Nhà nghiên cứu Vũ Đức Phúc trong con mắt đồng nghiệp

Thứ sáu - 06/11/2020 11:27

PGS. Vũ Đức Phúc trong kí ức của những người đã cùng sống và làm việc với ông, là một nhà nghiên cứu uyên bác, một bậc đàn anh tôn kính. Nhiều ý kiến của đồng nghiệp cùng thời và thế hệ sau đã nói về ông trong tọa đàm kỉ niệm 100 năm ngày sinh nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học.

Giáo sư Phong Lê (Nguyên Viện trưởng Viện Văn học) chia sẻ tại cuộc tọa đàm về người anh, người đồng nghiệp lớn của mình, theo đó, nhà nghiên cứu Vũ Đức Phúc luôn có chủ kiến, quan điểm rõ ràng trong học thuật, tranh luận. Ông là mẫu người “nói có sách, mách có chứng”, mà phải nói – viết ở mức độ uyên thâm, sâu sắc và đầy hiểu biết, đến nơi đến chốn.

Cuộc tọa đàm kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà nghiên cứu Vũ Đức Phúc là một dịp quan trọng để những thế hệ học trò của ông (đều là những tên tuổi vững chắc trong giới nghiên cứu văn học, nay cũng đã nghỉ hưu) bày tỏ cảm nhận, suy nghĩ và những kỉ niệm về một thời khó khăn mà say mê nghiên cứu khoa học.

111
Tọa đàm thu hút nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu thuộc Viện Văn học tham gia. 

Nhiều người nghĩ rằng, Vũ Đức Phúc là mẫu người quyết liệt, lắm khi đến cực đoan, cứng nhắc, nhưng ít ai biết rằng, bên trong con người ấy lại chất chứa nhiều câu chuyện, tâm tư không dễ nói ra. Ông gửi vào những bài thơ hay im lặng. PGS. Nguyễn Tất Thắng tại cuộc tọa đàm đã “vén màn” phía bên kia của nhà nghiên cứu Vũ Đức Phúc ở khía cạnh lãng mạn trong một con người nghiên cứu có vẻ lạnh lùng và cương quyết.

PGS. TS. Lê Phong Tuyết, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh chia sẻ về tấm gương một người thầy tâm huyết với khoa học, cẩn trọng trong nghiên cứu, có trách nhiệm với công việc và đặc biệt hết lòng bảo vệ học trò. Theo PGS.TS. Nguyễn Phong Tuyết, Vũ Đức Phúc hiểu văn học Pháp đến chân tơ kẽ tóc, không chỉ là chuyên gia văn học Pháp, Vũ Đức Phúc còn thông hiểu nhiều nền văn học khác, đồng thời là một nhà nghiên cứu, phê bình sống khá gần với những diễn biến văn chương trong nước cùng thời. Đó là phẩm chất, nhiệt huyết của một con người, một thế hệ, có thể đặt ra cái nhìn đối với những người làm nghiên cứu, phê bình hôm nay ở Viện Văn học.

Cuộc tọa đàm kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà nghiên cứu Vũ Đức Phúc diễn ra sáng 5/11/2020 tại Viện Văn học. Trong lời khai mạc buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học - đã nhấn mạnh, "từ con người và sự nghiệp của Vũ Đức Phúc, chúng ta nhận ra một niềm say mê cùng với kiến văn rộng lớn, sâu sắc, bởi thế, cuộc tọa đàm này đã gợi lên những suy nghĩ, cảm xúc về bước đi, nhịp điệu của các thế hệ trí thức Viện Văn học".

Theo từ điển mở Wikipedia, Vũ Đức Phúc tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1939 tới năm 1945 trong "Thanh niên phản đế", "Hội Văn hóa cứu quốc", biên tập viên Nhà xuất bản Mới của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia tổng khởi nghĩa ở Gia Lâm, Bắc Ninh, lần lượt đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch ủy ban Hành chính và Chủ tịch ủy ban Kháng chiến xã Ngọc Thụy, Gia Lâm; Chủ tịch ủy ban kháng chiến huyện Võ Giàng (Bắc Ninh); tỉnh ủy viên phụ trách tuyên huấn; Trưởng ti tuyên truyền - văn nghệ Bắc Ninh. Từ 1954 đến 1958 ông trở về Hà Nội làm Trưởng phòng Văn nghệ, Sở Văn hóa Hà Nội, rồi cán bộ tiểu ban Văn nghệ Ban Văn giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ 1959, ông công tác tại Viện Văn học cho tới khi nghỉ hưu vào năm 1990.

111
PGS. Vũ Đức Phúc (1920 - 2015) nguyên là Viện phó Viện Văn học, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu văn học, là một nhà nghiên cứu lão thành, thuộc thế hệ nền móng của Viện Văn học, tiếp theo những bậc tiền bối có công xây dựng Viện như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nam Trân, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Ngọc Phách… Nhìn trong lịch sử của Viện Văn học, Vũ Đức Phúc thuộc thế hệ thứ hai cùng với Hoàng Trinh, Cao Xuân Huy. Thế hệ sau Vũ Đức Phúc là những cái tên như Phong Lê, Hà Minh Đức, Nguyễn Thị Băng Thanh, Lê Phong Tuyết, Tôn Phương Lan, Nguyễn Bích Thu, Nguyễn Đăng Điệp…

Theo VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây