Vài cảm nhận ban đầu về các tác phẩm nhận giải thưởng Quỹ nhà văn Lê Lựu lần thứ ba, 2021

Thứ bảy - 05/06/2021 16:47

Đại tá, nhà văn Lê Lựu khi nghỉ hưu đã lập ra Trung tâm Văn hóa Doanh nhân nhằm làm giầu thêm phẩm chất nhà doanh nghiệp, đi đến khẳng định và tôn vinh các nhà đầu tư có văn hóa trước xã hội – một cộng đồng mới đây còn đầy mặc cảm rằng người giầu là bóc lột, xấu xa, bất chấp đạo lý. Phải là người có nền tảng văn hóa dầy dặn, có tâm huyết và trách nhiệm lớn đối với những bước phát triển của đất nước mới có thể đề xuất một vấn đề nền tảng cho một đất nước đang phát triển như thế: Văn hóa đạo đức phải đủ sức đồng hành với kinh tế và dân chủ hóa xã hội. Lịch sử các nước công nghiệp hóa hai ba trăm năm trước đã để lại kinh nghiệm đau xót cho nhân loại, khi chỉ ưu tiên cho phát triển kinh tế mà bỏ văn hóa lại phía sau, nó dần biến tâm thế nhân quần thành một xã hội kim tiền và đến lượt mình, văn hóa đạo đức biến dạng theo, nhân tính suy kiệt và từ đó mà tranh đấu rồi thậm chí chiến tranh như một tất yếu phái sinh.

Tác giả Thời xa vắng đã lập ra Quỹ Nhà văn Lê Lựu với toàn bộ tiền bạc tích lũy được và nhuận bút của ông làm hạt nhân đồng thời mời các doanh nhân quyên góp. Vâng, nhiều người đồng ý với ông rằng, đồng tiền dành dụm nuôi dưỡng cái đẹp cho tâm hồn người – thông qua các tác phẩm văn học hay, hấp dẫn, giầu nhân bản cũng quan trọng như dùng tiền nuôi sống con người nếu chưa nói là hơn.

Nhưng người tính không bằng thời tính, hai năm qua do corona Covid-19 hoành hành, kinh tế phát triển chậm, có nhiều doanh nhân khựng lại khiến Quỹ không thể tăng thêm.

Chúng tôi hy vọng vào một tương lai gần, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nhân sẽ lấy lại đà tăng trưởng, đồng tiền xứng đáng mà họ có lòng dành cho Quỹ Nhà văn Lê Lựu sẽ không ngừng sinh sôi và các tác phẩm tham dự Giải của Quỹ sẽ nhiều và hay hơn nữa – xứng đáng dành để nuôi dưỡng tâm hồn người, nuôi dưỡng văn hóa doanh nhân như tôn chỉ của Quỹ.

Chúng tôi chúc mừng các tác giả nhận giải lần thứ 3 Quỹ Nhà văn Lê Lựu. Đồng thời xin giới thiệu bài khái lược về các tác phẩm nhận giải lần này của nhà văn Văn Chinh, thành viên Ban giám khảo.

                                                                                 

Ban Tổ chức

Giải thưởng văn học của Qũy Nhà văn Lê Lựu

Quỹ Nhà văn Lê Lựu do UBND thành phố Hà Nội cấp phép hoạt động, tuân thủ những nguyên tắc nghiệp vụ tài chính, pháp luật hiện hành về kinh tế và văn hóa.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Trí Huân là Chủ tịch Quỹ từ khi thành lập đến nay. Ông đồng thời là Trưởng ban Giám khảo của Giải thưởng Quỹ.

Quỹ nhà văn Lê Lựu hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn học, xã hội, văn hóa doanh nhân, góp phần phát triển xã hội.

Quỹ được hình thành từ vốn đóng góp ban đầu của sáng lập viên và tự tạo vốn trên cơ sở vận động quyên góp, vận động tài trợ của các cá nhân tổ chức trong và ngoài nước theo qui định của pháp luật để thực hiện các hoạt động trao giải thưởng cho cá nhân, tổ chức có tác phẩm truyện, ký suất sắc về đề tài Nông nghiệp, Nông thôn, Doanh nhân và Văn hóa doanh nhân.

 

Đọc 5 truyện ngắn giải Tư, tôi nhận ra nó khá đồng đều; chính nó làm nên nền tảng cao cho chất lượng giải. Sực nhớ năm 1983, tôi nhận giải Khuyến khích cuộc thi của báo Văn nghệ cho truyện ngắn Đi xe ngựa chỉ mất nửa ngày đường, với bằng xác nhận một bên có chữ ký của Q.Tổng biên tập Đào Vũ, bên kia là chữ ký của Chủ tịch Hội đồng chung khảo Bùi Hiển. Ông Nguyễn Minh Châu được mời dự, lúc ăn cỗ khao của báo, ông ngồi cạnh nói, tôi thấy các giải khuyến khích lần này có cái để đọc hơn. Tôi nghe chỉ vâng, chứ không dám nói gì, tôi hiểu là ông đang khích lệ tôi, phải nói cái điều xã hội cần nghe chứ nói cái điều chỉ ông A bà B nào đó muốn, thì nói làm gì.

Bây giờ cả nhà văn lẫn Ban giám khảo đều tôn trọng tự do sáng tạo, chỉ thượng tôn duy nhất cái hay; tuy thói quen chỉ trích những tiêu cực đã có nhiều người chỉ trích cho an toàn hoặc quen ngợi ca xưa, chê trách bây giờ hẳn có ngụ ý thị trường là xấu, tệ - những thói quen ấy vẫn còn nhưng chúng tôi đã nhất trí loại khỏi giải, ngay và luôn. Cả 5 giải Tư đều bị dồn từ giải nhì, ba xuống; vì số lượng giải cao có hạn. Như các truyện Rượu bốn mươi năm, Chợ tóc, Núi cựa đã từng vào Top 10 truyện hay trong năm của báo Văn nghệ số Tết năm ngoái. Hẳn các bạn còn nhớ cái cảm giác tủi phận của ông lão cụt chân do chiến đấu bảo vệ Biên giới trong Rượu 40 năm của Bích Ngân? Ông lựa mấy quả dưa hấu đẹp bự nhất vườn mang cúng anh và cho thằng con biếu nhà vợ tương lai, lại mang chai rượu nút lá chuối chọn lựa từng hạt lúa nếp tốt nhất từ ruộng nhà chưng cất thành tâm cúng mộ anh Hai – người anh liêm khiết hy sinh cả đời cho đất nước. Đến nơi, ông thấy bì tải đựng dưa hấu vẫn buộc sau xe máy của con, còn nó đã ngồi xe sang của anh đến thăm nhà bạn gái là con một đại gia. Khi ngồi vào mâm, ông định rót chai rượu nếp, cho mọi người thụ lộc ông anh thì chúng bạn thằng cháu có thằng đưa ra chai Ballantine's 40 giá 200 triệu uống với nhau. Vậy là bây giờ lộc của bố (của anh, bác) đã mang hàm nghĩa khác, thực dụng và trên tiền một cách trắng trợn. Chợ tóc của Vũ Thị Quỳnh Trang hay đến day dứt và dư âm cứ còn xao xuyến mãi: Trong chuỗi giá trị nhà quê cung ứng cho thành phố trở nên giầu đẹp sang trọng không chỉ là lợi nhuận thương mại, không chỉ đất đai nguồn sống bị thu hẹp dành cho mở mang phát triển mà phần thua thiệt bao giờ cũng thuộc về nhà quê; ngay đến cả những mái tóc đẹp, dài óng ả của phụ nữ quê cũng trở thành món hàng để họ mang bán kiếm cái áo, manh quần hay thậm chí vở học cho đàn con nheo nhóc để nó nối dài những mái tóc tiếp xúc thường xuyên với điện và thuốc nhuộm làm hư hỏng đi; cái đẹp của nhà quê trở thành nguồn bổ sung cho cái đẹp thành phố. Ở Chợ tóc, nó còn là cái đẹp của tiết trinh thờ chồng – cái văn hóa tâm linh thuần Việt mà Vũ Thị Huyền Trang khéo léo lồng vào mái tóc vừa bị cắt bán, nó chưa mất hẳn nhưng chênh chao, nó khiến bất yên người đọc. Ở Núi cựa của Lữ Mai già giặn về bút pháp, giỏi phục tuyến nên đọc hấp dẫn cuốn hút. Thật khó đòi hỏi ở cây bút trẻ này nhiều hơn về lao động nghệ thuật, có chăng, chỉ là muốn quà tặng xứng đáng hơn với giấy gói, với công phu tình cảm khi gói quà.  Chăn voi của Trần Nguyên Mỹ, một ông giáo nghỉ hưu nhưng lại là nhà văn trẻ ở tận Sông Mã Sơn La. Truyện kể một nghệ sỹ xiếc thú về già, tài nghệ sa sút trong thời buổi khán giả nhiều trò giải trí hấp dẫn hơn. Trong xế chiều đời buồn, ông nghệ sỹ thương thân, thương bạn diễn là con voi già; cùng nó chiêm nghiệm lại từ đầu suốt cuộc toan tính mưu sinh sai lầm và thất bại. Cuộc đối thoại mà độc thoại diễn ra trong khu rừng già đã trở nên suy kiệt, không còn đủ lá và cỏ cây làm thức ăn cho voi  mà ông muốn thả nó về, ông đành chăn nó như là cách chuộc tội. Một triết luận về đời người, về mối tương quan ứng xử của người với tự nhiên nhưng có thể vận vào nhiều số phận người ở những nơi không chỉ là rừng. Hay! Trần Hậu Thịnh cũng viết về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, nhưng khốc liệt hơn. Tên lâm tặc do buôn bán gỗ lậu mà giầu, cho thuê người ngồi ở trước Trạm Kiểm lâm đợi sẵn với mở phong bì trong tay. Nửa đêm gà gáy hay bất cứ lúc nào cần, lâm tặc chỉ đạo qua điện thoại, đưa ai phong bì loại nào thì đưa loại ấy. Mấy nét chấm phá nhưng ta có thể hình dung đây là dạng mafia với mạng lưới ken đặc đến mức rừng không có cách nào sống sót. Mọi nỗ lực bắt hắn đều vô hiệu, vì hắn không trực tiếp, mọi “gặp gỡ” bàn bạc hay hối lộ hắn đều “làm” online. Lũ lụt triền miên, năm nào cũng lụt nhưng hắn và vợ con, cả con vợ bé của hắn cũng ở trong biệt phủ của mình, mọi tai họa dân đen chịu. Nhưng Lâm tặc Cẩn không bị tai họa từ lụt mà bị chính con chó berge của mình cắn rách họng mà chết. Nó tự nhiên bỏ nhà đi cả tháng, khi trở về nó đã hóa điên. Đây là đoạn kết của truyện Nước mắt của rừng: “… tôi rủ thằng Khang mua lễ vật, chờ nước rút đi lên nhà thắp hương cho ông ấy. Nhưng chúng tôi không đi mà ông đến, lừ đừ mà đến trong cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm. Mưa to quá, người ta chỉ lấp đất sơ sài, nhủ nhau để hôm cúng ba ngày xong mới ra đắp cẩn thận thành nấm. Gỗ tốt không ngấm nước, nhúm đất bùn bị nước cuốn trôi, nó từ từ nổi lên rồi theo dòng nước trôi xuôi. Tôi chỉ kịp nhận ra, hiểu ra mọi sự thì cỗ quan tài đã trôi mất hút, dù trong lòng rất muốn níu lấy nó, cột nó lại giùm, nghĩa tử là nghĩa tận.”

Trong hai giải Ba, bút ký Thương thay hạt nếp cái hoa vàng của làng và truyện ngắn… dài Chuyện tình rong biển, chúng tôi xin nói ngay, bài ký của Lê Công Hội khá hơn truyện của Lê Đức Hân. Làng Gang có đặc sản lúa nếp cái hoa vàng từng có mặt trong Vân đài loại ngữ của cụ Lê Quý Đôn. Do ấu trĩ, người ta thậm chí không đặt câu hỏi tại sao chỉ 3 ha đồng Sau nếp cái hoa vàng mới đặc biệt như thế, còn cấy trên những cánh đồng còn lại của làng cũng thơm nhưng không còn sự khác biệt độc đáo nữa. Chỉ nghe nói đồng cao, tốn công tát nước bèn bàn nhau hạ độ cao, gạt đất mầu đất thịt sang một bên, xúc lớp cát vàng cát đen làm vật liệu xây dựng rồi san đất trở lại. Vậy rồi, sau khi cái cấu trúc thổ nhưỡng trầm tích nguyên thủy của cánh đồng Sau bị cái ấu trĩ hồn nhiên phá vỡ, chất lượng gạo nếp cái hoa vàng cũng mất hết giá trị vốn có. Bây giờ, người ta đang tìm đủ cách phục tráng giống và và thổ nhưỡng, nhưng “bao giờ cho đến tháng Mười?” vì học được sự kỳ diệu của tự nhiên trong việc tạo ra các vi lượng trong đất ngàn năm không thể không mất nhiều chục năm, nếu chưa nói là khó như tìm đường lên giời!

Truyện của Lê Đức Hân lại nhằm phục tráng lại nhân tính sau khi con người bị giặc ghép chíp để phục vụ cho âm mưu biến Tâm – một thầy giáo tự nguyện ra đảo xa dạy học, thành nội gián khi cần. Tai họa xẩy ra thuyền câu mực của Tâm gặp bão, thầy bị chấn thương và nằm hôn mê trong bệnh viện nước ngoài. Khi về được đơn vị, thầy được giải phẫu tháo chíp. Nhưng các bác sỹ chưa có kinh nghệm đối phó với kẻ thù thâm hiểm, khi gắp cái chíp ra, những móc câu của chân chíp cũng móc hệ thần kinh ký ức của Tâm bị đứt gẫy, thầy trở thành bệnh nhân mất trí nhớ. Cô học trò năm xưa, đã yêu người thầy đầu tiên của mình; cả chục năm sau, Trực đã thành cô giáo rồi hiệu trưởng một trường cấp 3. Quá trình ra đảo tìm thầy, tìm thấy thầy lại tìm cách phục hồi ký ức cho thầy gian nan, phi phỏng, khiến người đọc không thể không tiếp tục lo lắng cùng nhà văn. Cuối cùng, cùng với cú chấn thương sọ não như một phép diệu kỳ, sau mấy ngày hôn mê sâu, hệ thần kinh ký ức của thầy Tâm đã vô tình gặp được nhau như phép mầu của tạo hóa, phép mầu của tình yêu với những nỗ lực của con người mang tình yêu ấy.

Tiếc rằng cả hai giải Ba này đều dài, mỗi cái dài mỗi kiểu.

Giải Nhì thứ hai được trao cho chùm bút ký của nhà văn Lê Ngọc Minh, ông gửi nhiều, cả tập. Là nhà văn đã thành danh, văn Lê Ngọc Minh chân phương, giản dị, ý tứ chuẩn chỉnh. Ông không tránh né nỗi bức xúc lo lắng của toàn xã hội về chương trình giáo dục nặng nề, muốn nhẹ bớt hành trang để trẻ được phát triển cả thể chất lẫn năng lực tư duy. Nhẹ nhàng nhưng có sức lay động lớn, Lê Ngọc Minh viết về nền dạy học của tiền nhân (Đất học) ở làng Bột Thượng – còn được gọi là làng Quan Trạng, được vua phong 4 chữ Địa linh nhân kiệt chép trên cuốn ở cổng làng. Chỉ một chi tiết: Quan thượng thư chỉ đỗ Cử nhân, ghét Hoàng giáp Nguyễn Bá Nhạ vì ông trực ngôn, về làng bị ngồi chiếu dưới (ở làng này “trọng khoa hơn trọng hoạn”) bèn đưa ông đi dẹp giặc cỏ, sau hối cho người gọi về. Ông không về, còn nói: “Chết thằng Nhạ không chết Hoàng giáp”. Chỉ một chi tiết ấy thôi, nó cho biết cái học và cái dạy ngày xưa đạt hiệu quả thế nào! Trong Bạn lính, Lê Ngọc Minh cũng nhẹ nhàng tôn vinh những con người trọng tài và trọng tình sống với nhau, thủy chung vì nhau và cùng nhau vì cái tốt đẹp cho đất nước. Nói chung, các tác phẩm của ông không gây hiệu ứng tức thời mà âm thầm, lặng lẽ, lan tỏa.

Giải Nhì thứ nhất được trao cho Mái tranh nghèo của mẹ của Đặng Chương Ngạn. Cái đáng nói đầu tiên về cây bút còn chưa mấy tên tuổi này là nói được điều xã hội cần nghe, nó được gói trong cấu trúc vững vàng và “thuộc” diễn biến tâm lý,  đặc biệt là thuộc ngôn ngữ nhân vật. Đây là điều nhiều nhà văn, sau lý thuyết diễn ngôn bập bõm nhập vào đã bất chấp, khiến truyện của họ khiên cưỡng, thiếu sức thuyết phục. Tôi thất nghiệp, công ty gần như phá sản, nợ nần. Tôi nhận được cú điện thoại của Thể - một tay Trưởng ban quản lý dự án thủy điện tham ăn và ăn tạp mà thành tục danh “Thể cá tra”. Thể gọi cho tôi, chẳng qua là gói thầu phụ đường dẫn vào công trình “đi” qua suối đã ba nhà thầu bỏ của chạy lấy người vì bị tai nạn chết người, bị gẫy cần cẩu hình như do yếu tố tâm linh; lại không thể thuê được cẩu lớn đủ sức đưa dầm cầu qua suối. Tôi đã vận dụng kinh nghiệm lao dầm cầu từ thời chiến tranh, là ghép các thùng phuy làm phao, đắp đập để nước nâng phao mà đưa dầm qua, lần lần. Nhưng khi đưa máy đào xúc đến thì xúc phải sọ người chết. Tôi xuống hố xem thì biết đó không phải một mà là hai hài cốt, một đội mũ sắt USA, một mũ cối. Hai hài cốt ôm nhau, có thể hình dung trước khi nằm đây, họ đã vật lộn, đã dâm dao vào ngực người kia rồi cùng rơi từ mép núi mỏ quạ trên cao 20 m xuống, vẫn còn chưa rời nhau. Tôi đã cho mua quan quách, cho người tắm rửa hài cốt bằng rượu, nhưng kỳ lạ là hai bộ hài cốt cứ không chịu rời nhau. Xin âm dương để bỏ sang bên mũ sắt, không cho; xin bỏ sang mũ cối, cũng không cho. Chỉ đến khi xin rằng cứ để nguyên hiện trạng thì cả ba lần hai đồng xu đều tít mù quay rồi khi ngừng thì đều một sấp một ngửa. Quá trình tắm sửa cát táng bộ hài cốt đôi, tôi nghe dân sở tại để biết ngày xưa có hai trung đoàn đánh nhau tại đây, có hàng trăm bộ hài cốt còn chưa được quy tập. Tôi nói với Thể cá tra, tôi chỉ thi công tiếp nếu bên A cho quy tập toàn bộ hài cốt; nhưng kẻ ô trọc chỉ biết đến tiền và ngày khởi công thủy điện. Và, vì không thể thi công trên những nấm mộ còn nằm dưới đất, tôi đã chọn chịu vỡ nợ, chịu vào tù chứ không chọn tiền. Tôi đã bán cái đồng hồ lấy tiền đưa cho Hiệp, tay kỹ sư – Grab mà tôi vừa tuyển dụng:

 “Cái này không đủ để em thực hiện giấc mơ: trở về nhà với nhiều tiền trong túi, dựng lại ngôi nhà cho mẹ, nhưng có thể giúp em đủ tiền mua vé về nhà, đủ tiền sửa lại mái tranh cho mẹ. Em hãy ở với mẹ một thời gian rồi đi tìm một công việc mới!”

 (…) Năm đó, tôi đã ngoài năm mươi, lại một lần tay trắng và sắp bước chân vào tù vì nợ nần…

Truyện kết thúc như vậy, dứt khoát, nghĩa hiệp như một thái độ thẩm mỹ. Có ý kiến cho rằng, mô typ hai người lính vật lộn nhau đến chết này quen quen. Vâng thì nó quen, nhưng gốc quen này trồi thành hai cây mỹ cảm khác hẳn nhau. Cây kia mang chứa cái kết cục, cây này vừa mang chứa sự phát triển vừa gợi nhắc một vấn đề khác nữa; để không thể cứ thản nhiên vô cảm mà phát triển.

Với suy nghĩ như thế, chúng tôi thống nhất trao giải cao nhất trong hệ thống giải chính thức Quỹ Nhà văn Lê Lựu lần thứ ba cho Mái tranh nghèo của mẹ. Chúng tôi tin nó, cùng chất lương các tác phẩm nhận giải lần này sẽ chung sức vun bồi cho “văn hóa Doanh nhân” – nét văn hóa đạo đức rất cần trở thành nền tảng của phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài hệ thống Giải chính thức, Ban giám khảo Quỹ Lê Lựu còn trao Giải thưởng đặc biệt cho tác phẩm Ở quê ngày ấy của Nhà văn Lê Lựu như một lời cảm ơn của Quỹ đối với người sáng lập Quỹ Nhà văn Lê Lựu trong lúc ông ốm đau.

   

BAN CHUNG KHẢO GIẢI THƯỞNG QUỸ NHÀ VĂN LÊ LỰU

(Lần thứ ba, 2021)

- Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Chủ tịch Quỹ giải thưởng văn học Lê Lựu, Trưởng ban

- Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập Báo Văn nghệ, ủy viên

- Nhà văn Văn Chinh, ủy viên

- Nhà văn Hà Nguyên Huyến, ủy viên

- Nhà báo Trần Thị Hoài - Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Doanh nhân, Thư ký Ban Chung khảo

Nhân đây, Ban điều hành Quỹ nhà văn Lê Lựu thông báo: Quỹ Nhà văn Lê Lựu tiếp tục phát động cuộc thi viết truyện ngắn (không nhận ký và các thể loại khác) đề tài Văn hóa doanh nhân; Nông nghiệp - nông thôn Việt Nam lần thứ 4 năm 2021-2023. Bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ tháng 6/2021. Mong rằng cuộc thi tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đông đảo cây bút trong khắp mọi miền của tổ quốc.

CÁC TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ ĐOẠT GIẢI QUỸ NHÀ VĂN LÊ LỰU LẦN THỨ BA, 2021

Giải đặc biệt (trị giá 50.000.000đ):

Tác giả: Lê Lựu

Tác phẩm: Ở quê ngày ấy
 

Giải Nhì (trị giá 20.000.000đ)

1. Tác giả: Lê Ngọc Minh

Tác phẩm: Đất học; Bạn lính

2. Tác giả: Đặng Chương Ngạn

Tác phẩm: Mái tranh nghèo của mẹ

 

Giải Ba (trị giá 15.000.000đ)

1. Tác giả: Lê Công Hội

Tác phẩm: Thương thay hạt nếp cái

                  hoa vàng của làng

2. Tác giả: Lê Đức Hân

Tác phẩm: Chuyện tình rong biển

 

Giải Tư (trị giá 10.000.000đ)

1. Tác giả: Lữ Mai

Tác phẩm: Núi cựa

2. Tác giả: Vũ Thị Huyền Trang

Tác phẩm: Chợ tóc

3. Tác giả :Trần Nguyên Mỹ

Tác phẩm: Chăn Voi

4. Tác giả: Trần Hậu Thịnh

Tác phẩm: Nước mắt của rừng

5. Tác giả: Bích Ngân

Tác phẩm: Rượu 40 năm


Nguồn Văn nghệ số 23/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây