Một bức tranh ngôn từ lãng mạn

Chủ nhật - 23/08/2020 15:04
Phạm Tiến Duật (1941-2007),”con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại” là một nhà thơ tài danh với nhiều tác phẩm hay viết trong thời kỳ chiến tranh. Thơ ông có một phong cách riêng, không giống ai và cũng không ai bắt chước được. Bên cạnh các tuyệt phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính và Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây còn có Gửi em cô bộ đội lái xe của ông được nhiều người yêu thích bởi giọng điệu thơ sôi sổi, trẻ trung và cảm xúc nhiệt thành.
111

Thi phẩm tái hiện chân thực và ngợi ca tinh thần chiến đấu tuyệt vời dũng cảm mà vẫn tươi trẻ, lãng mạn của các nữ chiến sĩ lái xe. Bài thơ cuốn hút người đọc ngay từ câu mở đầu rất khác lạ, độc đáo qua lối nói phủ định nhằm khẳng định cao hơn: “Không thể tin là em đã qua/ Những túi bom bay mù bụi đỏ/ Đường gập ghềnh ngổn ngang cây đổ/ Trời lô nhô thân gỗ cưa ngang”. Ở đây xuất hiện hàng loạt hình ảnh nói về những khó khăn, thử thách mà các cô bộ đội lái xe phải đối mặt: bụi mù trời, đường gập ghềnh, phía xa còn “lô nhô những thân gỗ cưa ngang” rất nguy hiểm, đe doạ những ai non tay, thiếu tự tin và bản lĩnh. Nhiều thách thức như thế, nam giới lái xe qua được đã là đáng nể, đằng này lại là các “cô bộ đội”. Nhưng chị em lái xe vẫn vượt qua tất cả những thử thách đó. Chủ thể trữ tình “Không thể tin là em đã sang” cũng phải thôi. Câu thơ nhấn mạnh sự ngạc nhiên, niềm thán phục và ngưỡng mộ qua giọng điệu và ngôn ngữ thơ đậm hơi thở của chiến trường. Hoà theo chiến công mà em cùng xe vượt qua trở ngại, thiên nhiên như cũng tươi trẻ hơn, đẹp đẽ hơn dưới cái nhìn của các anh: “Nơi đất lạ trời xanh leo lẻo/ Anh đón em trong tầm đạn réo/ Tiếng tàu càng sốt ruột vo ve”. Dù cho đạn địch réo inh tai và máy bay rình rập lượn lờ trên đầu, các nữ lái xe không hề lo sợ. Âm thanh của máy bay họ coi như tiếng “vo ve” của muỗi, chỉ khó chịu một chút thôi. Trong số bốn khổ của bài, hay nhất là khổ thơ thứ ba: “Em là cô bộ đội lái xe/ Giặc đuổi bắn bộn bề lửa cháy/ Cái buồng lái là buồng con gái/ Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang”. Tác giả nói: “em là cô bộ đội”, có lẽ là biên chế trung đội nữ lái xe Trường Sơn (thành lập tháng 12/1967), chủ của các xe Zin 130, Gaz 51 hay Gaz 96 rất nặng và cồng kềnh. Việc các nữ lái xe bị máy bay giặc rượt đuổi, bắn phá điên cuồng đến “bộn bề lửa cháy”, hiểm nguy đến tính mạng. Vậy mà thú vị và ngưỡng mộ thay, các cô lái xe chẳng hề sợ hãi hay lo lắng. Trái lại, trong buồng ca bin chật hẹp khét nồng bụi đường và hơi đạn ấy: “Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang”. Các em vẫn tìm hoa rừng trang trí cho nơi làm việc. Hình ảnh “cành hoa mềm mại” là điểm sáng trong bài thơ. Cành hoa tô điểm cho không gian xung quanh thêm đẹp chúng tỏ niềm yêu đời, chuộng cái đẹp, tâm hồn rất nữ tính của chủ nhân những chiếc xe. Vẻ đẹp tươi của hoa như xua đi những vất vả, cực nhọc, làm dịu đi không khí căng thẳng, chết chóc nơi tuyến lửa. Hình ảnh này là điểm nhấn đẹp và lãng mạn nhất của bức tranh ngôn từ về các cô bộ đội lái xe: dũng cảm, yêu đời, luôn hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao cho. Bài thơ khép lại tràn đầy niềm tin và lạc quan “Em đã qua và em đã sang/ Đẹp lắm đấy những ngày đánh Mỹ/ Đất nước mình nhiều điều giản dị/ Ai chưa tin rồi sẽ tin thôi”.

Tác giả rất thành công trong nghệ thuật dùng điệp cú (“Không thể tin là em đã qua”; “Không thể tin là em đã sang”), điệp ngữ : “đã qua”, “đã sang” (2 lần),  điệp từ (“em” - 7 lần)  và nhiều từ láy tượng hình (gập ghềnh, ngổn ngang, lô nhô, leo lẻo, mềm mại), và cả tượng thanh (“vo ve”) cùng với giọng điệu thơ tự nhiên khiến cho bài thơ tươi trẻ, tinh nghịch, rất giàu chất lính. Lời thơ không có một câu chữ nào trực tiếp nhưng toát lên là thái độ ngợi ca vẻ đẹp nữ tính, tâm hồn lãng mạn, phẩm chất anh hùng của các cô bộ đội lái xe.
 

Phạm Tiến Duật

Gửi em

cô bộ đội lái xe

Không thể tin là em đã qua

Những túi bom bay mù bụi đỏ

Đường gập ghềnh ngổn ngang cây đổ

Trời lô nhô thân gỗ cưa ngang

 

Không thể tin là em đã sang

Nơi đất lạ trời xanh leo lẻo

Anh đón em trong tầm đạn réo

Tiếng tàu càng sốt ruột vo ve

 

Em là cô bộ đội lái xe

Giặc đuổi bắn bộn bề lửa cháy

Cái buồng lái là buồng con gái

Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang

 

Em đã qua và em đã sang

Đẹp lắm đấy những ngày đánh Mỹ

Đất nước mình nhiều điều giản dị

Ai chưa tin rồi sẽ tin thôi.

                                1968

Tác giả: Nguyễn Thị Thiện
Nguồn Văn nghệ số 34/2020
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây