Tôi trở thành con rể Cùa vào tuổi hai mươi sáu khi đang còn là chàng sĩ quan mang quân hàm cấp úy. Sau những cuộc vượt đèo Cùa khúc khuỷu bất chấp nắng bụi mưa lầy, tôi dính chặt vào Cùa như một tự nguyện ngọt ngào hằng mấy chục năm. Thăng trầm, sướng khổ, vui buồn đủ dựng một tự truyện chừng nửa nghìn trang, từ ngày nhà tranh vách đất đứng trên đồi lồng lộng gió đến những cuộc bìu ríu gánh gồng “đi mô cho thiếp đi cùng” biệt Quảng Trị ra Hà Nội rồi từ Hà Nội về Quảng Trị, nhấp nhô bao ký ức làm ta rưng rưng khôn xiết. Ở và đi, đi và về, đất đều là tâm hồn mình cả; trong Quảng Trị tôi gắn bó dư hai mươi năm với màu áo lính Trường Sơn có Cam Lộ, trong Cam Lộ có Cùa, quê ngoại của các con tôi. Cuộc đời mình như được sắp xếp từ trước, cứ thế mà bước đi theo lập trình của tạo hóa, có muốn đổi thay chắc cũng không dễ, mà chẳng cần đổi thay làm gì cả khi ta dần dà thấm thía chữ Duyên.
Có hương cau và cả mo cau trong không gian Cùa của tôi. Cũng như trong tôi đã chất chứa bao nhiêu hồn cát, trắng đến miên man như phiên bản trữ tình của sóng, mẹ ru tôi ru cả nỗi buồn Ô châu, ai đi đến đó quảy bầu về không. Tôi nghĩ cát Quảng Bình và mẹ đã cho tôi câu thơ hay được bạn bè nhắc tới: Cát đi mãi chẳng thành đường/ Tôi đi theo lối mẹ thường hát ru. Mẹ mất sớm, em chỉ biết người sinh ra chồng mình qua những câu chuyện rơm rớm nước mắt. Và em thương người mồ côi mẹ từ tuổi mười hai, thương hoài, thương miết cho đến bây giờ. Có em, tôi có thêm một người mẹ đôn hậu nữa. Một người mẹ Cùa sẵn lòng nhường nhịn tất cả để được trọn vẹn hai tiếng yêu thương. Tôi được bù đắp khi có mẹ. Tôi nói điều này từ tấm lòng, không thể khác được. Mẹ đối xử với con rể như người tự mình rứt ruột sinh ra. Và vô cùng tinh tế. Từ Cùa, mẹ gửi ra Hà Nội cho con rể chiếc quạt mo cau. Kỷ vật dân giã đó tôi đặt trên bàn viết của mình. Tôi nghe tiếng bà ru cháu ngoại trong ngan ngát hương cau, nghe nỗi nhọc nhằn tan khuất vào mưa nắng miền Trung, nghe những thầm thì mẫu tử, nghe canh cánh dĩ vãng bazan khát, nghe những gói đùm thơm dẻo của nhẫn nhịn, sẻ chia… Và, như thế tôi vẫn hình dung về Cùa như tôi hằng thương nhớ, chân mộc mà sâu nặng tình người. Tôi thấm thía chiều sâu tâm hồn của một vùng đất qua những con người cụ thể; mẹ là Cùa, em là Cùa của tôi, từ tháng ngày cơ cực đến diện mạo tươi sáng hôm nay. Vẫn là Cùa đấy thôi.
Những con đường nắng bụi mưa lầy chỉ còn trong ký ức. Đèo Cùa trở thành con đường rải nhựa bằng phẳng uốn lượn mềm mại giữa núi đồi. Đoạn dốc khoanh tay cao ngất, lởm chởm sỏi đá hồi nào tôi đã từng ngã xe máy một lần ở đây, nay được hạ thấp, chạy một vòng cung đẹp. Đêm đêm lại được chiếu sáng bằng hệ thống đèn đường chạy bằng năng lượng mặt trời. Dáng dấp Cùa hôm nay là dáng dấp của một thị tứ xanh sạch đẹp như nhiều người mơ ước. Giấc mơ đã thành hiện thực ta có thể chạm vào giữa ngày thường. Đường nhựa, đường bê tông ngang dọc thôn xóm. Hai bên là những chậu hoa, thảm hoa khoe sắc bốn mùa. Hoa do dân trồng và chăm sóc cả đấy. Người dân chăm chút làm đẹp cho thôn xóm của mình, cuộc sống vừa ấm no vừa lãng mạn. Điện đường đêm đêm tỏa sáng. Ngọn đèn dầu trở thành cổ tích xa xưa. Trường học các cấp đều khang trang. Trạm xá cũng không kém. Xa xa là những vạt rừng cao su, tràm keo xanh ngút ngát. Tiêu Cùa, chè Cùa, gà Cùa càng lừng danh hơn. Cùa bắt nhập vào thời đại bằng kết nối mạng, bằng những suy tính vượt ra khỏi tư duy thuần nông để có nhà máy chế biến cao su, có xưởng may công nghiệp…
Cùa, còn quá sớm để được gọi là vùng đất giàu có. Nhưng vùng đất lịch sử thì đương nhiên rồi. Chiến khu Cùa của hai thời kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ chắc nhiều người đã biết. Có một di tích lịch sử mà tôi nghĩ rằng trong tương lai rất gần nó sẽ là điểm nhấn cực kỳ thu hút của du lịch Quảng Trị ở ngay trên đất Cùa. Đó là di tích căn cứ Tân Sở gắn liền với tên tuổi vị vua yêu nước dựng cờ Cần Vương chống giặc Pháp xâm lược. Vua Hàm Nghi. Lòng yêu nước sẽ mãi bất tử. là ánh sáng không bao giờ tắt. Long vị của Ngài đã được rước từ thành phố Huế về Tân Sở như một cuộc phục sinh lịch sử mang ý nghĩa thiêng liêng cao cả. Dấu ấn lịch sử mang tên Hàm Nghi mặc nhiên được minh định bằng dấu tích Tân Sở trên vùng Cùa. Đó là sự mở đầu cho gần một thế kỷ chống thực dân Pháp xâm lăng dưới ngọn cờ tập hợp của các vị vua và sĩ phu phong kiến yêu nước để kết thúc thắng lợi bằng cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu Ất Dậu 1945, giành chính quyền về tay nhân dân và tiếp đó là chín năm kháng chiến thánh thần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 do những người cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Cùa, những gì tôi lan man cũng chỉ là chấm phá. Riêng, chung nào được nhắc đến cũng là yêu dấu khôn nguôi của tôi với mảnh đất này. Năm tháng đi qua sẽ lưu lại trong tâm hồn ta những gì sâu sắc nhất. Vùng đất. Con người. Dấu vết của quá khứ. Hơi thở, nhịp điệu hôm nay. Khát vọng, dự cảm ngày mai. Tất cả dường như đang được chiếu dọi, ánh xạ trong tâm thức của ngày trở lại. Trở lại nơi ba đứa con của tôi cất tiếng khóc chào đời trong một mùa đông, trong một mùa hạ và trong một mùa thu. Ba mùa khác nhau nhưng đều tràn ngập yêu thương. Mùa yêu thương, lấp lánh mãi. Vâng, trong tôi hiển hiện một vùng Cùa như là thương nhớ.
Tác giả: Nguyễn Hữu Quý
Nguồn Văn nghệ số 4/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên