hàng Cót
“Chàng Chương trại Ngọc Hà
“Chàng Dũng ở biệt thư
“Ấp Trường Sơn, Thái Hà.
“Ngày ngày hẹn gặp nhau
“Áp phe nhộn Hà nội
“Ú sù khoái quan kim
“Ăn pao nhiêu phà phẻo”
“Thỉnh thoảng về thăm vợ
“Tầu hỏa ngược Bắc Ninh
“Ô tô đi Đan Phượng
“Canô xuôi Thái Bình
“Thế rồi Hà Nội cháy
“Lưu lạc bốn phương xa
“Bộ ba Chương – Kính - Dũng
“Vai đeo nặng sơn hà
“Người ở miền duyên hải
“Kẻ Việt Bắc xa xôi
“Người viễn chinh Tây tiến
“Nhớ nhau đành ngậm ngùi…”
Con người thơ Quang Dũng bộc lộ tình cảm thắm thiết với bạn bè, với những người con gái thủ đô đi tản cư, với những hình bóng giai nhân trên bước đường hành quân, đi qua những xóm làng cùng ăn ở sinh hoạt với nhân dân trong cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước. Ông đã lên đường với tâm trạng hăng say hào hùng và cho ra đời những vần thơ đặc sắc còn lưu mãi trong tâm hồn chúng ta đến tận ngày nay.
Tác giả: Trần Châu Kỵ
Nguồn Văn nghệ số 34/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên