Một hành trình văn chương

Thứ năm - 19/11/2020 22:45

Từ ngày 1 đến 4 tháng 5/1957, tại Câu lạc bộ Đoàn Kết trên phố Tràng Tiền, cạnh Quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị thành lập Hội nhà văn Việt Nam.

Hội nghị này về sau được coi là Đại hội lần thứ Nhất. 278 đại biểu tham dự Hội nghị đã thông qua điều lệ, phương hướng hoạt động, chương trình công tác 3 năm, và bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành đầu tiên gồm 25 người và được Hội nghị quyết định coi là 25 hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.Đó là các nhà văn, nhà thơ Nông Quốc Chấn, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Tú Mỡ, Anh Thơ, Mộng Sơn, Cầm Biêu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm, Sao Mai, Tố Hữu, Hoàng Tích Linh, Nguyên Hồng, Bửu Tiến, Xuân Diệu, Đoàn Giỏi, Phạm Huy Thông, Tế Hanh, Nam Trân, Vũ Tú Nam, Hoàng Trung Thông, Xuân Miễn, Tô Hoài, Nguyễn Tuân. Đến ngày 11/4/1957, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I họp Hội nghị lần thứ Nhất, cử ra Ban thường vụ Hội gồm 7 người, đó là Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch Hội; Tú Mỡ, Phó chủ tịch; Tô Hoài, Tổng thư ký; Nguyễn Xuân Sanh, Phó tổng thư ký; và các ủy viên: Nguyên Hồng, Tế Hanh, Đoàn Giỏi… Cho đến hôm nay, sau 63 năm đồng hành cùng đất nước và dân tộc, trước thềm Đại hội lần thứ X, Hội Nhà văn Việt Nam đã phát triển lên đến con số hơn 1.000 hội viên với 5 thế hệ nhà văn có đầy đủ bản lĩnh cách mạng và lòng yêu nghề, lấy Tổ quốc và Nhân dân làm đối tượng cống hiến, và cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn lao nhất của mình. Trong số các nhà văn ấy, người duy nhất còn lại của thế hệ thứ Nhất là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, người mà cách đây chưa lâu, Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức lễ mừng thọ lần thứ 100 của ông.

111
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất Hội Nhà văn Việt Nam
 
 

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh nguyên quán tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh ngày 16 tháng 11 năm 1920 tại Đà Lạt. Ông là người đã cùng những nhà thơ, nhà văn Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh (bút danh Thê Húc), các họa sỹ Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát sáng lập ra nhóm Xuân Thu nhã tập thời kỳ đầu những năm 1940 của Thế kỷ trước.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, Xuân Thu nhã tập là một hiện tượng nghệ thuật tiên phong, một trong những đặc trưng của xu hướng chủ nghĩa hiện đại ở Việt Nam, và từ đó có một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học dân tộc. Ra đời khi Thơ mới  đã rơi vào bế tắc, khủng hoảng. Cái tôi, mảnh đất linh diệu của Thơ Mới đã được đào sâu đến tận cùng, và lúc này, đã mất hết sức sống. Trong xu thế đó, Xuân Thu đã trăn trở và tìm một hướng đi mới cho thơ ca dân tộc. Trong tiến trình của văn học Việt, có thể nói hiếm có nhóm sáng tác nào lại độc đáo như Xuân Thu nhã tập. Độc đáo về chủ thể sáng tác, về đặc điểm thể loại và độc đáo về lịch sử số phận tác phẩm. Xuân Thu chỉ tồn tại từ năm 1942 đến năm 1945, và cũng chỉ gồm mấy tác giả, nhưng lại hội tụ đầy đủ cả “đại gia đình” nghệ thuật: Thơ ca, âm nhạc, hội họa. Số lượng sáng tác cũng rất “khiêm tốn” nhưng lại rất đa dạng về thể loại: thơ, văn xuôi, tiểu luận. Mục đích sáng tác cũng khá độc đáo:“Dưới bóng Xuân Thu sẽ thực hiện: Trí thức – Đạo đức – Sáng tạo...

Hình thành cuối năm 1939, nhưng mãi tới giữa năm 1942, Xuân Thu nhã tập mới in và phát hành đươc tập đầu, và cũng chỉ duy nhất một tập đó mà thôi, dù rất được độc giả hoan nghênh, trông đợi.

Nguyễn Xuân Sanh là người trẻ nhất trong nhóm, và cũng là người theo đuổi tinh thần Xuân Thu nhã tập lâu nhất trong nhóm, để rồi trở thành một nhà thơ có nhiều thành tựu trong nền văn học Cách mạng. Nói đến Nguyễn Xuân Sanh, người ta nhớ ngay đến câu thơ “đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” không lẫn với ai, và cũng đầy ám ảnh. Các nhà phê bình sau này đã đánh giá thơ ông: “Chữ thì đa nghĩa đa tầng khiến cho người đọc tha hồ tưởng tượng để tiếp cận âm thanh… bình thanh hình ảnh thì lại đa chiều khiến cho người đọc mặc sức mà khám phá mà tìm hiểu…”

Nguyễn Xuân Sanh đã trăn trở từ thế kỷ hai mươi sang thế kỷ hai mươi mốt với bao nhiêu tìm kiếm, dằn vặt, bao nhiêu đớn đau… Cho đến hôm nay, khi đã sống tròn một thế kỷ trên cõi đời này, ông với người bạn đời chung thủy của mình, nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, vẫn gắn bó thủy chung trong căn nhà ở một con ngõ nhỏ bên bờ sông Tô Lịch, và cách đây chỉ dăm năm thôi, ông bà vẫn còn là một trong số ít ỏi những cặp vợ chồng nhà văn cao tuổi có mặt trong hầu hết các hoạt động, các sự kiện quan trọng của Hội Nhà văn Việt Nam hàng năm…

Mấy năm trước, nhân một lần đến thăm vợ chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh vào một ngày đầu năm mới, chúng tôi vô cùng cảm kích trước tình cảm của ông bà dành cho những người làm báo hậu thế (nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh nguyên là cán bộ biên tập tuần báo Văn nghệ). Tâm sự về nghề báo, ông bà cười độ lượng: “Còn trẻ thì phải học nhiều, nhưng cái đầu tiên cần học trong nghề làm báo là sự thận trọng…”

Xin chân thành cảm tạ tấm lòng của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh. Trong những ngày chúng ta náo nức bước vào kỳ Đại hội lần thứ X của Hội, trang báo nhỏ này xin được coi là tấm lòng chân thành của hậu thế gửi đến vợ chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, người đã mở đầu và đi suốt một hành trình của văn chương với tình yêu và lòng nhân hậu.

Văn nghệ
Nguồn Văn nghệ số 47/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây