Có lẽ nàng Kiều, nhân vật văn học trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, là đề tài hấp dẫn, rất hấp dẫn để thời nay các nghệ sĩ phóng tác theo các loại hình nghệ thuật mà họ theo đuổi. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có nhiều dự án về nàng Kiều được công bố: Điện ảnh thì có Kiều @ (đạo diễn Đỗ Thành An), Kiều (đạo diễn Mai Thu Huyền). Âm nhạc thì có Ngâm Kiều toàn truyện - dự án đầu tiên và duy nhất giới thiệu Truyện Kiều theo đúng lối ngâm Kiều. 3254 câu, với thời lượng là 561 phút, tương đương khoảng gần 10 tiếng âm thanh của nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long. Sân khấu Múa thì có Ballet Kiều… Nhìn chung, các dự án nghệ thuật về Kiều chắc chắn không chỉ dừng lại ở những tác phẩm đã điểm ở mọi lĩnh vực nghệ thuật, mà sẽ còn xuất hiện nhiều nữa. Trong bài viết này, “Kiều” đối mặt với câu chuyện chuyển thể văn học, điều mà người ta từng chua chát: Kiều cả ba lần lên phim (gồm cả Sài Gòn nhật thực năm 2007, của đạo diễn Othello Khánh) đều… thảm họa.
KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI BÊ NGUYÊN XI TÁC PHẨM VĂN HỌC LÊN PHIM
Có nhà báo từng “hùng hồn” nhận định: Tác phẩm văn học là nguyên liệu quý để làm phim điện ảnh.
Quý thì quả là có quý. Song cần rõ ràng mối quan hệ giữa quý và hiếm. Có những thứ qúy, nhưng không hiếm, và nhiều khi hiếm nhưng không quý, bởi văn học và điện ảnh là hai lĩnh vực khác nhau, dẫu chúng có nhiều mối liên hệ. Chính vì những “mối liên hệ” rất khó rạch ròi này, mà vô tình việc chuyển thể tác phẩm văn học lên phim, hay ngược lại, luôn là con dao hai lưỡi. Để sử dụng nguồn nguyên liệu quý đó, các nhà văn, nhà biên kịch, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên luôn được và bị đặt vào những tình thế mạo hiểm. Mạo hiểm, vì làm không cẩn thận là bị tẩy chay như chơi, luôn khen thì ít mà chê thì nhiều. Vấn đề chê bai đối với một tác phẩm điện ảnh mà người ta phải “bán đất, bán nhà để làm phim”, thậm chí còn đặt cả sinh mệnh chính trị của mình vào phim đó, thực là một sự ảnh hưởng rất lớn. Làn sóng tẩy chay hoặc chê bai luôn đẩy người ta vào thế cùng, lắm khi không dễ “làm lành” vết thương.
Xoay quanh việc đưa nhân vật Kiều trong tác phẩm văn học lên phim, năm qua và đầu năm nay, hai đạo diễn là Đỗ Thành An (phim Kiều @) và Mai Thu Huyền (phim Kiều) đã phải đối mặt với làn sóng khen chê “cay nghiệt”, dù họ đầu tư tiền nhiều tỉ để làm phim, gửi gắm vào đó cả lợi nhuận mong đợi và cái tâm với nghề.
Công chiếu đầu tháng 4 năm 2021, và chỉ sau một tuần, phim Kiều của Mai Thu Huyền bị chê là “thảm họa”. Điều này khiến chị “choáng váng”, bởi theo đạo diễn, kiêm nhà sản xuất: “Trong những ngày công chiếu ở Hà Nội, Huế và Tp. Hồ Chí Minh, tác phẩm và đoàn phim nhận được phản hồi khá tích cực của giới chuyên môn là các nhà nghiên cứu, đạo diễn và biên kịch”
Nhà báo Yến Lê, người yêu mến điện ảnh và luôn nghiêm túc trong việc nhận xét các tác phẩm điện ảnh đã chia sẻ: “Thật lòng mà nói thì mình nể chị Mai Thu Huyền. Không mấy đạo diễn nữ có cơ hội và có thể điều phối một cuộc chơi lớn cỡ vậy, như chị… Bất kể tác phẩm chị làm ra có diện mạo như thế nào, được đón nhận ra sao, điều mình cảm nhận thấy là chị đã thực hiện tác phẩm một cách hết lòng, nhất quán, kiên định với cảm quan và ý đồ sáng tạo của riêng chị. Cái nể đầu tiên là ở việc chỉ chọn một lát cắt nhỏ để khai thác. Nếu không có sự sắt đá cần thiết, người ta sẽ dễ bị rối trong thế trận của Truyện Kiều. Nếu là biên kịch non tay, chưa chắc đã dám bảo vệ đến cùng ý đồ sáng tạo của mình. Cái nể thứ hai là tấm lòng giữ sự “trinh bạch” khi nhìn nhận về Kiều. Sự bảo vệ và can thiệp một cách thái quá, mù quáng của Đạm Tiên với Kiều cũng như là hiện thân cho quyền năng và ý đồ, hành động của người kể chuyện đối với nhân vật của mình”. Còn nhà báo Phạm Sỹ, báo Giáo dục và Thời đại thì cho rằng: “Không mang cả cuộc đời nàng Kiều lên màn ảnh, tác giả kịch bản NSƯT Phi Tiến Sơn chọn giai đoạn Kiều bị đẩy vào lầu xanh và cuộc tình tay ba trái ngang với Thúc Sinh để khéo léo truyền tải thông điệp nhân sinh quan và khát vọng tình yêu, tự do của con người…”
Song song với những lời khen của giới chuyên môn và khán giả, là làn sóng đòi tẩy chay Kiều vì lý do “thảm họa”. Thậm chí còn có ý kiến cay nghiệt: “Mai Thu Huyền và nỗ lực phá hỏng tác phẩm của Nguyễn Du”. Do đâu?
Vẫn là nhà báo Yến Lê: “Chỉ tiếc rằng với sự đồng bộ ấy, với mình, Kiều không phải là một bộ phim hay. Ở một phiên bản điện ảnh, không nhất thiết phải bê nguyên xi nguyên mẫu từ tác phẩm văn học. Nhưng khi không đủ mạnh để chuyển thể hồn cốt của một tác phẩm/ một hình tượng/ một phân đoạn, thì đừng dại giẫm chân, bắt chước. Hoặc bạn phải thật tinh tế, cao tay, hoặc bạn phải thật đột phá, lột xác, đập đi làm lại. Như thế thì người ta sẽ không bị theo quán tính lẽ thường là vin vào “nguyên tác” mà so sánh”
Kể ra không dễ vì điện ảnh nhìn chung là một cuộc chơi của “trí tuệ tập thể”, của “ngôi sao” đằng trước lẫn đằng sau hậu trường, kinh phí và sự đồng đều mặt bằng chung của cả nền điện ảnh. Kiều khó thuyết phục không chỉ vì kẹt với tác phẩm của đại thi hào ăn sâu vào tâm thức người Việt, mà còn khó khi người xem vốn thường xem trên văn hóa nền, tạm gọi là “chuẩn Hollywood” của họ. Người ta đa số xem phim vì chính bản thân tác phẩm có thu hút, hấp dẫn họ hay không - không nói nhiều.
Lẽ dĩ nhiên, nếu là phim do tư nhân sản xuất, không theo đơn đặt hàng, thì một bộ phim ra đời không phải chỉ để phục vụ một nhóm “nhà phê bình” có chuyên môn, hay một nhóm khán giả am hiểu điện ảnh, mà là tất cả các đối tượng khán giả. Nhưng, khán giả, đặc biệt là những người mê văn học nói chung và người mê Truyện Kiều nói riêng, thì với họ, việc xem phim chuyển thể chỉ để “soi” xem người ta đã chuyển thể tác phẩm ra sao, có “trung thành với nguyên tác hay không”. Họ căn bản không chịu phân biệt một bộ phim điện ảnh và một tác phẩm văn học. Điều này đã từng diễn ra, đã từng khiến họ “thất vọng tràn trề” với rất nhiều bộ phim được chuyển thể khác. Họ không chấp nhận “phiên bản điện ảnh” của tác phẩm văn học đó, tức là những rung cảm cao độ được chuyển thành câu chữ, ngôn từ của tác giả cha sinh mẹ đẻ là nhà văn “bị” cởi bỏ lớp áo văn học. Phim điện ảnh và truyền hình là một môn nghệ thuật tổng hợp đánh thẳng vào khán giả bằng đơn vị đo lường là thị giác, thính giác trên khuôn hình đang hiển hiện trước mắt với những âm thanh, tiếng động phụ trợ. Kiều không chỉ khiến khán giả thất vọng vì những gì họ mong đợi ở 3254 câu lục bát không được tái hiện trên màn ảnh, mà chỉ là một “lát cắt”, và cũng tương tự như Kiều, Kiều @ của Đỗ Thành An cũng bị chê là thảm họa, mặc dù đạo diễn đã thanh minh: “Xây dựng nhân vật chỉ dựa trên hình tượng và ý tưởng văn học của Truyện Kiều, lấy cảm hứng sáng tạo từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du chứ không chuyển thể hay phóng tác từ tác phẩm văn học kinh điển đó”. Mà sự thất vọng của họ còn là ở sự mong đợi rất cao ở cách người ta làm với “mối lương duyên điện ảnh – văn học”.
BẢN LĨNH NGHỆ SĨ TRƯỚC LÀN SÓNG TẨY CHAY
Theo Yến Lê: “Dù khen hay không - đã là một điều tích cực cho phim. Quan trọng là “cái bột” đó sẽ “nên hồ” hay “nên bùn”, ngoài bản lĩnh của người cầm trịch dự án, ngoài yếu tố thiên thời địa lợi, còn có một chút ảnh hưởng từ tâm thái của người thưởng thức, của cả người làm nghề nói chung nữa.
Một tác phẩm ra đời có ảnh hưởng đến cái nền chung hay không, chắc chắn là có. Tất nhiên, vì sợ ảnh hưởng đến cái nền chung mà phải khen phim thì không phải. Thị trường mạnh là thị trường tự do. Ở cả lĩnh vực truyền thông lẫn điện ảnh. Không nên triệt đường ý kiến trái chiều, cũng không nên triệt đường phim chưa hay theo ý kiến cá nhân mình. Đôi khi phải có dở mới có hay, có yếu mới có mạnh, có kẻ hèn nhát mới có người anh hùng. Riêng tố chất dám nghĩ dám làm, dám chạm vào tác phẩm lớn và làm hết sức của mình, trọn vẹn với tâm ý của mình - như một anh thư - nữ hào kiệt thì chị Huyền cũng là người được xếp vào nhóm ấy.
Xem Kiều, mình không yêu không chán, chỉ thấy mừng. Ít nhất những tác phẩm cổ trang như Kiều được đầu tư tâm huyết với số tiền không nhỏ. Và người ta đã có ý nguyện tốt, người ta đã trọn vẹn với chính họ rồi. Tác phẩm sắp tới như thế nào sẽ lại là một câu chuyện khác. Nhưng Kiều là một tín hiệu tốt”.
Từ câu chuyện Kiều và những làn sóng tẩy chay tác phẩm nghệ thuật diễn ra trong thời gian qua, dẫu không mới, nhưng không thể khiến người ta không suy nghĩ, đặc biệt về cái gọi là “làn sóng tẩy chay” và văn hóa khen chê. “Làn sóng tẩy chay” thuộc về quyền lực số đông, còn khen – chê có nhiều kiểu. Có kiểu “khen cho chết”, có kiểu “chê cho tỉnh”, song với nghệ sĩ, không phải ai cũng đủ bản lĩnh trong việc bình tĩnh đón những làn sóng khen chê tác phẩm, mặc dù tác phẩm hay hay dở không phải được hóa giải từ những lời biện minh trên báo chí hay truyền thông. Một vấn đề lớn được đặt ra hiện nay là: Để có chiều sâu tri thức trong việc bình luận hay phán xét một tác phẩm nghệ thuật, thì trách nhiệm không chỉ ở người nghệ sĩ, mà còn một nửa ở người thụ hưởng. Người thụ hưởng không được hay tự trang bị cho mình một hành trang tri thức nghệ thuật, thì cái thiệt thòi trước nhất chính họ phải chịu, là không biết cách thưởng thức nghệ thuật, dẫn đến có cái nhìn cực đoan, sai lệch về nghệ thuật. Mới nói, nghệ thuật không phải ai cũng làm được, và không phải ai cũng có thể thưởng thức.
Tác giả: Thành Duy
Nguồn Văn nghệ số 22/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên