Tác phẩm đầu tiên tôi đọc của Bảo Ninh không phải là Nỗi buồn chiến tranh mà là một truyện ngắn in trên báo Sinh viên số Tết có nhan đề Bội phản. Ấn tượng quá lớn từ thời sinh viên khiến cho tôi chọn in lại truyện đó khi làm biên tập cho một tờ báo dù nó có thể không phải là truyện ngắn hay nhất của Bảo Ninh.
Tôi muốn nói đến truyện ngắn của Bảo Ninh trước hết bởi cái bóng của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh quá lớn mà người ta đôi khi không để ý rằng Bảo Ninh là cây truyện ngắn rất tinh tế. Quay lại ấn tượng thời sinh viên khi đọc Bội phản của Bảo Ninh tôi đã hết sức ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì đọc được một cái truyện hay, buồn tê tái về thời bao cấp và tự hỏi sao báo Sinh viên lại dám in một truyện cỡ đó. Một chuyện rất li kỳ về mối tình tay ba liên quan đến những vụ “bắt đôi” yêu nhau trong công viên Bách Thảo và liên quan tới con phố Tông Đản ở Hà Nội. Nếu tôi không nhầm thì báo Sinh viên số Tết năm đó cháy hàng vì đăng truyện ngắn của Bảo Ninh.
Đúng là những gì neo vào ta thời non trẻ rất dễ gây ấn tượng mạnh, sau này có người bảo tôi, Khắc dấu mạn thuyền mới là truyện hay nhất của Bảo Ninh. Tôi đọc, thấy nó hay nhưng ấn tượng không mạnh như thời xưa nữa vì có lẽ lúc ấy tôi đã trưởng thành về sự đọc. Bội phản khi được đọc lại cũng không còn quá ám ảnh như lúc trước nhưng vẫn là vết thương tấy phát của thời khốn khó mà những người như Bảo Ninh đã trải qua rất nhiều và tôi cũng được biết chút ít nên còn vương vấn nhớ thương. Nói như thế để thấy rằng chỉ cần vài truyện ngắn, Bảo Ninh đã gieo vào người đọc một dấu ấn rất đáng kể dù nhà văn quê gốc Quảng Bình viết không nhiều và đâu chỉ có Nỗi buồn chiến tranh.
Văn của Bảo Ninh đẹp và thơ, tôi cảm giác nó thậm chí thơ quá ở những chỗ rất cần gay cấn, dữ dội. Những khoảng kí ức buồn man mác luôn là thế mạnh của nhà văn, một kiểu văn chau chuốt giàu cảm xúc và tâm trạng.
Rồi tôi gặp Bảo Ninh lần đầu tiên ở một quán ăn trên phố Lý Nam Đế, chỗ ấy gần Tạp chí Văn nghệ quân đội nên các anh em văn nghệ sĩ Hà Nội hay tụ họp ở đó. Tôi quan sát tác giả Nỗi buồn chiến tranh xem ông sắc sảo cỡ nào. Nhưng Bảo Ninh là người rất ít nói, thường ngồi trầm ngâm, thỉnh thoảng mới lên tiếng và không tỏ ra một người sắc nét hay mượt mà như trong tác phẩm của mình. Khi nói chuyện về văn chương, Bảo Ninh cũng hầu như ít tranh luận, tư lự hoặc thỉnh thoảng mới bật ra một câu đùa vui.
Nhưng đấy có lẽ không phải là sở trường hoặc sự quan tâm lớn của ông. Một lần tôi ngồi xe cùng Bảo Ninh và vài bạn văn lên trại sáng tác Tam Đảo tôi mới biết ông sục sôi cỡ nào. Khi nói về chiến tranh và những người lính, Bảo Ninh nói rất hăng say và quyết liệt. Ông quyết bảo vệ những đồng đội và lí tưởng chiến đấu của mình. Nhà văn rất giận dữ phản bác những ý kiến trái chiều. Ông nói rất hăng và không ngại văng tục, đến lúc đó tôi mới thấy Bảo Ninh là người lính thực sự. Những hành động của Bảo Ninh một lần nữa khiến tôi rất ngạc nhiên vì đã có nhiều ý kiến trái chiều về Nỗi buồn chiến tranh và chính tôi đã từng nghĩ về Bảo Ninh có phần sai lệch, lúc ấy tôi mới không còn nghi ngờ về phẩm chất lính chiến của ông...
Thỉnh thoảng tôi gọi điện cho ông, mời cộng tác với tờ báo tôi làm biên tập. Tôi lại bất ngờ khi Bảo Ninh xử rất “nhũn” với hậu sinh, ông nhỏ nhẹ, dịu dàng, thậm chí bài viết của ông chậm đăng, ông cũng không bực tức như một số nhân vật khác. Và tôi một lần nữa thấy những đặc điểm văn chương của ông qua những bài ông gửi. Một thứ văn đẹp, da diết và buồn. Bảo Ninh có sự gần gũi với Patrick Modiano của nước Pháp, quá khứ, nỗi buồn là sở trường của ông. Bảo Ninh đã hoàn toàn chính xác khi đặt tên tiểu thuyết đầu tay của mình là Nỗi buồn chiến tranh. Cuốn sách đã từng bị một nhà xuất bản rất lớn từ chối vì cái tên và nội dung quá mới mẻ lúc ấy. Sau đó, một nhà văn kiêm biên tập viên một nhà xuất bản khác đã đổi tên thành Thân phận của tình yêu để tác phẩm ra đời dễ hơn và có thể… bán chạy!
Khi đã hiểu phần nào tính cách của Bảo Ninh tôi đã sáng rõ vì sao ông từng tuyên bố không dính dáng gì đến bộ phim Nỗi buồn chiến tranh sau khi đã bán bản quyền cho những nhà làm phim Holywood. Đọc kịch bản phim, ông không còn thấy nó giống đứa con văn học của mình nữa, ông cự tuyệt nó dù bên đối tác điện ảnh vẫn có quyền thực hiện. Thấy thái độ kiên quyết của Bảo Ninh, đoàn làm phim cũng dừng làm và tôi tin rằng còn rất lâu hoặc không bao giờ sẽ có bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm được coi là viết hay nhất về chiến tranh Việt Nam.
Vẫn là sự cương quyết của Bảo Ninh, một thời gian trước đây một họa sĩ Hà Nội mở triển lãm về bản thảo của các nhà văn. Họa sĩ đã có được bản thảo của những nhân vật rất “oách” như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà nhưng khi đến Bảo Ninh và Nỗi buồn chiến tranh thì thất bại. Bảo Ninh đã từ chối bán hoặc trao đổi bản thảo gốc của mình. Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng tôi lại nhớ đến Franz Kafka khi mọi mẩu bản thảo viết tay của ông đều trở thành tài sản quốc gia của nước Israel và đã có những cuộc chiến pháp lý rất căng thẳng nhằm lưu giữ bản thảo của thiên tài Do Thái.
Bảo Ninh, trừ phi chạm đến những vùng kí ức hoặc những khoảng không thể chạm thì ông rất lặng lẽ và kiệm lời. Ông đã nhiều lần đến Nhà số 4 cơ quan tôi để dự các hội nghị này kia nhưng hầu như không bao giờ phát biểu hoặc phát biểu rất ngắn và giản dị. Bảo Ninh chưa bao giờ là người hoạt ngôn, y như Nguyễn Huy Thiệp. Các ông đều nói rất chậm, ngắn, ngắt quãng và có thể khiến công chúng ngạc nhiên vì văn chương các ông hoặc là góc cạnh, sắc sảo hoặc tinh tế mà ngôn ngữ giao tiếp lại không mạnh. Có lẽ cả Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh khi đã dồn hết tinh túy vào câu chữ thì ngoài đời các ông rất mộc mạc, chân phương.
Tôi cũng từng quan sát dịch giả Hoàng Đăng Lãnh, anh trai của Bảo Ninh khi ông từ nước Đức trở về tham gia quảng bá cho những dịch phẩm ông chuyển ngữ. Tôi thấy hai anh em nhà Bảo Ninh đều rất tinh tế về ngôn ngữ tiếng Việt, Hoàng Đăng Lãnh ở xa tổ quốc nhiều năm nhưng những bản dịch tiếng Việt của ông rất sáng và chuẩn. Dịch phẩm Diệt vong của Hoàng Đăng Lãnh, một tác phẩm tôi nghĩ rất khó dịch của tác giả Thomas Bernhard đã được Giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội. Tôi nghĩ hai anh em nhà Bảo Ninh may mắn thừa hưởng gen hoặc được rèn luyện từ truyền thống gia đình khi có cha là giáo sư ngôn ngữ Hoàng Tuệ, nguyên Viện trưởng Viện ngôn ngữ học.
Thỉnh thoảng tôi lại có cơ hội ngồi cùng Bảo Ninh và trò chuyện. Những lúc ấy tôi quan sát ông thật kĩ và nghe ông kể chuyện. Mái tóc xoăn bù xù muối tiêu của ông ngày càng chuyển màu thời gian. Ngồi nói chuyện với bạn bè thỉnh thoảng ông lại ngửa người ra sau rất khoái hoạt. Ông trầm ngâm nghe mọi người trò chuyện nhưng trong nháy mắt, khi chạm đến những “vùng cấm”, Bảo Ninh lại ngồi thẳng dậy, rất hăng hái và thậm chí giận dữ. Những người xung quanh đều là bạn thân hoặc hiểu ông, mọi người “chịu trận” hoặc mặc cho ông nói thỏa thích. Ông được nể vì, tôn trọng dù tôi thấy ông mắng mỏ những người bạn thân vài lần nhưng không ai giận cả vì họ đều biết ông có nguyên khối nhức nhối về chiến tranh và những vùng kí ức rất nhạy cảm. Bảo Ninh nói một lúc rồi lặng im, chiêu một ngụm rượu rồi lại như chưa có chuyện gì xảy ra.
Tôi đã đọc lời giới thiệu của Bảo Ninh cho tiểu thuyết Chuyện của Paco của nhà văn người Mỹ Larry Heinemann. Đó cũng là một cuốn tiểu thuyết xuất sắc của văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam và từng được Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ. Hai người lính ở hai chiến tuyến đối đầu đã trở thành bạn thân, tôn trọng và ngưỡng mộ tài năng của nhau. Vết thương chiến tranh đã bớt đau thương và người ta cởi mở lòng hơn. Nhà văn nổi tiếng người Trung Quốc Diêm Liên Khoa cũng viết lời giới thiệu cho bản tiếng Hoa của Nỗi buồn chiến tranh với sự trân trọng tương tự. Thế hệ của Bảo Ninh, Larry Heinemann, Diêm Liên Khoa đã từng có lúc phải đối đầu với nhau bởi chiến tranh nhưng bây giờ họ là bạn hữu và đưa ra những cái bắt tay trân trọng và trìu mến. Chiến tranh và quá khứ không thể lãng quên nhưng những khoảng đau thương đã được nén lại để cuộc sống hiện tại được bình yên, nảy nở.
Mới gần đây thôi, Bảo Ninh cho công bố một phần cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình trên một tạp chí, tên tạm thời của nó là Đường về. Mọi người chờ mong và háo hức một gương mặt mới của ông, bây giờ có thể không phải là chiến tranh nữa mà thời bình với những đắng cay, gian nan khác biệt. Cuốn sách mới công bố một phần nên chưa thể đánh giá hoặc so sánh nó với Nỗi buồn chiến tranh nhưng dù thế nào tôi nghĩ Bảo Ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với tư cách một người lính và một nhà văn.
Và người lính Bảo Ninh, bây giờ ông có còn buồn nữa không?
Tác giả: Uông Triều
Nguồn Văn nghệ số 33/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên