Đời cầm bút của mỗi nhà văn hẳn có nhiều kỷ niệm vô cùng sâu sắc. Tôi cũng có vài kỉ niệm nhỏ và muốn chia sẻ cùng mọi người câu chuyện sau với tôi là đáng nhớ nhất.
Viết lách nhì nhằng cũng đã lâu, nhưng mãi đến năm 1988, tôi mới chính thức bắt tay viết và viết ngay một cuốn tiểu thuyết. Tôi viết do nội năng đòi hỏi phải giãi bày bởi những ấn tượng về công việc dạy học ngót hai chục năm mang lại. Những thầy cô giáo, những lứa học sinh, bao nhiêu vui buồn của nghề cầm phấn xui tôi viết cuốn tiểu thuyết Nơi bắt đầu có gió. Hồi đó tôi dạy học ở một thị trấn ít không khí văn hóa, không bạn văn chương, sách báo rất hiếm. Tôi viết ngày viết đêm; viết xong, thở phào như trút được gánh nặng. Tôi đút tập bản thảo vô ngăn kéo, không nghĩ tới và cũng không biết bằng con đường nào để xuất bản. Thế rồi nhân có cuộc thi “Toàn xã hội chăm lo sự nghiệp trồng người” do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức, tôi bèn gửi đi; rồi thật may, cuốn tiểu thuyết được trao giải Ba văn xuôi, sau đó đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành (1991).
Vấn đề không có gì đáng nói nếu không có câu chuyện vui sau đây. Năm 1999, lúc đó tôi đã chuyển hẳn sang hoạt động trong môi trường văn nghệ. Tôi gửi cuốn sách tặng nhà văn Cao Linh Quân (đã mất năm 2014) vốn là thầy dạy Văn cấp ba của tôi với suy nghĩ tặng thầy cũ cuốn sách viết về nghề dạy học, hẳn rất có ý nghĩa. Độ một tuần sau, tôi nhận được điện thoại của ông từ thành phố Nha Trang:
- Mình chưa đọc, nhưng bà xã mình đã đọc sách cậu rồi, cậu có biết bà ấy phán gì không? Này, bà ấy nói Hoàng Thái Sơn có lẽ không phải đảng viên? Mình cãi “Cậu này là phó Chủ tịch Hội văn nghệ Quảng Bình, Tổng biên tập tạp chí Nhật Lệ đó, sao không đảng viên?” khiến bà ấy cười mãi…
Nói rồi ông cười, còn tôi thì không nói gì, vì quá bất ngờ. Đó là một nhận xét lạ lùng, có lẽ trong phê bình văn học chưa có ai đưa ra ý kiến như vậy đối với một tác giả sau khi đọc sách của họ? Tôi biết vợ nhà văn thầy tôi là một cô giáo dạy Toán cấp ba, rất mê tiểu thuyết. Vì sao cô giáo của tôi lại nói như vậy? Nhận xét trên ngẫm ra thật vô cùng thú vị và nghiêm túc; ở chỗ không phải do cuốn sách tồi, mà lại do tính tích cực của nó trong khi nhiều nhà văn trong đó không ít nhà văn là đảng viên đã viết nhạt, theo “lề phải” một cách máy móc, thiếu tính phản biện xây dựng, nặng minh họa chủ trương chính sách, lúc nào cũng hô khẩu hiệu khiến tác phẩm không có sức thuyết phục… Với nhà văn quần chúng, hẳn bạn đọc không mấy ai có ý kiến gì, nhưng nhà văn là đảng viên thì bạn đọc lại đặt ra yêu cầu cao, nên rất khó chịu khi gặp tác phẩm không như mong muốn; và thế là một cách nhìn ngược lại đầy tính trào lộng, châm biếm, mỉa mai đã xuất hiện: có những cuốn sách hay có thể không phải sách của nhà văn đảng viên! (Dĩ nhiên không ai nghĩ cứ nhà văn quần chúng là viết hay hơn đảng viên). Qua đây thấy độc giả đòi hỏi gì ở các nhà văn trong Đảng. Thiết nghĩ nhà văn nhất là nhà văn đảng viên cần phải viết những cuốn sách xứng đáng sự trông chờ của độc giả hơn nữa với vai trò của mình; còn nếu để bạn đọc nói mỉa kiểu trên là chưa làm tròn sứ mạng.
Đến đây tôi xin trình bày vài nét về cuốn sách của tôi để rõ hơn vấn đề. Trong cuốn sách tôi xây dựng nhân vật chính là một ông hiệu trưởng trường THPT trẻ tuổi, năng động, dám nghĩ dám làm. Đó là những năm đầu của công cuộc đổi mới, mọi thứ đang rất lạ lùng khi người ta chưa kịp cởi bỏ cơ chế bao cấp, lạc hậu cùng nhiều tệ nạn trong đời sống xã hội. Anh hiệu trưởng “bịa đặt” của tôi, một anh lính từng ở chiến trường về, rất hào hứng với sự nghiệp Đổi mới, và quan niệm theo anh Đổi mới không tự đâu đến, mà từ bản thân mỗi người trong công việc hàng ngày và là suy nghĩ và hành động cho đúng, thế thôi. Anh ủng hộ những gì là chân thật, trong sáng, vô tư cống hiến, ghét thói mạt nịnh nọt, máy móc, tham nhũng, vun vén, đầu óc cửa quyền trong đó có không ít đảng viên… Anh từ chối mọi đút lót của phụ huynh khi con thi vào đầu cấp, dù đó là ông chủ tịch huyện đương kim hay một lão buôn vàng giàu sụ; anh tổ chức kì thi tuyển sinh chặt chẽ nghiêm túc khiến ông chánh văn phòng ủy ban huyện bị lập biên bản vì đã ném bài cho con ông chủ tịch huyện (và con vị chủ tịch khả kính này cuối cùng đã rớt) và ngay con đồng chí bí thư chi bộ nhà trường vẫn trượt do học kém! Đó là những chuyện “động trời” cách nay trên 30 năm và ngay cả bây giờ chưa hẳn đã hết… Anh hiệu trưởng này vốn là con liệt sĩ, rất quan tâm học sinh con liệt sĩ, nhưng khi có những em vi phạm kỷ luật, rất đau lòng, nhưng anh vẫn nghiến răng đuổi học theo quy định. Có cô giáo giận anh, thậm chí từng chửi bới anh, nhưng đó là một cô giáo có chuyên môn, yêu nghề nên anh vẫn tôn trọng, không hề ghét bỏ; ngược lại, có cô giáo lo làm giàu, quên dạy dỗ, dù tìm cách lấy lòng anh để xin về trường, anh vẫn không nhận. Anh từ chối mọi sắp đặt của ông trưởng phòng tổ chức Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh về nhân sự nhà trường không có lợi cho công việc, dù bản thân anh được hưởng lợi riêng; anh phát hiện trong báo cáo của một trường điểm những sai sót khiến ông Giám đốc Sở cũng phải công nhận; anh đưa đứa cháu ruột vào làm kế toán nhà trường nhưng cả hai cậu cháu nhà họ rất trong sáng, không màng một xu công quỹ… Cái bản tính tốt ấy đã bị nhiều người ghen ghét, tìm cách gây khó dễ, họ làm đơn nặc danh tố cáo anh, bịa ra bao nhiêu tội trạng cho anh, và ngay chính vợ anh không chịu nổi đã phải bỏ nhà ra đi nhưng anh vẫn bình tĩnh làm việc… Tóm lại đó là một đảng viên kiên trung, một thầy giáo gương mẫu. Nhà văn Bùi Hiển (đã mất năm 2009), trong ban chung khảo cuộc thi đã nhận xét: “Tôi rất yêu nhân vật hiệu trưởng Nguyễn Quang Mậu, đó là một người dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm trước suy nghĩ và hành động của mình”. Nói vậy không có nghĩa Mậu là con người thép, lạnh lùng, máy móc, anh sống rất có tình nghĩa, chỉn chu: cô giữ trẻ con ốm, sợ anh, không dám xin nghỉ, biết chuyện, anh gọi lên cho nghỉ; một giáo viên cần cái bàn làm việc ở nhà, anh giải quyết liền và chính anh là người động viện ông bí thư chi bộ dạy đứa con lười học tiến bộ, năm tiếp đó đã thi đậu vào trường; anh giúp được ai cái gì là sẵn sàng không nề hà còn bản thân thì sẵn sàng hi sinh, nhường nhịn…
Có lẽ nhờ những phẩm chất đó của nhân vật chính mà cuốn sách đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Tôi tưởng số phận cuốn sách đã an bài trong im lặng sau gần hai chục năm ra mắt, không ngờ năm 2008 và năm 2009, hai lần nhà xuất bản Giáo dục đã cho in lại và cuốn sách đã về với nhiều trường học trên cả nước. Trên trang mạng, năm 2008, NhasachTritue.com đã xếp tiểu thuyết Nơi bắt đầu có gió vào tốp “20 cuốn sách bán chạy trong năm”. Báo Sài Gòn giải phóng, số ra ngày 15/11/2008, trong bài giới thiệu tiểu thuyết này, tác giả Thùy Dung đã viết: “Đó là câu chuyện về thầy hiệu trưởng một trường phổ thông trung học với bản lĩnh vững vàng, thẳng thắn, cương trực, dám nghĩ dám làm, đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả”, và khẳng định “Dù ở thời điểm nào chăng nữa, ngành giáo dục vẫn rất cần những con người cương trực và đầy trách nhiệm như thế…”.
Trong quân đội có tủ sách “Những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội” rất hay, thiết tưởng giới nhà văn cũng nên có tủ sách “Những kỷ niệm sâu sắc trong đời nhà văn”. Đó sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ nhất của mỗi nhà văn có tác dụng không nhỏ như bất cứ tác phẩm văn học nào.
Tác giả: Hoàng Thái Sơn
Nguồn Văn nghệ số 47/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên