Đọc sách và giáo dục hay là câu chuyện về khai phóng con người

Thứ năm - 14/01/2021 14:25

1. Kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã kết thúc trong rất nhiều cảm xúc giữa “mùa covid” và điểm giao thời của chương trình cũ - mới. Trong những ngổn ngang mà ngành giáo dục đang trải qua, sự kiện con điểm 10 môn ngữ văn của một thí sinh An Giang lại khiến chúng ta băn khoăn không dứt về câu chuyện dạy văn - học văn - thi văn - chấm văn tưởng như chưa bao giờ cũ trong nền giáo dục nước nhà.
111
Câu chuyện bắt đầu bùng lên từ một bài trả lời phỏng vấn báo chí của thí sinh điểm 10, trong đó có nhắc đến tiểu thuyết Đại gia Gatsby của nhà văn F.Scott Fitzgerald: “Em đã liên hệ với tác phẩm Đại gia Gatsby. Nhân vật chính trong tác phẩm này xuất phát điểm là một người nghèo đói, nhưng anh vẫn sẵn sàng ra trận để chiến đấu. Khi trở lại, anh chăm chỉ làm việc và trở thành đại gia nước Mĩ trong những năm 1950. Em đã liên hệ với nhân vật này để làm dẫn chứng cho những người đã làm ra đất nước.” Thì ra, bài văn điểm 10, nếu đúng là có sự liên hệ như tác giả của nó đã “thưa”, có một sự nhầm lẫn… không hề nhẹ. Bởi vì trong tiểu thuyết nói trên, Gatsby là nhân vật phản diện, chẳng có điểm gì chung để liên hệ với “những người đã làm ra đất nước” cả. Từ đây, dư luận đặt những câu hỏi về chất lượng thực của bài thi, về năng lực của giám khảo (giáo viên), rồi câu chuyện giáo viên văn với việc đọc sách cũng như câu chuyện dạy văn, học văn trong nhà trường vốn đã quá nhiều nhức nhối. 

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn bàn về năng lực văn chương như một phẩm chất tinh thần cần có mà giáo dục dứt khoát phải mang lại cho người học bằng một đường lối của tư tưởng được hiện thực hóa bởi những phương pháp có tính khai phóng hiện đại, nhất là khi con điểm và năng lực văn chương chưa hẳn đã là hình chiếu của nhau.

2. Nghe - nói - đọc - viết là bốn năng lực mà môn ngữ văn phải thành tựu cho người học. Nhưng tình trạng xuống cấp của văn hóa đọc trong nhà trường và toàn xã hội đang là một thực tế. Theo một thống kê xã hội học đã công bố thì trung bình mỗi người Việt đọc chưa tới 1 cuốn sách/ năm (đã kể cả sách giáo khoa và giáo trình). Số liệu này quả là điều bất thường khiến chúng ta phải giật mình. Đọc sách không đơn thuần là tiếp nạp kiến thức, đó còn là câu chuyện liên quan đến văn hóa, lối sống, chiều sâu tâm hồn một dân tộc, nền tảng kiến tạo xã hội tương lai. Nhưng thực trạng đọc sách trong cộng đồng Việt đang không hứa hẹn điều gì tươi sáng cho viễn cảnh ấy. Trong bức tranh tối màu này, giáo viên văn cũng đã góp vào một nét xám ngắt khi dường như ngoài sách giáo khoa và vài tài liệu tham khảo kiểu “văn mẫu” thì phần lớn họ đã không đọc thêm gì nữa cả. Giáo viên văn không hoặc ít đọc sách, đó hẳn phải là một hiện tượng kì lạ trong nền giáo dục của thế giới.

Không phủ nhận được một sự thật bất thường trong các nhà trường Việt Nam: người dạy và người học đều ít đọc sách, kể cả người dạy văn và học văn như đã nói. Thư viện nơi các nhà trường phổ thông đa phần đang ở tình trạng “sách phủ bụi”, mà xem ra cũng không có sách vở gì đáng kể. Việc mượn sách và đọc sách, nếu có, thường chỉ mang giá trị thực dụng phục vụ trực tiếp cho các giờ kiểm tra hoặc thi cử nặng tính đối phó. Thư viện, vì thế, đang như một món trang sức kiểu cách buộc phải có nhưng lại chẳng mấy ai ngó.

Giáo dục nói chung và dạy văn học nói riêng cần thay đổi tư tưởng và cách thức vận hành. Dạy học phải dịch chuyển sang không gian thư viện. Thư viện phải là trung tâm của trường học, có vị trí trọng yếu. Ở đó, việc đọc, tra cứu, đánh dấu, ghi chép, nhận xét… để “giải quyết vấn đề” kiến thức phải là công việc chính yếu. Từ kết quả làm việc ở thư viện, người học sẽ mang những tri nhận của mình ra mà trao đổi, đối thoại, tranh luận trên lớp học. Lúc này, giáo viên chỉ là người xây dựng chương trình, định hướng mục tiêu và hướng dẫn học sinh cách khai thác thông tin và làm người cố vấn trong các buổi trao đổi.

Đổi mới giáo dục muốn thành công, đầu tiên phải lấy khai phóng làm mục đích; tiếp đến là xây dựng phương pháp tổ chức rồi mới tới những chuyện như sách giáo khoa. Nhưng các nhà cải cách đang dồn cả hệ thống vào việc viết sách giáo khoa mà bỏ quên hẳn cách tổ chức dạy học. Chỉ cần có mục tiêu giáo dục và phương pháp - thư viện thì sách giáo khoa sẽ trở thành thứ yếu. Thậm chí, hoàn toàn có thể dùng các bộ sách cũ, vì nó cũng chỉ là một tài liệu tham khảo mà thôi.

Nếu bỏ quên hoặc xem nhẹ việc tổ chức hoạt động học lấy thư viện làm trung tâm (xuất phát từ mục tiêu môn học) thì công cuộc cải cách giáo dục sẽ mãi như con kiến bò trên miệng chén, luẩn quẩn một hồi lại vòng về chỗ cũ... Cái thiếu lớn nhất của giáo dục Việt Nam là cách làm. Chỉ cần thay đổi cách làm, mọi thứ khác chưa phải là cần kíp, và có thể dịch chuyển dần dần khi những điều kiện, hạ tầng và con người đã được chuẩn bị tốt.

Những sách vở kinh điển và có tính nền móng trong di sản tư tưởng và mĩ học của nhân loại đều phải được trang bị như một yêu cầu “phổ thông” đối với trường học, bởi chúng chứa đựng những giá trị “chung cho cả loài người”. Người giáo viên (từ đứng lớp đến làm giám khảo trong các kì thi ở cấp phổ thông) phải có nghĩa vụ và quyền lợi đọc những sách vở ấy. Nhân loại đã đi qua các bước đường tư tưởng và hành trình sáng tạo; vì thế, nền giáo dục nước nhà muốn thành công thì chủ thể của nó (trước hết là giáo viên) cũng phải bước đi trên con đường ấy, tuần tự để vững chắc.

3. Từ câu chuyện thư viện trường học và việc đọc sách tới câu chuyện con người cá nhân phải dẫn đến việc tôn trọng người học với tất cả sở trường, thiên tư, phẩm cách của họ... Hãy để con người được hạnh phúc theo cách họ muốn, chứ không phải để họ vui theo lối ta nghĩ, áp đặt. Để dễ hình dung hơn về vấn đề, tôi xin kể lại một câu chuyện: Năm ngoái trong lần thi học kì, cả tổ ngữ văn trường tôi cùng chấm chung vài bài để thống nhất tinh thần, tình cờ rút trúng một bài… “không giống ai”. Một giáo viên đọc to lên, nghe được nửa bài thì tôi nói “Em này vào đội tuyển thì tuyệt”, và cả tổ cười ồ. Tôi chưa hiểu chuyện gì, thì một giáo viên giải thích, rằng em này chuyên viết kiểu phá phách, làm bài thì ít mà phản biện đề và phê phán giáo viên thì nhiều, làm bài chẳng theo quy tắc nào cả, “đặc trưng” đến nỗi dù bài đã cắt phách nhưng hầu hết giáo viên đều nhận ra... Đến đây thì tôi lại nói, rằng em ấy có suy nghĩ độc lập, lối viết rất cá tính, văn rất có “giọng”… chứ không vô hồn như đa phần “học sinh giỏi”, cần chiêu mộ em ấy vào đội tuyển. Cả tổ lại ồ lên, vừa phản đối vừa cười rôm rả; vì dù đã cuối lớp 11 rồi nhưng dường như em học sinh ấy chưa bao giờ đạt tới 5 điểm văn!

Gần đây, có một sự việc xảy ra trong môi trường giáo dục; việc khá lớn và nhạy cảm, dường như không ai dám lên tiếng, kể cả người lớn. Đang trong lúc đó thì có một người đồng nghiệp gửi qua email cho tôi một văn bản dài. Tôi đọc. Và thật sự xúc động vì thái độ công dân, sự dũng cảm và lối viết sắc sảo của người viết. Tác giả kí tên ở cuối văn bản thì ra là… em học sinh nói trên (em cũng vừa tốt nghiệp THPT năm 2020). Nghịch lí là, kì thi tốt nghiệp vừa rồi một lần nữa em không chạm được điểm 5 môn ngữ văn.

Câu chuyện quan trọng ở đây là việc dạy văn học văn thi văn chấm văn ở ta đang có vấn đề; nó khiến một học sinh - đối với tôi là “giỏi văn” -chẳng bao giờ đạt điểm trung bình môn văn. Nhiều câu hỏi khởi lên về cách đánh giá và sự tôn trọng con người cá nhân trong giáo dục như là một sự thừa nhận và nuôi dưỡng để phát triển những năng lực và thiên tư của mỗi người; những câu hỏi ấy cần được trả lời một cách mạnh mẽ và quyết tâm hành động để hiện thực hóa bằng chương trình, nội dung.

4. Muốn thay đổi cách học, hãy thay đổi cách thi. Để một nền giáo dục chuyển mình thật sự, đòi hỏi sự vận động của cả thiết chế nhà nước. Việc ấy lớn, không thể bàn hết trong một bài viết nhỏ. Nhưng để sửa chữa phần nào những “khuyết tật” và để chữa lành những “căn bệnh” của môn ngữ văn trong nhà trường phổ thông thì việc trước mắt cần làm và có thể làm là thay đổi nội dung và cấu trúc đề thi.

Với một dân tộc có “truyền thống khoa bảng” như Việt Nam thì đánh vào khâu thi cử chính là mở được huyệt đạo vậy.

Theo tôi, đề thi môn ngữ văn kì thi THPT Quốc gia (năm nay đổi tên là kì thi tốt nghiệp THPT) và đề ngữ văn nói chung hiện đang gặp phải bốn vấn đề căn bản. Một là, câu phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội sáo rỗng, lắt nhắt vụn vặt, mang tính giáo điều, chỉ có thể viết một chiều hoặc nên viết một chiều vì tính… an toàn. Hai là, xa rời thực tế cuộc sống, xa rời những vấn đề cốt tử của nhân sinh, xa rời những giá trị có tính phổ quát, trong khi chúng chưa bao giờ thôi nóng bỏng. Ba là, câu phần Nghị luận văn học không có tính kích thích tư duy mà chủ yếu gọi về các đơn vị kiến thức đã học thuộc lòng trong sách giáo khoa. Bốn là, tách biệt một cách cơ giới nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Việc này rất phi lí vì nếu để kiểm tra nhận thức xã hội thì đó không phải là việc của môn ngữ văn. Còn để kiểm tra năng lực viết văn nghị luận (tức kiểm tra năng lực ngôn ngữ, hành văn, diễn đạt…) thì đã có câu nghị luận văn học rồi; thậm chí hoàn toàn có thể kiểm tra được nhận thức xã hội của học sinh thông qua việc yêu cầu nghị luận về một vấn đề văn học, và chắc chắn là bao giờ cũng có điều ấy trong bất cứ vấn đề văn học nghiêm túc nào.

Việc thi sẽ định hướng việc học (chứ không phải ngược lại), nội dung thi sẽ định hướng nội dung học, cách đặt câu hỏi sẽ định hướng cách tư duy của người học. Vì thế, cần: Một là, trang bị cho người học phương pháp đọc hiểu, chứ không phải mang đến một bài thuộc lòng. Hai là, thi tác phẩm ngoài sách giáo khoa, hoặc các vấn đề có tính tư duy khái quát, hệ thống, tổng hợp từ những kiến thức, thông tin đã được tiếp cận trong nhà trường. Ba là, không tách rời nghị luận xã hội và nghị luận văn học một cách cơ giới. Bốn là, phải đánh thức người học bằng các vấn đề có tính thời sự nhưng phổ quát, những giá trị có tính hiện đại nhưng lâu dài, những chuẩn mực mà thế giới văn minh đang theo đuổi và xây dựng.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được hoàn thiện không phải không đề cập tới một vài vấn đề như đã nêu (ví dụ, thi kiến thức ngoài sách giáo khoa); nhưng thiết nghĩ, cả bốn điểm trên cần phải được thực hiện đồng bộ và được xem trọng như nhau thì mới mong thành công được.

Thay đổi cách thi dẫn tới thay đổi cách học, từ đó mà vun bồi nhân cách và năng lực tư duy, mĩ cảm và thái độ đối với cuộc sống, con người và xã hội nơi người học. Nguồn lực lớn nhất là con người, nếu không hình thành được những phẩm tính ấy, đất nước sẽ khó có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
 

Theo Thái Hạo/VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây