1. Ngôn ngữ không phải chỉ là công cụ của tư duy mà còn là sản phẩm của tư duy, là “hiện thực thứ hai của tinh thần”, là linh hồn của một dân tộc. Nhà báo, nhà hoạt động cách mạng Nguyễn An Ninh từng khẳng định: “Đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với chối từ sự tự do của mình”. Ngày nay, người ta không chối từ, nhưng là đang phá hỏng hoặc vô tình phá hỏng mà chưa có một giải pháp căn cơ để chấn hưng.
Những ai thường xuyên đọc sách báo, nghe radio, xem tivi… thì sẽ thấy rõ việc nói sai, viết sai ngày càng trầm trọng đến thế nào. Điển hình nhất có lẽ là sự việc gần đây khi trong một bản tin của VTV, biên tập viên phát thanh như sau: “Dịch Covid-19 đã khiến cho những con phố du lịch, hay là chủ yếu phục vụ khách nước ngoài, tại thành phố Hồ Chí Minh trở nên tiêu điều. Và khi những con phố không còn sức sống, những gánh hàng rong, vốn được xem là sống kí sinh trùng lên những con phố này, sẽ tồn tại ra sao?”. Bản tin trên được ghi lại và cụm từ sống kí sinh/ sống kí sinh trùng đã gây ra một sự phẫn nộ trong cộng đồng. Sự phản ứng của người dân trước cách nói này là hoàn toàn có cơ sở, dù biên tập viên kiêm phát thanh viên kia cố ý hay vô tình. Nghe hết bản tin thì người ta không thấy cái ý miệt thị hay khinh thường của nhà đài đối với những người bán hàng rong, ngược lại còn thể hiện sự chia sẻ nữa; nhưng chính vì năng lực ngôn ngữ không tốt nên không những không truyền đạt được chính xác cái ý mình muốn nói mà còn gây phản tác dụng như đã thấy.
Con người giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ, và ngôn ngữ sẽ chi phối đến mối quan hệ của các nhân vật giao tiếp ấy. Đó là một tác động tất yếu, chính vì thế mỗi người phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Và cũng chính vì thế mà cần rèn luyện năng lực ngôn ngữ để sự giao tiếp diễn ra bình thường, đạt mục đích. Nhưng hiện trạng của việc sử dụng tiếng Việt đang không như thế, mà xuống cấp đến mức không thể bàng quan, nếu không muốn nói là đáng báo động.
Đấy là chưa kể những văn bản hành chính đòi hỏi sự đơn nghĩa, chính xác, chặt chẽ nhưng đã tạo ra lắm sự bi hài như vẫn thường thấy để rồi phải cười ra nước mắt. Có lẽ, lãnh địa của sự thiếu trong sáng của tiếng Việt không ở đâu nhức nhối như trong nhà trường. Những ai làm giáo viên sẽ có cảm giác bất lực trước câu chữ của học trò, dù là học trò đã học tiếng Việt (và ngữ văn nói chung) suốt 12 năm ròng; ngay cả sinh viên cũng không ra khỏi tình trạng này, dù là sinh viên ngành sư phạm, thậm chí là ngành sư phạm ngữ văn. Những ai từng tham gia chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chấm thi tuyển sinh đại học, kể cả chấm khóa luận, luận văn, luận án… sẽ có đủ cơ sở để kết luận về một tình trạng yếu kém có tính hệ thống và phổ biến trong khả năng sử dụng tiếng Việt của người học. Nói sai, viết sai hiện diện ở khắp nơi từ người dân thường cho đến học sinh, sinh viên, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học, chính khách…, nói chung là giới trí thức chữ nghĩa, thậm chí cả nhà biên soạn từ điển tiếng Việt. Nếu không kịp thời khắc phục sửa chữa thì tiếng Việt thiêng liêng của ta bị vẩn đục; từ đó theo thời gian sẽ phương hại đến các cơ tầng văn hóa khác.
2. Vì đâu nên nỗi? Tại sao lại có sự sa sút trên diện rộng về sử dụng tiếng Việt như thế? Người ta vẫn nói nhiều về sự yếm thế, lép vế của môn ngữ văn trong nhà trường. Ở đây, tôi muốn nói câu chuyện nhà trường đang thiên về dạy-tri-thức-tiếng-Việt chứ không phải dạy-tiếng-Việt! Nghĩa là dạy những thứ trừu tượng được trừu xuất từ thực thể tiếng Việt, hay nói cách khác là một thứ tiếng Việt chết. Các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa được dạy là những mô hình chứ không phải là ngôn ngữ sống. Và việc học thuộc tất cả những tri thức ấy không bao giờ hứa hẹn về một tương lai rằng người học sẽ sử dụng đúng và sử dụng tốt tiếng mẹ đẻ của mình. Hãy hình dung thế này, khi một đứa trẻ được dạy về giải phẫu học cơ thể mèo thì điều đó không đảm bảo cho việc đứa trẻ ấy sẽ biết cách nuôi dưỡng, chăm sóc và thương yêu một con mèo.
Đấy là chưa nói tới việc quá nửa tri thức tiếng Việt trong nhà trường đang được truyền dạy cho người học là sai lầm, không phản ánh đúng thực tế tiếng Việt. Chúng là những mô hình sinh ra từ cái nhìn “dĩ Âu vi trung” mà nhà ngữ học Cao Xuân Hạo đã dành cả đời để minh định và gột rửa. Nhưng chân lí khoa học đôi khi chưa thể vượt qua được những thứ ngoài khoa học.
“Ngữ” trong nhà trường thì như thế, còn “văn” thì sao? Tình trạng văn mẫu (ở cả trò lẫn thầy), học thuộc kiến thức “chuẩn” và chỉ thi cái kiến thức “chuẩn” ấy đã khiến cả người dạy và người học gần như làm cái công việc duy nhất là ghi nhớ (lời của người khác). Nó làm ta nhớ tới câu chuyện cười dân gian “Mất rồi! Cháy!” trong sách giáo khoa. Đề thi trung học phổ thông quốc gia môn ngữ văn những năm gần đây đã có sự đổi mới về hình thức, nhưng cơ bản vẫn chưa thay đổi về chất khi phần lớn câu hỏi đều hoặc dễ dãi hoặc áp đặt hoặc không có tính kích thích tư duy của thí sinh.
3. Nhà báo Nguyễn An Ninh đã dẫn một định đề mà tôi rất tâm đắc: “Điều gì người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rõ ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra”. Sự xác quyết này là chiếc chìa khóa giúp mở căn phòng tối cho ánh sáng tràn vào.
Việc dạy tri thức tiếng Việt và sửa các lỗi hành văn là cần thiết, nhưng sẽ không bao giờ giải quyết được gốc rễ của vấn đề, vì đó là cái ngọn, là hiện tượng sinh ra từ một nguyên nhân bên trong thuộc về thế giới tinh thần. Chính vì thế không bàn thêm về tri thức tiếng Việt trong nhà trường, tôi chỉ muốn đề cập đến một tinh thần căn cơ để giải quyết vấn nạn “hành văn” ở ta: TƯ DUY. Giáo dục phải tạo môi trường, nuôi dưỡng và khuyến khích tư duy độc lập, tư duy phản biện. Chừng nào chưa làm được việc này thì mọi sự truyền đạt kiến thức đều không thể đưa tới một kết quả cơ bản, khả quan.
Chỉ khi con người suy nghĩ thấu đáo, hình thành quan điểm cá nhân trên cơ sở đã khảo cứu, phản biện những luồng quan điểm khác để kiến tạo một niềm tin từ luận lí thì khi ấy người ta sẽ trở thành nhà hùng biện, nhà diễn thuyết, hay ít nhất cũng sẽ diễn đạt một cách rõ ràng, chính xác suy nghĩ của mình. Nói ngược lại là thế này: Nếu anh chưa có suy nghĩ, quan điểm của mình thì yêu cầu về việc diễn đạt đúng và hay là một yêu cầu không thực tế. Không có gạo mà yêu cầu phải nấu cơm ngon thì lấy gì mà nấu!
Từ nguyên tắc trên phải dẫn tới tư tưởng dạy học theo phương pháp đối thoại, giải quyết vấn đề và chấp nhận các quan điểm trái chiều trong tranh luận; xây dựng một môi trường giáo dục với không khí học tập cởi mở, năng động, ở đó người học có cơ hội được suy tư, được thảo luận, được phát biểu chính kiến và được tôn trọng. Môi trường giáo dục hiện đại này sẽ giúp người học phát triển năng lực tư duy, hình thành quan điểm cá nhân, bồi đắp nền tảng logic và nuôi lớn văn hóa đối thoại. Ngôn ngữ sẽ được rèn giũa để trở nên chính xác, sắc bén và đạt đến trình độ nghệ thuật trong một phương cách vận động như thế của giáo dục mà không cần nặng về kiến thức xơ cứng như từ trước tới nay.
4. Như thế, không chỉ giáo dục, mà rộng lớn hơn, cần một xã hội thoáng mở, nơi mọi tư tưởng đều bình đẳng, cùng đối thoại, nơi kích hoạt, di dưỡng và phát triển phẩm tính, cốt cách tinh thần cho mỗi cá nhân. Con đường đi từ gốc này may ra mới đủ khả năng chữa dần căn bệnh sử dụng sai tiếng mẹ đẻ đang ngày càng trầm kha và có nguy cơ làm phương hại các cơ tầng văn hóa trên nhiều mặt.
Tác giả: Đức Thuận
Nguồn: VNQĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên