Khác biệt của Nguyên An chính là ở chỗ anh không chỉ thực hành, mà về lí thuyết, sau khi cung cấp những chân dung nho nhỏ theo dạng vắn tắt về các nhà văn Việt Nam trong nhà trường, anh có cả một luận án tiến sĩ về chân dung văn học, bảo vệ tại khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1993. Với tư cách là một nhà khoa học nghiên cứu về chân dung, Nguyên An (Nguyễn Quốc Luân) đã khẳng định trong luận án của mình mấy luận điểm vô cùng quan trọng về chân dung văn học. Chân dung văn học xét về thể loại, đó là loại bút kí, sáng tác văn chương. Xét trong lịch sử Văn học Việt Nam, những loại như Thơ vịnh nhân vật, Thơ điếu, Thơ tự vịnh, vè, câu đối, văn tế, văn xuôi tự sự (liệt truyện, tiểu thuyết) đều thuộc về chân dung văn học. Chân dung văn học là một dạng đặc biệt của phê bình văn học. Nhà nghiên cứu chia ra có loại chân dung văn học viết chủ yếu về cuộc đời nhà văn. Lại có loại chân dung văn học viết chủ yếu về sáng tác của nhà văn. Chân dung văn học là thể văn bộc lộ rõ nét chất chủ quan của người viết.
Theo dõi các tác phẩm của Nguyên An cho thấy, càng ngày tác giả càng hoàn thiện các chân dung văn học theo đúng những gì mà anh nghiên cứu về mặt lí thuyết và tổng kết các cách viết chân dung trong lịch sử văn học nước nhà: Tuổi xuân những trang thơ những cuộc đời (1990); Nhà văn của các em (1995); Kể chuyện tác giả văn học nước ngoài (1996); Mảnh vườn văn (2000); Một thoáng văn nhân (2004); Chân dung văn học Việt Nam (2010); Phiên bản văn nhân (2010); Người thường gặp (2015); Có một vùng văn học trên quê hương Việt Nam (2018); Sương lại càng long lanh (2020).
Trong tập sách mới nhất này, Nguyên An đã như một họa sĩ vẽ chân dung bằng chất liệu “ngôn từ”, trưng bày một galery gồm 29 bức chân dung của các nhà văn cầm súng và cầm bút, từ thời kì kháng chiến chống Pháp qua kháng chiến chống Mỹ. Đó là các nhà văn Thôi Hữu, Chính Hữu, Quang Dũng, Trần Hữu Thung, Vũ Cao, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Trần Quang Long, Đỗ Chu, Nguyễn Minh Châu, Lê Văn Thảo, Lê Chí, Anh Động, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Anh Ngọc, Nguyễn Trác, Nguyễn Trọng Tạo, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Bảo, Lê Thành Nghị, Nguyễn Hoa, Lê Huy Mậu, Nguyễn Bắc Sơn, Vũ Oanh, Văn Lừng, Lê Anh Dũng. Không phải là tất cả trong số đó đều là các nhà văn mặc áo lính, nhưng như thế cũng là một đóng góp to lớn, nổi bật của Nguyên An về các nhà văn - chiến sĩ nổi bật trong dòng chảy văn học Cách mạng Việt Nam ở gia đoạn này.
“Viết công trình nghiên cứu về mỗi nhà văn chiến sĩ có vẻ như dễ hơn viết mươi trang chân dung văn học về một người như thế”. Vì sao? - “Tôi cứ đọc những gì họ viết ra, đọc thêm những nhà nghiên cứu và một số bài ghi chép, báo chí… viết về họ rồi bằng các thao tác khoa học, là có thể trình ra một văn bản mấy chục trang về thân thế sự nghiệp cùng vị thế của họ rồi” (Cùng đi với những giọt sương long lanh, Thay Lời nói đầu, trang 6).
Vậy là chọn viết chân dung văn học, Nguyên An đã tự làm khó cho mình. Nhưng biết làm sao khi thể loại đã chọn người. Cứ vào ngày tháng ghi dưới những chân dung đầu tiên và sau cùng thì thấy sớm nhất trong cuốn sách này là 1988 (Chân dung Thôi Hữu, Nguyễn Mỹ, Trần Quang Long) và muộn nhất là năm 2019 (Chân dung Anh Động). Thế nghĩa là việc dựng 29 chân dung này diễn ra trong vòng 31 năm.
Là người nghiên cứu lí thuyết về thể loại chân dung, Nguyên An đã vận dụng sáng tạo và linh hoạt vào công việc phê bình. Đây là thể bút ký, có tính chất sáng tác. Đồng thời lại là dạng đặc biệt của phê bình văn học. Các chân dung mà Nguyên An dựng đều có yếu tố về cuộc đời và yếu tố về tác phẩm, sáng tác của nhà văn. Tuy thế sự kết hợp này rất linh hoạt. Ví dụ như về sáng tác của nhà văn Nguyễn Bảo, người viết chỉ tập trung nói về tiểu thuyết Trang trại có ma. Nhà thơ Hữu Thỉnh với những tập trường ca và thơ xuất sắc, Nguyên An chỉ tập trung Nhận diện Hữu Thỉnh qua tập “Lý do của hi vọng”. Với Vũ Oanh, tập trung vào tiểu thuyết Bác sĩ trường khoa. Với Thôi Hữu, nhà thơ đã hy sinh năm 1950, thì Nguyên An tìm đọc các báo, các hồi ký, nhận xét của người cùng thời để vừa dựng chân dung người thanh niên “hăm hở mà khoan thai, từng trải mà hiền hậu, sâu sắc mà độ lượng”, vừa phân tích đánh giá những vần thơ của tác giả, đặc biệt là bài thơ nổi tiếng Lên Cấm Sơn với câu thơ ấn tượng “Bộ đội cười lên tươi như hoa”...
Không ít các tác giả, Nguyên An có dịp tiếp xúc, gặp gỡ nên khi viết chân dung, những kỷ niệm cứ tự nhiên đi vào trang viết, khiến người đọc như chứng kiến những giây phút đời thường sinh động. Đấy chính là nét độc đáo về cuộc đời nhà văn mà phần lớn độc giả khó có cơ hội tiếp cận.
Đỗ Chu bảo Nguyên An sau cái vỗ vai: “Chú cứ ngơ ngơ lại nghiêm nghiêm, chả ra thằng làm thơ, chả ra một ông giáo gì thế!”. Nguyễn Bảo nghe câu hỏi thì “ông cười nhũn nhặn: Tớ mải viết được có chừng đó, anh em đọc cho là sướng âm ỉ rồi, lại có chút đồng ra đồng vào, hà hà, làm một li nữa nhé!”. Với nhà văn Lê Văn Thảo, Nguyên An kể say sưa về những lần gặp gỡ, trò chuyện với nhà văn đàn anh đáng kính. Chỉ một câu nói mà rõ tính cách anh Hai Nam Bộ: “Bận thấy mẹ, mà không ra không được, có việc gì vậy mày?”. Chân dung Nguyễn Bắc Sơn có lẽ là bức chân dung lớn nhất trong tập với độ dài 22 trang in. Ngoài những câu chuyện dẫn dắt, Nguyên An tập trung làm nổi bật “đối thoại chính trị” trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn. Vì phải phân tích Lửa đắng, Luật đời & cha con, Gã tép riu, Vỡ vụn, Cuộc vuông tròn nên bài mới dài thế chăng? Chi tiết thú vị về nhân vật nữ tại tòa khi li hôn. Anh chồng nói: “Tôi từ bỏ gái mại dâm chính khách để đến với gái gọi”. Tòa đòi phân biệt. Anh chồng đáp: “một bên từng bán trôn nuôi miệng (gái gọi – VN chú), một bên… đang bán miệng nuôi trôn! Phiên tòa nhốn nháo, rồi lặng phắc, thoắt cái, lại ồn lên rất nhanh. Diệu Thúy, tên nhân vật nữ kia “bật người lên, xông lại, tung một cú đá song phi làm Tùng (anh chồng bị cắm sừng), ngã vật ra, mặt đập vào thành ghế trước khi đổ ập xuống sàn nhà”.
Bạo liệt như một màn kịch. Không ai đoán trước kết cục này”.
Không phải bức chân dung nào cũng ấn tượng, cũng thành công như nhau. Nhưng vì đã “có nghề” nên chân dung nào cũng có nét riêng. Đúng như nhà lý luận, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Luân, tức Nguyên An từng khẳng định “chân dung văn học là thể văn bộc lộ rõ nét nhất chất chủ quan của người viết”. Chân dung các nhà văn chiến sĩ này được dựng đậm chất chủ quan Nguyên An, những hiểu biết của Nguyên An về cuộc đời, tác phẩm của mỗi người, và cả những kỷ niệm riêng về họ. Bởi thế mà vẫn là nhà văn đó thôi, nhưng ở Nguyên An, bạn đọc thấy một góc độ khác, không hoàn toàn giống như chân dung trong sách của các tác giả khác. Điều đó thật bổ ích, vì qua các cách dựng, cách tiếp cận khác nhau, bạn đọc sẽ có cái nhìn đa chiều, phong phú và đầy đủ hơn về nhà văn mình yêu quý.
Nguyên An, nhà văn có tố chất của một nhà nghiên cứu, lại có tố chất của một người viết bút ký văn học, bởi vậy mà tất cả sự nghiệp phê bình văn học, tác giả chỉ tập trung vào việc viết chân dung và gặt hái được những thành công. Thiên hạ hay nói chuyện việc chọn người. Với trường hợp Nguyên An thì quả là chí lí!
Tác giả: Vũ Nho
Nguồn Văn nghệ số 24/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên