- Sau khi đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết của Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức năm 2010 với tiểu thuyết “Hoa bay”, cuộc sống và công việc của chị có gì thay đổi không?
+ Đối với tôi, “Hoa bay” là một bước ngoặt vô cùng đặc biệt trong cuộc sống. Trước đó, tôi đã có một vài tác phẩm viết cho thiếu nhi được in tại Nhà xuất bản Kim Đồng, sau khi biết đến cuộc thi sáng tác tiểu thuyết truyện và kí đề tài vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống do Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, tôi mới thực sự nhen nhóm ước mơ theo đuổi nghiệp văn chương. Giải A mà tiểu thuyết đầu tay “Hoa bay” đạt được là điều vô cùng bất ngờ đối với tôi, càng đặc biệt hạnh phúc hơn khi tác phẩm được nhiều độc giả đón nhận và yêu quý. Kể từ đó, bên cạnh nhiệm vụ của một chiến sĩ Công an, tôi đã thực sự đam mê sáng tác. Năm 2018, tôi đã vinh dự được trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
- Từ đó đến nay thấy chị vẫn bền bỉ viết và dự các cuộc phát động tiếp theo của ngành, điều lớn nhất khiến chị gắn bó với những trang viết về lực lượng là gì?
+ Kể từ sau “Hoa bay”, các tác phẩm tiếp theo của tôi đểu viết về cuộc chiến chống tội phạm của lực lượng Công an, có lẽ vì đề tài về lực lượng Công an nhân dân luôn là mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng đối với những người cầm bút. Bên cạnh đó, việc công tác trong lực lượng Công an cũng khiến tôi có điều kiện đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, từ đồng đội trực tiếp làm công tác điều tra khám phá án, đến các nạn nhân và đối tượng phạm tội để từ đó có được góc nhìn đa chiều, toàn diện hơn về các vụ án, về nạn nhân và thủ phạm…. Tất cả những yếu tố trên vừa điều kiện thuận lợi để tôi làm giàu hơn cho vốn sống của bản thân, vừa là nguồn tư liệu quý giá và động lực để tôi viết nhiều hơn về những người đồng đội của mình và những mảnh đời phía sau từng vụ án.
- Tại cuộc thi lần này, chị tiếp tục thành công khi lần thứ hai giành giải A. Theo chị, điều gì ở tiểu thuyết “Phận liễu” đã thuyết phục Ban giám khảo cuộc thi?
+ Giải thưởng của cuộc thi lần này cũng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với tôi, bởi đây giống như là món quà tôi tự dành tặng cho 10 năm thanh xuân theo đuổi đam mê sáng tác của mình, đồng thời cũng là niềm tự hào vì một lần nữa tôi lại được viết về những đồng chí đồng đội của mình trong cuộc chiến chống tội phạm, bảo vệ bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Nếu “Hoa Bay” viết về đề tài buôn bán phụ nữ, “Bí ẩn Phụng Hoàng Sơn” viết về nạn cướp bóc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thập kỉ 90 và kéo dài đến hiện tại, thì “Phận liễu” là tiểu thuyết viết về cuộc chiến chống buôn lậu của vùng biên. Thông qua cuộc đời thăng trầm, chìm nổi, từ một cô sơn nữ trở thành bà trùm buôn lậu khét tiếng vùng biên và hành trình tìm lại tình yêu trắc trở nhưng đã khắc sâu vào vận mệnh của Liễu Tiền Tấn. Tiểu thuyết “Phận liễu” đã phần nào khắc hoạ lại cuộc chiến chống buôn lậu dữ dội và đầy biến động ở vùng biên. Tác phẩm cũng phản ánh những trăn trở, ưu tư về cuộc sống, về giá trị của tình yêu, tình bạn, tình thân trước sự cám dỗ của đồng tiền và những phẩm chất đáng quý của người phụ nữ sau muôn trùng giông bão. Hiện nay “Phận liễu” được phát hành đến tay độc giả và nhận được nhiều phản hồi rằng tác phẩm đã thực sự trưởng thành về mọi mặt so với “Hoa bay”, điều đó khiến tôi thực sự hạnh phúc và tự hào.
- Những nhân vật phụ nữ có vẻ luôn là nỗi trăn trở cũng như là cảm hứng sáng tạo của chị. Cả hai cuốn tiểu thuyết đoạt giải đều là những nhân vật tội phạm nữ có đai đẳng. Chị muốn “tuyên ngôn” điều gì về phái yếu dưới góc nhìn tội phạm chăng?
+ Tôi đã may mắn gặp được nhân vật nguyên mẫu của tác phẩm “Hoa bay” và “Phận liễu”. Có lẽ vì cùng là phụ nữ nên câu chuyện của họ thực sự đã khiến tôi bị ám ảnh và trăn trở, dần dần trở thành xúc cảm mãnh liệt đến mức muốn dùng văn chương để chia sẻ với mọi người. Tôi không muốn tuyên ngôn điều gì lớn lao, mà chỉ muốn thông qua câu chuyện của họ để mọi người hiểu thêm về thế giới tội phạm và được, mất, đúng, sai cũng như cái giá phải trả khi đưa ra lựa chọn của mình. Giống như Vượng Thị Hoa, dù đáng thương nhưng mỗi khi có cơ hội được lựa chọn cô ấy đều để lòng tham và hận thù che mắt đến mức đánh mất cả lương tâm của mình. Còn Liễu Tiền Tấn tuy có sai lầm nhưng không đến mức không thể tha thứ và đã kịp dừng chân trước vực thẳm nên cô ấy vẫn có cơ hội tìm lại được hạnh phúc, làm lại từ đầu.
- Xây dựng nhân vật tội phạm, làm sao để nhìn họ dưới góc nhìn văn chương và thân phận, không bị đồng hóa với cái nhìn của con mắt điều tra và sự soi chiếu của luật pháp, đó là điều căn cốt mà văn chương hướng đến. Khi viết về thế giới tội phạm cũng như xây dựng nhân vật chính là những trùm tội phạm chị có nghĩ đến điều này?
+ Có nhà văn thế hệ đi trước đã từng trò chuyện với tôi rằng, viết về cuộc chiến chống tội phạm thông qua câu chuyện của kẻ phạm tội là một việc làm nguy hiểm. Bởi không chỉ dễ bị đồng hóa với cái nhìn của con mắt điều tra và sự soi chiếu của luật pháp mà còn dễ khiến độc giả hiểu lầm rằng tác phẩm đang đồng tình với cái ác, ca ngợi tội phạm. Vậy nên, khi viết về đề tài tội phạm, nhiều nhà văn lựa chọn viết từ góc nhìn của lực lượng công an hoặc song song cả hai tuyến chính tà. Nhưng nếu nhìn từ góc độ của những người phạm tội sẽ thấy được rõ hơn câu chuyện đằng sau từng bản án, những hậu quả và tác động của cái ác đối với xã hội. Có rất nhiều vụ việc án đã kết thúc trên hồ sơ, kẻ ác phải trả giá, nhưng nỗi đau của người thân, gia đình của nạn nhân và thủ phạm, của xã hội thì vẫn mãi kéo dài không bao giờ kết thúc. Bên cạnh đó, chiến sĩ công an cũng là người, họ cũng bị cảm xúc chi phối, cũng có những khoảng khắc hoang mang, dao động. Những khi ấy, họ đều phải đấu tranh tâm lí, tự cảnh tỉnh bản thân để giữ được sự tỉnh táo, sáng suốt khi lựa chọn giữa không thể và không đành, v.v... Đó là những điều tôi trăn trở khi xây dựng tác phẩm của mình.
- Dù vẫn chăm chỉ viết và giành khá nhiều giải thưởng văn chương nhưng thấy chị ít xuất hiện trên truyền thông và hầu như không tham gia mạng xã hội, nơi mỗi người viết hôm nay đều coi như một kênh giao tiếp với đồng nghiệp và bạn đọc. Có lí do gì khiến chị chọn cách “ẩn mình” như vậy không?
+ Thật ra thì không có lí do gì đặc biệt, chỉ là hiện giờ công việc chuyên môn của tôi khá nhiều, lại thêm gia đình, con nhỏ nên ít có điều kiện giao lưu, học hỏi và sử dụng các trang mạng xã hội mà thôi.
- Bên cạnh việc sáng tác thì chị vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của một chiến sĩ công an theo sự phân công của đơn vị. Điều này đã ảnh hưởng đến việc viết như thế nào? Chị có nghĩ rằng mình nên chuyển hẳn qua làm việc chuyên nghiệp về viết lách, biên tập để chuyên tâm hơn với văn chương?
+ Thú thực hiện nay việc sáng tác của tôi bị ảnh hưởng khá nhiều. Ngoài thời gian làm việc chuyên môn, tôi gần như đã dành toàn bộ thời gian nghỉ trưa, buổi tối sau khi cả gia đình yên giấc và đặc biệt là các ngày lễ, ngày nghỉ để viết. Có những lúc cảm xúc bùng nổ, tôi đã dành nguyên một đêm để viết gần 15 trang bản thảo, nhưng cũng có những khi bận rộn, cả tuần không thêm được chữ nào. Đó cũng là một trong những lí do tôi không có thời gian dành cho các hoạt động khác nữa. Tuy bận rộn và có lúc mệt mỏi nhưng cả làm một chiến sĩ công an thực thụ và được sáng tác văn học đều là ước mơ mà tôi ấp ủ từ nhỏ. Đặc biệt, công việc hiện tại khiến tôi học hỏi, tích lũy được nhiều tư liệu, cảm xúc nên tôi không có ý định thay đổi công việc hiện tại của mình.
- Vùng đất Lạng Sơn, nơi chị sinh ra và lớn lên cùng những trải nghiệm của một chiến sĩ công an nơi vùng biên đã cho chị những gì, mang lại cảm hứng gì cho chị trong việc sáng tác?
+ Tất cả các đề tài tôi viết từ trước đến nay đều là bối cảnh ở Lạng Sơn quê hương tôi, tôi chỉ thay đổi tên gọi để có thể thoải mái tự do phát triển câu truyện mà không gây hiểu lầm rằng mình đang nhắm vào câu chuyện hoặc ai đó có thật trong cuộc sống. Và cũng giống như tất cả những người con khác dành tình cảm cho quê hương mình, tôi luôn yêu và tự hào về Xứ Lạng quê tôi. Chắc chắn mảnh đất biên ải này cùng với những con người nơi đây sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng vô tận để tôi tiếp tục có được những tác phẩm chất lượng tiếp theo.
- Chị có đọc các tác phẩm tham dự cuộc thi tiểu thuyết về chủ đề “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” của các tác giả trong và ngoài ngành công an không? Và chị có cảm nhận gì về những tác phẩm được giải trong những cuộc thi gần đây?
+ Tôi đặc biệt yêu thích các tác phẩm về đề tài hình sự, phá án hoặc những tác phẩm khai thác những đề tài mới mẻ, độc đáo như “Sát thủ online”, “Không thể mồ côi”, “Đơn tuyến”… ở các cuộc thi trước. Hiện tôi cũng đang đọc một số tác phẩm gây chú ý trong cuộc thi lần này như “Rễ người”, “Kim tiền”, “Đảo bạo bệnh” của cuộc thi này… và đều ấn tượng với thế giới mới mẻ, hấp dẫn mà các nhà văn, tác giả đã xây dựng trong tác phẩm.
- Cám ơn chị đã chia sẻ với VNQĐ!
Dương Tử Thành (thực hiện)
Nguồn VNQĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên