Thượng.
Năm tháng bể dâu. Tôi gặp lại người vào một ngày đầu xuân.
Tiết trời đầu xuân vừa lạnh vừa ẩm. Tôi bước chầm chậm trên những con đường lớn nhỏ của Thăng Long, ngắm nhìn sinh hoạt hối hả của người dân không vì thời tiết ảm đạm mà ngưng nhộn nhịp. Cảnh sắc vừa lạ vừa quen, trong thoáng chốc, tôi thấy mình trở lại năm nào còn là cô thiếu nữ háo hức theo cha thăm thú kinh đô, vận áo xanh khăn xếp.
Lần này, tôi trở lại kinh thành là do chùa Huê Cầu đang đúc chuông lớn, nhưng công quả chưa thành nên tôi cùng Thanh Tâm sư cô ở núi Yên Tử phải đi khuyến hóa. Dọc đường đi nắng sương vất vả mà công đức chưa được bao nhiêu, giờ phút này có hơi mỏi mệt. Chúng tôi chọn một chỗ khô ráo góc chợ rải chiếu ngồi tụng kinh niệm Phật, đương lúc bày tỏ lòng khuyến hóa, được giới thiệu vị thầy thuốc nọ nổi danh của phủ Chúa. Người ta nói lương y như từ mẫu, đã là thầy thuốc, ắt hẳn tâm tính thiện lương, lại còn chữa bệnh trong phủ Chúa nên lương bổng cũng không tới nỗi lạt lẽo. Tôi và Thanh Tâm sư cô vui mừng tìm đến, gõ cửa chưa bao lâu đã nghe tiếng bước chân từ trong vọng ra.
Vị thầy thuốc đó vóc dáng nghiêm trang, râu tóc phúc hậu, nhãn tình ngay thẳng. Thoạt nhìn có cảm giác quen thuộc, không rõ là đã gặp ở đâu. Cũng vì từ ngày về Huê Cầu tu tập, gặp biết bao con nhang đệ tử, tôi lại vốn không giỏi nhớ nhân dạng nên đè xuống cảm giác kì lạ trong lòng, không hỏi lời nào. Tôi đem sự tình và lí do tìm gặp ra kể, thấy nét mặt người nhìn tôi rất trầm ngâm.
“Sư cô quê ở Sơn Nam ư?” Nghe đến hai chữ Huê Cầu, người hỏi.
Tôi gật đầu. Đến giọng nói nghe cũng thân quen, tôi nheo mắt nhìn kĩ, ánh mắt nét mày này… Trái tim tôi bỗng chốc tăng nhịp, những mảnh chuyện cũ rời rạc loé lên trong đầu.
Cả hai chúng tôi trầm ngâm hồi lâu không nói gì, trong lòng rối bời.
Đương lúc không biết tiếp tục câu chuyện như thế nào, vị quan nhân nói: “Xem sắc trời hãy còn sớm, hay là hai vị sư cô vào trong ngồi nghỉ ngơi uống trà đã, có gì, từ từ nói.” Thanh Tâm sư cô nhìn tôi gật đầu, tôi cũng chẳng biết làm gì hơn, theo người bước vào sân.
Gian trọ này tương đối giản dị, ngoài mấy chậu trúc và một bộ bàn ghế gỗ thì không có gì hơn. Trà nóng tỏa hơi nghi ngút. Chúng tôi nói vài ba chuyện lặt vặt, tôi kể lại quá trình vào kinh, người kể chuyện chữa bệnh trong kinh thành. Chuyện trò gần xa, ánh mắt của vị thầy thuốc vẫn cứ nhìn tôi dò xét, rồi, bất chợt người bảo: “Tôi là người xã Liêu Xá, lánh nạn di cư đến châu Hoan là quê mẹ đã mấy chục năm. Mấy nay bất ngờ bị triệu về kinh. Nhà trọ tiêu điều, mong hai vị đừng chê trách.”
Tôi đột nhiên thấy không gian đặc lại, nặng trĩu.
Nghe người nói như vậy, có cái gì đó trong lòng tôi chầm chậm quay về…
Hình bóng của một người quen cũ chợt loé lên, người họ Lê, tự Cận Như, tên Hữu Trác.
*
* *
Tôi nhận ra rồi. Hóa ra năm tháng có thể khiến kí ức phai mờ đến thế, chẳng ngờ sau bốn mươi năm, gặp lại, tôi hồ đồ, không nhớ nổi. Thật sự là già tới mức ấy rồi. Nhớ lại một năm kia, thành Sơn Nam rộn rã, nổi tiếng nhiều giai nhân tài tử. Ngay từ khi tôi mười sáu tuổi, ngây ngô như tờ giấy tuyên thành trắng tinh, bị giọt mực của chàng rớt xuống, cứ thế loang dần loang dần.
Kỉ Mùi năm ấy, chàng từ kinh thành trở về quê nhà, vừa chăm nom gia đình, vừa rèn giũa đèn sách, mong lấy khoa cứ để tiến thân như truyền thống gia đình. Cha chàng, vốn là quan ngự sử, nổi tiếng văn hay chữ tốt, chàng vừa tới trấn này, danh đã vang khắp nơi, mọi người hay thương mến gọi là cậu Chiêu Bảy.
Lần đầu tiên tôi gặp chàng cũng chính là Kỉ Mùi năm ấy, tôi mười sáu, chàng hai mươi. Vào đầu xuân tới chùa cầu may, đường lên núi trồng toàn quế thơm ngào ngạt. Mùi nhang quấn quýt trong không khí, lư hương đầy tàn tro, người đi lễ ra vào tấp nập. Tôi đứng bên dải chiếu của các vị thầy Nho, trước xin một chữ Phúc, sau xin một chữ Lộc. Nhỏ Sen đứng cạnh tôi, không hiểu vì sao đột nhiên cười khúc khích. Tôi quay lại hỏi, nó che miệng, tủm tỉm bảo: “Cô Hai, cô năm nay mười sáu, đã đến tuổi cập kê rồi, nên xin một chữ Duyên mới phải!” Trong thoáng chốc mặt tôi đỏ cả lên, cúi đầu không thèm chấp đứa nhỏ mười hai, mười ba chưa hiểu chuyện như nó.
Đương lúc trong lòng rối bời, tôi thấy phía trước có đám đông huyên náo, tò mò lại gần thì phát hiện hóa ra có vài vị thanh thiếu niên hay chữ đang tụ tập bàn luận thơ, thi cảo xếp đầy trên mặt bàn.
Cha vốn là Tả ti trấn Sơn Nam, ngày tôi còn nhỏ có mời mấy vị gia sư về dạy chữ cho hai người anh, tôi tính tình vốn hiếu kì nên thường nhân lúc các anh học bài đến ngồi nghe. Cha tôi thấy thế bèn cười bảo: “Tuy là con gái nhưng biết chút chữ nghĩa cũng tốt, sau này gả đi không thẹn với nhà người ta.” Từ đó, bèn nhờ cậy vị gia sư tiện dạy luôn cho cả tôi. Tôi cảm thấy chữ Hán và chữ quốc âm rất khó học, nhưng sợ phụ lòng cha nên vẫn cần mẫn đèn sách. Sau này hai anh đến tuổi trưởng thành, lập gia thất rồi không còn học gia sư nữa, sự nghiệp đèn sách của tôi cũng ngưng lại, đến giờ tuy không nói là học sâu hiểu rộng, nhưng đọc thi cảo vẫn hiểu được.
Tôi tiện nhặt lấy một tờ thi cảo, nhìn xuống màu mực đen còn chưa khô tương phản với màu giấy trắng, nét bút vô cùng vuông vắn, tỉ mỉ, là một bài ngũ ngôn tả cảnh:
Y sơn cương tác tự
Bạng thạch giá sơn chung
Tế vũ miêu xuân thảo
Minh hà lạc vãn tùng.
(Dịch:
Chùa tựa sườn non dựng
Chuông kế vách đá treo
Mùa xuân tươi cỏ sớm
Ráng đỏ phủ thông chiều.)(2)
Chỉ trong bốn câu thơ mà dường như đã đem toàn bộ cảnh sắc sơn tự nơi này vẽ lại, lời lẽ mềm mại, uyển chuyển, trong lòng tôi thầm nghĩ, viết ra được những câu thơ có tình như vậy, chắc hẳn là một người tính tình nho nhã, dịu dàng.
Lúc này nhìn tới chữ kí bên dưới, mới giật mình sửng sốt: cậu Chiêu Bảy.
Thực tình, chuyện là anh cả tôi tuy đã lập gia thất, nhưng cha tôi vẫn muốn theo nghiệp khoa cử, dẫu sao cũng là gia đình thư hương, chẳng nhẽ một kì thi đình lấy danh tú tài cũng không có, làm sao mà dám nhìn mặt tổ tiên? Vậy nên anh cả vẫn thường qua lại với mấy vị thư sinh khác, gần đây có thêm một người, chính là con trai thứ bảy của quan Ngự sử mới về trấn, mà vị quan Ngự sử kia lại là bạn đồng liêu với cha tôi. Hai nhà tính ra cũng có giao tình.
Lại nói về vị thư sinh họ Lê này, chàng kém anh tôi tới tận bốn tuổi, nhưng sớm đã lấy danh Tú tài từ ngày còn ở kinh thành hai năm về trước, nay về quê tiếp tục đèn sách, mong có ngày công danh rạng rỡ. Mỗi lần anh cả tiếp đãi đồng liêu, có mời cả chàng, tôi thường nghe từ trong đình truyền ra tiếng cười nói, bàn luận văn chương không ngớt. Vài lần, anh cả nói chuyện với các anh, nhắc tới ‘cậu Chiêu Bảy’ trong ngữ khí không giấu nổi chút ngưỡng mộ. Mọi người cũng nói, Cậu Chiêu Bảy, không những tài hoa, tính tình còn hòa ái, điềm đạm vô cùng. Một người nghiêm túc như cha cũng buông lời khen: “Con trai nhà họ Lê sớm như vậy đã biết khiêm tốn, thật khiến người khác có cảm tình.”
Tôi cứ thế mà đem cái danh “cậu Chiêu Bảy” kia nhớ kĩ trong lòng.
Lúc này, gặp được thi cảo của chàng, cảm giác kì lạ nảy sinh…
Trung.
Nhớ lại năm ấy tôi vô tư, trong sáng hồn nhiên biết bao.
Tôi là con gái thứ hai của Tả ti trấn Sơn Nam.
Dạo đó, người trong trấn đồn đãi, quan Tả ti muốn kết thân với quan Ngự sử ở kinh thành nên cứ tạo điều kiện cho cậu Chiêu Bảy qua lại luôn. Người ta cũng nói, cậu Chiêu Bảy văn hay chữ tốt, dòng dõi thư hương, khắp trấn cũng chỉ còn cô thứ hai nhà quan Tả ti là xứng đôi vừa lứa, nếu có thể đến được với nhau thì thật là một mối lương duyên tốt đẹp, tài tử giai nhân, môn đăng hộ đối.
Vì thế, tiết xuân qua đi, lòng người hoang hoải.
Trong một lần về kinh có công chuyện, cha gặp gỡ quan Ngự sử, hai người trò chuyện về gia quyến, lúc đầu chỉ là vui đùa, sau trở thành nghiêm túc, quan Ngự sử nói: “Hay anh gả cô con gái cho cậu út nhà tôi đi, hai nhà thân lại càng thân.”
Hôn sự này, cứ thế bất ngờ được đặt ra.
Ngày mồng bảy tháng ba là ngày hoàng đạo, thích hợp ra ngoài, đào móng cất nhà, dạm ngõ cưới hỏi,… có người đem trầu cau, thiếp canh viết tên họ, bát tự của Lê Hữu Trác sang nhà tôi. Tôi nghe được tin ấy, trong lòng bồn chồn, đứng ngồi không yên. Mẹ gọi tôi đến sảnh chính nghe chuyện. Bà mối vừa thấy tôi đã không tiếc lời khen ngợi, tả quá lên. Tôi cầm thiếp canh của chàng lên xem, thấy phía trước có một vế đối viết tay, nét chữ vuống vắn chính là nét chữ mà hôm đầu xuân tôi xem được trong thi cảo:
Nhất hoàng đăng, nhị tử tự, dạ tĩnh nan vi vi phong nhĩ hưởng
(Một là cây đèn sáng, hai là những chữ viết bằng mực tím, một đêm yên tĩnh lòng khó quên tiếng gió thoảng bên tai)
Tôi cúi đầu nghĩ ngợi một lúc, mới viết lại:
Tam hồng thiếp, tứ chi nha, xuân thanh tương tư tư thượng tâm phi
(Ba là những tấm thiếp canh hồng, bốn là chồi non mới nhú, vào mùa xuân tâm tư của ta trào dâng trong lòng).
Mọi người khen câu đối hay, đãi bôi cười nói một hồi, tôi nghĩ chuyện hôn nhân đại sự không tiện ra mặt nhiều, bèn xin phép về phòng nghỉ ngơi. Ngồi bên cửa sổ, thấy mưa phùn cuối xuân vẫn rả rích, bên ngoài hoa mơ dại nở tím cả bờ nứa. Nhỏ Sen nghịch ngợm hỏi tôi: “Cô Hai, mối lương duyên này, cô có ưng ý không?” Tôi lườm nó một cái, trong lòng đột nhiên rầu rĩ. Vế đối kia của chàng, dường như còn có ý nào khác. Tại sao cưới hỏi lại dùng những từ ngữ như ‘tử tự, ‘nan vi’ đọc lên có cảm giác bất trắc vô cùng? Thật không sao hiểu nổi.
Năm ấy tôi trẻ người non dạ, nào biết những từ ngữ kia rồi sẽ thực sự ứng lên mối lương duyên ấy.
Giờ phút này, người đứng trước mặt tôi đã không còn là chàng thiếu niên áo xanh tuấn tú năm nào, tôi cũng không còn là cô thiếu nữ ngây ngô một lòng ngưỡng mộ.
Người có nhận ra tôi không?
Hay là người vẫn vô tình, sớm đã đem chuyện ngày đó quên không còn gì?
Thời tiết đầu xuân ảm đạm, có lẽ nét mặt tôi còn ảm đạm hơn. Đối diện với những kí ức của kiếp hồng trần xưa cũ, bao nhiêu năm tụng kinh niệm Phật giống như bình đất chưa nung mà gặp mưa, cứ thế mủn ra không sao nắm giữ nổi. Duyên phận trêu ngươi, nhiều năm như thế, hồng hoang thay đổi, nhân tình bể dâu, cớ sao lại cho tôi gặp lại, cớ sao lại giày vò trái tim cằn cỗi này của tôi?
Tôi nhất thời bối rối, vội đứng dậy kéo tay Thanh Tâm sư cô: “Chúng ta nên đi đi thôi.” Thanh Tâm sư cô bị hành động đột ngột của tôi làm cho bất ngờ, nhưng lại thấy thái độ dứt khoát của tôi thì không tiện trước mặt người ta mà hỏi cho rõ ngọn ngành.
Người thấy chúng tôi toan rời đi, bèn nói hai ba câu giữ lại.
Tôi lần ngón tay lên tràng hạt, áp xuống những cảm xúc trần tục trong lòng, lạnh nhạt đáp: “Thầy còn nhiều việc, tôi và Thanh Tâm sư cô không dám làm phiền thêm nữa.” Người lặng yên không đáp, sâu kín thở dài: “Vậy hai sư cô xin đợi một lúc, tôi sai người vào lấy chút hương tiền cúng nhà chùa.” Dẫu sao khuyến hóa cũng là mục đích đến đây, tôi chẳng cách nào rời đi, bèn ngồi lại thêm một lát chờ đợi.
Không khí bối rối, yên lặng lúc lâu, người hỏi: “Không biết hai sư cô trọ tại nơi nào?” Thanh Tâm sư cô đang định đáp, bị tôi giựt tay áo một cái bèn thôi. Duyên phận đã cạn, nay tôi lại một lòng hướng Phật, không muốn dây dưa cùng thế tục. Sau đó, gia nhân trong nhà mang ra một phong bao tiền, tôi và Thanh Tâm sư cô nhận lấy, cảm ơn ân tiếp đãi của quan nhân, lúc bước đi cũng không ngoảnh đầu lại một lần.
Gặp lại người cũ như thế, tôi đột nhiên cảm thấy rất mệt mỏi, không còn sức đâu mà đi khuyến hóa thêm ngày hôm ấy nữa. Vì vậy tôi trở về chùa Liên Tông là nơi trọ mấy ngày nay của mình. Các sư thầy trong chùa biết tôi đến kinh thành là vì công quả đúc chuông ở Huê Cầu, nên đối xử hòa nhã lắm. Tôi tụng kinh hai giờ rồi quét tước lại gian phòng, giúp nhà bếp nấu cơm tối cho các tăng ni, sinh hoạt xong xuôi lại tụng kinh thêm hồi lâu nữa thì đã muộn.
Sắc trời sâu thẳm không một ánh trăng sao, chiếc đèn cày ngoài sân bị sương đêm làm cho hư ảo. Tôi thổi tắt nến, không gian chìm vào một miền yên tĩnh sâu lắng, gió thổi lá rơi xào xạc.
Tôi cố ngủ, nhưng lòng miên man, bâng khuâng không dứt. Đêm này, lại mộng về những chuyện cũ. Những chuyện tôi đã tưởng mình quên hết, mà nhớ lại vẫn thấy sinh động như mới ngày hôm qua…
*
* *
Một năm kia tôi nhận được lời dạm hỏi của nhà họ Lê, vì đã sớm ngưỡng mộ cậu Bảy, nên mỗi lần nghĩ tới, trong lòng không khỏi nảy sinh một cảm giác quá đỗi dịu dàng. Chàng vẫn thế, đôi ba lần ghé nhà tôi, cùng các anh bàn luận chuyện thi cử, tôi đứng một bên giữa những chậu tùng cảnh, hoa ngọc lan nở thơm cả góc vườn, ngóng trông được thấy thấp thoáng bóng dáng của chàng.
Tôi ngồi trong trướng nghe lỏm chàng và các anh bàn luận văn thơ. Họ nói về những vị danh sĩ ẩn cư không màng thế sự, sống cuộc đời nhàn vi lạc thú. Chàng cười bảo: “Nam nhi chí tại trời cao, phải lấy lợi ích quốc gia mà cống hiến, đây lại chỉ biết tìm hoan lạc cho mình, có chăng là quá ích kỉ?”
Rồi có lần, tôi thấy chàng dạo quanh ở trong vườn, cố tình tiến tới chào hỏi. Chàng ngạc nhiên: “Cô là cô hai nhà Tả ti đó ư?” “Vâng.” Tôi khẽ đáp. Trái tim nhộn nhạo, chỉ thấy hai má nóng bừng như lửa đốt. Nghĩ tới hai nhà đã làm lễ nạp vấn, coi như là có hôn ước, tôi thẹn thùng quá, bước chân ríu cả vào nhau. Chúng tôi đi cùng nhau vài bước trong vườn, hương lan thoang thoảng, tôi bất giác vân vê vạt áo, chẳng ai nói câu nào. Hiếm khi mới có dịp gặp gỡ, thực tình tôi rất muốn lên tiếng, nói chuyện gì cũng được, nhưng chàng chỉ lặng yên, bước cách tôi ba bước, thái độ nhã nhặn không gần cũng chẳng xa. Con đường ngắn ngủi, chàng cười tạm biệt còn tôi bước trên lối dẫn về phòng, ngoảnh đầu lại chợt thấy chàng thiếu niên ấy ngẩng đầu, ánh mắt không dõi theo tôi mà hướng về đâu đó rất xa, chẳng rõ là đang nghĩ gì. Khi ấy, tôi đã không biết tại sao mình rất buồn. Mãi sau này, nhớ lại tất thảy mới nhận ra, bản thân ngày đó, tuy còn chưa nhìn thấy sự việc rõ ràng, nhưng đã cảm nhận được tâm ý chàng lạnh nhạt. Nhớ lại lời kia của chàng, rằng nam nhi chí tại trời xanh, chớ để những vặt vãnh trong cuộc sống làm vướng bận, tôi mới biết trái tim chàng rộng lớn, đủ để chứa cả thiên hạ, mà nào còn chỗ cho chuyện nam nữ vẩn vơ?
Sau dạo đó, cậu Bảy nhà họ Lê ít qua lại nhà tôi, tôi cũng chẳng còn được gặp chàng.
Một năm rồi lại một năm. Mẹ tôi thấy chuyện hôn sự của tôi và chàng chưa đi đến đâu, bèn sai người đến bên kia khéo léo hỏi han, nhà chàng mới đưa lễ sang dạm ngõ. Đợt ấy đúng quãng thời gian chàng thi tam kì, nên dẫn lễ mà không có chàng, mẹ tôi tỏ ra không vừa ý. Trưởng bối bên kia cố xoa dịu, bảo: “Đây chỉ là cái lễ dạm hỏi nho nhỏ, chưa phải chính thức cưới hỏi, dù sao hôn nhân đại sự cũng chỉ cần người lớn chúng ta quyết là được, đợi sau khi thi cử đỗ đạt, Cận Như sẽ chính thức mang đại lễ rước cô Hai nhà ta về.”
Tôi ngồi sau rèm nghe những lời ấy, lồng ngực chỉ thấy nặng nề.
*
* *
Phải mãi đến đầu đông sau năm ấy, tôi mới lại lần nữa được trông thấy Lê Hữu Trác. Tôi cùng nhỏ Sen đi chợ sớm mua vải. Lúc này, thời tiết đã chớm lạnh, không gian bị bao phủ bởi một làn sương trắng nhờ, tôi vô thức rụt người vào sâu trong lớp áo. Tôi chọn được một miếng gấm Hà Đông màu thanh thiên nhã nhặn. Nhỏ Sen ướm lên người tôi, cười bảo: “Cô Hai mặc màu này chắc chắn sẽ đẹp lắm.” Quay đầu sang bên cạnh, đột nhiên thấy một bóng dáng quen thuộc vô cùng, sắc áo xanh nhạt, cùng màu với miếng gấm tôi đang cầm trên tay, dáng vẻ điềm đạm, nhã nhặn. Chàng đứng lẫn trong đám tài tử, nói chuyện gì đó. Hình như tôi nhìn chàng chăm chú quá, đến mức chàng cảm thấy được, Hữu Trác quay đầu lại hướng thẳng vào tôi.
Bắt gặp tôi, chàng chầm chậm nở một nụ cười.
Tôi bị nụ cười của chàng làm cho luống cuống, vội cúi đầu, không hiểu chân bước thấp bước cao thế nào mà ngã xuống. Bấy giờ trời mới mưa xong, đất dưới chân còn ẩm, chạm vào một cái dính hết lên áo. Do tư thế ngã tôi đưa tay ra chống, nên cả tay cũng bẩn luôn, lại không biết mà đem phủi, thành ra áo càng bẩn, chỗ vàng chỗ nâu, bê bết không chịu nổi. Rồi có người đưa tay tới kéo tôi dậy. Ngẩng đầu lên quả là chàng.
“Cô có sao không?”
Tôi… tôi thẹn thùng quá, lại để chàng bắt gặp trong tình cảnh như thế này, tâm trạng đã luống cuống càng thêm rối bời. Hữu Trác rút từ trong ngực ra một chiếc khăn lụa đưa đến trước mặt, tôi nhất thời bối rối, mãi sau mới sực tỉnh đưa tay nhận lấy lau bừa lên chỗ bị bẩn. Chàng cười nhẹ, bảo: “Cô Hai đi mua vải ư? Đã mua được chưa?” Tôi gật đầu: “Tôi mua được rồi, bây giờ chuẩn bị về.” “Vậy, tôi đưa cô Hai về, có được không?” “Được.” Tôi đáp, có gì mà không được? Con đường từ cổng chợ về nhà bỗng dưng dài miên man. Hữu Trác bước bên cạnh tôi, nhịp trầm ổn mà nhẹ nhàng, gương mặt chàng thảnh thơi ngắm nhìn sắc trời nhàn nhạt. Lúc này đã là cuối đông, cây lá tiêu điều, tán bồ đề bên đường rụng lá vàng đến xơ xác. Cảnh như vậy, cớ sao lại hấp dẫn ánh mắt chàng không rời? Tâm tình thiếu nữ của tôi lại ngô nghê, thầm nghĩ giá mà chàng có thể cũng nhìn tôi chăm chú như thế…
“Nghe nói dạo trước anh thi Tam kì, không rõ kết quả thế nào?”
Chàng yên lặng hồi lâu, yên lặng đến nỗi tôi cũng cảm thấy có gì bất thường, quay đầu nhìn gương mặt nghiêng của Hữu Trác. Vầng trán rất cao, chiếc mũi thẳng, ánh mắt lại ảm đạm.
Chàng cười: “Tôi không thi nữa.”
Tôi ngạc nhiên: “Sao vậy?”
Sự nghiệp cả đời chàng sẽ phụ thuộc vào thi cử, thế mà chàng nói bỏ liền bỏ, nét mặt vẫn điềm đạm như không. Tôi trong thoáng chốc không hiểu nổi. Cũng như đã, và sẽ, không bao giờ hiểu hết được những tâm tư ẩn giấu trong đôi mắt sáng ngời ấy.
Con đường nói dài chẳng dài, mà ngắn không ngắn. Chả mấy chốc đã đến nơi.
Ráng chiều ửng đỏ, phủ lên gương mặt Lê Hữu Trác một vẻ ấm áp dịu dàng hiếm thấy. Tôi bị sắc trầm ấm đó làm cho thất thần. Cách cổng nhà tôi khoảng mười bước chân, chàng dừng bước, xoay người bảo: “Tôi chỉ có thể tiễn cô Hai đến đây.” “Mời anh vào nhà dùng chén trà với cha mẹ tôi.” “Thôi, sắp đến giờ cơm tối, phiền hà lắm. Cô Hai cho tôi cáo lễ nhé.” “Vâng.” Tôi khẽ đáp “Gặp lại anh sau.” Chàng mỉm cười bước đi. Nhìn thấy bóng lưng ấy xa dần, tôi lại không nỡ. Nỗi chua xót làm đau đớn trái tim trong sáng của tôi ngày đó, ngay cả khi tôi chưa hiểu đau đớn là gì.
“Anh Hữu Trác này!” Tôi luống cuống gọi.
Bước chân của người ngừng lại, ngoảnh đầu nhìn tôi.
Tôi ấp úng hồi lâu: “Chiếc khăn tay… chiếc khăn tay của anh, tôi sẽ giặt rồi sai người trả lại có được không?”
Chàng cười: “Chỉ là một chiếc khăn tay thôi. Cô đừng nghĩ nhiều, cứ giữ lấy.”
Nói rồi lại quay đầu bước đi, để lại tôi với mặt trời đỏ ối đằng sau lưng, tán bồ đề lặng lẽ chao đảo trong gió.
Hạ.
Ngày đó từ biệt, nào ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp Lê Hữu Trác.
Thời gian qua lâu quá rồi, tôi cũng không nhớ nổi là bao nhiêu năm trước. Chỉ biết non đổi sao dời, giang sơn thay áo, trẻ nhỏ lớn lên, người cũ mất đi. Còn tôi từ một cô gái đôi mươi ngây ngô, thoắt cái trở thành một sư cô mắt mờ lưng còng, mấy chục năm này cũng không nghĩ về chuyện cũ nữa.
Sáng hôm sau tôi dậy sớm cùng Thanh Tâm sư cô đi tới một vài nhà giàu sang trong thành để khuyến hóa. Đến đầu giờ Mùi thì về. Chú tiểu hay trò chuyện cùng tôi thấy tôi, lập tức hổn hển chạy tới, liên miệng gọi: “Sư cô, sư cô!” “Có chuyện gì thế?” “Có người tìm gặp sư cô, đến từ sớm, đã chờ suốt mấy canh giờ rồi!” Tôi nhất thời không nghĩ ra là ai, mang nghi vấn bước vào am. Tôi thấy một cậu thiếu niên tuổi còn trẻ, một thân áo nâu giản dị đang ngồi chờ, tay cầm cuốn sách chăm chú đọc.
“Vị này…” Tôi lên tiếng “Cậu đến tìm tôi có phải không?”
“Bà là Thanh Huyên sư cô đó ư?”
“Phải, là tôi.”
Cậu thiếu niên bước lên một bước, cúi đầu chào hỏi: “Tôi là Đặng Mai, chẳng giấu gì sư cô, tôi là học trò theo nghề thuốc của thầy Hải Thượng.”
Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hữu Trác.
Vốn duyên phận mỏng, tưởng tình cờ gặp lại một hồi kia đã là tận duyên, giờ này người phái gia nhân đến tìm tôi, là có ý gì? Như đọc được nỗi băn khoăn trong lòng tôi, cậu trai kia ngập ngừng lên tiếng: “Thầy sai tôi đến đây là có chuyện muốn bàn với sư cô.” Tôi gật đầu châm trà rót nước mời cậu ta. Trong thoáng chốc gian phòng ngập mùi chè xanh thanh mát, nhấp lên môi chỉ thấy ngọt thơm đọng lại. Luẩn quẩn một hồi, cậu Mai nói qua về cuộc sống của Lê Hữu Trác mấy năm gần đây ở Hương Sơn, tôi thì kể về cuộc sống tu tập của mình.
Ngày ấy, sau khi chia cách ở Sơn Nam, người về quê mẹ, chẳng ngờ lại đi theo nghề thuốc, sớm đã thành danh. Tôi nhớ lại Hữu Trác ngày còn trẻ, làm gì cũng chăm chú, quyết tâm, cả người luôn toát ra cảm giác an tĩnh, đáng tin cậy, thực là thích hợp làm thầy y lắm.
Chần chừ hồi lâu, cậu Mai bảo tôi: “Thầy vẫn áy náy chuyện năm đó với sư cô… có dịp về Sơn Nam vẫn hỏi thăm tin tức, nhưng cách biệt đã lâu không tìm được. Nay trời cho gặp lại, thầy thật lòng muốn bù đắp cho sư cô.”
Ngừng một lúc, cậu Mai tiếp lời: “Nếu sư cô thuận về nơi vắng vẻ, thì ở Hương Sơn, anh ruột thầy Hải Thượng có cất một cái am nhỏ, có thể cung cấp đèn nhang, mùa đông cũng như mùa hè, lạnh ấm đều do thầy lo liệu. Một là để báo đáp cái cao tiết của sư cô, hai là để chuộc cái lỗi của thầy.”
Nghe đến đây, tôi chỉ cười nhẹ…
*
* *
Kể từ sau lần cuối gặp Lê Hữu Trác ấy, tôi trở về nhà tiếp tục cuộc sống của một tiểu thư khuê các.
Chỉ là xã hội bắt đầu biến đổi.
Cha mái đầu dần bạc, mỗi ngày lo công chuyện không ngớt, cứ ba bốn hôm lại phải lên kinh thành một lần, không khí đầy những xung động bất trắc. Tôi vẫn bắt gặp cha và bạn bè đồng liêu trong lúc trà dư tửu hậu bàn luận chuyện thế sự, câu được câu không, nhưng một cô gái suốt ngày ở trong khuê phòng như tôi cũng cảm thấy lo lắng. Chính vì những bất ổn này mà cha mẹ muốn đẩy nhanh chuyện hôn sự giữa tôi và Lê Hữu Trác. Đã mấy lần chàng lần khứa chuyện kết thân, cớ là đường công danh còn chưa thấy, ngại đón tôi về lại làm khổ tôi. Đến nay cha mẹ tôi cũng thẳng thắn rằng không ngại, chàng mới chẳng còn cớ khước từ.
Vì vậỵ mùa xuân năm ấy, tôi đã sắp hai mươi. Cha mẹ tôi và cha mẹ chàng mang thiếp canh của hai người đến thầy tướng số, chọn một ngày lành để nửa năm sau đó tổ chức hôn lễ. Ngày mười hai tháng tám là ngày lành tháng tốt, dự tính sẽ tiến hành chuyện chung thân đại sự.
Mà không đợi nổi đến mùa thu, khi mưa xuân vừa ngớt, triều đình đã như chiếc cột nhà mục rỗng lâu, không còn chống đỡ nổi nữa. Khởi nghĩa nông dân từ phía nam nổ ra, sau đó lan khắp nơi. Giữa một hổi binh biến khói lửa như thế, chính là thời gian này, Ngự sử đại nhân Lê Hữu Mưu đột ngột qua đời. Tôi biết tin ấy vào một sớm đầu hạ, nhỏ Sen không biết nghe tin từ đâu, hớt hải chạy về phòng: “Cô Hai, Cô Hai!” “Xem em kìa, thành thiếu nữ rồi mà vẫn vội vàng như thế.” Nhỏ Sen ôm ngực thở dốc, lắp bắp: “Cô Hai, chuyện này không đùa được đâu, cha của cậu Chiêu Bảy mất rồi…” Tôi nhất thời hoảng hốt, hỏi kĩ lại một lượt. Giờ phút ấy, nỗi bất an trong lòng vỡ toạc ra không sao ghìm giữ lại được. Tôi thấy lương duyên của mình như ngọn nến cháy hết bấc, cứ lịm dần rồi tắt hẳn.
Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu nổi chuyện quốc sự phức tạp, chỉ biết gia quyến chàng lập tức rời kinh về quê ngoại nhà phu nhân Bùi Thị Thường ở Hương Sơn châu Hoan. Hai ngày sau đích thân chàng xuất hiện ở cửa nhà cùng vị trưởng bối là cô ruột, xin lại trầu cau. Rút về mối lương duyên này. Tôi không xuất hiện, ngồi sau nhà, ngắm nhìn những tàu lá súng phủ kín mặt ao. Cánh hoa còn ngậm sương mà nở ra sắc hồng thắm, hồng đến nhức mắt, hồng đến tan nát cõi lòng.
Chàng nói, lần này đi sẽ khó có ngày trở lại.
Chàng nói, Ngự sử đại nhân đã mất, gia thế sau một đêm lụn bại.
Chàng nói, con đường trước mắt không biết có gì chờ đợi, chỉ biết chắc chắn là nhiều chông gai vất vả. Vậy thì chàng rút lại những gì đã đính ước, để tôi có thể tìm được một mối lương duyên tốt đẹp, êm đềm, một cuộc sống nhàn tản mà chàng không còn có thể hứa cho tôi được nữa.
Nhỏ Sen thấy vẻ bình đạm đến im lìm của tôi, rụt rè cất tiếng: “Cô Hai…” Tôi cười mà lòng chua xót. Nhỏ ngập ngừng đưa cho tôi một phong thư: “Cái này, cậu dặn phải đưa tận tay cho cô.” Tôi không đọc mà cất vào một góc tủ, cứ lặng yên nhìn nó…
Năm tháng cứ thế trôi.
Sau chàng, cũng có một vài người đến cầu thân, cha mẹ sợ tôi phải sống cô quả nên chưa kịp hỏi ý kiến tôi mà đồng ý. Ngày chuẩn bị làm lễ nạp, tôi đứng trong rèm nhìn ra tướng mạo người kia, trong lòng lạnh lẽo. Cuối cùng, không nhịn nổi nữa, gom góp can đảm trong lòng, tôi từ chối thẳng: “Chẳng giấu gì anh, tôi trước kia đã có người hỏi làm vợ, tôi đã đồng ý, trong lòng luôn xem mình là người có chồng rồi. Chẳng qua vô phận mà chồng bỏ, tơ duyên ấy đứt đoạn, nay còn mặt mũi nào mà lấy chồng nữa. Lòng tôi đã thề chung thân ở vậy, thế thôi.” Người kia nghe vậy thì cũng không cố chấp nữa. Chỉ có mẹ tôi là thương tâm, mỗi lần thấy tôi đều nước mắt dài ngắn. Cha tôi từ nhỏ yêu chiều, không ép tôi cưới gả nữa.
Vài năm sau cha tôi cũng theo Ngự sử đại nhân rời khỏi dương gian.
Cha mất, tôi ngồi bên linh cữu hai ngày đêm.
Đến tối về phòng, không hiểu sao lại nhớ tới phong thư ngày trước của chàng, mở ra đọc, nước mắt giàn giụa.
Trên giấy chỉ là những lời tạ lỗi.
*
* *
Tất cả mọi chuyện đã qua, nhàn nhạt tựa sương khói, rất nhiều năm tôi ăn chay niệm Phật, thật ra đã đem đoạn hồng trần nọ quên đi. Cười đáp: “Quả thật ngày còn trẻ từng có một đoạn lương duyên, nay quan nhân có hậu tình, mà số tôi hẩm hiu, cái thân cô khổ cũng là do số mệnh. Lòng nào oán trách ai.” Thấy cậu Mai dường như vẫn có ý nài nỉ, tôi nói tiếp: “Giờ tôi không người thân thích, phần mộ của cha mẹ không người cúng tế quét tước, há chỉ lo thân mình mà đến quê người độ sinh? Cậu hãy về nói với quan nhân là tôi tuy chưa được nhờ ơn đức quan nhân mà nay biết tấm lòng tốt này cũng đủ an ủi cảnh linh lạc.”
Dứt lời, tiễn biệt cậu Mai ra về.
Cậu biết ý tôi đã quyết, chuyện thầy giao coi như trọn vẹn, cũng không nói thêm nữa.
Tôi đứng nhìn bóng cậu Mai xa dần, vừa lúc hoàng hôn buông xuống, chợt thấy giống hệt cảnh năm đó nhìn bóng lưng cậu Chiêu Bảy rời đi.
Tác giả: Phạm Thu Hà
Nguồn VNQĐ
--------
1. Tác giả có tham khảo chương 11 “Thượng kinh kí sự” khi viết truyện ngắn này.
2. Trích thơ trong tác phẩm, đoạn này từ “Thượng kinh kí sự”, các đoạn sau do tác giả sáng tác để phục vụ tác phẩm.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên