Ba ngày đại hội Hội Nhà văn Việt Nam với sự tham dự của 596 nhà văn kết thúc. Đã có sự bàn giao giữa các thế hệ trong việc điều hành công việc của Hội Nhà văn sau việc bầu ra 11 người vào Ban chấp hành mới. Mọi việc đang bắt đầu mở ra… Một mảng đề tài lớn góp phần vào cùng văn học cả nước là văn học thiếu nhi, ở đó Nhà xuất bản Kim Đồng đóng vai trò quan trọng. Nên không lạ khi nhà xuất bản đã mời các nhà văn từng cộng tác với Kim Đồng và đang tham dự đại hội tham gia một chuyến hành đầy ý nghĩa: “Theo dấu văn nhân”!
Đó là một vùng đất của văn hóa, của văn học. Đó là những gương mặt quen thuộc với văn học thiếu nhi: Phạm Đình Ân, Trần Đức Tiến, Trần Quốc Toàn, Lê Văn Nghĩa, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Thái Hải, Trịnh Bửu Hoài, Trầm Hương, Lê Phương Liên, Tống Ngọc Hân, Du An, Lê Trâm, Đức Linh, Văn Thành Lê, Thu Trân, Võ Thu Hương, Hoàng Phương Nhâm… Và những người đang điều hành nhà xuất bản Kim Đồng.
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Một vùng đất đẹp, trải dọc hai bên bờ sông Đáy. Bỗng bật lên mấy câu thơ của Quang Dũng: Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ sáo diều khuya khoắc thổi đêm trăng. Vượt hết chiếc cầu treo bắc qua sông Đáy là đến chùa Bà Đanh. Câu chuyện mang đậm chất liêu trai: xưa, nơi đây một phía là sông, ba phía là rừng rậm cách xa nhà dân. Đường tới chùa rất gian nan qua những con đường xuyên trong rừng đầy nhọc nhằn và thú dữ. Cho nên, chùa luôn vắng và có lẽ vì thế người ta gọi chết thành tên: vắng như chùa Bà Đanh! Như là minh chứng, lúc chúng tôi đến chỉ khiến cho chùa xôn xao lên một chút rồi tất cả rơi vào cõi thinh lặng của buổi sáng mùa đông. Tất cả hằn trên khoảnh sân vắng trước cổng ngôi chùa cổ, đẹp và tất nhiên vẫn….cửa đóng then cài!
Đền Trúc - nơi thờ Lý Thường Kiệt nằm ở Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam, trên đường lên Ngũ động Thi Sơn. Nghe kể rằng Lý Thường Kiệt trên đường đi đánh quân Chiêm Thành đã dừng chân lại, để từ đó, ông vừa là thành hoàng, vừa là thánh của dân làng vì đã có công rất lớn trong thuở ban đầu khai thiên lập địa, và từ ông phát sinh những làn điệu dân ca hát dặm độc đáo. Ngôi đền cổ kính gồm hai gian: tiền và hậu viện, mặt hướng ra phía sông Đáy. Đang chiều, mây và ráng phủ lung linh trên dòng sông lặng lờ. Ngôi đền linh thiêng với hai con rồng đá chầu hai bên một hồ nước được tạc bằng đá bởi những nét thô sơ như muốn làm nổi bật lên sự cổ kính. Nghe nói tuổi đã ngàn năm! Dù rất vội nhưng nghệ sĩ ưu tú hát dặm Quyển Sơn, bà Nguyễn Thị Phương Trâm đã đón tiếp đoàn rất chu đáo. Bà bảo, phải xin phép ngài mới hát hầu mấy câu dặm được. Bà xin keo và ngài đã chấp thuận! Không sênh không phách, mặc kệ, nghệ nhân dùng dùi gõ lên mõ và hát say sưa. Chỉ là một ít trong 38 làn điệu, nghệ nhân Phương Trâm cũng đã cho chúng tôi cảm nhận phần nào sự độc đáo của nghệ thuật hát dặm còn khá xa lạ với nhiều người này.
“Tương truyền vào năm 1089, đoàn chiến thuyền của Lý Thường Kiệt trên đường chinh phạt phương nam đi qua thôn Quyển Sơn. Bỗng một trận gió lớn ào ào thổi tới, bẻ gãy cả cột buồm rồi cuốn lá cờ của đoàn quân lên đỉnh núi Cấm. Thấy điều lạ, ông bèn cho thuyền dừng lại, cùng tướng lĩnh lên bờ sửa lễ tế trời đất, cầu cho đại thắng. Ngài đặt đàn tế trong rừng trúc, gần ngôi đền thờ hai mẹ con bà hàng nước. Nửa đêm, hai mẹ con bà hiện lên báo mộng, xin cùng đi theo phù ngài đánh giặc. Từ đó ông đặt tên núi là núi Quyển Sơn (hay Cuốn Sơn). Lần ra quân ấy, Lý Thường Kiệt đã chỉ huy đại quân thắng lớn. Núi Cấm có hệ thống hang động độc đáo: 5 hang nối liền nhau, tạo thành động liên hoàn, gọi là Ngũ Động sơn. Lối vào động ở trên cao, nhìn ra sông Đáy. Lối ra nằm ở bên kia vách núi, do vậy không khí trong động rất thoáng mát. Cấu trúc các động vô cùng đa dạng với nhiều loại thạch nhũ muôn hình vạn trạng, gợi cho du khách sức tưởng tượng phong phú: hình bầu sữa mẹ, nồi cơm mở vung, hình con voi, con rùa... Màu sắc, độ xốp, da nhũ... cũng khác nhau. Có nhũ ẩn sâu trong bóng tối, gặp ánh đuốc rọi vào bỗng rực lên như châu ngọc. Có nhũ mang hình chiếc trống nằm, trống treo, dàn mõ, mà thật đặc biệt, khi đánh lên, âm vang như thật.” (theo Wikipedia). Dù rất vội nhưng chúng tôi cũng cố gắng thăm hết ngũ động và cảm nhận được vẻ đẹp lung linh, huyền ảo mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
Theo dấu văn nhân
Trong một bán kính hẹp trải qua mấy huyện thuộc Nam Định và Hà Nam đã còn lưu dấu nhiều di sản/ câu chuyện về các văn nhân gắn bó với văn học Việt Nam: Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nam Cao và Nguyễn Bính...
Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao ở xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam (trước kia là làng Đại Hoàng - quê nhà văn), là một vùng đất mang đậm bản sắc làng quê đồng bằng Bắc bộ. Qua một hồ nước, đến mộ của nhà văn rồi đến Nhà tưởng niệm. Tất cả toát lên vẻ yên bình. Nhà tưởng niệm lưu giữ khá nhiều tư liệu quý về Nam Cao. Theo dự định, ỏ đây sẽ xây dựng một “Vườn hiện thực”, lúc đó có lẽ sẽ mang lại nhiều điều thú vị cho toàn bộ khu tưởng niệm. Trên mộ Nam Cao viết lại câu văn trong tác phẩm Đời thừa: “Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có…”, nghe cứ như một lời nhắc nhở với nhiều người.
Đường vào làng, cái làng “Vũ Đại” phảng phất không khí của hiện thực trong Đôi lứa xứng đôi ngày trước nhưng yên bình chứ không dữ dội và nghiệt ngã như trong tác phẩm của Nam Cao. Người phụ nữ bán rổ trứng, một con chó quấn quýt bên chân có vẻ đang tiếp tục kể câu chuyện xưa. Những bà già bán nải chuối, mấy quả mận… chẳng khác đang lạc vào làng Vũ Đại một thuở. Nhà Bá Kiến còn giữ được khá nguyên vẹn. Một ngôi nhà ngói cổ kính nằm trong tổng thể gia sản đồ sộ của cụ Bá còn sót lại như một chứng nhân không lời. Nơi nào là cái lò gạch cũ cặp “uyên ương” Chí Phèo – Thị Nở”? Những câu chuyện kể của người thuyết minh cứ hư hư thực thực, như có như không, khiến nhiều người không khỏi ngậm ngùi. Ừ, đã một thời như thế, nơi đây, những con người, những số phận đã bày ra và cuốn đi, trôi đi cùng lịch sử…
Một đời lận đận, nghèo khó với thi cử, với vợ, với con cùng lời thơ chua chát “quanh năm buôn bán ở mom sông/ nuôi đủ năm con với một chồng” cuối cùng nhà thơ Tú Xương - Trần Tế Xương cũng kịp về an nghỉ bên sông Vị Hoàng. Một kết thúc có hậu vô cùng nên thơ cho một người thơ tài hoa. Đây là công viên rất đẹp mang tên Vị Xuyên, cụ nằm gần với tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn uy nghi lẫm liệt. Như là câu chuyện dài của “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò”. Như là một lời vọng, ngân, xa. Người ta đã kịp khuyên thêm một dấu son lên mộ cụ bằng hai câu của Nguyễn Khuyến: “Kìa ai chín suối xương không nát/ có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn”.
Một đời vì thơ, lưu lạc khắp dặm dài đất nước, không ai nghĩ đến nỗi khổ suốt đời cho đến lúc chết, và ngay cả sau khi chết của nhà thơ tài hoa Nguyễn Bính. Đó là câu chuyện buồn của một ngày cận Tết lạnh lẽo gần sáu mươi năm trước, Nguyễn Bính trút hơi thở cuối cùng. Đó là bốn lần chuyển mộ “Một lần chết – bốn lần đưa/ Tóc tang mấy độ cho vừa văn nhân” (Nguyễn Thế Vinh). Chúng tôi về thắp hương trên mộ nhà thơ Nguyễn Bính, một ngôi mộ khiêm tốn nằm bên vườn nhà cũ. Tiếp chúng tôi có con gái nhà thơ, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu và một người đang chăm sóc hương khói cho ông. Có ai đó nhắc lại những câu chuyện khá buồn về cuộc đời ông, mặc kệ, ông vẫn an nhiên nhìn ngắm cuộc đời cùng những bon chen vật vã mỗi ngày. Vườn hẹp và vắng lặng, cái ao sen nhỏ nở mấy bông tím ngát, vội, không kịp ngắm rào dậu mùng tơi nào. “Ước đừng có giậu mùng tơi/ thể nào tôi cũng qua chơi thăm nàng”. Thắp cho ông nén hương, mọi người tiếp tục hành trình…
Một quần thể rộng rãi, đẹp đẽ. Hai cái ao một lớn, một nhỏ; một nghiên một bút. Một tấm bia của UNESCO ghi nhận về ông, danh nhân Nguyễn Khuyến nằm trước cổng vào. Tổng thể vườn Bùi thật đẹp (bùi là tên gọi cây vối – và “Vườn Bùi chốn cũ/ Bốn mươi năm lại lụ khụ về đây” là hai câu thơ của Nguyễn Khuyến), đẹp từ chiếc cổng thấp, đi vào phải cúi đầu, ai đó bảo rằng để “tôn sư trọng đạo” khi vào chốn chữ nghĩa. Một khu vườn râm mát bóng cây. Một cái sân gợi nhớ ý tưởng về một kiểu “Sân Trình”. Một nhà lưu niệm. Phía sau là nơi thờ cụ, nghe nói đã trải qua mấy trăm năm. Bất giác nhớ “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái/ một tiếng trên không ngỗng nước nào?” Ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ năm của nhà thơ kể khá nhiều câu chuyện về cụ Nguyễn Khuyến và khu tưởng niệm. Mọi thứ bày ra một không gian, thời gian khá trọn vẹn cho sự lưu giữ ký ức về cuộc đời của một danh nhân.
Kết thúc hành trình là bữa gặp tiệc chia tay ấm áp. Mỗi người rồi sẽ rẽ về một ngả nhưng sẽ hằng nhớ. Trên mọi nỗi nhớ có lẽ là nỗi ngậm ngùi về mỗi số phận người, tất cả cứ như trò bày của số phận, không ai định trước được điều gì. Với nhà văn, lại càng hơn thế. Thì đó, Nguyễn Khuyến, Nam Cao, Nguyễn Bính, Trần Tế Xương. Họ là những văn nhân cùng thời.
Tác giả: Lê Trâm
Nguồn Văn nghệ số 9/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên