- Chúc mừng ông với giải Ba cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông nghĩ gì về cuộc thi và chất lượng giải thưởng lần này?
+ Tôi được biết. Đây là cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2015- 2020) được đông đảo nhà văn cả nước hưởng ứng; với nhiều đề tài khác nhau, kể cả chiến tranh và hậu chiến tranh. Tôi không được đọc hết các tác phẩm dự giải nhưng tôi tin chất lượng cuộc thi lần này. Ví như tác phẩm “Từ Dụ Thái hậu” của Trần Thùy Mai, được dư luận đánh giá cao, câu chữ nhẹ nhàng, sâu sắc, mịn màng, tinh tế. Đây là cuốn tiểu thuyết viết về lịch sử đáng đọc.
Có được kết quả cuộc thi sau 5 năm, nhờ vào công sức của Ban Tổ chức, qua nhiều lần đọc sơ khảo, chung khảo, rồi Ban Chấp hành Hội Nhà văn họp nhiều kì xem xét, cân nhắc với thái độ cẩn trọng, nghiêm túc, khách quan, vì tác phẩm, không vì tác giả.
Đã là cuộc thi. Không thể nói công bằng trăm phần trăm được. Vì mỗi người một ý. Khen, chê là lẽ thường tình. Văn chương là vậy. Chỉ có những tác phẩm được đăng kí vào thời gian và “đứng” lại được, không để gió cuốn đi mới là tác phẩm có giá trị, chứ không ai nhìn vào giải cao thấp.
- Được biết thời trẻ ông dạy học ở đảo Ngọc Vừng trên biển Đông Bắc, nhưng tiểu thuyết “Gió Thượng Phùng” lại có bối cảnh ở miền núi phía Bắc nơi địa đầu Hà Giang. Cảm hứng từ đâu để ông viết tác phẩm?
+ Năm 1960, tôi may mắn được theo đoàn làm phim “Đầu sóng ngọn gió”, được khai quật thương cảng Vân Đồn với giáo sư Trần Quốc Vượng, Tiến sĩ Đỗ Văn Ninh, anh Hoàng Dư, chị Đặng Bích Hà... Khi đó tôi đang dạy học ở Ngọc Vừng, được đạo diễn, NSND Ngọc Quỳnh và nhà quay phim Kiều Thẩm giao chân “chạy vặt” cho đoàn. Lúc ấy tôi đã tự hỏi “Vì đâu dân tộc ta phải chịu nỗi đau quá lớn?”. Đất nước như một bà mẹ hiền, những hòn đảo chạy dài từ mũi Sa Vĩ đến Hà Tiên là những đứa con ngoan ôm lấy lưng mẹ, hàng ngày chống chọi với giặc giã, sóng gió. Mỗi người dân trên đảo là cột mốc sống giữa biển khơi, giữ cho đất nước được yên lành. Trong cuộc đời sáng tạo văn học, tôi đã xuất bản được 6 tập thơ, 1 trường ca, hàng chục tập kí và 6 tập tiểu thuyết. Từ đó đến nay tôi đã trải qua chặng đường 60 năm mới có được cuốn tiểu thuyết lần này.
Tôi viết trên nền tảng lịch sử và nỗi đau của dân tộc qua các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước. “Gió Thượng Phùng” nơi miền biên viễn xa xôi, một bước chân sang nhà hàng xóm. Đồng bào mình sống trên đá, chết vùi trong đá. Tắm gió, ăn sương. Mỗi mái nhà người Mông như dán vào vách núi. Họ trụ lại hàng nghìn năm để giữ lấy biên cương.
Hàng ngày họ phải đối mặt với người hàng xóm chẳng tốt lành gì. Thoắt một cái nó đã trở mặt, đánh trước mặt, đánh sau lưng. Cây ngô dân Thượng Phùng mới tra vào hốc đá, người ta cậy khỏe, người đông, sang cướp đất, cày đi, bừa lại, trồng ngô của họ lên đất mình. Đất Vị Xuyên thành “lò vôi thế kỉ”, pháo họ cày xới ngày đêm. “Hang dơi Thanh Thủy vùng biên máu/ Đồng đội nằm đây ta chớ quên”.
Lên đây tôi mới hiểu thế nào là “biên giới thủng”, “biên giới mềm”, “biên giới cứng” nó lấn ta hàng ngày. Biên giới tổ tiên ta để lại là văn hóa.
- Chắc hẳn ông cũng đã có những chuyến thực tế đáng nhớ trước khi đặt bút?
+ Tôi đến Thượng Phùng, xã biên giới thuộc huyện Mèo Vạc, Hà Giang với tư tưởng “cắm bản”. Được ông Triệu Đức Thanh - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và anh Trần Quang Minh, Bí thư huyện ủy Mèo Vạc (nay là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy) đưa tôi leo đỉnh Lủng Chư (lưng con lợn) ăn ở với người Mông, xem họ cõng nước từ sông Nho Quế về ăn, xem họ “tắm gió”, đón gió rét buốt từ Sư Tử Sơn tràn sang. “Cắm bản” đâu chỉ một lần. Nhiều lần ăn dầm, ở dề với đồng bào dân tộc, xem họ giết lợn chỉ mất 5 lít nước, ăn mèn mén với họ. Cái mùi chua chua và mùi khói bếp khét lẹt thấm vào quần áo, đầu tóc tôi. Ở vậy vẫn chưa được ăn rêu đá, đi bẫy chuột, ăn bọ hung xào và thịt ngựa luộc không muối như nhà văn Tô Hoài ở Sùng Đô.
Có đi mới thấu hiểu phong tục của đồng bảo Mông, hiểu được tố chất người Mông thông minh, dũng cảm trong giữ đất, giữ nhà.
Văn hóa Mông có màu sắc độc đáo trong đám ma, đám cưới, tôi đã dự “Hội vỗ mông” của người Mông, chứ không hời hợt như người ta đi xem “Chợ tình” của họ bây giờ.
Ăn ở với đồng bào Thượng Phùng không biết bao ngày, có khi hàng tuần tôi mới được tắm chung với lũ trẻ, còn hầu như làm theo các chiến sĩ biên phòng Thượng Phùng, dùng khăn lanh vắt lên ngọn cây, hứng sương, đọng tuyết mà lau người.
Tôi cùng các nhà văn Hoàng Minh Tường, Hoàng Quốc Hải đã đến rừng đá Lũng Cú và miếu thờ xưa nơi đồng bào Mông đã cắt máu tuyên thề trước khi đi chiến đấu chống kẻ thù xâm lược biên giới. Đấy mới là cột mốc lòng dân. Từ cảm hứng đó tôi viết tiểu thuyết “Gió Thượng Phùng” để ca ngợi đồng bào các dân tộc mình giữ đất, giữ nhà suốt miền biên giới phía Bắc.
- Đọc “Gió Thượng Phùng” thấy ông có nhiều trăn trở về cách cư xử giữa những người láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” với mong muốn một sự hòa hiếu, tôn trọng đạo lí của hai bên. Nhưng với những gì diễn ra trên thực tế, liệu những “khát vọng” đó có cơ hội hiện thực hóa không thưa ông?
+ Dân ta vốn sống hòa hiếu. Nhưng rồi có lúc bực bõ kêu lên. Muốn thế mà không được thế. “Núi liền núi, sông liền sông” là câu cửa miệng của dân hai nước nhưng nói “vậy” mà không “vậy”. Đất nước đi qua bao sự thăng trầm lịch sử, ẩn chứa bao nhiêu kỉ niệm. Với thực trạng tình hình hiện nay tôi có cảm giác khát vọng đó thật xa vời...
- Ông có coi đề tài về biên giới phía Bắc là nhạy cảm? Điểm mấu chốt nào khiến ông tự tin để xử lí tình huống truyện?
+ Nói đến biên giới trên các quốc gia là nói đến sự nhạy cảm giữa các nước. Nếu không có những trải nghiệm như vừa kể tôi làm sao hiểu được cỏ chi, sao hiểu được phong tục người hàng xóm, hai nhà cách nhau chỉ một bước chân, một con suối nhỏ để mà viết. Làm sao dựng được câu chuyện hai nhà liền kề của hai nước sang nhà nhau uống nước, hút thuốc, kể chuyện, kết giao, rồi con cái yêu nhau, thành vợ thành chồng, bỗng dưng anh ta trở mặt, bạn thành thù…
Xử lí những vấn đề nóng bỏng ấy, tôi chỉ lấy nền văn hóa đẹp của mình mà ứng xử. Nhưng văn hóa thuần túy đâu có thể giải quyết mọi chuyện. Có lúc phải cứng rắn, cương - nhu tương hỗ. Vì thế, tôi phải học văn hóa người Mông rất nhiều để xử lí các tình tiết trong tiểu thuyết.
- Hòa chung trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc đều có căn cước văn hóa của mình. Với đồng bào người Mông, trong quá trình tìm hiểu để viết tác phẩm, ông có cảm nhận gì về họ?
+ Chảo A Nghì, nhân vật chính trong chuyện, bị người hàng xóm đang đêm lôi ra khỏi nhà bắn chết, chuyện đó có thật tôi không hư cấu. Đang đêm có người gõ cửa xin tránh rét, thương người nên “Quả táo đỏ” mới đẩy then cửa, thò cổ ra. Nó túm lấy lôi đi... Tôi cùng một số nhà văn, đạo diễn được anh Ninh bí thư Mèo Vạc, cho thuyền đi dọc sông Nho Quế vào thăm vợ Chảo A Nghì, hiện bà vẫn còn sống. Trên tay bà luôn có bó đay vừa tước, vừa xe, vừa nói chuyện, quanh năm chẳng lúc nào nghỉ, còn khổ hơn con trâu, con ngựa buộc gốc cây Tống Quá Sủ (cây qua đông). Khi xuống dốc, ra đò, bà ta chỉ tay lên mộ chồng, miệng nói “Chéo lù - chéo lù!” (Trở lại - trở lại!). Bà dặn chúng tôi thế.
Viết xong “Gió Thượng Phùng”, vùng đất ấy đã để thương, để nhớ cho tôi.
Thế là tôi có vòng sóng mới về đồng bào dân tộc. Tôi sống với họ cả trong giấc ngủ. Có lần con gái Chảo A Nghì dẫn tôi đi xem chỗ trai gái tối đến rủ nhau ra đấy “vỗ mông” rồi dựng lại cảnh “cướp vợ”.
Tôi rất yêu quý người Mông. Sự thông minh, chân thật của họ đã chinh phục được ngòi bút của tôi. Tôi thương số phận mỗi con người trên núi đá. Con đường đi với đồng bào Mông chi chít, ngoằn ngoèo, xẻ ngang, xẻ dọc. Tôi đi mãi... đi mãi... mà chưa hiểu hết văn hóa của người Mông.
- Ông thường chọn các đề tài khá gai góc để viết, vì sao vậy?
+ Con đường rộng, cát mịn, bóng tre, ru mát ai chả đi được. Đến nơi khó, không ai đến được mới thích. Tôi chọn đề tài khó, gai góc, xù xì, mà viết mới thích. Cảm giác mới lạ thường thôi thúc tôi.
Viết về tội phạm tôi từng đi một vòng các trại giam trên cả nước, trong đó tôi chọn trại giam Cái Tàu ở Cà Mau, là trại xa nhất; đến trại Cái Tàu tôi lại chọn phân trại một, là nơi giam tù nhân “đặc biệt” ở chót mũi Cà Mau mà đến.
Đi viết ma túy tôi phải tìm tới “Lóng Luông” Cò Tàng - Nà Ư (Điện Biên) mới ra được “Chảo lửa”. Viết hồi kí tôi chọn viết về Trần Độ, Nguyễn Hữu Đang... Cũng vì chọn những thứ gai góc, có lúc tôi đã gặp những chuyện không hay, may mà được những nhà văn chân chính ủng hộ, giúp đỡ...
Góc khuất và số phận cuộc đời con người còn nhiều lắm. Mong rằng những nhà văn trẻ quan tâm tới họ.
- Quan niệm về nghề văn của ông khi còn trẻ và khi đã có tuổi có khác nhau không?
+ Nghề văn - lúc trẻ, khi già vẫn vậy thôi! Tôi nghĩ người cầm bút dù thiên tài đến đâu cũng phải có vốn sống, vốn thực tế, mới hư cấu được. Chẳng ai hư cấu trăm phần trăm. Rất may cho tôi, không để ngòi bút của mình rơi vào viết quảng cáo, mua vui. Tôi viết thật sự vì đồng bào mình - Tổ quốc mình. Một câu, một chữ cũng phải có chút “lửa”, đừng “ngủ gà, ngủ gật” trước bản thảo. Tôi không biết gõ “Google” để kiếm câu chữ, câu chữ lúc nào cũng từ cảm xúc thật.
Tôi viết tay. Thời đại 4.0 mà vẫn không dùng máy. Động vào máy đầu óc tôi như trơ ra, cứ sột soạt từng chữ một thấy hay hơn. Dù có chút thành công, nhưng tôi không muốn lặp đi lặp lại thứ ánh sáng đã có. Các cụ bảo “dùng đến xái ba” thôi, chứ đừng nhai đi nhai lại cái gì mình đã có rồi tự thỏa mãn với bản thân về tác phẩm của mình. Phải dám vượt mình. Già rồi cũng phải vượt mình, đừng đứng lại ngắm nhìn bức chân dung cũ.
- Vâng! Gừng càng già càng cay thế thì tốt quá. Nhưng tuổi tác cũng có những hạn chế của nó…
+ Hạn chế của tuổi già là quỹ thời gian, bệnh tật gõ cửa vào nhà ngủ chung giường với mình.
- Sứ mệnh của nhà văn theo ông là gì? Chỉ cần là sứ giả của một vùng đất, một miền quê để khai thác những đặc sản của nó, hay cần lớn hơn ở tầm quốc gia và mở rộng hơn là không có ranh giới địa lí?
+ Sứ mệnh của nhà văn là cho ra đời tác phẩm. Nhưng tác phẩm đó phải đứng về những người cần lao. Miền quê tôi sống là vùng đồng bằng. Từ bé tới lớn đều ở với người nông dân, điều đó đã in hằn trong mỗi tác phẩm dù tôi chưa hề có dấu chức danh đóng vào các văn bản. Đấy là sự may mắn nhất của tôi. Tôi đã thấy một vài người cầm bút, lúc anh ta còn là “thường dân” viết khác, có ghế rồi viết khác, chưa nói nói là hời hợt với người cần lao. Tôi thích nhất câu của ông bạn già của tôi nói “đừng đùa với nông dân”.
- Ông sẽ tiếp tục viết chứ?
+ Vâng tôi tiếp tục cầm bút, đến lúc trái tim tôi ngừng đập. Mãi mãi tôi sẽ thế. Chọn sự thăng trầm, nỗi đau dân tộc, “ngồi bệt” xuống mà viết.
- Cám ơn ông đã chia sẻ với VNQĐ!
Theo Dương Tử Thành (thực hiện)
Nguồn VNQĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên