Trong cuộc sống luôn có những cơ hội, hay gọi là những nhân duyên cũng được, xuất hiện bất ngờ đâu đó, thậm chí cả trên mạng xã hội mà nhiều người đoan chính nghiêm túc coi là vô thưởng vô phạt, là cái chợ thông tin tạp nham không chính thống. Thì nhân cái “sờ-tây-tớt” của tôi trên facebook, tự thán về cái sự đọc-chậm-dần-đều của những người lớn tuổi, một “bạn phây” là người của Văn nghệ Quân đội nhắn qua messenger: Anh ơi, anh làm một bài kể về cái sự đọc sự viết của bản thân đi.
A, cơ hội đến! Thì viết thì kể, dẫu tôi chỉ là một kẻ tay ngang.
Kim chỉ có đầu, bất luận việc gì cũng đều phải có khởi sự, như để có thể viết được thì đầu tiên chúng ta phải biết đọc. Như mọi đứa trẻ trên đời, đến tuổi tôi đi học vỡ lòng. Bảng chữ cái thần tiên ê a vang theo nhịp thước thầy, lẫn trong tiếng rít phản lực cơ của Không quân Hoa Kì, dưới bầu trời mùa hạ đầy vệt khói tên lửa và điểm nổ cao xạ. Tôi gán hình ảnh cho các chữ cái để dễ thuộc, như đã kể trong một cuốn sách về tuổi thơ Hà Nội:
“Chữ O tròn như quả khí cầu phòng không.
Chữ A nhọn như mái hầm tránh bom.
Chữ B phồng như cô Nhâm dạy lớp mẫu giáo.
Chữ H giống như giàn dây trời xe radar bộ đội.
Chữ R giống ông thằng Báu, vừa đi vừa chọc gậy”.
Hết hè năm đó tôi đã biết đọc. Từ khi biết đọc là tôi đọc bất cứ thứ gì có trong tay như một cái máy ngốn. Thượng vàng hạ cám, từ truyện thiếu nhi, tiểu thuyết kinh điển cho đến báo chí hằng ngày... Thậm chí lúc đi cầu hố xí hai ngăn còn tranh thủ đọc xã luận trên báo chí cũ, lúc này đóng vai trò làm giấy vệ sinh, vốn là những thứ khô khan mà thằng bé chẳng hiểu gì. Đọc lâu đến mức người chờ bên ngoài vò giấy sột soạt để thúc giục, đến nỗi mùi phân nó ám cả vào người... Ông ngoại tôi đã mô tả bằng câu đối vui dán ở cầu tiêu: Ngoài cửa nôn nao chờ tống cựu/ Trong phòng sửa soạn để nghênh tân.
Những cuốn Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Hội chợ phù hoa, Nhà thờ Đức Bà Paris, bộ ba tự truyện của Gorki, Tam quốc, Đông Chu... tôi đọc từ năm mười một mười hai tuổi. Hết sách truyện nhà thì nhịn tiền ăn sáng, đi thuê ngoài hiệu thuê sách ngay góc đình Đồng Xuân - Hàng Giấy, hoặc sang mượn của ông cụ Đăng nhà 25 Hàng Khoai láng giềng cùng phố. Ông cụ có nhiều cuốn sách Tàu cổ hay mê mẩn. Không còn gì để đọc, thì tiện đọc nốt cả chuyên khảo Thần kinh học, Sinh lí học... dày cộp trong tủ của cha.
Rồi lớn lên, như mọi trai tráng khi đất nước có chiến tranh, tôi tòng quân vào lính. Đánh nhau khốc liệt trên chiến trường nước bạn, gián đoạn mất mấy năm đọc. Tuy thỉnh thoảng vẫn có báo Quân đội nhân dân, tạp chí Văn nghệ Quân đội vào đến được mặt trận, nhưng khá hiếm. Chao ôi, những ấn phẩm, những tờ báo quý giá đến từ hậu phương được đọc đến thuộc lòng. Thuộc rồi thì xé trang làm giấy quấn hút thuốc rê. Tờ báo, tờ tạp chí làm xong nhiệm vụ truyền tải, khơi dậy tình yêu đất nước cháy bỏng thì cũng phải tự thân cháy lên theo cách vật lí để chứng minh cho tấm lòng người viết chứ! Những trang mục lục, những bài điểm sách hay chính luận phê bình khô khan xé trước, được quyền cháy trước. Những chuyện tình yêu lứa đôi mơ mộng, những bài thơ về quê hương xóm mạc sẽ cháy dần sau. Khói thuốc chiều mưa rừng nào thấm ướt nỗi nhớ nhà, và bụi những con chữ in chì thấm sâu trong phổi. Nhớ lại thời ấy, thương bạn lính, thương mình đến vô cùng.
Đời lính, đã ăn được thì phải đánh nhau được, đã đọc được thì phải viết được. Đó là “quân lệnh” phải chấp hành. Sau những bài báo tường được đánh giá tốt ở đơn vị chiến đấu, tôi được cử về thủ đô Phnôm Pênh học lớp viết tin của Quân đoàn 4. Đến nơi mới biết đó không phải lớp tập huấn mà là trại viết của những cây bút đã thành danh mà tôi từng đọc khi nằm rừng. Tôi thất vọng chán nản, nghĩ thôi thôi, mình đã vô duyên đến lạc chỗ rồi! “Phnôm Pênh không thu hút được tôi. Thứ nhất bởi tôi không có tiền. Lính chiến biên rừng có tiền hay không tiền cũng chẳng để làm gì, nhưng những buổi chiều thủ đô tưng bừng phố xá mà không có tiền thấy mồm miệng nó nhạt lắm. Bước qua quán cà phê nhạc Thanh Tuyền, nhìn đám lính hậu cần vểnh râu cáo phì phà thuốc lá Samit, thấy ghen tị quá trời. Ghen tị là một thói xấu, nhưng lắm lúc ước thèm còn khẩu AK, giật vài loạt cho tụi nó chạy có cờ chơi. Thứ nữa cũng bởi tôi thèm ngủ. Chắc tại nhịp sinh hoạt bình lặng quá nên lúc nào cũng buồn ngủ. Nằm giường chưa quen, con khỉ rừng Aoral treo võng vào chấn song cửa sổ để ngủ cho ngon” (lược trích Chuyện lính Tây Nam - Trung Sỹ).
Thấy tôi ngẩn ngơ nhàn rỗi, bác Vũ Sắc, khi đó là Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, bảo: Cháu viết đi chứ, rồi đưa bác sửa cho. Viết đi, đừng sợ. Các chú các anh ấy đầu tiên cũng như mày thôi. Cứ xem cái cách người ta, như các ông A.Daudet, G.Maupassant, Nam Cao, Nguyễn Khải, Đỗ Chu…, viết thế nào thì mày viết thế đó. Đầu tiên là phải có “chuyện” đã. Tất nhiên đó phải là chuyện của mình, chuyện xung quanh mình, với cảm xúc, giọng điệu của riêng mình. Chẳng có chim nào hót giống chim nào mới thành thế giới âm thanh…
Những lời dạy khai tâm thật giản dị và dễ hiểu, lại thêm tình thân mật vì hai bác cháu nhà ở gần nhau trong cái thành phố quê hương xa lăng lắc. Thế là tôi bắt tay vào viết truyện ngắn thứ nhất của đời mình sau cái kí khốc liệt đầu tiên phải cất đi, vì theo bác Vũ Sắc, đó không phải là “truyện”.
À thì ra viết truyện cũng dễ ợt! Với các từ ngữ, khái niệm đã tích lũy từ bé qua sự đọc, giờ chỉ cần sắp xếp lại theo trình tự nội dung câu chuyện, khung cảnh mà mình muốn mô tả, có mở đầu và có kết thúc. Tôi đặt tên truyện ngắn đầu tiên là Men thốt nốt, truyện thứ hai là Những người cha của bé Kham San, truyện thứ ba là Ở một đoạn chiến hào. Cả ba truyện viết trong vòng một tháng, với đề tài là cuộc chiến tranh chống diệt chủng Khmer Đỏ trên đất bạn. Cả ba truyện đều được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in năm 1982, khi đó tôi mới là anh hạ sĩ bốn năm tuổi quân, tròn hai mươi hai tuổi đời.
Tàn chiến tranh, giải ngũ về nhà, tôi lại ngốn những trang sách của những năm khốn khó, giấy rơm đen sì chữ in lòe nhòe. Dù sao tôi cũng đã may mắn hơn rất nhiều so với những anh em tử trận, còn đang nằm lại xứ người. Cuốn Sáu mươi ngọn nến của V.Tendryakov, tuyển tập Truyện ngắn Xôviết cuối cùng là đánh dấu bắt đầu thời kì đổi mới văn học nước Nga. Manh nha từ thời cải tổ “perestroika” ở Liên Xô, mà giấy in nước ta vẫn còn đen lắm. Vừa đi làm vừa mua sách đọc cho đến hết sạch lương, bố mẹ vẫn phải nuôi cho đến khi lấy vợ. Đọc để bù lại những năm tháng thiếu thốn sách vở nơi chiến trường. Đọc để bắt nhịp lại với thời cuộc đang kì đổi mới sau năm năm xa cách đời thường.
Quá bốn mươi tuổi, tiến trình đọc của tôi bị chậm lại đáng kể, chỉ đọc chọn sách, đọc bù, đọc trám lại các cuốn kinh điển ngày xưa do ngành thông tin văn hóa cấm cửa nên các nhà xuất bản trong nước không ấn loát phát hành. Có lẽ cuốn Bác sĩ Zhivago do em Hồng Minh - em gái chuyên văn trường Lê Hồng Phong, Nam Định - tặng tôi là cuốn sách dày cuối cùng tôi đọc. Những cuốn sách đầu đời não bộ còn tinh khôi trong trắng, đâm ra chữ nó hằn vào nhanh lắm, mà lại chậm phai. Thời gian trôi cùng biết bao vất vả lo toan tràn ngập. Các hộp chứa, các ngăn kéo giả định trong não nó đầy lên dần, chỉ dành tích lũy những thứ kinh nghiệm, bài học để kiếm bát cơm manh áo, hỗ trợ cho cái dạ dày của mình và của gia đình lúc nào cũng rỗng trong thời bao cấp... Mà dung lượng não người chắc cũng có hạn, như dung lượng bộ nhớ máy tính, chứ có vô hạn đâu. Khổ thế!
Quãng bốn mươi lăm tuổi trở lên, tôi chỉ thích đọc truyện ngắn, nhìn thấy sách dày là ngại. Có lẽ do lượng nạp thông tin dần dần nó phù hợp hơn với tâm sinh lí người trung tuổi! Mấy năm trước, tủ sách lâu không ai sờ đến bị mối xông nát cả. Mẹ tôi ngồi lọc dọn những cuốn sách hỏng, than thở, bảo mối xông là độc lắm đây. Quả nhiên năm đó cha tôi mất. Than ôi! Có những cuốn sách quý của gia đình sống cùng tuổi thơ tôi. Những cuốn sách cũ không chỉ là sách mà còn là kỉ niệm, là vật chứng. Cuốn sách này ai tặng, cuốn kia mua ở hiệu sách tỉnh lẻ chiều nào…
Bây giờ quả thực đọc mãi không vào, chỉ đọc mạng với đọc chuyện thật của các bạn lính chiến là còn hấp dẫn. Chữ nghĩa giờ lắm khi nó cứ trôi qua mắt thôi, không đọng vào đầu. Có những người bạn xưa lâu không gặp, sao vẫn nhớ từng nét mặt. Có những người hôm qua mới gặp, hôm sau đã quên tên. Đó là thực tế tâm sinh lí “tuổi đá buồn”, chứ nào phải lười biếng hay kiêu ngạo gì.
Có những người mà nghề nghiệp khiến họ phải làm việc với chữ nghĩa, trước là để kiếm sống, sau là gìn giữ và nâng tầm văn hóa dân tộc, thì vẫn phải đọc đến khi về hưu. Có những người dù đã già nhưng do não bộ còn trẻ, còn hứng thú với tri thức mới nên vẫn đọc. Tôi thật sự kính trọng những con người đó. Những cái để đọc của đời sống xã hội mới cũng đa chiều đa dạng, giàu thông tin hơn, kĩ thuật viết, cách diễn đạt phong phú hơn... Âm nhạc và ca khúc thời nay cũng vậy. Nhưng thiệt tình tôi hiểu và thấu cảm những cuốn sách, các band nhạc thời xưa hơn.
Có lúc tôi đã nghĩ chắc não tôi bị trơ mất rồi. Những chiều vàng luống tuổi chỉ thích về quê bạn hữu đi chơi nhăng nhít như tụi trẻ con hồi xưa. Và khi càng lớn tuổi, con người ta hay có những khoảng hoài niệm về tuổi trẻ của mình. Giống như cái bình nước đã đầy ứ, khi muốn chứa thêm được nữa thì nó phải tràn ra như một sự chia sẻ, một sự đắp đổi, để có chỗ chứa thêm những lượng nước mới, tạo tiền đề cho những sự đổi thay mới. Thế thì tôi lại viết, như để bù trì san sẻ những gì tôi đã sống, đã tích lũy, đã đọc hết mình. Viết để cảm ơn cuộc đời, dẫu nhiều khốn khó, gian lao ác liệt, nhưng vẫn riêng dành những phần quà hạnh phúc cùng sự thanh thản tâm hồn cho mỗi cá nhân bé nhỏ.
Chuyện lính Tây Nam của tôi ra đời, như một lời tri ân các anh em đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường nước bạn. Cuốn sách đầu tay về đề tài chiến tranh dưới dạng “phi hư cấu” này được nhiều bạn đọc đón nhận, được nhiều nhà phê bình đánh giá tốt, bởi nội dung lột tả được sự thật khốc liệt đau thương của cuộc chiến, nhưng vẫn chất chứa đầy nhân văn và lòng kiêu hãnh (ý chữ của nhà văn Nguyễn Văn Thọ). Ở đây, cùng với những trải nghiệm tự thân, việc đọc tác phẩm của các tác giả đi trước đã giúp ích cho tôi rất nhiều.
Thành công của Chuyện lính Tây Nam như một khích lệ, thúc giục tôi viết tiếp cuốn thứ hai, cuốn Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu. Người đọc lớp mới, trong thời kì Đổi mới dường như đã không thỏa mãn sau những thường niên thưởng thức thể loại văn học hư cấu tô hồng quá mức, bắt đầu hứng khởi với thể loại phi hư cấu như một món mới, dù khó nhai nhưng mộc mạc chân chất. Hà Nội của tôi, “Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình” bắt đầu lên kệ sách vào tháng 10 năm ngoái (2019) và cũng được nhiều phản hồi tích cực.
Đến bây giờ thì tôi đã tự tin có thể viết trơn tru được rồi. Cuộc đời có biết bao chuyện vui buồn, có biết bao anh hùng và mĩ nhân, những bậc trượng nghĩa dũng cảm cùng những tên hèn nhát phản bội. Thậm chí đến con chim cu, con chó nhỏ cũng có những câu chuyện riêng mình, có số phận riêng của nó. Chuyện dường như có sẵn, chữ nghĩa từ ngữ cũng đã có sẵn trong những người ham đọc, chỉ cần chép lại theo một trình tự lớp lang logic đầy tình người và lòng vị nghĩa. Đội trinh sát và con chó Sara ra đời như thế. Cuốn sách thứ ba này là một sự trở về thể loại tiểu thuyết, thể loại mà tôi đã say mê đọc của các tác gia từ thời tuổi trẻ. Nói cho cùng thì chẳng thể nào hư cấu nổi một cuốn tiểu thuyết khi mà người viết không có một vốn sống, một trải nghiệm dày dặn.
Vậy là cứ thế, cứ thế tôi viết… Khi viết ta dốc lòng ra, lại có thêm nhiều chỗ trong lòng dành cho các tác phẩm mới đọc, cho các bạn viết mới quen. Bây giờ mọi người gọi tôi là nhà văn, thì tôi cũng coi như họ thường gọi anh xe ôm, anh cửu vạn, thế thôi. Viết cũng là một công việc chuyên chở, có điều không phải chở người, mà là chở tình yêu đất nước, chở lòng bác ái nhân văn, chở chuyện đời vui buồn của bản thân và tha nhân.
Theo Trung Sỹ/VNQĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên